Hoá Thân: Franz Kafka và cái phi lý trống rỗng
GÓC REVIEW SÁCH: Hoá thân là một tác phẩm độc đáo của nền văn học thế kỉ 20, một chủ đề kỳ thú trong văn học Kafka
*[SPOILER ALERT]*
Hoá Thân của Franz Kafka là một tác phẩm khá khó nuốt nhưng cũng là một cuốn sách đáng đọc
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Gregor Samsa, một nhân viên bán hàng thường nhật, bỗng chốc hóa thành một con bọ khổng lồ trong một sớm tinh mơ thức giấc.
Lối hành văn của Kafka trong câu chuyện đầy tỉ mỉ, sâu sắc và giàu cảm xúc. Tác giả cố gắng làm rõ sự hỗn loạn và bối rối của nội tâm nhân vật sau cuộc hoá thân ấy. Bằng ngòi bút của mình ông đã mô tả được cái phi lý và đột ngột xảy đến với Gregor. Xuyên suốt mạch truyện, Kafka mở ra những cánh của đến với cái nhân dạng bị đánh mất của nhân vật chính khi không còn là một Samsa trước đây nữa, và cái cảm giác bị ruồng bỏ bởi chính người thân yêu của mình dẫu cho Gregor đã sống hết lòng vì người nhà mình. Có lẽ chỉ khi Gregor bị biến thành con bọ, họ mới chịu đi làm để nuôi sống chính mình và lúc ấy Gregor như bị quên lãng trong chính căn nhà ấy. Sau cùng, đó là hiện thân của cái phi lý của đời sống, Gregor cũng như chúng ta, sống và không còn sống trong một hình dạng cũ nữa, đầy nghịch lý và bất toàn, Gregor chẳng thể chịu nổi sự phi lý đó. Cái phi lý đó là vấn đề cốt yếu trong cái triết lý “Kafkaesque" đã được thể hiện trong Lâu Đài hay Vụ Án. Quả là một góc nhìn độc đáo về nhân sinh.
Một trong những khía cạnh nổi bật nhất trong câu chuyện là sự khải thị về sự cô lập và xa lánh của Gregor. Khi nhân vật chính ngày càng trở nên một con bọ, anh càng bị cô lập khỏi chính gia đình mình, anh bị họ cho ra rìa vì chính hình dạng con bọ ấy, dần dần, họ cũng nản khi phải nuôi một con bọ mà trước đây chính con bọ đó đã nuôi họ. Ở đầu câu chuyện, khi Gregor biến thành con bọ, không ai có thể nghe anh nói gì và biện minh ra sao vì giờ đây anh đã hoàn toàn câm lặng, chẳng ai cảm thông. Cảm giác của sự cô lập ấy được khắc tả bằng lối diễn đạt chầm chậm, tối giản, tạo nên sự trống rỗng và tách bạch.
Mặc cho những yếu tố đen tối ấy, “Hoá Thân" là một tác phẩm có sức ảnh hưởng và nhân văn sâu sắc. Bức chân dung của Kafka về sự suy sụp dần dần của Gregor và cái chết sau cùng lại vừa đau đớn vừa thấm thía, kết thúc bằng trong một nốt nhạc vừa trớ trêu vừa cay đắng nhưng khó quên.
“Hoá Thân" là một tác phẩm văn học khó ngấm và khá phức tạp về chiều sâu và đầy ẩn ý, phúng dụ. Độc giả cần đọc một cách từ từ và trải qua quá trình phản tư tức là suy ngẫm và đặt mình vào chính nhân vật ấy để hiểu được trải nghiệm của chính Gregor Samsa. Dẫu là khó đọc như thế nhưng phần thưởng là không nhỏ, một món quà vô giá về tinh thần chứa đựng đầy triết lý. Khám phá lớn lao của Kafka về số phận con người là quá đỗi vĩ đại và sự thấu hiểu của ông cũng thực sâu sắc. Không ngoa mà nói, ông có thể đứng ngang hàng với các tên tuổi thời ấy như Dostoevsky, Thomas Mann, James Joyce hay Marcel Proust. Hẳn ông cũng không nghĩ rằng tác phẩm của mình có thể đánh thức giấc ngủ chìm trong hư vô và phi ngã của thời đại. Thực sự mà nói tác phẩm của ông quả là công trình kiến tạo xã hội.
Cuốn tiểu thuyết “Hóa Thân" thực sự đáng đọc đối với những tầm hồn yêu thơ văn hay những bộ óc say mê với triết học.
Hơn nữa, “Hoá Thân" là một lựa chọn tốt cho đại chúng ở Việt Nam nếu muốn hiểu về danh tính con người, để không đánh mất nó, hiểu về nỗi cô đơn của thời đại chìm trong bóng tối vô ngã. Cuốn tiểu thuyết gợi lên một câu hỏi lớn rằng con người là gì và cái cách chúng ta liên hệ với những chủ thể khác, tức liên hệ với tha nhân ra sao.
Cũng có thể liên hệ đến một xã hội chìm vào chủ nghĩa cá nhân tách bạch với cái tập thể, tự cô lập chính mình và vô lối. May mắn thay, ta đã được ý thức về giai cấp và tập thể để không rơi vào hoàn cảnh như này
“Hoá Thân" là một tác phẩm xuất xuất sắc và cô đọng, đáng thưởng thức cho mọi tầng lớp độc giả. Nếu những ai đam mê văn học, nhất là nền văn học phương Tây nếu muốn đắm mình vào cái mê cung hấp dẫn của văn học Kafka, có thể chọn đọc “Hóa Thân" của Franz Kafka.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất