“Cuộc chiến gần nhất đã lùi xa nửa thế kỷ rồi, chúng ta nhỏ lớn chưa từng nếm mùi chiến tranh. Hoà bình, cái hoà bình mà tôi với anh phải ra sức bảo vệ, cái hoà bình của đất nước này, của thành phố này, rút cục là gì vậy?” - Arakawa, Patlabor 2

Sau Thế chiến 2, Nhật Bản từ đế quốc trở thành nước không có quân đội mà chỉ có lực lượng phòng vệ (JSDF), việc quốc phòng phụ thuộc vào quan hệ với Mĩ. Nhưng khi Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, Mĩ đòi hỏi Nhật phải tham gia sâu hơn vào các chiến dịch quân sự chứ không thể đứng sau đóng góp tiền bạc mãi, nhưng rút cục bất thành, một phần vì người Nhật nhìn thấy quá khứ của mình trong hình ảnh Iraq bấy giờ: bành trước bất chấp cảnh cáo của Mĩ, bị răn đe bằng cấm vận rồi bằng vũ lực, và kết thúc bằng những thành phố bị dội bom tan nát. Đến lúc lực lượng Liên Hiệp Quốc giành thắng lợi chớp nhoáng, người Mĩ thoát được một hội chứng Việt Nam thứ hai, còn người Nhật nếm mùi “cú sốc Iraq”: nước Nhật chưa sẵn sàng để cáng đáng trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế, bị phe thắng trận gạt ra rìa, người Mĩ bớt coi trọng nước Nhật hơn và tỏ ra thù địch với các doanh nghiệp Nhật tính nhảy vào đầu tư tái thiết vùng Trung Đông.
“[…] tinh thần của Nhật Bản là lấy thì nhiều mà cho thì ít. Trong đó có ít nhiều ích kỷ và bất lương. Chính điều này, chứ không phải con số đóng góp bằng tài chính, mới là sự bất mãn cơ bản của người Mĩ được đúc kết lại bởi vụ khủng hoảng vùng Vịnh.”  (Robert J. Samuelson)
Theo điều 9 Hiến pháp, nước Nhật từ bỏ vĩnh viễn quyền sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, không có hải lục không quân. Ngay sự tồn tại của lực lượng phòng vệ cũng có tranh cãi xem có hợp hiến hay không, nói gì đến triển khai quân JSDF ở nước ngoài.  Vì vậy nên việc Nhật tham gia vào Cơ quan Chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia (UNTAC) năm 1992 để giám sát thoả thuận ngừng bắn sau chiến tranh Campuchia, tổ chức bầu cử xây dựng nước Campuchia mới được chính trị trong nước xem rất trọng đại. UNTAC không những có trưởng phái bộ là người Nhật mà còn có 600 công binh JSDF và 75 cảnh sát dân sự. Một chiến dịch thành công sẽ khiến dư luận trong nước cởi mở hơn với những đợt gửi quân tham gia gìn giữ hoà bình về sau. 
Và họ thành công thật, nhưng thành công trầy trật với ít nhiều bất mãn từ các nước khác cùng tham gia UNTAC. Phái đoàn Nhật đến trễ (do phải tham gia huấn luyện đặc biệt), về sớm, căn cứ đóng ở Takeo xa vùng Khmer Đỏ hoành hành; trong đồn có trang bị điều hoà, truyền hình vệ tinh, nhà tắm bồn, bếp ăn món Nhật, máy bán hàng tự động ăn xu 100 yên có bán bia Nhật. Nếu truyền thông tóm được hình ảnh quân nhân Nhật đói khổ thiếu thốn, rất có thể dư luận trong nước sẽ quay ra đòi rút quân về. Trái khoáy ở chỗ phái viên quân sự thì ở nơi an toàn còn phái viên dân sự thì lại vào chỗ hiểm. Các sĩ quan cảnh sát Nhật ban đầu tưởng sang để huấn luyện cảnh sát Campuchia, nhưng sau lại được bố trí đi bảo vệ địa điểm bỏ phiếu. Mấy chỗ này bị Khmer Đỏ tấn công dữ. Hai cảnh sát thiệt mạng, 20 người bỏ vị trí chạy về Phnom Penh, 4 người leo lên xe LHQ chạy tuốt sang Thái Lan. Bác sĩ người Nhật chẩn đoán xong ra giấy khuyến nghị cho nghỉ ít nhất một tháng. Lơ lửng trên đầu họ là “5 nguyên tắc” của Luật về phối hợp với hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ (gọi tắt là luật PKO). Luật này quy định hoạt động gìn giữ hoà bình của lực lượng Nhật chỉ được tiến hành khi đã có sự cho phép lẫn thoả thuận ngưng giao tranh giữa các bên ở nước sở tại. Vậy nên Nhật phải xem các vụ gây hấn của Khmer Đỏ là không vi phạm thoả thuận ngừng bắn, lại chỉ có thể kêu gọi răn đe không dùng vũ lực trên diễn đàn LHQ. Nếu có bắn nhau, phái đoàn Nhật sẽ khăn gói về nước ngay lập tức. 
Toàn bộ ở trên là để giải thích bối cảnh phim “Patlabor 2” của đạo diễn Oshii Mamoru, ra rạp năm 1993. Mở đầu phim là cảnh một nhóm JSDF trong sắc phục LHQ đang làm nhiệm vụ ở “một nước Đông Nam Á nọ”, đi qua rừng bị phục kích nhưng thượng cấp không cho bắn trả mà phải chờ viện binh quốc tế, hậu quả là thiệt mạng toàn bộ trừ viên chỉ huy Tsuge. Phẫn chí, Tsuge trở về nuôi kế hoạch làm giới chính trị trong nước chao đảo. Đầu tiên là sắp đặt một vụ ném bom bằng máy bay ngay thủ đô, rồi ba máy bay chiến đấu lạ xuất hiện trên màn hình radar, sau đó là khinh khí cầu thả mấy đám khí màu vàng giữa đường phố. Chính quyền dân sự bất lực không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bên cảnh sát đổ lỗi cho bên quân sự, SDF phản ứng bằng cách phản đối ra mặt rồi sau tiến vào phong toả thành phố.  
Tsuge muốn người trong nước nhận ra rằng sự ổn định của họ mong manh như thế nào bằng cách lợi dụng những lỗ hổng trong quốc phòng Nhật do lệ thuộc vào Mĩ mà dàn dựng nên một khung cảnh thời chiến ngay trước nhà họ. Động cơ của ông được tay đàn em phản phé Arakawa giải thích trong đoạn độc thoại dài giữa phim. Ở đây, Oshii mượn lời Arakawa và hành động của Tsuge để nói lên quan điểm của mình: một mặt, ông cho rằng chạy theo những mục tiêu do người Mĩ đặt ra là đi ngược lại với nhu cầu an ninh của chính mình, mặt khác ông phê bình thái độ dửng dưng của người dân và tâm lý chủ hoà: “Đến nay, một nửa thế giới vẫn triền miên nội chiến, bạo lực sắc tộc, xung đột vũ trang. Bao nhiêu cuộc chiến ấy cùng nhau lại nuôi sống nền kinh tế phồn vinh vấy máu, đấy là chân tướng cái hoà bình của chúng ta. Thứ hoà bình vô luân dựa trên sự khiếp hãi trước chiến tranh, thứ hoà bình phi nghĩa ngoảnh mặt ngơ tai khi chi phí được trả bằng chiến tranh ở nước khác.
"[…] Chúng ta vừa hưởng trái ngọt của hoà bình vừa xua tay đóng khung chiến tranh trong màn ảnh, quên mất rằng mình chẳng qua chỉ ở tuyến sau mà thôi. Không phải, là mãi giả vờ quên mới đúng.”
Nhưng nếu hoà bình hiện tại là phi nghĩa thì cuộc chiến tranh chính nghĩa là gì? Oshii thường đặt câu hỏi hay hơn đưa ra câu trả lời. Kết cục thì Tsuge cũng bị bắt, cũng phải thừa nhận là dù cái hoà bình của Tokyo là hư đi nữa thì cái màn kịch chiến tranh ông dựng nên cũng chẳng thật. Có lẽ đây là chỗ Oshii thấy sức mình có hạn khi cố phá giải cái ảo ảnh trên màn hình bằng một tác phẩm trên màn hình. 
Cũng có thể ông kiêng dè, vì cái lập trường độc lập với Mĩ, chỉnh đốn quốc phòng nghe khá sát với khẩu hiệu của mấy thành phần dân tộc chủ nghĩa, đồng thời luôn có một bộ phận không nhỏ người dân nghi ngờ việc tham gia gìn giữ hoà bình là chiêu bài chính trị để kéo nước Nhật trở lại quá khứ quân phiệt. Bên phe này nổi tiếng có ông già Miyazaki Hayao.
“Nếu có chiến tranh thì thắng cũng chẳng được gì. […] Mà kẻ thắng lại thua. Quân thì huênh hoang mà bành trướng, dân thì tự tin đến kỳ khôi. Tôi nghe có mấy người Việt Nam bảo rằng cái oai thắng Mĩ làm hỏng nước họ. Đấy là sự ngạo nghễ vô lối.” (Miyazaki Hayao, 1993)
Cụ Hayao cũng bảo nhân vật Tsuge thiếu thực tế: quân nhân nếu có bất mãn như vậy thì trước phải tự trách mình phán đoán sai mà để đồng đội hy sinh, sau thì phê phán mệnh lệnh cấm bắn trả một cách công khai, ví dụ như ra toà án binh. Oshii trả lời rằng ông không nghĩ rằng SDF có ý thức chuyên nghiệp đến thế. 
Gần 30 năm sau, không biết Oshii có còn giữ quan điểm không. Đến năm 2014 chính phủ Nhật mới chính thức đưa ra lối diễn giải mới điều 9 Hiến pháp cho phép đưa quân ra ngoài nước để bảo vệ đồng minh. Ai cũng biết Covid đã buộc người Nhật trễ cái hẹn Olympic 2020, nhưng ít nói tới một cái hẹn khác cũng bị lỡ là cuộc trưng cầu dân ý để sửa hiến pháp, trong đó việc có điều chỉnh điều 9 hay không là một câu hỏi lớn lòng người chưa ngã ngũ. Nhưng giấc mơ làm cường quốc gìn giữ hoà bình ở Đông Á có lẽ đã để vuột vào tay Trung Quốc rồi.
Nhưng trong khi trăn trở với thời sự, Oshii đã đặt ra những câu hỏi trường tồn hơn cả thời sự. Rốt cục thì, nền hoà bình của chúng ta có phải là thật không? Có đang được trả bằng máu của ai không? Hoà bình này được xây dựng trên giải quyết mâu thuẫn, hay là ức chế hoặc phớt lờ mâu thuẫn?

Mình với thằng bạn người Myanmar đều từng xem qua Patlabor 2 trên một lần, hồi tháng 2 cùng nửa đùa nửa thật bảo giờ đời thực lại giống như phim. Nhưng nếu không hiểu nhầm ý Oshii thì những  người "ngoài cuộc" càng phải suy ngẫm nhiều hơn những người trong cuộc. Xem xong rồi lại chép miệng ngó ASEAN hội đàm với đội quân tự lật đổ chính phủ nước mình. Dây dưa đến tận tháng 7 mà ASEAN vẫn chưa chọn nổi lấy người đi Myanmar, mà có cử người đi nữa thì cũng đã có kế hoạch làm việc với phe nào ngoài chế độ Tatmadaw đâu. Hoà giải kiểu gì lạ thế?

Ở ta lại có cái luận điệu rằng Myanmar đang bước vào nội chiến, thường đi kèm luôn cái kiến giải rằng thì là phe nào đang gây chia rẽ, bạo loạn, bất ổn. Như một mâm cơm bày sẵn chờ người đọc tiêu hoá lấy "bài học cuộc sống".

Phải nói cho rõ rằng chẳng phải đang rơi vào đâu, mà nội chiến đã xảy ra rồi, từ tháng hai ấy. Mà thực ra thì mấy chục năm nay đã có lúc nào thật sự hoà bình chưa?