Trong bất kỳ tổ chức nào, dù là ở tầm vĩ mô như Chính phủ, Đảng phái hay ở tầm vi mô như các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng…thì vai trò của người lãnh đạo đều mang yếu tố then chốt trong sự tồn tại và phát triển của tổ chức đấy. Không có một tổ chức nào thành công mà không có 1 thủ lĩnh tài ba dẫn dắt. Lịch sử Việt Nam và cả trên thế giới đã dạy chúng ta về bài học này với những dẫn chứng cụ thể về những tấm gương lãnh đạo vĩ đại. Trong bài này, hãy cùng tôi luận về tầm quan trọng của người lãnh đạo trong tổ chức qua series bài viết Học Quản trị kinh doanh từ Lịch sử.
Trước khi đi vào bài viết, hãy cùng làm rõ thêm một quan điểm về lãnh đạo. Lãnh đạo không phải lúc nào cũng chỉ người đứng đầu một tổ chức. Lãnh đạo là một thủ lĩnh dẫn dắt tập thể đi theo định hướng của mình. Ví như thời Tam Quốc bên Trung Hoa có Lưu Bị là vua nước Thục Hán nhưng vai trò lãnh đạo chính lại là Gia Cát Lượng. Nước ta trong hai lần chống quân Nguyên Mông về sau thì vai trò lãnh đạo thuộc về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải vua Trần. Trong một công ty, Hội đồng quản trị có quyền phế truất CEO nhưng chính CEO mới là lãnh đạo cao nhất của công ty. Người lãnh đạo là người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng và là người chịu trách nhiệm cao nhất cho toàn bộ kết quả của một tổ chức.
1. Quân Tây Sơn dưới sự dẫn dắt của Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đấy. Đuổi Nguyễn dẹp Trịnh, đập Xiêm phá Thanh. Oanh oanh liệt liệt. Tướng tài dưới trướng có thể kể đến “Thất hổ tướng”, “Ngũ Phụng Thư” uy danh lừng lẫy. Quân binh dù là nguồn gốc nông dân hay trộm cướp thì cũng thành tinh nhuệ.
Quang Trung mất, Thất hổ tướng chia rẽ, Nguyễn Ánh chớp thời cơ, triều Tây Sơn chẳng mấy chốc mà tan rã. Tướng tài quân tinh ngày trước bỗng dưng mất hết oai phong.
2. Khi Alexander Đại Đế còn sống, quân đội Macedonia bất khả chiến bại. Quân giỏi tướng tài. Thống nhất Hy Lạp, đánh bại đế quốc Ba Tư lừng lẫy, thôn tính Ấn Độ, Ai Cập. Nhưng khi Alexander đột ngột chết đi, cũng là quân đấy tướng đấy nhưng bỗng dưng không còn tài năng gì nữa. Đánh đâu thua đấy, dần dần tan rã.
Kể 2 câu chuyện ngắn để thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo trong tổ chức. Lịch sử luôn để lại cho ta những bài học trong mọi lĩnh vực. Quan trọng là ta có hiểu hoặc có muốn học từ lịch sử hay không mà thôi!
Luận về tầm quan trọng của người lãnh đạo trong tổ chức

“Tôi không sợ một đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại một đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử” – Alexander Đại Đế.

Vai trò của người lãnh đạo : Quy tụ người tài và sắp xếp nguồn lực.

Những danh tướng của Quang Trung là người thế nào? Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng và những người khác nữa đều được xem là những kiêu hùng của thời đại. Chiến công lừng lẫy của triều đại Tây Sơn, từ dẹp nội chiến đến chống ngoại xâm, hành binh đánh trận đều ghi dấu ít nhiều công lao và tài năng của các danh tướng này. Họ đều là những nhân vật mà nếu tách riêng ra vẫn có thể cầm được vạn quân vào Nam ra Bắc, xưng hùng xưng bá.
Những danh tướng kỳ tài đấy quy phục dưới trướng của một Đại thủ lĩnh tài năng là Nguyễn Huệ nên đã lập được nhiều công lao hãn mã. Thế nhưng chỉ ngay khi Quang Trung mất đi không lâu thì họ lại chia rẽ lẫn nhau rồi dần bị quân nhà Nguyễn đánh bại.
Đó là bài học về sự đoàn kết và cũng thể hiện vai trò đầu tiên của người lãnh đạo : Quy tụ người tài và sắp xếp nguồn lực.
Phàm đã là người giỏi thì khó tránh khỏi mang trong mình khí phách ngang tàng kiêu ngạo. Ai cũng có cái tôi riêng rất lớn. Những người tài năng thường muốn có riêng cho mình một không gian lớn để vẫy vùng, họ muốn hoạt động độc lập theo ý mình hơn là phối hợp với người khác, chịu nghe người khác sai bảo lại càng khó chấp nhận hơn nữa. Thế nên mới có câu : những người giỏi thường khó làm việc với nhau.
Những người tài năng thường chỉ chịu đứng dưới trướng của người lãnh đạo mà họ cảm phục bởi nhân đức hoặc có tài năng vượt trội so với họ. Người lãnh đạo có cái uy trấn áp được quần hùng thì mới khiến quần hùng phải quy phục. Ngày nay chúng ta có khái niệm “con đực Alpha” là vì thế.
Vua Quang Trung thống nhất quần hùng lúc đầu là dựa vào quyền lực vị trí. Vì ông là em trai của thủ lĩnh đầu tiên triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Quang Trung khiến cho những kỳ tài của quân Tây Sơn phải khuất phục bởi chiến công hiển hách của mình. Nơi nào vua Quang Trung xuất hiện thì quân giặc sẽ bị đánh tơi bời. Cái uy của vua Quang Trung khiến cho các tướng dưới quyền phải răm rắp tuân lệnh, phối hợp ăn ý với nhau mà hành binh đánh trận, dù có thể những danh tướng lừng lẫy kia chẳng ưa gì nhau nhưng vẫn phải gạt bỏ cái tôi riêng mà làm theo lệnh vì sợ và vì tin vào thủ lĩnh Nguyễn Huệ của mình.
Thông thường trong một tổ chức, để dẫn dắt nhiều người đi cùng một hướng, người ta phải dựng nên những hình tượng chung. Đó có thể là một học thuyết, một giá trị tốt đẹp hoặc là một người thủ lĩnh tài năng nhân đức. Một tổ chức mà có cả 3 điều trên chắc chắn sẽ là một tổ chức bền vững.
Bên cạnh tài năng trận mạc, Nguyễn Huệ cũng là bậc thủ lĩnh biết dùng người. Bày mưu tính kế lâu dài ông tin dùng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Quan hệ ngoại giao thì ông để trọng trách vào Ngô Thì Nhậm. Cầm binh đánh trận thì ông có Thất hổ tướng. Ai làm việc nấy theo sở trường của mình. Bậc kỳ tài nào cũng có đất mà vẫy vùng.
Vậy nên, người lãnh đạo muốn làm nên được việc lớn phải quy tụ được cho mình những tài năng. Thu dụng được người tài là cách nhanh nhất để đưa tổ chức phát triển. Bên cạnh đó, khả năng sử dụng người tài cũng là điều mà người lãnh đạo nên chú ý. Vậy thu phục người tài năng như thế nào để họ can tâm tình nguyện mà đi theo người lãnh đạo, cống hiến cho tổ chức? Một lần nữa hãy nhìn vào cách người xưa đã làm :
Thứ nhất, ra sức chiêu hiền đãi sĩ, tìm kiếm người tài đang sống ẩn dật khắp nơi quy tụ về để phò giúp minh chủ. Tìm kiếm người tài thì không phân biệt xuất thân địa vị hay quê quán.
Thứ hai, đã dùng là phải tin, không tin thì đừng dùng. Khi lãnh đạo tin tướng người khác thì mới có thể an tâm trao quyền cho họ để họ có không gian và thời gian mà phô diễn tài năng. Người tài cũng vì sự tin tưởng đó mà hết lòng phò tá minh quân.
Thứ ba, trọng đãi người có công, trừng phạt kẻ có tội. Trong lịch sử đầy rẫy những mẩu chuyện về việc vị tướng này có công được vua phong quan ban tước, kèm với đó là thái ấp ngàn hộ vạn hộ, con cháu đời sau được thừa hưởng để an cư lạc nghiệp. Cũng có những kẻ bán nước cầu vinh, làm tay sai cho giặc hay mưu đồ bất chính lập tức bị trừng trị thích đáng, bêu tên trước toàn dân để người đời phỉ nhổ.
Cách làm của người xưa với lý thuyết quản trị thời nay thật không khác nhau là mấy. Để các tài năng theo về với mình, các chủ doanh nghiệp thời này thường chú ý đến nguyên tắc về động lực làm việc : Lợi ích và niềm vui.
Làm việc gì đầu tiên vẫn là…tiền đâu. Có thực mới vực được đạo. Vậy nên nếu chỉ nói lý tưởng suông thì khó mà giữ được chân người tài, vì phía sau họ là gia đình. Người ta có thể háo hức với ngọn lửa của lý tưởng, sứ mệnh trong thời gian đầu nhưng không thể giữ được điều đó lâu dài. Thu nhập của một người cũng phần nào nói lên giá trị của người đó trong tổ chức, đó là một sự khẳng định chứ không phải chỉ là con số nhiều hay ít.
Niềm vui của người tài năng, những quản lý cấp cao là được trao quyền hạn để thực thi, để họ có thể độc lập chứng minh khả năng của mình. Có câu nói nổi tiếng của thiên tài Steve Jobs thế này : “Người tài là người chỉ cho tôi nên làm gì chứ họ không cần tôi chỉ cho họ phải làm gì”.
Còn niềm vui của cấp dưới là được học hỏi, được sự dìu dắt của cấp trên để tiến bộ, họ cần người cấp trên chỉ cho họ biết phải làm gì chứ không phải giao nhiệm vụ, trao quyền rồi để đấy.
Vậy nên, người lãnh đạo cần phải hiểu được người dưới quyền mình đang ở mức độ nào mà có cách tạo niềm vui đúng nghĩa chứ đừng áp dụng theo một mô thức khuôn mẫu mà tạo sự mâu thuẫn.

Là người dẫn dắt, quyết định về chiến lược và chịu trách nhiệm cuối cùng.

Trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa ta không khó để tìm kiếm những người mà lời nói của họ giá trị như vạn quân, một ý kiến đóng góp có thể hoạch định thế cuộc trong 1 năm, 5 năm hay thậm chí cả một triều đại. Kể sơ qua như là Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Trịnh – Mạc, Đào Duy Từ của chúa Nguyễn Đàng Trong. Hay bên Trung Quốc thì có Quách Gia, Gia Cát Lượng trong thời Tam Quốc. Người tài thì thời nào cũng có, dù là lúc thanh bình hay thời buổi loạn lạc nhiễu nhương. Nhưng sự khác biệt tạo nên những vị quân vương vĩ đại trong lịch sử chính là biết cách dùng người tài, biết lắng nghe ý kiến của quần thần và đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong bất kỳ tổ chức nào, người lãnh đạo luôn không phải là người phải “làm việc” chăm chỉ nhất nhưng phải là người chịu khó “động não” nhất. Sự có mặt của một người lãnh đạo tài năng có thể giữ yên một tổ chức, cố kết các thành viên đi cùng nhau. Người lãnh đạo là người có quyền lực nhất vì là người chịu trách nhiệm cao nhất của một tổ chức, chứ không hẳn phải là người ở vị trí đầu.
Năng lực lãnh đạo không nằm ở chức danh hay địa vị mà nằm ở vai trò ảnh hưởng của người đó với tập thể. Người có năng lực lãnh đạo là người tạo ra giá trị cho tổ chức và giúp những người đi theo mình trở nên tốt hơn. Với văn thần võ tướng tài năng đầy mình, người lãnh đạo phải tạo ra cho họ khoảng rộng để vẫy vùng, trao quyền và tin tưởng. Với quân binh còn nhiều khiếm khuyết, lãnh đạo phải có sự nhẫn nại và tận tâm chỉ bảo. Quân vương cần tướng tài, tướng tài cần binh giỏi, binh giỏi từ người dẫn dắt sáng suốt mà ra.
Người lãnh đạo còn là người đưa ra quyết định chiến lược cho một tổ chức và là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho kết quả. Vậy nên người lãnh đạo phải có kiến thức sâu rộng, tư duy sáng suốt, trải nghiệm dày dặn. Ví như người thuyền trưởng đưa con tàu ra khơi, chỉ cần một quyết định sai, đoàn tàu có thể đi sai hướng và lênh đênh trên biển cả, cũng có thể va vào đá ngầm mà tan hoang. Tướng làm sai còn có thể sửa, quân vương lầm đường rất dễ tiêu vong.
Ngoài việc dựa vào năng lực cá nhân để đưa ra quyết định, người lãnh đạo còn có thể dựa vào tài năng của những người bên cạnh mình. Như Nguyễn Hoàng nhờ kế của Trạng Trình mà xưng hùng một cõi, Quang Trung tin vào gợi ý của Nguyễn Thiếp mà đánh tan quân Thanh xâm lược. Tất nhiên, người lãnh đạo phải tập hợp được quanh mình những tài năng kiệt xuất để tránh vì dựa vào ý kiến của quần thần mà đi lầm đường. Thường thì, chúa tài ắt có tôi giỏi. Nhưng hãy nhớ rằng, người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là người lãnh đạo chịu trách nhiệm cao nhất.

Tầm nhìn của người lãnh đạo chính là tầm nhìn của tổ chức

Người lãnh đạo chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng và có những định hướng để dẫn dắt tổ chức đi theo mình. Thế nên, tầm nhìn của người lãnh đạo chính là tầm nhìn của tổ chức. Người lãnh đạo có chí lớn bao nhiêu thì sẽ quy tụ được những người có tài năng tương xứng về phò tá cho mình. Gió tầng nào ắt sẽ gặp mây tầng đó. Không chỉ lãnh đạo cần người tài mà chính người tài cũng cần tìm cho mình một minh chúa để có thể nương nhờ, từ đó lập nên công danh sự nghiệp.
Ví như Lê Thái Tổ ngày xưa nếu chỉ hài lòng với chức hào trưởng một phương, sau dấy binh chiếm giữ Nghệ An, Thanh Hóa rồi cảm thấy thế là đủ thì có lẽ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng sẽ chỉ dừng ở đấy. Người tài phương xa sẽ không theo về còn người trong trướng ắt cũng chán nản mà rời đi. Lê Lợi có thể hùng cứ một phương nhưng khi tướng tài binh giỏi không còn nữa thì lấy ai mà chống giữ?
Trước khi Lê Lợi dấy nghĩa, nước ta cũng đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa khác nhưng cũng đều bị dập tắt dễ dàng. Trong số đấy có hai cuộc khởi nghĩa danh chính ngôn thuận là Giản Định Đế với sự phò tá của tài năng lẫy lừng Đặng Tất và Trùng Quang Đế với sự trợ giúp của Đặng Dung – Nguyễn Cảnh Dị. Nhưng tiếc thay cho số phận của nhà Trần đã đến lúc mạt vận, cả 2 vị quân chủ đó đều không phải là người có tầm nhìn xa trông rộng. Không quy tụ được hào kiệt tứ phương dù có chính danh là dòng dõi vua Trần. Giản Định Đế khi đại nghiệp chưa thành đã lo lắng đến việc củng cố quyền lực, giết hại công thần là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân dẫn đến kết cục toàn quân tan rã. Tầm nhìn của ông ấy có lẽ cũng chỉ là ngôi minh chủ cát cứ một phương, lo lợi ích của bản thân trước hết.
Tầm nhìn của người lãnh đạo không phải chỉ là khả năng họ có thể lập được kế hoạch bao lâu mà chính là mục tiêu cuối cùng mà họ muốn dẫn dắt tổ chức của mình đạt được và cách hành xử của họ với đại cuộc. Người lãnh đạo xuất sắc sẽ không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi mục tiêu cuối cùng của mình.
Người lãnh đạo phải là người lo trước cái lo của thiên hạ (tổ chức) và vui sau cái vui của thiên hạ. Cách một người lãnh đạo đối xử với những công thần xung quanh mình cũng nói lên tầm nhìn của họ là bao xa. Nếu một vị minh chủ muốn thu phục nhân tài tứ phương theo về và giữ họ cống hiến tài năng cho mình thì tất nhiên phải trọng đãi quân tướng của mình. Trao sự tin tưởng và quyền lợi để họ tận tâm giúp cho tổ chức hoàn thành được mục tiêu.
Dấu hiệu của một vị lãnh đạo tồi luôn là dùng người mà không tin người, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhân sự cấp dưới khi lập được chiến công sẽ chèn ép mình, sợ họ cướp mất vị trí của mình. Vậy nên luôn tìm cách để kìm hãm nhân tài, từ đấy làm mất lòng quân. Người lãnh đạo tồi cũng sẽ vì chút lợi nhỏ mà đối xử tệ bạc với người có công, trao tặng một chút đã nghĩ là nhiều, lại còn nghĩ là mình ban ơn cho cấp dưới thì mình to lớn quá. Những lãnh đạo như thế có thể thành công trong ngắn hạn nhờ vào nguồn lực sẵn có, Thiên thời hay Địa lợi nhưng rồi khi mất đi Nhân hòa thì ắt hẳn tổ chức cũng sẽ suy vong.
Nói tóm lại, một người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng sẽ được thể hiện ở những điểm sau :
Một là, mục tiêu cuối cùng mà người đấy theo đuổi là gì?
Hai là, có vạch ra được con đường để đi đến mục tiêu cuối đó hay không? Một mục tiêu khả dĩ là khi nó được đi kèm một kế hoạch cụ thể, phù hợp với tổ chức.
Ba là, họ đối xử với các tài năng bên mình như thế nào? Tin tưởng và trọng đãi thật sự hay chỉ là những lời nói suông để động viên, mượn danh lý tưởng, sứ mệnh để hô hào. Nên nhớ rằng tài sản quý nhất của một tổ chức luôn là con người. Tầm nhìn của lãnh đạo cũng chính là tầm nhìn về cách dụng nhân vậy.

Thay cho lời kết

Luận về vai trò của người lãnh đạo thì chắc hẳn không chỉ có 3 nội dung trên đây. Nhưng đây là ba điều quan trọng mà tôi tin rằng người lãnh đạo nào cũng cần phải có. Vì vậy, xin mượn những tấm gương trong lịch sử để chia sẻ cùng các bạn chút kiến thức mà tôi đã trải nghiệm trong quá trình làm việc từ cấp nhân viên cho đến khi đóng vai trò dẫn dắt một doanh nghiệp. Rất mong những bài viết lấy cảm hứng từ lịch sử thế này sẽ giúp cho bạn đọc có thêm niềm yêu thích với sử học nước nhà và vẫn có thể bổ sung thêm một ít kiến thức về quản trị, kinh doanh.