Thể loại game âm nhạc theo mình thấy là một thể loại có lối chơi đơn giản nhưng khó chơi giỏi nếu không có sự luyện tập thường xuyên. Và với tinh thần của một người chơi game "vui là chính" như mình thì chơi đến level sơ trung trong các tựa game này cũng đủ thỏa mãn và tận hưởng tựa game rồi. Trong phạm vi bài viết này, hãy để game thủ "gà mờ" này chia sẻ trải nghiệm của mình với các tựa game âm nhạc mà mình đã chơi qua nhé. 

Deemo

<i>(Nguồn ảnh: Deemo</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: Deemo)
Mở đầu bài viết với tựa game âm nhạc đầu tiên mà mình chơi: DEEMO. Đây là một tựa game mobile của Rayark đã ra mắt từ năm 2013 và đến nay vẫn còn cập nhật mới, cùng một lượng fan trung thành không hề nhỏ trên khắp thế giới. 
Deemo là một sự kết hợp hài hòa đến khó tin giữa hình ảnh, âm thanh, gameplay và cách dẫn dắt câu chuyện, tạo nên một dòng chảy cảm xúc thăng trầm kéo người chơi hòa mình vào trong đấy, để rồi vỡ òa thổn thức với phần kết của câu chuyện. 
Ấn tượng đầu tiên khi vào game chính là phần hình ảnh vẽ tay đậm chất nghệ thuật và có phần ma mị; sự trau chuốt này không chỉ là những bức hình nền, những đoạn Cutscene hay những hiệu ứng cảnh quan, mà nó còn bao gồm ảnh bìa của mỗi bài hát, đây cũng là điều làm mình thích thú. Mỗi bài hát đều có riêng một bức ảnh vẽ tay minh họa cho chủ đề của bài hát, sự chỉn chu, kỳ công này đã giúp cho những bức ảnh này hòa điệu cùng âm nhạc của bài hát vang lên khi mở ra, thực sự thì khi chơi game này mình rất thích mở list chọn bài hát ra, lướt lên lướt xuống để xem ảnh và nghe nhạc đó! 
<i>(Nguồn ảnh: Deemo</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: Deemo)
Phần gameplay của tựa game rất đơn giản, đối với một số người thì có phần đơn điệu nếu so với những màn chơi bùng nổ như của Cytus, tuy nhiên mình vẫn đồng ý với số đông người chơi rằng chính giao diện và cơ chế chơi như vậy mới phù hợp nhất cho tựa game này (kiểu như thêm một chút thì thừa, giảm một chút thì thiếu vậy). Lý do chính đến từ phần nhạc, vì giai điệu chủ đạo xuất hiện xuyên xuốt trong toàn tựa bộ tựa game chính là tiếng đàn piano, dù cho đó là một bài nhạc EDM sôi động đi nữa. 
Chính phần gameplay tưởng như đơn giản kia lại thích hợp đến kỳ lạ với chiếc đàn piano ấy. Cảm giác gõ và lướt phím gợi lại cảm xúc như chơi trên một chiếc đàn piano thực sự rất tuyệt! Nói thêm thì tựa game này được sinh ra dành cho màn hình cảm ứng, vì chỉ có màn hình cảm ứng mới mang lại cảm giác "lướt phím đàn", điều vốn dĩ không thể có được nếu chơi trên PC hoặc Console (vốn chỉ có thể nhấn phím), vậy nên một chiếc tablet là thiết bị phù hợp nhất để trải nghiệm hết cảm giác thỏa mãn khi chơi tựa game này (màn hình điện thoại thì quá nhỏ nên cảm giác hơi tù túng). 
Cốt truyện của game cũng là một điểm cộng lớn và lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người chơi. Bằng sự phối hợp tài tình giữa âm nhạc và hình ảnh, Rayark đã dẫn dắt người chơi vào một câu chuyện có phần bí hiểm, nhẹ nhàng, sâu lắng và cảm động. Chắc sẽ không ai quên được cảm xúc vỡ òa của bản thân khi đến phần kết của câu truyện tuyệt vời ấy! 

Cytus II

<i>(Nguồn ảnh:&nbsp;</i><i>inside-games.jp</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: inside-games.jp)
Với tựa game này, Rayark đã không phụ sự kỳ vọng của fan hâm mộ khi nâng tầm khả năng kể chuyện của mình lên một tầm cao mới. Nếu Deemo một câu chuyện ngắn nhẹ nhàng, sâu lắng thì ở Cytus II là cả một thế giới Cyberpunk rộng lớn được hé lộ dần dần qua từng mảnh ghép câu chuyện của nhiều tuyến nhân vật giao thoa nhau. Cảm giác đầu khi chơi là "WOW! AMAZING!!!".
Cũng như Deemo, sự chỉn chu của nhà Ray không hề giảm bớt mà còn kỳ công hơn nữa. Mỗi tuyến nhân vật đều có cách kể chuyện khác nhau, câu chuyện, hình ảnh, góc khám phá và các bài nhạc mang phong cách đặc trưng riêng biệt cho nhân vật đó. Tất cả tạo nên một thế giới âm nhạc đầy màu sắc, đa dạng và gắn kết với nhau. 
Đặc biệt, phần gamelay đem đến sự sôi động, bùng nổ của sắc màu và hiệu ứng; những ngón tay của người chơi sẽ tự do di chuyển khắp màn hình theo các nốt nhạc, nhấn, giữ, trượt, thả tựa như một DJ trên nền nhạc EDM chủ đạo. Mobie và tablet vẫn là thiết bị mang đến trải nghiệm tốt nhất khi chơi tựa game này.
Đây cũng là tựa game luôn có mặt trong di động của mình để chơi lúc rảnh rỗi. Sản phẩm của nhà Ray thực sự quá đỉnh!

Muse Dash

<i>(Nguồn ảnh: store.steampowered.com</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: store.steampowered.com)
Muse Dash là một tựa game đến từ nhà PeroPeroGames vào năm 2018. Không mang vẻ ngoài đậm chất nghệ thuật đầy ma mị như Deemo, cũng không đầy vẻ sci-fi như Cytus; Muse Dash xuất hiện với một diện mạo chỉ cần gói gọn trong 2 từ: SO CUTEEE!
Đây thuần túy là một tựa game âm nhạc, không hề có cốt truyện gì cả, đơn giản là vào game, chọn bài và quẩy. Gameplay của game này nói theo một cách nào đó thì tương tự như tựa game đánh trống Taiko no Tatsujin: Drum 'n' Fun!; điều khác biệt lớn nhất và ấn tượng nhất là Pero đã tài tình biến mỗi màn chơi thành trò chơi...nhập vai đập quái đánh boss!
Thay cho những nốt nhạc bình thường là những con quái lớn nhỏ siêu cute và cả những em boss xinh tươi "đáng sợ". Người chơi không còn ở góc nhìn thứ nhất nữa mà đứng ở góc nhìn thứ ba điều khiển nhân vật thi triển quyền cước theo nhịp beat. Cảm giác khi chơi tựa game này là quẩy hết mình không lo nghĩ với những pha bấm phím tốc độ "fast and furious" muốn banh cả bàn phím! Cực vui, cực giải trí xả stress. 
Hơn nữa đây là một tựa game đa nền tảng: mobile, tablet, PC hay console em nó đều có mặt; tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình thì chơi bằng bàn phím cơ trên PC sẽ mang lại trải nghiệm đã nhất, trong khi chơi bằng màn cảm ứng khá đau tay, còn chơi bằng gamepad thì thật kinh khủng!.
Điểm mặt bên trên là 3 tựa game với 3 gameplay khác nhau, mỗi loại đều mang lại ấn tượng sâu sắc cho người chơi. Tuy nhiên lòng tham của người chơi là vô đáy, liệu có chăng một tựa game có cả 3 chế độ gameplay trên, lại miễn phí hoàn toàn (cả 3 game trên đều phải mua game và có thể phải mua thêm các gói bài hát nếu muốn chơi nhiều hơn nữa, mặc dù mình thấy các bài hát cho sẵn cũng đã đủ chơi rồi nhưng một khi đã mê thì cứ thế mà mua!), thêm nữa là có một cộng đồng người chơi lớn, có chế độ thi đấu PvP online thời gian thực để so kè nhau,...Vậy thì hãy đến với tựa game kế tiếp...

osu!

<i>(Nguồn ảnh: osu!</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: osu!)
Đây là tựa game thuộc hàng đại thụ ra mắt từ năm 2007 và vẫn đang phát triển mạnh mẽ với một cộng đồng người chơi khổng lồ trên khắp thế giới. osu! mang trong mình nhiều yếu tố độc đáo khiến nó trở nên phổ biến đến vậy. 
Thứ nhất, đây là một tựa game hoàn toàn miễn phí, người chơi sẽ không phải bỏ ra bất kỳ khoản phí nào để sở hữu game hay phải mua thêm bài nhạc nào.
Thứ hai, kho nhạc khổng lồ đang không ngừng tăng lên từng giờ, lý do là vì osu! cho phép người chơi tự đưa bài nhạc vào và tạo ra màn chơi (beatmaps) theo ý mình, sau đó chia sẻ đến cho cộng đồng, những người chơi khác đơn giản chỉ cần lên trang web tải về là có ngay một màn chơi mới (vào trang osu.ppy.sh để tải game và beatmaps)
<i>(Nguồn ảnh: osu!</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: osu!)
Thứ ba, game dễ tải, đa nền tảng, dễ cài đặt và rất nhẹ, có thể chơi trên cả những cấu hình máy yếu. Nhưng đừng tưởng em nó nhẹ mà xem thường phần giao diện của em nó, hãy tưởng tượng sự phấn khích khi chơi bài POP/STARS của nhóm K/DA (LOL), với phần background chính là MV chính chủ (như trên youtube) mà xem, cảm giác đã không phải nói! 
Đặc biệt, osu! cho phép cài đặt "skin" tùy ý. Chắc hẳn bạn nào vừa cài đặt game và vào giao diện mặc định của game sẽ cảm thấy hơi chán. Vậy thì bạn chỉ cần lên mạng, lựa chọn một skin trong vô số skin sẵn có, tải về cài đặt là xong. Thậm chí, nếu chưa hài lòng điểm nào, bạn có thể tùy chỉnh lại bộ skin ấy cho đúng ý mình.
Thứ tư, gameplay đa dạng với 4 kiểu chơi chính: osu!standard (giống Cytus), osu!taiko (giống Taiko no Tatsujin: Drum 'n' Fun!); osu!mania (giống Deemo, DJMax), osu!catch (giống game hứng trái cây?!). 4 kiểu chơi này kết hợp thêm các mod tùy chỉnh đa dạng có thể giảm độ khó cho gà mờ hoặc đưa độ khó đến cấp địa ngục những ai thích tự ngược và hành hạ bàn phím!
Thứ năm, có chế độ PvP cho phép nhiều người online thi đấu cùng lúc theo thời gian thực với con số người chơi cùng so kè trong một màn chơi có thể lên đến hàng chục người. Chính điều này giúp cho osu! có thể tổ chức các giải thi đấu từ nhỏ đến lớn và đỉnh cao là giải vô địch thế giới như một tựa game e-sport, với đầy đủ các hạng mục thi đấu từ cá nhân đến đoàn đội. Từ nền tảng này, cộng đồng người chơi ngày càng phát triển và gắn kết như cộng đồng của các tựa game e-sport khác.
Riêng phần mình, thực ra mình đã biết tựa game này từ rất lâu nhưng chưa chơi, lý do là lần đầu chơi thử cảm thấy nó... khó dã man! Mãi đến gần đây, sau khi chơi qua các tựa game âm nhạc như đã kể trên, mình mới chơi lại và cảm thấy nó... khó thiệt! Lấy ví dụ như ở kiểu chơi osu!mania, mình chỉ chơi với 4 nút là đã vật vã lắm rồi (vì yêu cầu ghi điểm của game này cao hơn các game khác) thì tự hỏi với 9 nút thì các thánh pro chơi kiểu gì đây ?!
Tuy nhiên, độ khó lại chính là điểm làm nên sự thu hút của một tựa game âm nhạc. Không cần các phần thưởng khi hoàn thành quest, lên cấp hay có được trang bị hiếm để mang lại niềm vui sướng. Chính cảm giác thuần túy nhất khi chinh phục được một màn chơi, ghi được điểm cao hơn lần trước, hoàn thành full combo hay thậm chí là full perfect chính là phần thưởng mang lại sự thỏa mãn cho một người chơi. ảm giác vượt qua chính mình, nhìn thấy được kỹ năng bản thân ngày càng tiến bộ rõ rệt là niềm vui thích tuyệt vời mà mình muốn tận hưởng khi chơi game.
Lại nói về osu! điều càng khiến mình coi tựa game này là chân ái chính là kho nhạc khổng lồ của nó chứa đựng cả những bài hát mà mình yêu thích, cả Việt lẫn Tây (tuy nhạc Việt hơi ít chút). Cảm giác được chơi game trên nền nhạc Túy Âm thì thôi rồi, sướng khó tả luôn ý! Đây là điều mà những tựa game như Deemo, Cytus, Muse Dash không có được dù cho kho nhạc của những game này cũng tuyệt không kém, nhưng những gì thân quen mới mang lại cảm giác thích thú nhất nhỉ!

Và vài tựa game khác...

Mình vừa viết về bốn tựa game âm nhạc mà mình thường chơi nhất, để nối tiếp cái bài viết dài lê thê này thì mình cũng nói thêm về một số game âm nhạc khác mà mình có ấn tượng đặc biệt.
<i>(Nguồn ảnh:&nbsp;</i><i>ubisoft.com)</i>
(Nguồn ảnh: ubisoft.com)
Kể đến đầu tiên phải là series game JUST DANCE, là các tựa game âm nhạc đa nền tảng có lối chơi đặc biệt y như tên gọi. Chơi game này bạn sẽ có cơ hội quẩy bung nóc, quẩy toàn thân vì đây là một game nhảy theo điệu nhạc, cực thích hợp để vận động tiêu mỡ, và rất thích hợp chơi cùng bạn bè trong một buổi tụ họp. Cảnh báo: dọn sạch bàn ghế và các đồ dễ vỡ khỏi phòng trước khi chơi để tránh thiệt hại nặng nề về tài sản hoặc các chấn thương không đáng có! Nhược điểm lớn nhất của tựa game này chắc là... đắt tiền (nếu muốn mua game).
<i>(Nguồn ảnh: store.steampowered.com</i><i>)</i>
(Nguồn ảnh: store.steampowered.com)
Kế tiếp là MUSYNX, tựa game này có kiểu chơi tương tự như Deemo-Reborn trên PC (bản làm lại 3D của Deemo). Điểm yêu thích ở game này là giao diện màn chơi mặc định tạo cảm giác rộng mở và có chiều sâu với các nốt nhạc chạy từ xa đến chứ không thả dọc từ trên xuống như osu!. Tuy vẫn có chế chỉnh sang giao diện thả dọc nếu muốn nhưng mình vẫn thích kiểu mặc định hơn. Thêm nữa là ảnh bìa bài nhạc rất đẹp nhìn thích mắt. Game này cũng có phiên bản mobile nhưng theo mình thì nó khá dở.
<i>(Nguồn ảnh:&nbsp;play.google.com)</i>
(Nguồn ảnh: play.google.com)
Cuối cùng, tuy đã bỏ từ lâu nhưng mình vẫn muốn chia sẻ thêm ở đây là tựa game mobile TAPSONIC TOP - Music Grand prix.
Game có kiểu thiết kế giao diện màn chơi cực kỳ phù hợp để chơi bằng mobile; các nốt nhạc biến đổi đa dạng đầy lôi cuốn, cộng thêm hiệu ứng rực rỡ đẹp mắt của ánh đèn sân khấu đi theo từng nốt trên nền nhạc K-Pop sôi động không chê vào đâu được khiến cho màn chơi thật đã mắt sướng tai. Nhưng chính sự hoàn thiện của màn chơi lại khiến cho mình càng thêm tiếc nuối vì phải từ bỏ game này do không thích phần gameplay nằm ngoài màn chơi.
Tựa game này là một sự kết hợp kỳ lạ giữa thể loại âm nhạc và... thẻ tướng chiến thuật. Trong game, bạn sẽ là quản lý của một ban nhạc tham gia giải đấu âm nhạc vũ trụ,... Chuẩn chỉnh nội dung của một game thẻ tướng chiến thuật, thể loại ấy có gì thì trong game này sẽ có tất cả những thứ đó. Bạn phải thu thập và quản lý tài nguyên để phát triển tổ đội, nâng cấp chỉ số nhân vật, tăng rank,... và dĩ nhiên không thể thiếu phần "gatcha" quay thưởng hút máu đặc trưng để thu thập nhân vật hiếm.
Các nhân vật trai xinh gái đẹp trong này đều được thiết kế cực kỳ bắt mắt và mỗi nhân vật đều có hệ kỹ năng riêng sử dụng được bên trong màn chơi. Đây chính là vấn đề! Sự phát triển của nhân vật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của màn chơi, cụ thể là số điểm đạt được. Đây là điều không thể chấp nhận được, nó khiến cho màn chơi không còn đem một niềm vui vượt qua thử thách thuần túy nữa mà trở thành cuộc chạy đua "vũ trang" cho ban nhạc của mình. 
Thậm chí, khi người chơi đã hoàn thành một màn chơi đạt full combo, game còn cho phép bật chế độ...auto-play! Nghe tin nổi không, game âm nhạc mà có auto-play! Nhưng mà ở đây có, lý do vì chính phần chơi thẻ tướng mang nặng tính cày cuốc để kiếm tài nguyên đã tác động đến và sản sinh ra điều lạ thường này (auto-play để treo máy cày tài nguyên chứ sao!). Game còn có chế độ chơi PvP để khuyến khích người chơi... bơm tiền vào tìm chiến thắng. Vậy nên, sau một thời gian ngắn trải nghiệm, mình thấy khá mệt và không thấy vui nữa nên đành từ bỏ. Cảm thấy tiếc lắm luôn, vì màn chơi của nó thiết kế thật sự rất tốt đấy!
Kết lại, trong bài viết này mình đã chia sẻ những cảm nhận của riêng mình, đi sâu vào phần "game" của mỗi tựa game, còn phần nhạc thì dĩ nhiên là rất hay rồi nên mình cũng không nói nhiều thêm. Thú thật là đôi khi mình còn mở lại list nhạc trong tựa game ấy để thưởng thức đấy!
Đây chỉ là vài tựa game mình đã chơi qua và ấn tượng sâu sắc, chắc chắn là còn rất nhiều tựa game âm nhạc khác mà mình chưa chơi hoặc chưa biết đến. Cảm ơn đã dành thời gian đọc những chia sẻ dài lê thê của lão gà mờ này. Mong là sau này sẽ có dịp trải nghiệm thêm nhiều tựa game thú vị hơn nữa và được chia sẻ đến các bạn nhé!
(~ ̄▽ ̄)~ ♪♪