Ảnh bởi
Datingscout
trên
Unsplash
Hãy thử nghĩ lại về ngày hôm qua của mình, và bạn sẽ thấy rằng những thứ xung quanh chẳng có gì đáng lưu tâm. Những việc như là hai chú công an ở góc phố đang xử lý một vụ đâm xe, một ông bố đưa con đi học với lũ bạn đồng trang lứa, một gia đình ngày ngày chăm sóc bà cụ lớn tuổi trong nhà, một nhóm người đi du lịch khắp các vùng đất xa xôi. Những thứ như vậy được chúng ta cho là hiển nhiên, như những quyền lợi có sẵn được gắn kèm với xã hội. Nhưng những thứ chúng ta có ngày nay có thể là những thứ không tưởng hoặc trái ngược hoàn toàn so với những xã hội truyền thống.
Trong cuốn Thế giới cho đến ngày hôm qua, tác giả Jared Diamond đã nêu ra nhiều ví dụ về những xã hội truyền thống, nhằm cho chúng ta thấy được cách sống của họ đã làm nền tảng, đã tiến hoá hay thay đổi thế nào so với cách sống của xã hội hiện đại ngày nay. Ở đây, Jared Diamond đã lấy ví dụ về những xã hội truyền thống là những xã hội mang tính bộ lạc và sống bằng việc săn bắt hái lượm, sống ở New Guinea, châu Phi, Alaska, Siberia, Úc, Phillipines. Họ có những phong tục mà chúng ta có thể học hỏi, và cũng có những phong tục mà chúng ta sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng phong tục đó không còn tồn tại ở xã hội hiện đại nữa.

“Chúng ta” và “chúng nó”

Sự phân chia giữa các xã hội truyền thống hay các bộ lạc khác nhau bắt đầu từ sự phân chia đất đai, hay còn gọi là phân biệt giữa chúng ta và chúng nó. Việc phân chia lãnh thổ này buộc các xã hội khác nhau tôn trọng mong muốn của nhau để không nổ ra chiến tranh. Có 2 loại lãnh thổ: lãnh thổ không dùng chung và lãnh thổ dùng chung. Có thể kể đến một vài điều kiện để phân loại 2 khái niệm này như sau:
Lãnh thổ không dùng chung: 
- Những phần đất đai có giá trị cao về tài nguyên, môi trường ổn định và quan trọng về vị trí chiến lược.
- Bộ tộc có đủ nhân lực để có thể tuần tra thường xuyên.
- Các cá nhân ở những khu vực này có tính ổn định về lòng trung thành với bộ lạc.
Lãnh thổ dùng chung: 
- Dân số ở lãnh thổ này ít và thưa, không đủ nguồn lực để tuần tra.
- Đất đai cằn cỗi ít giá trị, không đáng để hy sinh nhân lực cho việc bảo vệ.
- Các cá nhân thường xuyên thay đổi bộ lạc và di chuyển giữa các bộ lạc thường xuyên.
Một người canh gác lãnh thổ bộ lạc (nguồn: Arab News)
Một người canh gác lãnh thổ bộ lạc (nguồn: Arab News)
Trong xã hội truyền thống, các thuật ngữ như “bạn bè”, “kẻ thù” và “người lạ” có ý nghĩa hoàn toàn khác so với các xã hội hiện đại. Trong xã hội truyền thống, “bạn bè” là thành viên của bộ tộc của bạn và những người thuộc các làng và bộ tộc thân thiện láng giềng. "Kẻ thù" là thành viên của các bộ tộc có quan hệ thù địch với bộ tộc của bạn. Và "người lạ" là những cá nhân mà bộ tộc của bạn không hề biết đến hay có mối liên hệ nào. Trong những xã hội truyền thống này, tình bạn luôn luôn có mục đích. Việc đến thăm ai đó chỉ vì lý do tình bạn không hề tồn tại với họ. Diamond mô tả rằng vì các xã hội hiện đại vô cùng rộng lớn về quy mô nên nền tảng của tình bạn là mối quan tâm chung và sự quý mến từ hai bên. Các xã hội truyền thống, chủ yếu là các bộ tộc, không có kiểu tình bạn đó.
Diamond kết luận phần rằng các xã hội truyền thống trong quá khứ và những xã hội truyền thống tồn tại được đến thời hiện đại giống như các quốc gia thu nhỏ. Lãnh thổ được duy trì và bảo vệ, khách được tiếp nhận và người dân được phép đến thăm nơi khác.

Chiến tranh và hoà bình

Diamond lấy ví dụ về một cậu bé bị ô tô đâm ở New Guinea. Sau khi tìm hiểu, phần lớn lỗi là do đứa trẻ đã không để ý quan sát trước khi băng qua đường. Tuy nhiên, công ty của người tài xế đã phải trả tiền bồi thường cái chết cho gia đình cậu bé. Khi cậu bé bị đâm, quan hệ giữa tài xế và gia đình cậu bé từ người lạ biến thành kẻ thù. Mục đích của khoản tiền bồi thường ở đây là khôi phục lại mối quan hệ người lạ trước đây, nhằm tránh được trường hợp người nhà cậu bé cố giết người tài xế để trả thù. Khoản tiền này còn có mục đích an ủi, như nói với gia đình rằng sự mất mát của họ còn lớn hơn những gì có thể trả được bằng tiền rất nhiều.
Có thể chúng ta thấy lạ do không có sự can thiệp của pháp luật, cảnh sát, toà án ở đây. Nhưng ở nơi xảy ra vụ tai nạn này, mọi người phần lớn biết nhau. Do khoảng cách di chuyển ngắn hơn, vì vậy họ và gia đình họ có thể quen biết những người trong thị trấn của mình và có thể là những thị trấn lân cận. Đó là lý do tại sao việc khôi phục các mối quan hệ lại vô cùng quan trọng. Phép vua vẫn thua lệ làng.
Với chúng ta ở xã hội hiện đại, những người vượt qua ranh giới của pháp luật sẽ bị hệ thống pháp luật trừng phạt thông qua một chính quyền sở hữu quyền lực và hệ thống pháp lý, ngoài ra chúng ta có thể sẽ không bao giờ gặp lại người đó nữa. Vì vậy nhu cầu về phục hồi mối quan hệ rất thấp. Chúng ta tin rằng chính phủ sẽ xử lý những người vi phạm pháp luật, và đảm bảo rằng chúng ta không phải lo sợ về việc tính mạng hay tài sản của chúng ta bị đe doạ.
Nói tóm lại, ở xã hội hiện đại, hệ thống pháp luật phục vụ như một bên thứ ba, nhằm tiêu chuẩn hoá các hành vi xã hội và quy trình xử lý tranh chấp, làm bên trung gian hoà giải giữa các bên, đưa ra và thực thi các hình phạt. Còn ở xã hội truyền thống, tự các thành viên hoà giải với nhau, với rủi ro về bạo lực sẽ bùng phát giữa các bên.
Trong xã hội truyền thống, có nhiều tình huống mâu thuẫn mà hoà giải không thể thành công. Từ đó nảy ra nhu cầu chiến tranh. Diamond định nghĩa chiến tranh là tình trạng bạo lực tái diễn giữa các nhóm thuộc các đơn vị chính trị thù địch, và được chấp thuận bởi các đơn vị chính trị đó. Diamond nói rằng lý do bắt đầu của chiến tranh giữa các bộ tộc thường là do bộ tộc đang phát triển quá lớn và họ cần thêm đất và tài nguyên. Việc mở rộng lãnh thổ này cho phép họ tự bảo vệ mình trước những biến cố khó lường như thiên tai và mất mùa hoặc các các cuộc chiến tranh khác. Từ đó, nhiều cuộc chiến tranh tiếp nối, với mục đích là trả thù cho những người đã chết. Một vòng lặp không hồi kết.
Tác giả có lấy một vài ví dụ về số thương vong trong chiến tranh giữa các bộ tộc. Đơn cử như cuộc chiến của người Dani có số thương vong là 2500 người, chiếm tỉ lệ là 5% dân số. Nếu nghe qua thì 2500 là một con số rất bé, nhưng nếu nói về tỉ lệ, thì đây là một con số khổng lồ. Nó tương đương với việc quả bom nguyên tử ở Hiroshima đã phải giết 4 triệu người thay vì 100000 người, hay là vụ 11/9 đã phải giết 15 triệu người Mỹ thay vì 2996 người. So với chiến tranh ở xã hội truyền thống, chiến tranh hiện đại không thể so bì nếu nói về mặt tỉ lệ thương vong nhân mạng.
Mâu thuẫn giữa con người với nhau và bản chất muốn trả thù vẫn luôn tồn tại ở con người, vậy nên chúng ta hãy cảm thấy may mắn vì xã hội hiện đại đã có nhiều cơ chế nhằm đảm bảo hoà bình, cả về mặt vĩ mô như hoà bình giữa các quốc gia, đến tầm vi mô như giữa các cá nhân trong xã hội.

Trẻ và già

Trong những xã hội truyền thống, trẻ em chiếm đến hơn một nửa dân số, vậy nên hiểu được quá trình nuôi dạy trẻ em sẽ định hình được việc hiểu xã hội truyền thống.
Ở xã hội hiện đại, người phụ nữ khi đến thời điểm sinh nở sẽ được giúp đỡ bởi bác sĩ, những người có chuyên môn về y học. Còn ở những xã hội truyền thống, họ thường nhận được khá ít sự giúp đỡ. Có nơi thì người mẹ sẽ phải tự sinh con mà không có ai bên cạnh, ở địa điểm cách xa nhà ở. Có nơi thì người mẹ được những người phụ nữ khác trong cộng đồng giúp đỡ. Dù sao thì, với trình độ y tế chưa phát triển, tỷ lệ chết khi sinh của người mẹ thường khá cao.
Khi đã sinh được con ra rồi, một vấn đề khác được đặt ra: có nên giữ đứa bé này trong cộng đồng hay không. Đây là tập tục giết trẻ sơ sinh được nhiều bộ tộc thực hiện. Những đứa bé khuyết tật ốm yếu sẽ bị coi là tốn tài nguyên và không có tiềm năng sản xuất thực phẩm trong tương lai, và có thể sẽ bị giết nhằm bớt đi một miệng ăn trong cộng đồng. Ngoài ra, do thời gian giữa hai lần sinh nở ở phụ nữ xã hội truyền thống khá ngắn, nên việc một người mẹ phải nuôi một đứa 2 tuổi và một đứa mới sinh là không hiếm. Khi đó, người mẹ rất có thể không có đủ sữa để nuôi cả hai. Việc này đặt cả hai đứa con và người mẹ vào rủi ro về sức khoẻ và dinh dưỡng, vì vậy giải pháp là giết một đứa nhằm cứu được mẹ và đứa còn lại. Sau đó người mẹ có thể có được những lần sinh nở tiếp theo.
Tập tục giết trẻ em (nguồn: Wiki)
Tập tục giết trẻ em (nguồn: Wiki)
Ngoài ra, việc nuôi con trong các xã hội truyền thống khá khác nhau. Người ta thấy rằng ở một số bộ tộc, trẻ em không ngừng tiếp xúc thân thể với mẹ của chúng, người chăm sóc mọi nhu cầu của chúng. Ăn, ngủ và sống ngay gần mẹ là một thực tế phổ biến ở nhiều bộ tộc. Có một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ, trong những trường hợp này thường có người thân khác đảm nhiệm nghĩa vụ nuôi dưỡng đứa trẻ, như là cô dì, chú bác, ông bà, anh chị em. Trong khi đó, những người cha dường như có vai trò ít nổi bật hơn trong thời thơ ấu của lũ trẻ. Điều này là do các ông bố thường bận đi săn kiếm thức ăn cho bộ tộc. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ sơ sinh (bé trai) đã đủ lớn, nó được nhận làm một thành viên trong "hội đàn ông" của bộ tộc. Cậu bé sẽ được học các kỹ năng săn bắn của bố và các bác trai trong bộ tộc mình, để mẹ rảnh tay nuôi dưỡng các em nhỏ hơn.
Ở xã hội truyền thống, phản ứng khi trẻ sơ sinh quấy khóc và trừng phạt thể xác với trẻ có nhiều khía cạnh khác biệt so với xã hội hiện đại. Đã có nhiều cuộc tranh luận về cách xử lý trẻ khóc và liệu sự trừng phạt có nên được cho phép. Ở nhiều bộ tộc, người mẹ sẽ lập tức dỗ dành khi bé khóc, còn nhiều người phương tây thì quan niệm rằng cứ để nó khóc chán rồi sẽ im, và việc dỗ dành sẽ làm hư trẻ. Còn về việc trừng phạt thân thể, chẳng hạn như đánh đòn và mắng mỏ, có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia. Một số bộ tộc trừng phạt con trẻ bằng bạo lực khi chúng không nghe lời, một số thì mắng mỏ bằng lời, một số thì không cho phép quy tội trẻ em do quan niệm chúng chưa đủ trí khôn để nhận thức được trách nhiệm. Còn ở phương tây, phần lớn các quốc gia đều ngăn chặn việc trừng phạt thể xác ở trẻ em qua các cơ chế luật pháp.
Quyền tự chủ của trẻ, tương tác nhiều độ tuổi và giáo dục trẻ em cũng được tác giả đề cập. Một trong những câu hỏi được đưa ra ở đây là: "trẻ em nên được tự do và khuyến khích khám phá thế giới tới đâu?". Thường thì các xã hội truyền thống áp dụng phương pháp nuôi dạy trẻ theo kiểu tự do hoàn toàn. Trẻ em được thử và sai mọi thứ: chúng được trèo cây và bị ngã, chúng được sờ vào lửa và bị bỏng, chúng được phá tổ ong và bị ong đốt, chúng được thử đánh nhau với bọn trẻ lớn hơn và bị ăn đòn nhừ tử. Nhờ thế mà chúng học được nhiều điều đúng sai ở môi trường xung quanh, với rủi ro về thương tích. Ở các xã hội phương tây, thường thì trẻ em được bảo vệ có phần thái quá. Có vài bộ tộc cân bằng được điều này: cho phép trẻ khám phá thế giới, với sự giám sát nhất định từ người lớn: trẻ được tự do câu cá, nhưng chỉ được phép ở gần bờ, hay trẻ được phép học bắn cung, nhưng với bộ cung nhỏ và mũi tên không nhọn. Và cách thức tự do trong khuôn khổ này cũng đang được nhiều bậc cha mẹ hiện đại áp dụng.
Trẻ em ở nhiều bộ tộc được học săn bắn từ sớm (nguồn: The Guardian)
Trẻ em ở nhiều bộ tộc được học săn bắn từ sớm (nguồn: The Guardian)
Ngoài ra, ở xã hội hiện đại, trẻ em bị tách biệt theo các nhóm tuổi. Các bé cùng tuổi sẽ đi học cùng lớp và tương tác với nhau. Còn ở xã hội truyền thống, trẻ em mọi độ tuổi chơi với nhau một cách tự do. Ở các nhóm đa tuổi, trẻ em được học với những trẻ trưởng thành hơn và học cách tương tác và chăm sóc trẻ bé hơn. Ở nhiều bộ tộc, các thiếu niên khi trở thành cha mẹ đã có nhiều năm chăm sóc trẻ em nhờ những trải nghiệm thời nhỏ. Dù sao thì điều này nghe có vẻ kỳ lạ đối với phương tây hiện đại, vì khi nhìn vào toàn cảnh của hệ thống giáo dục, việc để lẫn trẻ em ở nhiều độ tuổi là việc không tối ưu ở mặt quản lý và phát triển tài nguyên con người với quy mô dân số khổng lồ. Hệ thống giáo dục sẽ kỳ vọng trẻ em đạt được một mức kiến thức và kinh nghiệm nào đó ở một độ tuổi nhất định, và hệ thống giáo dục theo độ tuổi sẽ chuẩn hóa điều này. Việc trộn lẫn độ tuổi sẽ tạo ra một số bất cập như việc xuất hiện những người đạt tuổi trưởng thành nhưng không đáp ứng đủ mức kiến thức và kinh nghiệm để chịu trách nhiệm cho việc trưởng thành đó.
Còn về phần người già, các xã hội hiện đại và truyền thống có nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Ở phương tây, nhiều người già sẽ bị con cái gửi tới viện dưỡng lão và được thăm nom định kỳ. Ở một số nước khác thì người già sẽ ở cùng con cháu và được chăm sóc cho đến khi qua đời. Còn với các xã hội truyền thống, ngoài việc người già ở cùng con cháu vốn đã thông dụng, còn có cả việc ruồng bỏ hoặc giết chết người già.
Các xã hội truyền thống rất để tâm đến giá trị của người già. Khi một người già đi, họ trở thành gánh nặng của xã hội truyền thống. Họ không còn khả năng lao động nhằm tạo ra thức ăn và của cải. Họ cần trợ giúp từ người khác trong các hoạt động thường ngày. Họ tiêu thụ cả thức ăn và sức lao động, mà không tạo ra được thêm của cải gì. Với những xã hội truyền thống, mối lo về thức ăn là gánh nặng hàng ngày, và mỗi người già tồn tại là thêm rủi ro chết đói cho những thành viên trẻ khoẻ còn lại. Nhưng bù lại, ở những xã hội này, người già là nguồn tri thức vô cùng quý báu. Do không có sẵn sách vở, tất cả những kinh nghiệm và kiến thức về thế giới xung quanh đều nằm trong đầu những người già trong cộng đồng. Mặc dù người già không thể tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra lương thực, họ có thể dạy bảo các thế hệ kế tiếp, gián tiếp cải thiện kỹ năng lao động cho cộng đồng giúp tăng lượng lương thực kiếm được. Ngoài ra, với kinh nghiệm sống lâu năm, người già có thể làm người đứng giữa và hoà giải những cuộc tranh chấp, đại diện cho cộng đồng khi có việc chung, kết nối mọi người trong những trường hợp cần thiết.
Tùy vào giá trị của người già mà các xã hội truyền thống khác nhau có quyết định ruồng bỏ họ hay không. Một số cách ruồng bỏ người già có thể nhắc đến là bỏ đói người già đến khi chết, đâm hoặc bóp cổ, bỏ họ một mình trong rừng sâu, khuyến khích họ tự tử bằng cách nhảy xuống vách đá. Những cách ruồng bỏ người già này có thể có được sự đồng thuận từ nạn nhân (như bỏ đói, nhảy xuống vách đá), hoặc là nạn nhân không biết mình sẽ bị giết (bóp cổ, chôn sống, chặt đầu).
Cảnh người già nhảy xuống vách đá trong phim Midsommar
Cảnh người già nhảy xuống vách đá trong phim Midsommar

Đề phòng nguy hiểm và quản lý rủi ro

Tác giả đã giới thiệu về sự cẩn trọng một cách có phần thái quá của người dân xã hội truyền thống qua ví dụ từ một chuyến đi rừng. Trong chuyến đi, khi muốn cắm trại ngủ qua đêm, người dân bộ tộc đã phải quan sát vô cùng cẩn thận khu vực xung quanh chỗ cắm trại, có cái cây chết nào không, hướng và sức gió thế nào, có dấu hiệu nào của những vị khách không mời mà đến không. Với người ở xã hội hiện đại, ngủ dưới tán cây thì chẳng có gì to tát. Giả sử với tỉ lệ là cây sẽ đổ và đè chết người là 1/1000, nếu bạn ngủ dưới cây hàng trăm lần mỗi năm, thì khá chắc là bạn sẽ chỉ sống được 10 năm thay vì sống đủ 40 năm (tuổi thọ trung bình của xã hội truyền thống). Sự hoang tưởng này là sự hoang tưởng có căn cứ, thứ đã giúp người dân săn bắt hái lượm giảm thiểu tối đa những mối nguy hiểm xung quanh.
Trong bất kỳ môi trường nguy hiểm nào, kinh nghiệm được tích lũy là nền tảng để dạy các quy tắc ứng xử nhằm giảm thiểu rủi ro. Tác giả đã điểm qua những mối nguy hiểm mà người dân trong xã hội truyền thống để tâm và cách mà họ đối đầu với chúng.
Diamond đề cập rằng người dân xã hội truyền thống thường không tỏ vẻ đại trượng phu, tìm kiếm những tình huống nguy hiểm hoặc giả vờ không sợ hãi và cố gắng che giấu nỗi sợ hãi của chính mình. Kiểu nam tính độc hại này sẽ giết chết họ. Thay vào đó, họ luôn cảnh giác, quan sát mọi thứ xung quanh, liên tục tính toán rủi ro và đề ra kế hoạch dự phòng. Người dân các bộ tộc cũng luôn cẩn trọng với bạo lực. Họ luôn đề phòng người lạ, tránh xâm nhập vào lãnh thổ bộ tộc khác, Vị trí xây dựng làng mạc cũng được chọn lựa nhằm có lợi cho việc quan sát và phòng thủ.
Mặc dù trình độ y tế thấp, nhưng những dân tộc truyền thống cũng có những cách dân gian nhằm tránh các bệnh thường gặp và phần nào cải thiện vệ sinh cá nhân. Các bà mẹ có ý thức trong việc dọn phân con của họ khỏi nơi sinh hoạt chung. Một vài loại cây cỏ được sử dụng làm những bài thuốc thiên nhiên. Dù sao thì, tỉ lệ tử vong tại các xã hội truyền thống vẫn rất cao do không có kiến thức cần thiết về y học. Còn về mặt ăn uống, với những khó khăn gặp phải thường xuyên khi kiếm thức ăn, nạn đói là một mối hiểm hoạ vô cùng lớn với mọi xã hội truyền thống. Có những lúc họ kiếm được nhiều đồ ăn, có lúc thì không. Vì vậy, họ đã sáng tạo ra nhiều cách để mở rộng và dự trữ nguồn thức ăn, như hun khói, lên men, làm đông lạnh thực phẩm; đa dạng hoá các loại thực phẩm; phân tán đất canh tác ra nhiều khu vực tách biệt; “gửi tiết kiệm” thực phẩm qua động vật chăn nuôi (cho heo ăn ngũ cốc trong mùa thu hoạch, tới khi vụ mùa thất bát thì mổ heo để ăn).

Tôn giáo và ngôn ngữ

Về mặt tôn giáo, tác giả đã đưa ra vài ý kiến về nguồn gốc và lý do mà tôn giáo tồn tại. Lý do chúng ta tin rằng tôn giáo có thể là một sản phẩm phụ là bởi vì bộ não của chúng ta đã được phát triển để đủ lâu để luôn tìm kiếm lý do cho mọi thứ. Chúng ta đã, đang và sẽ luôn tìm kiếm mối quan hệ nhân quả như một lời giải thích. Ví dụ, chúng ta gán sự đại diện cho những thực thể khác. Buổi bình minh của nhân loại, chúng ta thường coi các đại điện trong tự nhiên là sông, gió hoặc mặt trời. Hình ảnh một sinh vật thần thánh vác mặt trời được phần nào xây dựng từ những quan sát mà người cổ đại có được. Diamond nói rằng tôn giáo có thể tồn tại vì mục đích giải thích thế giới và trấn an con người. Con người không có khả năng tự đối phó với cuộc sống tạo ra thực thể siêu nhiên để giải thích tại sao chúng ta tồn tại, làm dịu tâm trí họ trong những thời điểm bất định và loại bỏ sự lo lắng trong họ. Ngoài ra, tôn giáo còn giúp gắn kết xã hội bằng một ý chí chung, đặt ra các tiêu chuẩn về ứng xử và đạo đức cho cộng đồng, đảm bảo sự trung thành của các cá nhân, và biện hộ cho chiến tranh.
Ở các xã hội hiện đại, hàng tỷ con người nói chỉ vài trăm ngôn ngữ. Trong khi đó, các xã hội truyền thống với dân số ít ỏi lại có hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau. Người dân trong xã hội truyền thống thường nói được nhiều thứ tiếng, nhằm giao tiếp với các bộ tộc lân cận. Diamond đề cập đến một số nghiên cứu cho rằng việc nói được nhiều ngôn ngữ giúp con người dễ thích ứng với sự thay đổi hơn, và sự đa ngôn ngữ của các xã hội truyền thống là một điều đáng học hỏi. Ngoài ra, về mặt bảo tồn văn hoá, Diamond ủng hộ việc bảo tồn các ngôn ngữ truyền thống, do những ngôn ngữ này gắn với một nền văn hoá và hệ thống kiến thức và kinh nghiệm riêng biệt. 
Các xã hội truyền thống là nhân chứng sống cho hàng ngàn thử nghiệm trong cuộc sống của loài người. Chúng ta không thể coi xã hội như một thứ có thể đập đi xây lại dễ dàng. Vậy nên, với những bài học từ những xã hội truyền thống, chúng ta có thể nhìn nhận và thấy được xã hội hiện đại đã làm tốt ở đâu và cần cải thiện ở đâu.
Chúng ta không thể tua ngược thời gian về quá khứ, nhưng may mắn là quá khứ đang nằm giữa chúng ta rồi.