Đây là lần đầu tiên mình hoàn thành xong một khóa học online (trên FutureLearn) và mình cảm thấy một chút vui vì mình đã hoàn thành nó. Không quên cảm ơn một người bạn đã cho mình thêm một chút động lực để mình không bỏ ngang những kế hoạch mà mình đã lập ra cho khóa học này.
Bản thân mình làm việc trong lĩnh vực Nhân sự nhưng tại sao lại chọn học về Creative AI?
Thực ra, có rất nhiều lý do khiến mình chọn khóa này, nhưng đây là ba lý do chính:
1. Khóa học này ngắn hơn so với những khóa học khác;
2. Thời điểm học, mình có đủ thời gian cho khóa học này;
3. Mình muốn trau dồi vốn từ vựng liên quan đến technology.
Đây là một khóa Introduction nên nội dung đi qua khá là tổng quan và bản thân mình cũng không phải một chuyên gia hay người có kiến thức sành sõi trong lĩnh vực có liên quan nên bài viết này chủ yếu tập trung vào những bài học bản thân mình rút ra được sau khi hoàn thành khóa học, bao gồm một chút thông tin nội dung khóa học và những điều tâm đắc của bản thân.
Và bây giờ thì bắt đầu thôi =))
1. Mình được đặt chân vào khám phá thế giới của AI
Nếu mà nói với mọi người rằng mình đã hấp thu được hết 100% nội dung của khóa học thì chắc hẳn mình đã là thiên tài và không ngồi đây để review lại những gì mình được học qua. Hoặc nói thẳng ra là xạo bà cố luôn =))
Cơ bản, xuyên suốt khóa học, mình được biết về ứng dụng của AI trong đời sống và rất nhiều khái niệm mới trong lĩnh vực này đối với mình.
Khái niệm mình được tiếp cận đầu tiên là AI. Mình đã nghe nhiều lần và cũng đã biết AI ở đây là Atificial Intelligence chứ không phải Adobe Illustrator :v, trong tiếng Việt gọi là trí thông minh nhân tạo. Mình tin nó sẽ là những từ khóa khiến thế giới tương lai của mình thay đổi rất nhiều.
Nói đến AI nghe có vẻ xa vời nhưng thực ra cũng khá quen thuộc trong đời sống hiện nay, bởi chúng ta đang trải nghiệm và làm quen với AI rất nhiều trong đời sống: từ bà chị trợ lý Google Assistant trên Android, bà Alexa của Amazone, cô em Siri của iOS - những sản phẩm của việc ứng dụng nhận diện giọng nói (speech regconition) cho đến mấy filter và effect trên Tiktok hay Instagram - sản phẩm của việc ứng dụng tính năng nhận diện hình ảnh và cử chỉ (image recognition và gesture regconition) hay đơn giản hơn là những lần recommend bất ngờ nhưng khá hợp gu từ Youtube và Spotify với việc ứng dụng Recommender Systems. Vân vân và mây mây.
Bên cạnh đó, mình được biết thêm biết xíu xiu về machine learning và cơ chế vận hành của nó mà trong xíu xiu đó tập trung vào deep learning. Thêm vào đó là cách mà người ta phát triển hệ thống AI như thế nào. Đặc biệt, vì khóa học tập trung vào "Creative AI" nên mình đã có góc nhìn rõ nét hơn về nó. Có lẽ, khi nhắc đến AI thì chắc hẳn nhiều người đã nghe tới, nhưng Creative AI mình nghĩ sẽ ít hơn. Bản thân mình khi nghe thấy cụm từ này cùng tò mò nên đã mò vào học thử cho biết :v
Vậy thì Creative AI là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì đây là việc ứng dụng AI trong các công việc liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật, chẳng hạn như vẽ tranh hay sáng tác nhạc. Một trong những nhân tài khá nổi tiếng của Việt Nam đó chính là kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại, khi anh dùng AI để sáng tác nhạc. Một bài hát mà anh cho ra mắt năm vừa qua mang tên là Dân IT nghe cũng khá catchy và thú vị.
Bạn có thể xem MV ở đây:
Hoặc gần đây, mình thấy mọi người thường gen ảnh bằng Midjourney: ra lệnh cho AI vẽ tranh bằng cách nhập vào ô lệnh những câu mô tả hoặc đơn giản là từ khóa. Dưới đây là một bức tranh được gen từ midjourney:
Bên cạnh đó, Deep Dream Generator cũng là một sản phẩm của creative AI, khi công cụ này sẽ giúp user tạo ra một tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vòng vài giây. Cơ chế hoạt động của nó khá đơn giản, bạn chọn một phong cách art của bất kỳ họa sĩ nổi tiếng mà công cụ này cung cấp, sau nó upload thêm một bức ảnh bạn muốn kết hợp rồi chờ đợi kết quả nữa là xong thôi. Kết quả cuối cùng là một artwork hoàn toàn mới của sự kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố đầu vào. Bạn có thể lên thử tại đây:
Một phần khá thú vị chính trong khóa học là mình được dạo chơi, tham quan các bảo tàng nghệ thuật trưng bày những tác phẩm do AI tạo ra: độc, lạ và cũng đẹp.
Bên cạnh những khái niệm nêu trên và điểm sáng về viễn cảnh tương lai của Creative AI, mình cũng được biết thêm về vấn đề nan giải chưa được giải quyết trong Creative AI, chính là vấn đề liên quan đến pháp lý: Người lập trình tạo ra và train AI, user dùng AI để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người sở hữu sản phẩm sáng tạo đó: lập trình viên, AI hay user? Thông qua khóa học này, mình được biết thêm những case study thực tế đã xảy ra trong cuộc sống liên quan đến vấn đề này.
Ngoài ra, thực tế hiện nay, còn có rất nhiều vấn đề khác xoay quanh cuộc chiến giữa Họa sĩ và AI.
Như thế này:
Hoặc như thế này:
Quay lại nội dung khóa học, mình được tiếp cận với Wekinator – một công cụ giúp người dùng sử dụng sức mạnh của machine learning mà không cần biết code. Công cụ này giống như là cầu nối giữa các nghệ sĩ đến với thế giới của Creative AI mà không cần biết ngôn ngữ lập trình (nhưng mình nghĩ nếu biết thì tốt hơn, tuy nhiên, đây có lẽ là một trong những rào cản lớn với họ).
“Wekinator is a tool that allows creative practitioners to utilize the power of machine learning algorithms in an interactive way without the need to manually code anything. Her approach is known as interactive machine learning (IML), and is different to the deep learning approaches you learned about previously.” – Rebecca Fiebrink
Nếu bạn muốn dễ hình dung hơn, xem qua những project này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
2. Từ vựng nạp thêm vào đầu
Xuyên suốt khóa học thì có rất nhiều từ vựng tiếng Anh mới, tuy nhiên, học nguyên một khóa nên lúc học từ sẽ lặp đi lặp lại nên nhớ dai luôn. Mình gọi đây là một công đôi việc: học để hấp thu kiến thức mới và học để cải thiện vốn tiếng Anh của bản thân. Có thể mình sẽ không thông minh hơn hoặc biểu biết hơn đâu, nhưng chắc chắn là vốn từ của mình được mở rộng hơn rất nhiều.
Tương tự như khi bạn đang theo học các môn chuyên ngành ở trường, việc đọc giáo trình tiếng Anh cũng như tìm kiếm các bài giảng tiếng Anh trên internet để tìm tòi thêm là cách để bạn trau dồi vốn từ của mình rất tốt cũng như ghi nhớ các thuật ngữ chuyên ngành là tiếng Anh. Bởi vì bạn sẽ có cơ hội gặp đi gặp lại những từ vựng chuyên ngành thường xuyên ấy.
3. Mình nhận ra được hai bài học này cho bản thân
Bài học 1: Đọc outline bài giảng là một kỹ năng tất yếu phải có trong học tập.
Đây là một vấn đề mà mình nghĩ không chỉ mình mà rất nhiều bạn sinh viên khác thường xuyên bỏ qua và thậm chí là không quan tâm đến. Đó chính là đọc đề cương môn học trước khi đăng ký tín chỉ, đặc biệt là đối với những môn tự chọn ở trường. Hệ quả tất yếu là các bạn chọn việc “xin review” từ các anh, chị hoặc bạn bè đã học môn học đó và thường hỏi bằng một câu hỏi: “môn này điểm cao không?”, “môn này có khó không?” hay “môn này thầy cô có dễ không?”. Nhưng các bạn quên mất rằng những câu trả lời nhận được cũng chỉ là những cảm nhận mang tính chủ quan của cá nhân mà thôi. Bạn học cho chính bạn chứ không phải vì ai khác, thế nên hãy cảm thấy có trách nhiệm với việc học của mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Việc đọc đề cương môn học tuy cảm tưởng không quan trọng nhưng bản chất của nó là rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về những yêu cầu của môn học đó, chẳng hạn như bạn sẽ phải làm bao nhiêu assignment, có cần thuyết trình hay không. Hơn hết, bạn sẽ nhìn được tổng quan những nội dung bạn sẽ được học: nhìn qua cũng sẽ xác định được là bạn sẽ được học những nội dung nào mới, bạn sẽ tìm ra được đâu là nội dung bạn hứng thú nhất khi chỉ mới đọc tiêu đề,…
Trước khi học một môn học nào đó, bạn nên trả lời ba câu hỏi này:
1. Tại sao bạn học môn học này? Là vì đó là môn học bắt buộc hay là vì bạn muốn có thêm kiến thức ở mảng ABC?
2. Môn học có những nội dung gì mà bạn quan tâm và giúp ích được gì cho bạn?
3. Sau khi học xong, bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Những điều đó sẽ giúp cho việc học của bạn trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn thay vì cứ học đi tới đâu thì tới. Và sau đó có khi phải học trong nước mắt, trả giá bằng tiền, thời gian và công sức.
Bài học 2: Động lực phải đi kèm với sự cam kết và kỷ luật
Vấn đề mà mình nhận ra là rất nhiều bạn trẻ trong số tụi mình thường lên mạng để tìm kiếm những nguồn động lực ở bên ngoài qua chia sẻ từ diễn giả X, người truyền cảm hứng mang tên Y. Để từ đó tìm kiếm lại nguồn năng lượng dồi dào và bừng bừng khí thế bên trong mình. Mình không phủ nhận những gì các bạn nhận được hay những gì được gọi là "truyền cảm hứng". Điều quan trọng là bạn được truyền cảm hứng trong bao lâu: tức thời hay kiến tạo được động lực dài hạn?
Cảm hứng phải bắt nguồn từ bên trong mình. Động lực phải xuất phát từ sự thôi thúc bên trong chính bản thân mỗi người. Thứ động lực đó mới tạo ra sự bền vững và đồng hành cùng chúng ta vượt qua những “thời khắc sinh tử”, mệt mỏi và chán chường.
Muốn làm được điều đó, theo mình, động lực phải đi kèm với kỷ luật bản thân. Đừng dễ dãi nuông chiều tâm trí bằng những câu ca thán “nghỉ một chút thôi không sao đâu”, “hôm nay không làm, mai làm bù cũng được”. Những điều đó sẽ khiến bạn chây lười và trì trệ thêm hàng vạn bước.
Vậy thì phải làm sao bây giờ?
Trước đó, mình đã enroll vào rất nhiều khóa nhưng chưa hoàn thành một khóa nào cả, chuyện này chắc chắn là rất nhiều người gặp phải. Bởi học online miễn phí, bạn không có một cam kết nào cho nó cả. Nếu không học, bạn cũng chẳng mất gì. Thích thì học, không thích thì thôi.
Tuy nhiên, sau khi nhìn những người bạn chăm chỉ miệt mài học bài, mình cũng thèm chứ. Mình không học thì không mất gì nhưng nếu học mình được rất nhiều thứ giá trị mà mình chưa nhận ra thôi. Và mình đã nhìn lại bản thân và suy nghĩ về việc mình cần nghiêm túc với nó, đặc biệt là với những gì mình vẽ ra. Mình nhớ một lần nọ, khi mình chia sẻ về dự định tương lai của mình một cách mơ hồ, màu hồng và mơ mộng, một người bạn đã hỏi mình một câu khiến mình nhớ mãi: “Nhưng cụ thể nó là gì?”
Thế nên, từ bây giờ, trước khi enroll vào khóa học nào đó, mình đều lập một plan riêng cho khóa học mình tham gia, cam kết rằng mình sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Việc lập plan cũng được dựa vào outline khóa học mà mình đã đọc trước đó, rút kinh nghiệm rất nhiều lần sau những lần mơ hồ học tập trên giảng đường. Thực ra mình khá kỹ tính nên mỗi lần lập plan mình phải tốn khá nhiều công sức, lại còn thêm chút màu mè trang trí này kia nên tiêu tốn nhiều thời gian cho bước đầu này. Mỗi lần lập kế hoạch xong bỏ đi thì chẳng khác nào công cốc cả nên cố gắng.
Hy vọng bài viết phần nào hữu ích cho bạn.
Phụ lục
- Introduction to Creative AI course
- AI Art GalleryDeep Dream Generator
- Công cụ Wekinator (muốn xài cái này thì bạn phải cài thêm JavaScript nó mới chạy được mấy tool nha)
- Wekinator – Example Projects
- MidJourney AI
- Google Deep Dream
- MV Dân IT – Nguyễn Hoàng Bảo Đại
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất