"Mày không thương tao à, tao đẻ ra mày đấy"
"Mày im ngay, sao mày dám cãi lại tao"
"Bố mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi"
"Sao, mày là con gái mà lại có tình cảm với con gái á"
"Mày đi luôn đi, xem như mẹ mày chết rồi đi"
"Mày chỉ nghĩ đến bản thân mày thôi à?"
"Hơi tí là than, ngày xưa, bằng tuổi mày, tao từng làm được ..."
...
Sometimes Kids Need to Hear it's OK to Be Sad - Her View From Home

Có một khái niệm mà tôi học được từ một người thầy của tôi, đó là OPE, ba chữ viết tắt của Other People Experience - kinh nghiệm của người khác. Cụm từ này có nghĩa là chúng ta có thể học được bài học của những người khác mà không cần trải qua nó một lần nữa, trên cùng một con đường đó, chúng ta có thể rút ngắn được quãng đường thành công của chúng ta lại mà có thể tránh được những thất bại đau thương. Tất nhiên, điều này cũng không phải là tuyệt đối bởi trải nghiệm và đích đến của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, nhưng chắc chắn rằng vẫn có những điểm tương đồng nào đó để chúng ta có thể học hỏi. Đó là cách mà tôi tiếp cận với quyển sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. 

Đầu tiên, thoạt nhìn tên sách và cách bìa sách được trang trí, mọi người sẽ dễ kết luận rằng đây có thể là quyển sách dành cho các bạn tuổi mới lớn, đặc biệt là dành cho thế hệ nửa Y nửa Z, hoặc hoàn toàn Z đang gặp những hoang mang, trắc trở trong độ tuổi đôi mươi của mình, độ tuổi mà tác giả gọi đó là vừa thoát khỏi tuổi thơ, nhưng cũng chưa thực sự trưởng thành. Nhưng đối với cá nhân mình, phù hợp nhất, chắc có lẽ cuốn sách này nên dành cho các bậc làm cha làm mẹ. 
Quyển sách không hề đưa ra những nguyên lý hay những nghiên cứu khoa học cao siêu để gò ép người đọc phải đi theo nó, nó cũng không phải là cẩm nang cho những bạn trẻ lạc lối. Xuyên suốt quyển sách là những câu chuyện, những câu chuyện có thật được góp nhặt trong mỗi gia đình, dù người ta vẫn hay gọi là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng người ta vẫn có cách để phân loại hoa đó thôi. Gia đình cũng vậy, dù là những câu chuyện từ những bạn trẻ từ những gia đình khác nhau, nhưng họ đều có mẫu số chung là  không đạt được hạnh phúc trọn vẹn từ gia đình, và những gia đình này, đôi khi lại có những nét tương đồng như nhau và ta có thể thấy le lói chính gia đình của ta cũng như vậy. Họ có thể từ những gia đình mà từ bé họ đã phải "nhầm vai", thay vì được bố mẹ dẫn dắt, thì họ lại phải quay ngược lại dẫn dắt bố mẹ mình, họ trưởng thành và chín chắn hơn người cùng tuổi; họ có thể từ những gia đình bao bọc họ quá mức, để rồi quá yếu đuối và mất đi cá tính của bản thân; họ có thể từ những gia đình mà ở đó họ luôn phải áp lực bởi những kỳ vọng của cha mẹ, hoặc khắc nghiệt hơn, là họ có thể từ những gia đình bạo hành về cả thể xác lẫn tâm lý. 
Children's health and schooling affected by negative life experiences |  health enews

Những bậc cha mẹ, họ luôn muốn tốt cho con cái của mình, đó là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi, nhưng tốt theo cách nào và theo định nghĩa nào thì ta cần bàn lại. Tôi không chắc là ngày xưa, từ cái thời vừa dứt ra khỏi cảnh nghèo đói, khi mà hằng ngày mối quan tâm duy nhất của bậc cha ông là sinh tồn và kiếm tiền, thì họ còn quan tâm đến thứ gọi là thể hiện tình yêu thương và quan tâm đến nội tâm của một đứa trẻ. Có những thứ mà cha mẹ tưởng là yêu thương nhưng hóa ra lại đang khiến những đứa con mình ngộp thở, có những điều cha mẹ nghĩ là tốt cho con, nhưng vô tình lại đặt lên vai chúng những gánh nặng về cảm xúc.
Ai cũng nói lắng nghe và thấu hiểu là kỹ năng cần được phát triển ở mỗi con người, nhưng hình thành nó và phát triển thế nào thì chẳng ai nói. Rất dễ để gặp những hoàn cảnh kiểu như: đời cha mẹ thiếu cái gì thì họ bắt con cái họ phải đạt cho bằng được, đời cha mẹ bị đối xử thế nào(dù là xấu) thì họ cũng vô thức đối xử như vậy với con cái của mình, hay họ mang con cái ra làm tấm chắn cho sự tự ti và vô dụng của mình,... và những thứ đó được bao bọc bởi một lớp vỏ mang tên tình yêu thương. Chắc đâu đó, chúng ta nên định nghĩa lại thế nào là tình yêu thương và thể hiện chúng ra như thế nào. Bạn đừng hiểu lầm, tôi không có ý chê bai hay thù ghét tất cả những bậc làm cha làm mẹ, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể nêu các vấn đề hiện hữu ra để bàn luận, trứng có thể không không hơn vịt, nhưng ít ra trứng cũng từng từ trong vịt đi ra thì nó cũng biết vịt nghĩ gì và tác động gì tới nó.
Nào, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao một người bạn của chúng ta lại có cư xử như vậy, tại sao có người lại trưởng thành hơn những người khác, sao lại có người khô khan hơn những người khác, sao lại có người tình cảm hoặc khao khát tình cảm hơn những người khác, sao lại có người cứ thích tự cô lập chính mình,... một phần lớn định hình nên họ là cách giáo dục từ gia đình. Trong những câu chuyện mà tác giả Đặng Hoàng Giang có kể, chúng ta lại thấy rất lạ là những nhân vật trong câu chuyện có học thức rất cao, có vị thế xã hội không thấp và những đứa trẻ thì đầy rẫy những thành tích. Vậy mà gia đình tan vỡ, con cái trầm cảm, cha mẹ bất đồng với nhau, rồi cứ thế thế hệ này sang thế hệ khác, mọi việc lại tiếp tục tái diễn lại. Có lẽ bởi vì, chính họ cũng không nhận thức được rằng họ có vấn đề. Như nhà giáo dục Giản Tư Trung từng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: Có những người họ có thể quản lý cả một tổ chức lớn, thế mà họ không quản trị được hạnh phúc của bản thân họ, họ không dở, họ có khả năng, nhưng chỉ là họ không ý thức về việc đó mà thôi. Đó là trong một thảo mà thầy Trung nói về việc quản trị bản thân. Từ đó ta dễ dàng biết được, ngay cả bản thân những người làm cha làm mẹ, nếu từ bé họ không được yêu thương, họ không học được cách yêu thương, họ không hạnh phúc, thì sẽ rất khó họ có thể dạy cho những đứa con của mình, và sẽ là tệ hơn khi chính họ còn không biết rằng họ có vấn đề. Nhưng cũng từ đây, ta lại có lòng thấu cảm cho cha mẹ của mình, là đối với những bạn nào sống trong một gia đình thiếu thốn sự hạnh phúc. Rằng ngay cả với cha mẹ mình, thực ra họ cũng cần sự quan tâm của bạn, rằng họ cũng không biết là họ vô tình làm tổn thương bạn, rằng nếu bạn may mắn nhận ra gia đình mình có vấn đề, thì chính bạn có thể là người đi giải quyết nó. Nó không khó, khi mà ngày nay ta có nhiều hơn thời gian và cơ hội hơn để học cách yêu thương, từ thầy cô, bạn bè, phim ảnh,.. nhưng cũng không dễ khi mà những nếp sống cũ đã bén rễ quá lâu trong tư duy của một con người, mà chỉ khi gặp một cú hích lớn hoặc là sống trong một môi trường khác, gặp con người nào đó khác để giúp bạn nhận ra rằng, bạn có thể chữa lành những vết thương đó.
Sẽ thật khó để nói rằng đâu là một hình mẫu gia đình hoàn hảo hay thế nào là một người cha và người mẹ tuyệt vời nhất, nhưng thông qua các câu chuyện của tác giả, bằng sự lắng nghe và thấu hiểu, ta sẽ học được nhiều bài học về hành vi và cảm xúc, ta không cần trải qua những biến cố như các gia đình trong câu chuyện để học được những bài học, ta sẽ biết được liệu những thứ mà mình đang làm nếu tiếp tục sẽ để lại hậu quả gì và hơn hết, ta sẽ biết bản thân cần làm gì để từng thành viên trong gia đình xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.