Với album đầu tay của mình, Saigon Soul Revival đã thành công trông việc khẳng định cả tài năng, thẩm mỹ và cá tính riêng của band cũng như khiến công chúng phải háo hức đón chờ những sản phẩm tiếp theo của họ. 


Lần đầu tiên tôi biết đến Saigon Soul Revival là qua chương trình Ban nhạc Việt (Một trong những chương trình thi thố về âm nhạc đáng nghe nhất trên truyền hình hiện tại). Ở vòng đầu tiên, họ thể hiện lại bản nhạc nổi tiếng “Tóc mai sợi vắn sợi dài” của nhạc sĩ Phạm Duy và được ca sĩ Mỹ Linh khen ngợi rằng “chưa bao giờ thích bài hát này như ngày hôm nay”. Ngay từ bản nhạc đầu tiên ấy, họ đã khẳng định họ không muốn làm những bản cover đơn thuần (mặc dù cover nhạc Việt trước năm 75 cũng đã rất độc đáo rồi), mà tham vọng của họ là mang màu sắc “soul Việt Nam” những năm 60, 70 quay trở lại. Cả band khẳng định cá tính và những âm thanh rất độc đáo, riêng biệt của mình, để việc họ bị loại khỏi đêm chung kết là một trong những sự nuối tiếc lớn nhất của cả mùa năm đó.

Jazz Glory cũng như An Nam là những ban nhạc rất nổi tiếng và ấn tượng của mùa năm đó, nhưng rốt cuộc, không một ai có một album dù họ nhận được sự chú ý rất lớn. Saigon Soul Revival, những tưởng họ sẽ tiếp tục con đường cover nhạc “soul Việt Nam” trước năm 1975, lại là band phát hành được một album hoàn thiện. Nhưng nếu theo dõi họ đủ lâu, người yêu nhạc sẽ chẳng bất ngờ bởi album là thứ mà họ ấp ủ ngay từ những ngày thành lập band. Gaby đã phát biểu một câu nói ấm lòng: “Tôi nghĩ bởi vì chúng tôi luôn nhận thức được rằng ngay từ những ngày đầu, chúng tôi muốn tạo ra một album. Vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ về nó trong ba năm” (trích từ một bài phỏng vấn band trên sontinh.com). Mừng vì những nghệ sĩ sáng tạo chân chính, họ luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc thay vì chỉ khẳng định khả năng của bản thân.

“Họa âm xưa” ra đời, nối dài phong cách “đưa nhạc soul Việt Nam trở lại” của họ. Nhưng, thay vì chỉ cover, họ đưa vào những sáng tác mới. Bạn sẽ gần như không thể biết được điều đó nếu như không đọc credit của album này bởi sự thống nhất gần như tuyệt đối từ track đầu tiên đến track cuối cùng, hòa quyện giữa các sáng tác mới và sáng tác cũ rất mượt mà. Người đảm nhiệm phần sáng tác cho band là anh Nam Kỳ, Indy, Gabi và anh Hiếu, còn chị Anh Minh – vocal của nhóm – là người viết lời. Thực sự, dành bao nhiêu lời khen cũng không đủ cho các anh chị bởi sự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo của anh chị đối với âm nhạc Việt Nam xưa để có thể tạo ra những bản nhạc hài hòa đến thế. Đặc biệt, trong nhóm có tới 2 người nước ngoài, thật sự cảm phục tình yêu với nhạc xưa của họ. (Rất xin lỗi anh chị khi đã không đánh giá cao album trong những lần nghe đầu tiên vì sự thiếu hiểu biết của bản thân)
Ngay từ cách đặt tên bài hát, Anh Minh và Saigon Soul Revival đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với nhạc xưa. Họ đặt những cái tên rất “xưa”, mang màu sắc u sầu buồn bã của nhạc Việt trước 1975 không lẫn đi đâu được (Như “Nhân gian tình”, “Vỡ mộng ân tình”, “Chốn tình xưa”,…). Cách Anh Minh viết lời cũng rất đậm đà màu sắc. Cô kể những câu chuyện tình buồn, những tâm sự não lòng (“Cuộc vui sớm cạn/Chàng cũng hiu hắt theo đời bẽ bàng/Tìm về đại ngàn/Thì nàng đã khuất trong rừng hoa lan”, “Xong cõi đời đi hoang, để hồn này thư thái/Xây mộng tình kiếp sau, cùng em kết hoa màu”), cách Anh Minh tạo ra không gian hình ảnh cho bài hát tương đồng tuyệt đối với những “Sầu đông”, với những “Giây phút cuối tuần” mà không thấy bất kì sự chênh lệch nào. Giai điệu mà nhóm xây dựng cũng hài hòa, mềm mại và đúng chất “soul Việt Nam” mà họ hướng tới. Chị Anh Minh cho rằng đó là nhờ việc họ đã cover nhạc xưa rất nhiều năm. Còn tôi thì cho rằng, ngoài việc cover ra, tình yêu của họ với nhạc xưa là rất lớn và sự tìm tòi, đào sâu nghiên cứu của họ để đem lại kết quả này thật đáng được tôn vinh.

Chất liệu Xưa trong âm nhạc của Saigon Soul Revival còn đến từ giọng hát rất độc đáo của Anh Minh. Nghe giọng hát của chị, thật khó để không liên tưởng tới những Khánh Ly, những Elvis Phương của một thời đã qua. Giọng hát của chị có độ trầm, độ khàn, gợi nhắc tới sự cổ điển, của những gam màu vàng xám cũ kĩ. Nhưng, cách chị thể hiện các bản nhạc lại mang một tinh thần rất mới, rất pop. Không quá não nề, không quá buồn bã ngân dài câu hát, chị vẫn đưa cách ngắt nhịp, ngắt chữ hiện đại vào để bài hát mang một tinh thần mới. Đơn cử trong bản nhạc đầu tiên “Đi qua đời nhau”, với những lớp âm thanh rất nhanh, chị hát vô cùng máu lửa, belting căng đầy những câu hát “Nhớ, nhớ nhớ, nhớ em nhiều” như một nữ ca sĩ hát rock. Còn ở bản “Chốn tình xưa” hay “Nhân gian tình”, chị dịu dàng hát những câu hát buồn nhưng không sầu bi, tránh xa lối hát thướt tha, ngân dài ảo não. Một là chị hiểu rõ giọng hát của mình đã là một phương tiện truyền tải nỗi buồn rất hiệu quả rồi, và thứ hai, chị không cần thiết phải hát theo bất cứ một danh ca xưa nào cả, bời Saigon Soul Revival là một band có cá tính rất riêng.
Và để mang những màu sắc hiện đại vào triệt để, làm một điểm kết nối hoàn hảo giữa Xưa và Nay, các thành viên của Saigon Soul Revival khoác lên những bản nhạc các bản phối tràn đầy trong những chất liệu hiện đại. Như ở “Đi qua đời nhau”, tiếng trống dồn dập, mạnh mẽ được đưa vào và họ hòa phối guitar, bass với keboard vào đây rất quyến rũ. Hầu như bất cứ bài nào cũng được band đưa vào những phân đoạn keyboard, guitar hoặc bass solo rất đậm màu sắc của hiện đại. Các thành viên của Saigon Soul Revival quá tài năng, họ sẽ không lãng phí bất cứ một giây phút nào để tạo ra những âm thanh nhàm chán hay thiếu cuốn hút. Các đoạn solo nhạc cụ đều là những đoạn break tuyệt hảo, kết nối các phân đoạn hát của Anh Minh một cách đầy sức thuyết phục. Và, quan trọng hơn cả, họ tạo ra những âm thanh rất riêng trong từng tiếng riff, để khi nghe đến đó, ta lập tức nhận ra ra một Saigon Soul Revival không lẫn vào ai được.

Saigon Soul Revival cũng thể hiện một góc nhìn đầy thông minh trong việc lựa chọn khách mời cho album. Người gây ấn tượng nhất không ai khác chính là Blacka. Góp giọng trong một bản nhạc quen thuộc “Hào Hoa”, Blacka biến bản nhạc trở nên đầy sắc sảo, đầy quyến rũ mà không phá vỡ đi sự cân bằng hoàn hảo của album nhờ những dòng lyrics và flow thông minh của mình (Yo cưng em là con nhà ai thế nà Cho xin quý danh còn xưng hô hợp vai vế mà Anh còn xa để gọi là tài tử Nhưng mà anh ở gần em mạn phép xin em vài chữ). Anh nắm bắt trọn vẹn bầu không khí, giảm bớt cái tôi đầy máu lửa để hóa thân thành chàng trai hào hoa của thập niên 70, flow chuẩn tuyệt đối theo âm nhạc của Saigon Soul Revival, rap đối đáp với phần hát của Anh Minh. Blacka giống như một luồng sáng chiếu vào lớp màu sắc vàng xám của “Họa âm xưa”, làm bừng sáng cả album mà không hề thay đổi cái màu sắc chung ấy.
Còn Nguyễn Thị Hải Phượng lại mang cho “Họa âm xưa” những âm thanh truyền thống đầy mê hoặc. Với ngón đàn bầu điêu luyện, chị không khó khăn để hòa nhập với những nhân vật sừng sỏ của Saigon Soul Revival, hòa quyện hoàn hảo trong bản hòa tấu “Chuồn chuồn xanh”, khiến người nghe như lạc trong một cánh đồng rộng lớn với những giai điệu dân ca văng vẳng đâu đây, buồn mà không nói lên lời. Ngoài ra, sự xuất hiện của danh ca Mai Lệ Huyền cũng thể hiện sự trân trọng của Saigon Soul Revival với những người được xem là “cột trụ” của nhạc xưa. Mai Lệ Huyền hát “Phút Giây Cuối Tuần” vẫn y như trong những bản thu âm cũ, gợi nhắc về một thời vang bóng và một lần nữa khẳng định hướng đi kiên định của Saigon Soul Revival.
“Họa Âm Xưa” đã khẳng định các nhân vật tay ngang trong Saigon Soul Revival không hề coi âm nhạc là một cuộc dạo chơi và nhạc xưa là một sở thích. Đó thực sự là một niềm đam mê và là một con đường chuyên nghiệp đàng hoàng. “Họa Âm Xưa” vừa khiến người yêu nhạc xưa phải thích thú, vừa khiến người mê nhạc hiện đại phải trầm trồ, và khiến cả hai nhóm khán giả phải đón chờ những bước đi tiếp theo của band nhạc rất tài năng này.