Hoa trên mộ Algernon
Hoa trên mộ Algernon là một tác phẩm “màu mỡ” về chủ đề, có rất nhiều vấn đề để tranh luận và nhiều câu hỏi được đặt ra. Ở đây, mình...
Hoa trên mộ Algernon là một tác phẩm “màu mỡ” về chủ đề, có rất nhiều vấn đề để tranh luận và nhiều câu hỏi được đặt ra. Ở đây, mình sẽ chỉ bàn về một số chủ đề mình thấy nổi bật nhất và gây suy nghĩ nhiều nhất.
Man playing God – khi con người vào vai Chúa
Charlie bước ra khỏi phòng phẫu thuật và từng ngày trở thành một con người với khả năng trí tuệ cao hơn mà không nhận thức rõ được điều đó, nhưng những người xung quanh thì có. Những người bạn làm cùng tiệm bánh với cậu, họ hoang mang và thậm chí sợ hãi đến độ không. Fanny, cô bạn đồng nghiệp đã nhắc tới câu chuyện về Adam và Eve trong cuộc nói chuyện cuối với Charlie.
“It was evil when Adam and Eve ate from the Tree of Knowledge.”
Adam và Eve đã ăn Trái cấm trong Vườn địa đàng của Chúa, Ngài đã trừng phạt và cấm họ bước vào khu vườn mãi mãi. Khi được Chúa tạo ra, Adam và Eva trong trạng thái trần truồng, hoàn toàn ngây thơ (innocence), họ không có tội lỗi (guilt) hay hổ thẹn (shame). Nhưng ngay giây phút ăn Trái cấm, họ đã mất đi sự ngây thơ đó, đổi lại là tri thức và sự trừng phạt từ Chúa. Adam và Eve không thể quay lại Vườn địa đàng, cũng có nghĩa một khi đã có nhận thức và tri thức, người ta không thể quay lại trạng thái trước đó nữa.
Không chỉ Fanny mà một số nhân vật khác cũng bày tỏ suy nghĩ rằng nếu Chúa tạo ra Charlie là người chậm phát triển thì hẳn có lí do và điều đó nên được giữ nguyên; rằng cuộc thí nghiệm mang lại trí tuệ cho Charlie đã đi ngược lại mong muốn của Chúa và người thực hiện cuộc thí nghiệm đó đang tự cho mình quyền hạn của Chúa. Và hình phạt cho việc đi ngược lại với mong muốn của Chúa chính là sự thoái hóa. Charlie, sau 9 tháng phát triển đến đỉnh cao nhất của trí tuệ, bắt đầu thoái hóa và Charlie ngờ nghệch, chậm phát triển ban đầu lại “tái sinh”. Nhưng đó chưa phải điểm dừng, Charlie sẽ còn tiếp tục thoái hóa đến mức tệ hơn thế nữa.
Liên quan đến việc con người vào vai Chúa, nhắc đến thành công của cuộc thí nghiệm, Giáo sư Nemur đã luôn khẳng định rằng chính cuộc phẫu thuật đã sửa chữa lỗi lầm của tạo hóa và tạo ra một con người ‘cao cấp’. Từ lời nói, cách cư xử của Nemur và nhiều nhân vật khác, Charlie luôn cảm thấy mình bị coi như một vật thí nghiệm chứ không phải một con người. Chính anh đã âm thầm phản đối và khẳng định rằng Charlie vẫn luôn tồn tại như một con người, trước khi trở nên thông minh, trước cả khi tiến hành cuộc thí nghiệm đó. Vậy có lẽ việc can thiệp vào trí tuệ của một con người cũng không thật sự là một hành động ‘vào vai Chúa’?
Không bàn đến bản chất việc “man playing God” là đúng hay sai, mình cho rằng cuộc thí nghiệm không sai; Charlie không đáng nhận sự trừng phạt kể trên và mong muốn, cùng bản chất việc trở thành một người thông minh hơn của Charlie càng không sai. Thực tế, cuộc phẫu thuật đã cho Charlie một cơ hội được nhận thức rõ hơn về bản thân mình, về những người xung quanh và về thế giới nói chung. Và mong muốn được trở nên thông minh hơn là hoàn toàn chính đáng.
Bàn về mong muốn được thông minh để học hỏi và sự tìm tòi học hỏi nói chung, mình có suy nghĩ thế này. Người ta hay nói hãy sống, đừng tồn tại. Mình cho rằng sống ở đây chính là học hỏi và sáng tạo.
Động lực tạo ra sức mạnh ý chí, và động lực chính thúc đẩy con người nói chung, bên cạnh động lực để sinh tồn, là động lực để phát triển (to thrive and flourish). Nói cách khác, con người sinh ra trước hết để tồn tại, và sau là để không ngừng thách thức, tìm hiểu, học hỏi, sáng tạo, đưa loài người đi đến sự hung thịnh. Như vậy, có thể kết luận rằng việc chúng ta từ vượn người thành người hiện đại, từ văn minh đồ đá thành nền công nghiệp 4.0 là một điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Có một câu nói mà mình rất thích (và rất cảm ơn người đã dịch nó sang tiếng Việt một cách trọn vẹn như vậy):
"Bò trên bốn chân là con. Đứng trên hai chân, chông chênh và gan góc, ấy là người." (Sakata Gintoki – Gintama)
Nếu dựa theo quan điểm trên thì hẳn cuộc thí nghiệm đã cho Charlie một cuộc sống thật sự vì khi đó Charlie mới bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu còn trước đó anh chỉ đơn giản là đang tồn tại? Kết luận này không thật sự đúng vì ngay cả trước đó, Charlie vẫn cố gắng học hỏi theo cách của một người chậm phát triển (học viết, học đọc, học đánh vần..v..v.), và vì thế, Charlie vẫn luôn sống đúng nghĩa như một con người.
Sự tồn tại của cái tôi
Sau cuộc phẫu thuật, Charlie vẫn luôn cảm thấy và coi mình là một cá nhân khác biệt, tách rời so với Charlie chậm phát triển trước đó. Dường như tất cả ký ức thơ ấu anh nhớ lại đều là của một Charlie khác, và Charlie đó luôn quan sát anh, kiên nhẫn chờ đợi đến khi được quay trở lại. (Nếu nhìn từ góc độ này thì dường như chính Charlie đang củng cố quan điểm của Giáo sư Nemur rằng cuộc phẫu thuật đã tạo ra một con người mới.)
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cái gì quyết định cái tôi của một cá nhân? Làm sao để trả lời câu hỏi “Tôi là ai”? Cái gì là duy nhất, độc nhất thuộc về một người, khác biệt hoàn toàn với tất cả những cá nhân khác?
Có phải chính việc có nhận thức rõ ràng, có tư duy và suy nghĩ (khác với Charlie chậm phát triển, cả về cách thức và nội dung) đã tạo ra một Charlie mới, hoàn toàn tách rời? Câu hỏi này, bản thân mình cũng chưa có câu trả lời.
Để kết lại, Hoa trên mộ Algernon là một quyển sách đặt ra khá nhiều vấn đề và có thể được phân tích dưới nhiều góc nhìn, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặc dù có nhiều câu hỏi được đặt ra (như đã kể trên) nhưng mình vẫn chưa thật sự tự trả lời được hết, và suy nghĩ của mình vẫn còn hơi rối rắm. Tuy nhiên, điều đó cho thấy đây vẫn là một tác phẩm hay và những chủ để được đề cập tới vẫn còn giá trị đến tận bây giờ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất