Abstract:  Bài viết sẽ giới thiệu cách bầu cử của ba nhánh trong Chính phủ Hoa Kỳ,  ví dụ như cách các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ hay Tổng thống được bầu lên
Giới thiệu chung: Hoa Kỳ có 50 bang [1], một quận liên bang (federal  district) [2], hai Thịnh vượng chung thuộc vùng quốc hải (Commonwealth  of the U.S. insular area) [3] cùng nhiều lãnh thổ hải ngoại thuộc quốc  hải khác [4]. 
Chỉ có 50 tiểu bang có đầy đủ quyền bầu cử và đại diện  trong chính quyền, trong khi các vùng lãnh thổ còn lại chỉ có khả năng  bầu cử và đại diện nhất định.
________________
Đầu tiên là về Nhánh Lập pháp nhé.
Hạ viện Hoa Kỳ gồm 435 thành viên. Các thành viên của Hạ viện được gọi  là Hạ nghị sĩ hoặc Dân biểu (Representative), và vì thế Hạ viện được gọi  là House of Representatives. Mỗi Dân biểu có nhiệm kỳ hai năm và có thể  tái đắc cử.
Theo quy định trong Hiến pháp, mỗi bang có ít nhất một  Dân biểu và số Dân biểu được chia theo dân số của bang đó. Bang có dân  số càng đông thì sẽ có càng nhiều Dân biểu, ví dụ như bang California  (dân số khoảng 40 triệu) có 53 ghế trong Hạ viện, trong khi Texas (dân số khoảng 29 triệu) có 36 ghế.
Mỗi ghế Dân biểu đại diện cho một địa  hạt bầu cử (congressional district) nhất định. Ví dụ, California có 53  ghế Dân biểu, nên bang này cũng có 53 địa hạt bầu cử. Người dân trong  địa hạt bầu cử nào sẽ chỉ bỏ phiếu cho các ứng cử viên của địa hạt bầu  cử đó. Việc bầu cử này được dựa trên hệ thống đầu phiếu đa số đơn (first-past-the-post) - tức mỗi người chỉ được bầu một ứng cử viên, và  ứng cử viên nào có số phiếu cao nhất sẽ chiến thắng, trở thành Dân biểu  của khu vực bầu cử đó và sẽ đến Quốc hội làm việc.
Ngoài 435 Dân  biểu, Hạ viện còn có đại biểu từ các vùng lãnh thổ hải ngoại kể trên.  Các đại biểu có quyền phát biểu trong Hạ viện song không có quyền bỏ phiếu.

Sẵn mình nói thêm về tổ chức của Hạ viện luôn. Người  đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Hạ viện (Speaker of the United States  House of Representatives, hay Speaker of the House). Chủ tịch Hạ viện là  người đứng thứ nhì,chỉ sau Phó Tổng thống trong thứ tự kế vị Tổng  thống. Chủ tịch Hạ viện do chính Hạ viện đề cử - mỗi đảng sẽ đề cử một  ứng viên và người được đa số phiếu sẽ thắng (vậy nên gần như chức vụ này  là do đảng nắm đa số bầu lên).
Bên cạnh đó, còn một số  chức vụ lãnh đạo của Hạ viện, như Lãnh đạo Đảng đa số/thiểu số  (Majority/Minority Leader) và Viên chức đặc trách kỷ luật của đảng  (Whip). Ngoài ra, có một chức vụ khác đặc biệt - Sĩ quan Hạ viện (Sergeant at Arms of the United States House of Representatives), chịu  trách nhiệm giữ trật tự và chủ trì các nghi lễ, và có quyền bắt các Nghị  sĩ phải tham gia vào các cuộc họp khi được Chủ tịch Hạ viện yêu cầu.

Okay, tạm xong Hạ viện, tiếp theo là Thượng viện nhé.

 Thượng viện Hoa Kỳ gồm 100 thành viên. Các thành viên của Thượng viên  được gọi là Thượng nghị sĩ. Khác với Hạ viện, mỗi bang có 2 ghế Thượng  nghị sĩ mà không kể dân số. Mỗi Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Tuy  nhiên, các nhiệm kỳ được phân chia sao cho khoảng 1/3 số ghế sẽ bị trống  để được đưa ra cho bầu cử cứ hai năm một lần.
Các Thượng nghị sĩ được bầu ra thông qua bỏ phiếu chung của dân số cả bang và cũng theo hệ thống đầu phiếu đa số.

Nói thêm: Theo hiến pháp, đứng đầu Thượng viện là Phó Tổng thống, vì thế Phó Tổng thống còn được gọi là President of the Senate. Phó Tổng  thống không có quyền bỏ phiếu trừ khi để phá thế cân bằng phiếu. Thượng  viện còn bầu ra Chủ tịch Tạm quyền (President pro tempore of the United States Senate) từ các Thượng nghị sĩ, với vai trò thay thế cho Phó Tổng  thống khi ông này vắng mặt.
Khác với Phó Tổng thống, Chủ tịch Tạm quyền là có đầy đủ quyền bỏ phiếu. Chủ tịch Tạm quyền Thượng viện đứng thứ ba trong hàng kế vị Tổng thống.
Thông thường  cả Phó tổng thống và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền không làm chủ tọa  mà thay vào đó giao nhiệm vụ này cho các thượng nghị sĩ cấp thấp hơn của  đảng đa số để giúp họ học hỏi cách thức làm việc của Quốc hội.
Giống như Hạ viện, Thượng viện cũng có các chức vụ như Lãnh đạo  Đảng đa số/thiểu số và Sĩ quan Thượng viện với vai trò tương tự.
________________
Tiếp theo là Nhánh Hành pháp nhé.
 Đứng đầu Nhánh Hành pháp là Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống không được  bầu trực tiếp bởi người dân, mà được bầu lên bởi Đại cử tri đoàn  (Electoral College). Số ghế trong Đại cử tri đoàn bằng với số Dân biểu  và số Thượng nghị sĩ của bang đó. Ví dụ, bang California có 53 ghế Dân  biểu, và có 2 ghế Thượng nghị sĩ, vậy bang này sẽ có 55 ghế trong Đại cử  tri đoàn. Thêm vào đó, quận Colombia (Washington D.C.) có 3 ghế trong  Đại cử tri đoàn, mặc dù không hề có ghế Dân biểu hay Thượng nghị sĩ nào.  Như vậy, Đại cử tri đoàn bao gồm 538 người, trong đó 435 (số Dân biểu) +  100 (số Thượng nghị sĩ) + 3 (số đại biểu của quận Colombia).
Vào  ngày bầu cử, các bang tổ chức bầu cử toàn bang để chọn ra người chiến  thắng. Phần lớn các bang sử dụng phương thức đầu phiếu đơn và ứng cử  viên nào có nhiều phiếu nhất trong bang sẽ chiến thắng toàn bộ ghế đại  cử tri của bang đó (ví dụ, bà Clinton giành được 61.73% số phiếu bầu của  bang California, và như vậy bà giành được toàn bộ 55 phiếu Đại cử tri  của bang đó). [5]
Ứng cử viên tổng thống nào giành được ít nhất 270  phiếu đại cử tri sẽ chiến thắng và trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. (Nếu không ứng cử viên tổng thống nào giành đủ 270 phiếu thì người có nhiều  phiếu nhất sẽ chiến thắng).
Các đại cử tri tổng thống  của mỗi tiểu bang (và Đặc khu Columbia) tụ họp lại 41 ngày sau tổng  tuyển cử để bỏ phiếu đại cử tri. Đây gần như là một hành động tượng  trưng vì phần lớn thời gian các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên  chiến thắng tại bang của mình; hiếm có trường hợp nào mà đại cử tri  không bỏ phiến cho ứng cử viên đã chiến thắng - những người như vậy được  gọi là Đại cử tri không trung thành (faithless elector).

Quá trình tranh cử Tổng thống thường diễn ra như sau:
1. Các cá nhân quyết định tranh cử Tổng thống sẽ đi vận động (campaign).
 2. Vào quý 1, 2 và đầu quý 3 của năm bầu cử, các cuộc bầu cử sơ bộ  sẽ được diễn ra ở các bang để chọn ra các ứng cử viên Tổng thống.
3. Hội nghị Toàn quốc của các Đảng diễn ra và họ sẽ bầu ra ứng viên Tổng thống đại diện cho Đảng của mình.
4. Các ứng cử viên chọn người đồng hành cùng mình (Running mate - sau này thường trở thành Phó Tổng thống)
5. Họ tiếp tục đi vận động.
6. Ngày bầu cử là ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một. Mọi  người đi bỏ phiếu ở các bang, số phiếu được đếm, người thắng cuộc ở các  bang được công bố
7. Đại cử tri đoàn tập hợp để bỏ phiếu.
8. Vào thàng Giêng, Tổng thống và Phó Tổng thống mới nhậm chức.
9. Tổng thống chọn Nội các (cabinet - gồm các Bộ trưởng, Thư ký Nhà Trắng, etc.) và gửi cho Quốc hội phê duyệt.
10. Bốn năm sau, quá trình lại lặp lại.

Một số con đường thông dụng nhất để trở thành Tổng thống gồm:
1. Từ Thống đốc bang (Governor), như G.W. Bush (Bush con), Clinton, Carter, Reagan
2. Từ Thượng nghị sĩ, như Obama
3. Từ một tướng lĩnh thành công, như Eisenhower
4. Từ vị trí Phó Tổng thống của một Tổng thống được yêu thích, như G.H.W. Bush (Bush cha).

________________
Cuối cùng là Nhánh Tư pháp. Nhánh này bao gồm Tòa án Tối cao (Supreme Court) và các tòa án địa phương. Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán, được  chỉ định bởi Tổng thống và phê chuẩn bởi Thượng viện.
Các Thẩm phán Tối cao có nhiệm kỳ cả đời.
________________
Ghi chú:
[1] Thực ra có 4 bang: Massachusetts, Pennsylvania, Kentucky và  Virginia vẫn tự nhận họ là Thịnh vượng chung. Hầu như đây chỉ là khác  nhau về tên gọi chứ không mang khác biệt nào về mặt bản chất: 4 Thịnh  vượng chung trên vẫn mang quy chế tiểu bang.
[2] Washington, D.C. - viết tắt của "District of Colombia
[3] Puerto Rico và Quần đảo Bắc Mariana
[4] Guam, quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Samoa, Palau, Micronesia, quần đảo Marshall, etc.
[5] Riêng hai bang Maine và Nebraska sử dụng phương thức "Congressional Dictrict", tức ứng cử viên thắng đa số phiếu phổ thông sẽ  giành được hai phiếu đại cử tri tương ứng với hai ghế Thượng nghị sĩ  của bang, số phiếu đại cử tri còn lại sẽ phân chia theo tỉ lệ phiếu phổ  thông thực tế của từng ứng  viên.