Hai năm trước mình đọc quyển Hành trình về phương Đông suốt 5 ngày đưa tang bà mình để tìm câu trả lời bà đi đâu tiếp theo. Năm ngoái mình đọc Muôn kiếp nhân sinh lúc đang không-có-gì-ngoài-thời-gian thì biết thêm một chút về luân hồi. Rồi đến năm nay mình được tặng mấy cuốn còn lại của bác Nguyên Phong để cày dịp Tết thì đọc thêm được 3 cuốn, và đến lúc này, quyển mình tâm đắc nhất là Hoa sen trên tuyết vì nó giải đáp câu hỏi "Làm gì để áp dụng lời dạy của Phật vào mỗi ngày?". 
Tóm tắt nội dung một xíu thì tác phẩm gốc là tự truyện của một y sĩ triệu phú người Mỹ giàu nghị lực (và lòng tham) đến tuổi xế chiều mắc bệnh nặng và bị vợ trẻ đẹp ly dị mới bắt đầu tự hỏi mình sống để làm gì; rồi gặp lại thằng bạn hotboy hồi xưa nay cạo đầu xuất gia đề nghị qua Bắc Ấn ở Dharamsala để biết đâu gặp được quý nhân nào đó giúp trả lời. Rồi bác già làm thật, chứng kiến cuộc sống tị nạn của dân tộc Tây Tạng và rồi may phước gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV (bậc thiện tri thức), ngộ ra vài thứ và rồi ở lại Dharamsala.
Với mình thì mình cũng ngộ ké mấy phần từ những đoạn trích lời dạy ấy, một là giải thích dễ hiểu về 3 "trường phái" đạo Phật; và hai là việc vận dụng lời dạy của Phật vào đời sống hằng ngày.
Thứ nhất, nếu bạn không áp dụng các căn bản Giới, Định của Tiểu Thừa (Phật ở Myanmar) để tự độ thì khó có thể đi vào con đường phổ độ của Đại Thừa (Phật ở Trung Quốc), và nếu thiếu đi lòng Từ Bi của Đại Thừa thì không thể đi vào con đường Trí Tuệ của Kim Cương Thừa (Phật ở Tây Tạng). Điều quan trọng cần biết là cả ba con đường tuy thế vẫn chỉ là một (Nhất Thừa), vì cả ba đều chỉ là một sự tiếp diễn không ngừng, không có khởi đầu hay chấm dứt mà thực ra nó là một cái vòng tròn, trong đó ba con đường đến Giác Ngộ có thể ví như những sợi chỉ ba màu cùng quấn lại. 
Thứ nhì, không nên hấp tấp trong việc phải giúp đỡ người khác trước khi hiểu được chính mình vì một người chỉ có thể cứu giúp kẻ khác khi người đó có đủ sức cứu giúp. Vậy nên, việc thấu hiểu và tu luyện để bản thân có lòng can đảm và tâm không còn sợ hãi là cần thiết, thông qua 4 việc đơn giản sau:
1. Tu sửa Thân - Khẩu - Ý cho trong sạch
2. Thiền định và suy ngẫm về vô ngã
3. Phát triển lòng từ bi đến muôn loài
4. Quên đi để không bám víu hồi tưởng trải nghiệm tâm linh
Quay lại với tên sách, mình luôn thắc mắc tại sao bác đặt tên tiếng Việt khác tên sách gốc tiếng Anh quá, ở cuốn Hoa Trôi Trên Sông Nước là Journey in Search of the way, cuốn này là Hoa Sen Trên Tuyết trong khi tên gốc là The Wheel of Life. Đọc xong rồi mình đoán ở Dharamsala, tác giả viết rất nhiều về các viên đá tạc câu thần chú Om Mani Padme Hum (nghĩa là Viên ngọc trong Hoa sen), gọi là Mani Stone. Vậy nên, mình mạnh dạn đoán ý bác Nguyên Phong ví Hoa sen trên tuyết là hình ảnh chữ Padme tạc trên đá xứ Hy Mã Lạp Sơn này. 
Lời kết, bạn nào đọc nhiều sách quá nên đọc quyển này để Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy cho mà nghe nhé :'>