Hà Nội bước vào thu, điều đó có nghĩa là mình sẽ tự động chuyển sang chế độ sẵn sàng gác mọi thứ lại, tìm một góc thư thái để hít thở tận hưởng những ngày đẹp trời. Đặc biệt vào sáng thứ bảy, khoảng thời gian cố định dành riêng cho một người.
Sau một vài cân nhắc, Highlands Cột Cờ là lựa chọn cho thứ bảy tuần này. Một không gian thoáng đãng lí tưởng ở giữa trung tâm mà không quá xô bồ, lại thấy quảng cáo có đồ uống mới. Trước giờ mình cũng nằm trong cộng đồng bảo vệ môi trường (chưa đến mức cực đoan) nhưng mỗi lần có ý định đi Highlands đều có thói quen mang theo cốc cá nhân. Đặc biệt trong đợt dịch này thì càng chăm mang đi hơn. Đến quầy, gọi đồ, thanh toán xong xuôi, mình vui vẻ đặt cốc lên như thường lệ thì ngay lập tức nhận được ánh mắt kèm câu nói lạnh lùng của nhân viên: “do đang dịch, bên em không nhận đựng đồ vào cốc của khách”. Dừng hình mất mấy giây để xâu chuỗi sự liên quan: “Là sao? Họ sợ cốc của mình dính vi-rút sẽ truyền bệnh cho họ hả?” cùng vô số thắc mắc khác như: “ủa, họ đeo khẩu trang, pha chế rồi đổ vào cốc cho mình. Có lây thì mình uống vào mới lây chứ” hoặc “Cốc mình sạch mà, rửa mấy lượt còn tráng nước sôi, đậy nắp. Chứ cốc của họ để cả lố, toàn cốc nhựa thì tráng nước sôi kiểu gì.”
Nhưng thôi, họ nói thế thì mình biết thế. Họ là chủ, mình là khách. Họ còn là chủ cực cực lớn trong thị trường cà-phê, mình chỉ là vị khách cực cực bé. Họ bỏ tiền thuê hẳn chỗ xịn thế này cho mình có dịp được ngồi uống cà-phê hưởng mùa thu thế này thì đừng có mà đòi hỏi.
Bọn mình về chỗ, chờ tầm 20 phút thôi cũng tới lượt thẻ bàn rung đi lấy đồ uống. Cảm nhận về đồ uống mới không có gì đặc biệt, vẫn phong cách cà-phê + kem + thạch phổ biến của các quán bây giờ, nhưng so sánh với mức độ đi xuống của đồ uống The Coffee House dạo gần đây thì phải công nhận chất lượng Highlands nhỉnh hơn hẳn. Tuy nhiên sau khoảng ba ngụm các đồ uống kiểu này đương nhiên sẽ thấy khát nước. Và đọc đến đây, nếu đã từng đi Highlands vài lần hẳn các bạn biết mình sẽ nói đến chuyện gì.
Ông lớn cỡ vậy mà không mời nhau được một cốc nước lọc?
Hồi từ núi trở về thành phố, ban đầu mình cảm thấy khó thích nghi với việc đi đâu cũng phải mất tiền. Đơn giản vì ở núi cái gì cũng miễn phí. Dọc đường, nhà nào cũng kê một chiếc bàn để sẵn ấm trà, cốc chén, điếu thuốc lào hoặc vài loại quả hái từ vườn nhà. Đến bữa, kể cả vất vưởng lang thang trên đỉnh núi mà tình cờ thấy nhà dân thì kiểu gì cũng được gọi vào ăn cơm hoặc cho bắp ngô, củ khoai, quả chuối. Nói chung không bao giờ bị đói. Mình biết sẽ rất vô lý, áp đặt và gàn dở nếu mang chuyện ở núi so với chuyện ở phố. Rằng người làm kinh doanh phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu và một đứa chẳng có kiến thức gì về làm ăn thì đừng lên tiếng về sân chơi của các “ông lớn”, về các quyết định mang tính chất chuyên môn, về đặc thù mô hình này nọ. Rằng bức xúc cá nhân nhiều khả năng sẽ chẳng thể thay đổi gì trong chuỗi vận động khổng lồ đầy rẫy toan tính kĩ lưỡng. Nhưng chỉ muốn nói một điều: người vùng high land người ta đối xử với nhau như thế, Highlands ạ!
Chưa nói đâu xa, ngay ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố lớn khác, ngày càng có nhiều cửa hàng tự đặt bình nước miễn phí trước nhà dành cho những người lao động ngoài hè phố. Du lịch miền Trung mình đặc biệt ấn tượng với các quán xá từ nhỏ đến lớn đều sẵn bình trà thơm mát lạnh và khay cốc đặt sẵn mời khách ăn tại quán hoặc bất kể ai tạt qua. Highlands là mô hình tự phục vụ, phải cắt giảm toàn bộ các khâu không cần thiết như rửa cốc chén, nhân viên tại bàn… nhưng với doanh thu hơn nghìn tỉ[1], một bình nước lọc thực sự khó khăn đến vậy sao?
Đáng lẽ mọi thứ không đi quá xa đến thế, mình sẽ không chạnh lòng với sự hẹp hòi ti tiện của ông lớn chỉ vì không mời nhau cốc nước lọc, sẽ không cảm thấy nực cười khi bị từ chối cốc cá nhân… nếu thiếu hai chi tiết “chốt hạ” sau đây.
Như đã nói ở trên, vị trí bàn mình ngồi ngay sát quầy và mình lại là đứa hay quan sát. Ngoài nhân viên thu ngân, pha chế ra còn có một cô tạp vụ phụ trách việc quét dọn, lau chùi. Cô có dụng cụ thu dọn cốc chuyên biệt (một cái ống nhựa dài tựa như ống nước cỡ to) để dễ dàng chồng toàn bộ cốc nhựa vào nhau thay vì giữ bằng tay. Sau khi đem về địa điểm tập kết, cô sẽ gỡ từng cái cốc ra, đổ phần nước thừa, ống hút sang một bên, cốc sang một bên. Quá trình này theo mình hiểu mục đích làm khô cốc trước khi đổ rác NHƯNG chẳng phải cô sẽ tiếp xúc với hàng loạt nguồn lây nhiễm từ ống hút, đồ uống thừa sao? Vậy việc Highlands từ chối cốc cá nhân của khách hàng để tránh lây nhiễm cho nhân viên pha chế, nhưng bù lại, đẩy nguy cơ đó sang nhân viên tạp vụ thì có hợp lý không? Trong khi cốc cá nhân của khách đương nhiên sạch hơn (ai mang cốc bẩn tự đầu độc mình?), chưa kể khách sẽ tự chịu trách nhiệm trong việc mang đến, mang về, đổ nước thừa. Và chi tiết cuối cùng, trên đường về mình tình cờ đi qua Highlands gần nhà mới ngỡ ngàng thấy biển quảng cáo đúng cốc nước mình vừa uống VỚI GIÁ RẺ HƠN. Tưởng có nhầm lẫn gì ở đây nên lên mạng kiểm tra thì thấy website thông báo áp dụng giá mới ở một số địa điểm “vàng”[2] (cụ thể với cốc Phindi mình uống ở Highlands Cột cờ có giá 45k nhưng gần nhà giá 39k). Ngoài tăng giá ở sân bay ra, chưa có chuỗi cửa hàng nào mình biết có sự phân biệt như này.
Cuộc chơi của mình với Highlands chính thức dừng lại tại đây. Mình không kêu gọi bất kì cuộc tẩy chay nào vì điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Mỗi bên theo đuổi giá trị riêng, luật chơi riêng, khi không dung hòa được thì đường ai nấy đi, không ảnh hưởng gì đến ai cả. Highlands cần tiền, mình cần nước lọc. Highlands có đồ uống ngon, thì mình sẽ mang cốc ra "quán bí ẩn" để nhâm nhi một cốc cà-phê cực ngon. Highlands có không gian đẹp, thì mình chấp nhận thử nghiệm đồ uống mới tuy còn vụng về của The Coffee House để tận hưởng nhạc hay, không gian dễ chịu, và (đương nhiên) có nước lọc. Trong sân chơi của đội bán-cà và mua-cà này, hai bên luôn chọn lựa nhau. Mình chọn sự cực đoan của "quán bí ẩn" trong cách vận hành cửa hàng và hành động thiết thực vì môi trường (giảm trực tiếp 1/3 giá sản phẩm khi khách tự mang cốc) thay vì sự màu mè của những cánh tay xanh Highlands[3] khi bị thúc ép. Mình thông cảm với phong độ thiếu ổn định của The Coffee House nhưng tinh thần luôn lắng nghe và điều chỉnh từng chút một thật sự đáng trân trọng. Riêng việc cân nhắc giữ cái gì, nên bỏ đi cái gì đã cần rất nhiều thấu đáo và dũng cảm.
Cuối cùng mình cần gửi đến Highlands một lời cảm ơn về bài học các bạn dành cho mình. Người ta có thể đến với nhau bởi những thứ tưởng chừng lớn lao to tát, nhưng khi ra đi, thường chỉ vì mấy điều rất vặt vãnh.
Yêu thích bài viết này, mời bạn ủng hộ việc viết lách của mình qua các cuốn sách tự xuất bản ở đường link sau: https://forms.gle/JQ61Mk61kUGwbDHr9