Dạo gần đây mình rất thích viết truyện. Có thể nói nó như một đam mê mới của mình dẫu cho mình không phải là một nhà văn. Hành trình theo đuổi đam mê ấy cũng có nhiều thăng trầm và mình cũng có được nhiều bài học. Hiện mình đã hoàn thành tập truyện ngắn đầu tay là “Sao em lại tắt máy” và đang trên hành trình thực hiện hai dự án là:
- Truyện dài “Sars-game”. Truyện này thực sự dài (với mình) vì quy mô của nó là khoảng hơn 100 chương với khoảng 200.000 từ. Nếu so với “Sao em lại tắt máy” thì nó gấp 7 lần. Truyện đang thực hiện trên trang vtruyen.com để tham gia cuộc thi “ươm mầm tác việt”. Cũng không hy vọng đoạt giải đâu, mình chỉ muốn nhiều người biết tới truyện của mình hơn và có thêm cơ hội được học hỏi từ cộng đồng mê truyện chữ, sáng tác truyện bởi người việt.
- Truyện dài “mùa yêu”. Mình cũng chưa rõ quy mô truyện thế nào nhưng dự tính khoảng 70 nghìn từ (gấp đôi SELTM). Dự án này sẽ được tái khởi động sau khi mình hoàn thành dự án “Sars-game”.
Trong quá trình sáng tác truyện, mình nhận ra một số điều như sau:

1. Vấn đề khi xây dựng bố cục của truyện

Ban đầu mình đặt mục tiêu về số từ mà không để ý lắm tới bố cục. Nhưng rồi dần dần mình nhận ra vấn đề không phải nằm ở việc đếm chữ, mà là kiểm soát sao cho trong ngần ấy từ, ngần ấy chương mà bạn có thể thể hiện được hết nội dung câu chuyện. Nó bao gồm:
- Xây dựng bố cục, bối cảnh truyện
- Khắc hoạ nhân vật
- Tạo dựng tình tiết
- Dẫn tới cao trào
- Giải quyết cao trào
- Những điều đọng lại khi kết thúc
Đó là một quy trình sáng tác và có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Bạn càng tạo bố cục lớn thì phải có nhiều nhân vật, nhiều tình tiết. Việc dẫn đến cao trào cũng gồm nhiều lớp hơn, không thể với quy mô lớn mà cao trào quyết định xuất hiện sớm được. Bố cục mình nghĩ là:
+ 1/3 đầu tiên là xây dựng bối cảnh và giới thiệu nhân vật.
+ 1/3 tiếp theo là phát triển tính cách nhân vật, các mối quan hệ của nhân vật với nhau, của nhân vật với thế giới để dẫn tới cao trào.
+ 1/3 cuối cùng mới là giải quyết mâu thuẫn để kết truyện.
Cái khó nhất có lẽ là không được thừa hoặc thiếu bối cảnh, nhân vật. Khi tưởng tượng ra nhân vật, ra thế giới mà nhân vật sống trong đó, bạn sẽ không thể biết ngay bối cảnh như thế nào mới đủ. Vừa viết vừa tưởng tượng, vừa cân chỉnh để mở rộng dần bối cảnh và phù hợp với logic của chuyện. Nó giống việc bạn mò đường trong bóng đêm với ngọn đuốc trong tay. Đi tới đâu thì nó sáng đến đấy. Điều đặc biệt quan trọng là không được quên đường, đi lạc đường. Bạn có thể đi một đoạn và thấy mở ra nhiều hướng đi mới. Bạn cần phải bình tĩnh và đánh giá xem lối nào mới phù hợp theo ý tưởng gốc, mới dễ phát triển tiếp. Bởi nhiều khả năng bạn đi vào ngõ cụt và phải rất vất vả mới đi lại được đúng hướng. Ngay cả việc tạo dựng nhân vật cũng vậy, khi đưa các nhân vật vào, kể cả nhân vật phụ và qua đường thì cũng không nên để nhân vật đó trở nên thừa. Họ xuất hiện thì đều gắn với mục đích, là một mắt xích trong logic của truyện.

2. Truyện có mục đích, ý nghĩa gì?

Nếu bản thân tác giả không xác định được điều này ngay từ đầu thì rất khó tạo nên được một câu chuyện hay.
Dù rằng nó không phải là thứ độc giả nhận ra ngay khi mới bắt đầu viết, cũng không phải thứ thu hút, giữ chân độc giả ngay nhưng nó lại là thứ giúp đi đúng hướng trong việc xây dựng bố cục, logic và cảm xúc xuyên suốt bộ truyện.
Ý nghĩa của truyện không phải là thứ thoả mãn tác giả mà là thứ làm thoả mãn người đọc. Họ mất thời gian đọc, họ tốn tiền để tiếp cận tác phẩm, nhưng khi đọc xong nó chẳng có ý nghĩa gì khác ngoài việc thoả mãn cái tôi của tác giả thì đó là 1 tác phẩm rác.
Làm thế nào để xác định được ý nghĩa của truyện? Đó là xây dựng cao trào và kết truyện ngay từ khi bắt đầu. Bởi mọi thứ bạn xây dựng sẽ đều hướng tới cao trào đó nên việc xác định cái kết ngay khi bắt đầu chính là chìa khóa của việc tìm ý nghĩa truyện. Nó như việc giải bài toán mê cung thì phải biết đích đến ở đâu, không được thay đổi đích, chỉ có thể làm đích đến trở nên rõ ràng hơn thôi, chứ không thì sẽ lạc đường trong mê cung ngay. Mình nghĩ nhiều tác giả drop truyện của họ cũng vì họ không xác định được đích đến, lối ra của truyện mà chỉ nghĩ tới đâu viết tới đó.
Ngoài ra cũng chú ý là tác giả là người kể chuyện. Lớp ý nghĩa tác giả gửi gắm vào sẽ mang quan điểm riêng của tác giả. Vậy nên nếu nó quá lộ, quá dễ đoán thì sẽ trở nên "thô" và mang màu sắc cá nhân nhiều. Bởi vậy nên ý nghĩa của truyện phải có nhiều lớp, nhiều tầng hoặc nhiều hướng để độc giả tự suy đoán, cảm nhận. Việc độc giả thích thú khi khám phá được 1 lớp ý nghĩa khác, hoặc sau 1 thời gian đọc lại họ lại thấy có 1 tầng nghĩa khác sẽ khiến câu chuyện được đánh giá cao hơn, tiếp cận được nhiều độc giả hơn. Việc này nói chung là khó, rất khó bởi bản thân tác giả nếu không đủ chiều sâu, không cao tay thì không làm được. Trong quá trình viết và sáng tác, bản thân tác giả cũng cần có góc nhìn đa chiều để tự cảm nhận câu chuyện theo nhiều hướng. Như vậy sẽ giúp việc cài cắm ý nghĩa tốt hơn, khéo hơn. Việc tác giả bị cuốn theo cảm xúc của câu chuyện sẽ có mặt lợi là viết nhanh, viết nhiều nhưng mặt hại là nội dung thiếu chiều sâu.

3. Những đánh giá, cổ vũ trong quá trình sáng tác

Giai đoạn đầu khi mới sáng tác thường rất khó để tạo sự quan tâm chú ý của độc giả nên gần như không có ai đánh giá, cổ vũ. Chính điều ấy khiến tác giả cảm thấy chán, giảm hứng thú nên dễ từ bỏ. Thời gian sáng tác và viết lại 1 câu chuyện dài thường là rất lâu, nhanh thì 3 tháng, chậm thì có khi cả năm. Vậy trong thời gian này thì làm sao để duy trì tinh thần và động lực sáng tác? Nếu chưa có tên tuổi và chưa có tác phẩm nào khẳng định giá trị thì càng khó để duy trì. Vậy nên mình nghĩ cái mà các tác giả cần là một sự hỗ trợ, đầu tư, nuôi dưỡng chứ khó để họ tự vươn lên được.
Hầu hết các đánh giá nhận được sẽ là "chê" chứ khen khá là ít. Việc này cũng dễ hiểu thôi, do bạn là cây viết mới nên đâu thể so được với những tác giả, tác phẩm đã nổi tiếng. Trong khi đó độc giả lại toàn tiếp cận với những thứ đã là tinh túy nhất rồi thì việc họ nhìn một tác phẩm khi mới hình thành, viết bởi 1 cây viết mới thì khó để họ khen được. Trong đầu họ sẽ luôn so sánh dựa trên những thứ họ biết. Khó để mà yêu cầu độc giả nhìn dưới con mắt khác, trừ khi họ quen biết bạn.
Làm cách nào giải quyết bài toán này? Nó như câu chuyện con gà quả trứng. Mình nghĩ là: đừng tham viết tác phẩm lớn ngay. Cần viết những mẩu chuyện nhỏ: 1 chương, 3 chương, 5 chương, 10 chương... Những chuyện ngắn dạng 1-3 chương rất dễ để kể vì nó chỉ nói 1 ý. Nó giúp bạn nhanh chóng hoàn thiện được 1 câu chuyện và có thể tiếp cận độc giả. Từ đó bạn sẽ có được các góp ý cải tiến văn phong, logic, bố cục, hướng phát triển... Bởi khi đánh giá 1 câu chuyện "siêu ngắn" thì độc giả sẽ không đem vấn đề của tác phẩm dài vào. Nhờ đó góc nhìn của độc giả sẽ thân thiện hơn, dễ chịu hơn.
Khi viết truyện dài thì bạn sẽ gặp áp lực lớn. Dù bản thân mình đã xác định tinh thần từ trước là không ganh đua, không để ý nhiều tới những đánh giá, bởi cộng đồng vtruyen có tới 90% là đọc truyện TQ, convert, ngôi thứ 3... nó khác hẳn với văn phong và phong cách kể chuyện của mình. Nhưng thực sự thì khi ít đánh giá thì cũng khá buồn và có đôi chút chán nản. Mình thường hay trò chuyện cùng 1 người em để chia sẻ và có thêm góc nhìn mang tính cổ vũ. Nhờ thế mà mình vẫn duy trì được động lực.
Mọi sự chuẩn bị về mặt tinh thần thì cũng chỉ duy trì được trong khoảng 1 tháng thôi. Sau đó thì sẽ vẫn cần tiếp thêm động lực từ bên ngoài.

4. Sự trợ gúp mang tính chuyên môn

Mình thường có câu hỏi: Viết văn, viết truyện mang tính sáng tạo và tính cá nhân rất cao nên trợ giúp chuyên môn thế nào đây?
Việc góp ý thẳng vào câu chuyện của người khác thường không có tác dụng, thậm chí độc hại. Thử nghĩ bạn đang tập trung tìm đường đi trong mê cung thì đứa bên cạnh cứ nói: đi hướng này, đi hướng kia... trong khi người ta không phải là người đi. Mọi sự nguy hiểm, rủi ro họ không chịu mà bạn chịu. Vậy thì bạn có nên nghe lời họ không?
Mình thường nghĩ là tự bản thân phải chau dồi kiến thức, tự học từ các tác giả, tác phẩm khác rồi tự quyết định sẽ tốt hơn. Suy nghĩ ấy cũng có phần khắt khe với chính mình quá. Đúng ra thì nó phải là sự kết hợp giữa hai yếu tố: tự phát triển và có sự trợ giúp.
Sự trợ giúp có tác dụng là khi chính tác giả là người muốn có nó, tìm đến nó. Khi bị bí ý tưởng, không biết cách diễn đạt ý tưởng thế nào... thì sự trợ giúp chuyên môn là cần thiết. Chỉ cần trợ giúp đúng cái "bí" đó thôi, còn cái khác thì không nên. Khi đã gỡ được thế bí thì cảm xúc và mạch truyện sẽ lại tuôn trào.
Vấn đề là: Khi mình bí thì lại không tìm được sự trợ giúp. Không ai sẵn sàng làm điều đó. Không ai đủ khả năng làm điều đó.
Bởi vì chẳng ai rảnh để làm vậy. Làm thế thì họ được gì? Câu chuyện của bạn, ý tưởng của bạn, năng lực của bạn, tôi đâu thể đem thứ của tôi vào được. Kể cả tôi có năng lực thì tôi cũng không biết xen vào thế nào, vì nó làm hỏng mạch truyện của bạn.
Cách giải quyết vấn đề này mình nghĩ là: khi thực hiện 1 dự án lớn thì cần có đội nhóm. Một cá nhân tác giả khó gánh vác được. Nhưng để trợ giúp tác giả được thì cần phải đồng hành cùng nhau. Vậy nên nếu có một đội nhóm hỗ trợ, tác giả sẽ dễ dàng hơn trong quá trình sáng tác. Đồng thời việc chia sẻ lợi ích cũng dễ hơn. Nếu chỉ giúp trong 1 sự vụ thì khó xác định lợi ích, nhưng song hành theo dạng e-kip và có thỏa thuận từ đầu thì sẽ đơn giản hơn nhiều. Một tập hợp những người có chung sở thích, chung năng lực và nhiệt tình chia sẻ thì sẽ giúp tác giả có nhiều góc nhìn, nhiều ý tưởng mới để dễ dàng phá thế bí, đồng thời cũng luôn có động lực để sáng tác, không phải chờ đợi sự cổ vũ của độc giả nữa. Tất nhiên làm việc nhóm như vậy khá là kén người và phải làm nhiều dự án thì mới duy trì đội nhóm được.
Một điểm hạn chế nữa là việc chia sẻ "tên tuổi". Tác giả có sẵn sàng chia sẻ danh tiếng với đội nhóm không? Lợi ích vật chất thì dễ, nhưng thứ vô hình như tên tuổi, viral thì khó. Người ta sẽ chỉ biết tới tác giả chính là ai chứ đội ngũ hỗ trợ họ thì ít ai để ý.

Kết

Những điều mình nói ở trên mang tính tâm sự thôi. Nó phần nào trả lời được những thắc mắc của mình về việc tại sao ngày càng ít tác giả, tác phẩm văn học mạng nổi tiếng, có chất lượng. Có thể họ đã được quy hoạch đi đâu đó mà mình không biết tới chăng? Ngay cả trên Spiderum cũng ít gặp tác giả nào nổi bật ở mảng sáng tác. Chúng ta có đam mê, có khả năng nhưng không có môi trường, không được hỗ trợ thì cũng rất khó để phát triển. Nếu chỉ thuần túy là đam mê, người ta không thể duy trì nó quá lâu được. Khi mình bước ra bên ngoài Spiderum để khám phá môi trường bên ngoài thì thấy nó còn lộn xộn và khó khăn hơn nhiều. Bản thân mình cũng bị "ngợp" nữa, nói gì đến các bạn trẻ mới tập viết. Môi trường viết văn đòi hỏi quá nhiều thứ: bản lĩnh, sáng tạo, tư duy độc lập, khả năng hành văn, cá tính, cái tôi, sự hợp tác, sự học hỏi khổng lồ, sự rèn luyện liên tục, sự thử thách với ánh nhìn và đánh giá tiêu cực... nhưng thứ nó đem lại về mặt lợi ích, sự phát triển lâu dài lại không được tươi sáng cho lắm, có thể nói là không thỏa đáng. Cái duy nhất khiến người ta đi theo có lẽ chỉ là hai từ "đam mê" mà thôi.
---
p/s: Bài này mình viết để tự vấn lòng mình thôi. Không có ý đánh giá chỉ trích cá nhân hay cộng đồng nào. Hai nơi mà mình nói tới là nơi mình đang phát triển trong đó nên mình nói theo góc nhìn của cá nhân mình. Nếu có sai sót thì mong được góp ý và chỉ bảo. Mình sẵn sàng lắng nghe. Bản thân mình vẫn chỉ là người mới nên mình cũng chưa hiểu hết được các vấn đề. Chỉ là có tâm sự không biết nói cùng ai thì viết lên đây thôi.