Hòa bình chúng ta đang sống ngày hôm nay đã đổi bằng rất nhiều xương máu của thế hệ cha ông đi trước. Họ đã dành cả thanh xuân và thậm chí cả tính mạng của mình để xây dựng độc lập. Thế hệ trẻ ngày nay cần ý thức và trân trọng điều đó. Tháng 4 - tháng của giải phóng, tháng của uống nước nhớ nguồn, để có được tự do ngày hôm nay, không chỉ máu cha ông ta đã đổ xuống mà còn có cả máu của những người dũng cảm ở nơi xa, sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến Norman Morrison và Muhammad Ali. Vậy họ là ai ? Họ đã làm gì vì hòa bình Việt Nam ? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài này.

Norman Morrison - Ngọn đuốc sống trước Lầu Năm Góc 

Emily con ơi!
Trời sắp tối rồi...
Cha không thể bế con về được nữa
Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
Đêm nay mẹ đến tìm con
Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
Cho cha nhé.
Và con sẽ nói giùm với mẹ
Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!
Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy những câu thơ này thật quen thuộc, đây chính là bài thơ Emily con của nhà thơ Tố Hữu đã viết 5 ngày sau khi Norman Morrison tự thiêu trước Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Thế hệ GenZ không có nhiều người biết đến Norman Morrison nhưng vào năm 1965, hành động dũng cảm của anh đã xuất hiện trên rất nhiều mặt báo lớn ở Việt Nam nói riêng và mặt báo thế giới nói chung.
Norman Morrison là người cha trong bài thơ “ Emily, con..” của nhà thơ Tố Hữu trong Sách Giáo Khoa Tiếng Việt lớp 5. Ông là một người yêu chuộng hòa bình đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc (Hoa Kỳ) để phản đối chiến tranh Việt Nam vào năm 1965. Cái chết của ông là một trong những tiếng nói đầu tiên của nhân dân Hoa Kỳ đứng lên bảo vệ một đất nước xa xôi đang chịu cuộc chiến tranh vô nghĩa. 
Norman Morrison sinh ngày 19/12/1933 ở Erie, bang Pennsylvania, Mỹ. Anh dạy học tại một trường trung học và là một người yêu hòa bình, là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Johnson. Anh không thể chấp nhận con số thương vong về người mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đang gây ra, cả đối với người Việt Nam và binh sĩ Mỹ. Ông tin rằng nếu cuộc chiến này tiếp tục, đến một lúc nào đó, nó sẽ giáng một đòn nặng nề lên lương tâm của người Mỹ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân đánh phá ra các tỉnh miền Bắc nước ta, ông nhiều lần xuống đường phản đối chiến tranh, nhưng cuộc chiến vẫn ngày càng khốc liệt hơn. Morrison nghĩ rằng, khẩu hiệu, băng rôn và các cuộc tuần hành không làm những người cầm quyền chú ý thì anh phải dùng đến biện pháp cuối cùng: Ngọn lửa của thân thể mình!. 
Vào ngày 2 tháng 11 năm 1960, anh lái xe rời khỏi nhà đưa theo cô con gái út Emily khi ấy mới 1 tuổi. Sau 64km, họ đến trước Lầu Năm Góc, theo các nhân chứng kể lại, anh đã ôm và hôn lên trán đứa con gái bé bỏng của mình lần cuối, âu yếm nhìn cô bé. Người cha ấy giao con gái mình cho một người phụ nữ trong đám đông, trèo khỏi hàng rào, đổ lên người chỗ xăng đã chuẩn bị từ trước và châm lửa. Người đàn ông ấy trở thành ngọn lửa cao 3m trong sự bàng hoàng của đám đông. 
Trước đó 3 tháng, Morrison gửi thư cho báo Mặt trời Baltimore bày tỏ thái độ bất bình về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam nhưng anh nhận ra tất cả những gì anh nỗ lực đều không hề chạm đến chính quyền Mỹ. Nhìn những đứa con của mình, người đàn ông ấy đau lòng vì những đứa trẻ ở Việt Nam đang chịu những cơn mưa bom đạn, sống trong những căn hầm, đáng lẽ chúng phải được vui chơi và đến trường. Khi châm lửa tự thiêu, ánh lửa bùng lên như một thông điệp của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 
Trở về nhà sau khi đón hai con lớn từ trường học, Anne, vợ của Norman, không biết chồng mình đã làm gì. Khi trời tối, Anne vẫn thắc mắc không rõ Norman đã đưa Emily đi đâu. Rồi một cuộc gọi điện đến từ bệnh viện, tôi nghĩ trái tim cô ấy đã bị bóp nghẹn từ giây phút ấy : Chồng chị đang bị bỏng nặng nguy kịch….. Anne nhớ lại “Bằng trực giác, tôi biết anh ấy không qua khỏi”. Cô vội vàng lái xe đến Washington. Tại bệnh viện, cô nhận lại được những di vật của chồng mình như ví, nhẫn cưới…. Hai vợ chồng đều là những người yêu hòa bình và đã cùng nhau nỗ lực để chấm dứt chiến tranh, họ cầu nguyện, biểu tình, không đóng thuế chiến tranh, viết thư cho các nhà báo và nhà cầm quyền nhưng cô lại không hề biết kế hoạch tự thiêu của Noma, nếu cô ấy biết thì có lẽ cô ấy đã làm gì đó để ngăn cản chồng mình.
Vào sáng hôm sau, tại nhà riêng của họ, Anna phải báo tin cho hai con Ben và Christina “Tôi thực sự không biết mình đang nói gì nữa. Tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu xin sự giúp đỡ. Tôi nói với các con rằng, cha của chúng đã mất vì những đứa trẻ ở một đất nước xa xôi đang phải chịu đau khổ. Anh ấy đã ra đi để giúp đỡ những đứa trẻ ấy và ngăn chiến tranh gây ra những đau khổ và mất mát như vậy”, Anne kể lại. Giọng cô lạc đi và cô bắt đầu khóc dù câu chuyện đã xảy ra hàng chục năm. Một ngày sau khi Norman qua đời, một bức thư được gửi từ Washington cho Anne với nét chữ của Norman “Anne yêu quý. Đừng chỉ trích anh. Đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, anh chỉ cầu nguyện được thấy điều mình phải làm. Sáng nay, anh đã được thấy điều đó mà không cảnh báo trước”, Việc giải thích cho bọn trẻ hiểu hành động của Norman là điều vô cùng đau đớn với Anne. “Chúng đặt ra nhiều câu hỏi. Không có cách nào tốt hơn à? Tại sao bố phải là người làm như vậy?”
Khi biết tin về vụ tự thiêu của Morrison, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chia buồn tới Anne Morrison. Ảnh hưởng của vụ việc này tại Mỹ cũng không đồng nhất. Một số người cho rằng Norman bị “mất trí” khi hành động như vậy. Trong khi đó, nhiều người khác cảm động với những gì Norman đã làm. Họ viết thư cho Anne để chia sẻ, động viên cô sau cái chết của chồng cô. Anne giữ tất cả những bức thư đó trong những chiếc hộp và chuyển từ nhà này sang nhà khác. Suốt nhiều năm, Anne vẫn xúc động tới mức không dám nhìn lại chúng. Khi bà Anne và các con tới thăm Việt Nam vào năm 1999, họ đã gặp nhà thơ Tố Hữu. Họ ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng nhiệt của Việt Nam và gặp nhiều người Việt Nam. Người con gái lớn của Norman đã chia sẻ “Là một người con, điều duy nhất giúp tôi hiểu về cái chết của cha mình là biết được nỗi đau xảy ra tại Việt Nam. Trong chuyến đi, tôi gặp những đứa trẻ nói với chúng tôi rằng, sự hy sinh của cha tôi có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Đây là sự xoa dịu không gì tả xiết đối với tôi”, cô ấy đã thấy sự hi sinh của cha mình đã lên tiếng cho rất nhiều đứa trẻ vô tội khác. Sau chuyến thăm đó, Anne Morrison đã viết một bức thư gửi nhân dân Việt Nam như một lời cảm ơn chân thành : Khi nào tôi còn sống thì tôi vẫn không thể quên được chuyến đi của tôi tới Việt Nam vào tháng 4-1999. Chuyến đi ấy đã hàn gắn những vết thương lòng của tôi. Sau cái chết của chồng tôi, Norman Morrison năm 1965 để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tôi biết nhân dân Việt Nam vô cùng xúc động về sự hy sinh của chồng tôi và kính trọng chồng tôi. Họ đã gửi những lời chia buồn đến gia đình tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên về tình cảm sâu sắc và lòng kính trọng dành cho chồng tôi của biết bao người dân Việt Nam mà họ vẫn gìn giữ trong suốt những năm tháng qua để nay lại bày tỏ trước chúng tôi. Tôi trân trọng và yêu quý những giọt nước mắt của họ, những giọt nước mắt của tình yêu và lòng thông cảm, Và ở một khía cạnh nào đó, những giọt nước mắt ấy là những hạt mầm của niềm vui…
Sau vụ tự thiêu của Morrison, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ ngày càng phát triển với quy mô và lực lượng mới, nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Nhiều tờ báo Mỹ đã cử phóng viên sang chiến trường Việt Nam để phản ánh sự thật và tố cáo tội ác chiến tranh. Từ cuối năm 1965 trở đi, tình hình ở Mỹ diễn ra hai trận tuyến rõ rệt: một bên là chính quyền Mỹ với các đời tổng thống kế tiếp nhau cùng với một quốc hội ngày càng cam kết và dấn sâu vào chiến tranh xâm lược; với một bên là nhân dân Mỹ nhất quyết bằng mọi giá phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Sự kiện Morrison và phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ là lời bênh vực trung thực nhất cho dân tộc Việt Nam, là câu trả lời đúng đắn nhất cho câu hỏi vì sao dân tộc Việt Nam lại đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi những kẻ xâm lược Mỹ, góp phần cùng nhân loại tiến bộ trên thế giới vạch trần âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân Mỹ thật sự là một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều lực lượng, cá nhân, những người có tư tưởng hòa bình.

Muhammad Ali - Huyền thoại boxing thế giới - nếu bắt tôi bắn họ, cứ đưa tôi vào tù đi.

Vào ngày 28-4-1967, Muhammad Ali từ chối gia nhập quân đội Mỹ để tham gia chiến tranh Việt Nam khiến ông bị tước giấy phép quyền anh và tất cả đai vô địch thế giới. Tay đấm huyền thoại nói rằng ông không gia nhập quân đội Mỹ vì lương tâm không cho phép, từ đó dẫn đến việc bị kết án 5 năm tù và phạt 10.000 USD. Trong 4 năm sau đó, Muhammad Ali huyền thoại vẫn bảo vệ ý kiến của mình trong mọi hoàn cảnh. 
Năm 1967, Muhammad Ali đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp và được coi là một trong những võ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử quyền anh thế giới. Lúc bấy giờ, ông đã thắng 29 trận liên tiếp và giữ các đai vô địch WBA, WBC và The Ring hạng nặng thế giới. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4-1967, sự nghiệp thăng hoa của ông gặp nguy hiểm: Muhammad Ali đã từ chối tuyên thệ phục vụ trong quân đội Mỹ dẫn đến không chỉ bị tước danh hiệu, mà còn không còn cơ hội duy trì sự nghiệp đỉnh cao của mình. Trước áp lực dư luận và áp lực đến từ quân đội, ông vẫn giữ nguyên chủ nghĩa hòa bình và cho rằng tất cả mọi người đều có quyền được sống, được hạnh phúc “Lương tâm không cho phép tôi bắn vào những người anh em của mình, những người có màu da khác, hay những người nghèo khổ, đói khát vì lợi ích của nước Mỹ lớn mạnh. Tôi giết họ để làm gì? Họ không bao giờ gọi tôi là Mọi Đen, họ không tước đoạt quốc tịch của tôi, họ đã không cưỡng hiếp và giết cha mẹ tôi ... Tại sao tôi lại giết họ? Người nghèo, phụ nữ, trẻ em… Làm thế nào tôi có thể cầm súng bắn những người nghèo khó? Cứ đưa tôi vào tù đi ”, Ali luôn khẳng khái nói trước báo giới về việc ông từ chối phục vụ quân đội Mỹ giữa lúc chiến tranh tại Việt Nam đang căng thẳng.
Trong một cuộc họp báo, anh ấy đã nói: họ bảo mỗi lần tôi bước lên sàn đấu cũng giống như việc tham gia chiến tranh, họ bảo tôi rằng anh là một võ sĩ kiêu hãnh, vậy anh sợ điều gì? Tôi muốn nói với tất cả những nhà báo và tất cả với mọi người ở đây rằng, có một thứ địa ngục rất khác giữa việc thi đấu trên sàn và tham chiến ở Việt Nam, Boxing không giống với việc tham chiến cùng với súng máy, Bazooka, lựu đạn và máy bay ném bom. Trong Boxing, tôi muốn thắng một trận đấu thật đường hoàng nhưng trong chiến tranh, mục đích là giết, giết và giết tất cả những người vô tội, đó là chiến tranh.
Trước thời điểm từ chối gia nhập quân đội Mỹ, Muhammad Ali vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp và cố gắng bảo vệ đai vô địch quyền anh hạng nặng thế giới của mình. Từ tháng 1 đến 3-1967, ông đã bổ sung thêm 3 trận thắng vào bộ sưu tập sự nghiệp của mình, trong đó, lần cuối cùng tay đấm huyền thoại Mỹ hạ gục Zora Foley. Nhưng hóa ra, cuộc thượng đài ấy là cuộc đấu cuối cùng của Muhammad Ali trong thập niên đó. 
Sau những trận thắng, Muhammad Ali ngày càng bắt đầu lo lắng về vấn đề nghĩa vụ quân sự, và vào ngày 28.4.1967, ông phải đến trung tâm chỉ huy của Lực lượng Vũ trang Mỹ ở Houston để tuyên thệ. Nhưng ngay trước lúc đến phiên mình tuyên thệ, Muhammad Ali đã bất ngờ từ chối. Muhammad Ali kể rằng ông bị đưa đến một phòng riêng và bị cảnh báo việc từ chối thực hiện lời tuyên thệ sẽ khiến ông phải đối mặt với án tù 5 năm và một khoản tiền phạt đáng kể. Sau đó, Ủy ban thể thao New York đã tước giấy phép quyền anh và đai vô địch Hiệp hội quyền anh thế giới (WBA). Ngoài ra, ông tiếp tục đối mặt với một bản án vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vào ngày 20.6.1967, một phiên tòa xét xử vụ Muhammad Ali đã được tổ chức tại Houston. Ông bị kết án 5 năm tù và bị phạt 10.000 USD. Ngay sau khi bị tuyên án, ông đã kháng cáo nhưng đã bị từ chối, tình hình tài chính của võ sĩ huyền thoại lúc bấy giờ được mô tả là “thảm họa” 
Ông là võ sĩ quyền Anh số một nước Mỹ, người chưa thua một trận đấu nào trước tuổi 25 nhưng cũng là người đã đồng ý ngồi tù, chấp nhận bị chính quyền Mỹ tước bỏ mọi danh hiệu và quyền mưu sinh… chỉ để không tham gia cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Ngoài ra, nhà vô địch quyền Anh còn bị tước cả hộ chiếu và giấy phép hành nghề trên đất Mỹ. Tuy nhiên, phong trào phản chiến, như đốt thẻ quân dịch, tại nước Mỹ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ đó với sự tham gia của cả Bill Clinton, Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993 - 2001. Tổng cộng có 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Phong trào đòi thả Muhammad Ali cũng nổ ra, dần lan rộng và thu hút nhiều vận động viên, người hâm mộ quyền Anh cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhờ đó mà cuối cùng chính quyền Mỹ và Liên đoàn quyền Anh của nước này đã nhượng bộ. Năm 1971, Muhammad Ali được trả tự do.
Sau khi giã từ sự nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước, Muhammad Ali tham gia nhiều hoạt động xã hội, các sứ mệnh nhân đạo và chương trình của LHQ mang tên “Thông điệp hòa bình”. Năm 1985, chính quyền Mỹ còn phải “muối mặt” đề nghị ông thương thảo vấn đề giải phóng những người Mỹ bị bắt cóc ở Lebanon. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng thể hiện niềm ngưỡng mộ dành cho Muhammad Ali: “Ông ấy rất độc đáo. Khi ông ấy mạo hiểm tất cả để phản đối chiến tranh Việt Nam, mọi chuyện đáng lẽ đã có thể hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ông ấy, song chuyện đó đã không xảy ra. Bởi vì, như mọi người đã thấy, ông ấy hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cho việc trả giá trước những quyết định và đức tin của mình”. Điều đặc biệt là Muhammad Ali đã từng đến Việt Nam vào tháng 5-1994, chỉ ba tháng sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Hơn một năm sau đó, vào ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.