Transferable Skills là một khái niệm không mới. Mình nghĩ rất nhiều người đã biết tới thuật ngữ này hoặc đã nghe ở đâu đó nhưng có thể chưa hiểu rõ Transferable Skills bao gồm những kỹ năng gì mà thôi. Nếu tìm hiểu một chút thì bạn sẽ thấy nó rất quen thuộc, và chắc chắn ít nhiều bạn đã tích lũy được những kỹ năng này.
Trong suốt những năm tháng làm việc, đa phần chúng ta sẽ trải qua ít nhất 3 nghề/vị trí/công việc khác nhau. Nhiều trong số các kỹ năng tích lũy được từ một nghề/vị trí/công việc này thường có thể được sử dụng/chuyển đổi cho/sang một nghề/vị trí/công việc khác.
Đấy chính là cách hiểu cơ bản nhất về Transferable Skills: các kỹ năng có thể chuyển đổi được. Chúng có thể là biết cách nhận thức bản thân (self-awareness), có thể giao tiếp rõ ràng với mọi người, sáng tạo, thành thạo về công nghệ, thể hiện sự cam kết trong công việc, làm từ đầu đến cuối không bỏ dở giữa chừng, biết cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn thay vì nản chí và từ bỏ, kiểm soát thời gian và hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, tính toán nhanh, có khả năng lãnh đạo tốt, làm việc nhóm hiệu quả, trình bày ý kiến dễ hiểu, biết cách triển khai một nghiên cứu, tư duy phản biện (critical thinking), biết cách đặt câu hỏi, đưa ra bình luận có tính xây dựng, nhiệt huyết, có khả năng ngôn ngữ, linh hoạt, cởi mở, thích nghi, tạo mạng lưới mối quan hệ, tư duy tăng trưởng, kiên định, tập trung, chủ động…
Tất cả những biểu hiện này đều là các kỹ năng chuyển đổi. Để ý bạn sẽ thấy chúng không chỉ được sử dụng hay phù hợp với bất kỳ một ngành nghề/công việc/vị trí cụ thể nào mà gần như ai cũng cần phải rèn luyện và tích lũy chúng. Nếu làm việc ở vị trí thu ngân và bạn đã rèn luyện được các kỹ năng lắng nghe, tính toán nhanh, chủ động thì khi chuyển sang một công việc khác như kế toán, bạn sẽ thấy các kỹ năng này vẫn rất hữu ích.
Viết lách cũng nằm trong nhóm Transferable Skills. Tùy thuộc vào tính chất công việc mà kỹ năng viết lách sẽ được vận dụng với “lượng” ít hay nhiều. Viết blog, viết email cho khách hàng, viết báo cáo, viết CV, viết thư, viết bài quảng cáo, viết đơn, viết nhật ký…, kỹ năng này có lợi trong gần như mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống.
Định nghĩa chung nhất về Transferable Skills: Transferable Skills là các kỹ năng được phát triển trong một tình huống mà có thể được sử dụng cho một tình huống khác. Đôi khi chúng cũng được gọi là các kỹ năng mềm (Soft Skills). Transferable Skills có lợi cho mọi mặt của học tập, công việc và cuộc sống.
Bản thân mỗi chúng ta thực sự đã tích lũy được các kỹ năng chuyển đổi. Chúng ta phát triển chúng khi đi học ở trường, ở nhà, khi đi làm và thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống.

Đọc thêm:

Thiếu đi các kinh nghiệm trực tiếp về cơ bản không phải là rào cản khi chuyển sang một công việc mới
Vài người có thể cho rằng thiếu đi các kinh nghiệm liên quan trực tiếp tới công việc sẽ ngăn họ không nhận được một lời mời làm việc nhưng đây không phải lúc nào cũng là vấn đề. Nếu bạn thay đổi công việc, vừa mới tốt nghiệp hay lần đầu tiên xin việc thì tin vui cho bạn đó là các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm sự tiềm năng. Do đó, cốt lõi ở đây là bạn “bán” sự tiềm năng của bạn bằng cách chứng minh các kỹ năng chuyển đổi mà bạn đã rèn luyện được.
Các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm các kỹ năng và phẩm chất mà họ nhận thấy đã có ở những ứng viên xuất sắc. Các kỹ năng chuyển đổi (kỹ năng mềm) như giao tiếp hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh, liêm khiết, thái độ làm việc tốt có giá trị trong mọi lĩnh vực.
Nhiều tổ chức thường sử dụng một vài bài test trắc nghiệm tâm lý trong buổi phỏng vấn và/hoặc quá trình chọn lọc hồ sơ – như các bài test được thiết kế để đánh giá loại tính cách, các kỹ năng, năng lực của ứng viên và đo lường tiềm năng của họ hơn là các kinh nghiệm làm việc đơn thuần. Hiển nhiên, tùy từng công việc mà khả năng chuyên môn sẽ được đặt ở vị trí “nặng” hơn so với kỹ năng chuyển đổi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận các kỹ năng chuyển đổi mới là chìa khóa để vừa có một sự nghiệp bền vững vừa có một cuộc sống như ý.
Tại sao các Transferable Skills lại quan trọng?
Transferable Skills cần thiết như thế nào cho công việc chắc hẳn bạn đã thấy rõ.
Trên website của học bổng chính phủ Anh Chevening có nhấn mạnh: “Các kỹ năng công việc của bạn không cần thiết phải liên quan tới khóa học mà bạn muốn học. Chúng tôi chấp nhận kinh nghiệm làm việc từ mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu khóa học bạn lựa chọn không liên quan đến kinh nghiệm làm việc thì bạn sẽ cần phải đưa ra lý do tại sao bạn lại thay đổi như vậy. Hãy chú ý tới các kỹ năng chuyển đổi bạn đã tích lũy được từ công việc hiện tại và chúng sẽ giúp bạn như thế nào trong việc học tập và đạt được các mục tiêu sự nghiệp trong tương lai.”
=> Transferable Skills cực kỳ có lợi nếu bạn đang săn học bổng du học.
Mind Tools Team – nhóm phát triển blog Mind Tools về các kỹ năng công việc rất nổi tiếng gần đây cũng chia sẻ một bài viết có nhấn mạnh tới vai trò của Transferable Skills đối với phát triển sự nghiệp.
Cùng với các kỹ năng chuyên môn, việc tiếp tục phát triển các kỹ năng mà thị trường làm việc luôn cần đến cũng cực kỳ quan trọng. Bạn cần phát triển các kỹ năng chuyển đổi mà khiến hàng loạt nhà tuyển dụng muốn có bạn. Lãnh đạo, giao tiếp, cải tiến, quản lý căng thẳng và các kỹ năng liên nhân là các yêu cầu cơ bản của công việc hiện nay và tương lai.
….
Các kỹ năng chuyên môn của bạn có thể lỗi thời. Đấy là lý do tại sao bạn nhận thấy nhiều y tá hiện nay còn có cả các kỹ năng kinh doanh và các chuyên gia về công nghệ lại thành thạo về tài chính. Làm chủ nhiều kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng và khả năng có thể giúp bạn có được một công việc mới như ý hay thậm chí có lẽ còn mở ra cơ hội làm việc trong một ngành nghề mới.
Danh sách các kỹ năng chuyển đổi (Transferable Skills) phổ biến nhất
Trước khi tìm hiểu về danh sách Transferable Skills, một lưu ý là tất cả các kỹ năng đều có thể được chuyển đổi – tùy thuộc vào lĩnh vực chúng chuyển đổi đến và chúng được chuyển đổi từ đâu. Nhưng khi xin việc, bạn cần nhớ loại kỹ năng chuyển đổi đưa vào CV hay thư xin việc nên gắn kết trực tiếp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
1. Kỹ năng làm việc nhóm (Team Work)
Hay nói cách khác: Làm việc hiệu quả trong một nhóm để đạt được mục tiêu chung.
Thể hiện khả năng làm việc nhóm sẽ giúp bạn khẳng định với nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp và có những đóng góp giá trị cho công ty.
Để biết liệu mình đã tích lũy được ít nhiều kỹ năng làm việc nhóm hay chưa, hãy nghĩ về việc khi ở trong một nhóm nào đó, bạn đã vượt qua thử thách như thế nào và thành công ở mức độ nào? Bạn có phải là người năng nổ, hoạt bát, kết nối mọi người? Bạn có đưa ra ý tưởng xây dựng không?…
2. Kỹ năng lãnh đạo (Leadership)
Hay nói cách khác: Là người khởi xướng và các năng lực lãnh đạo.
Có thể bạn không ứng tuyển hay đang không làm ở một vị trí mà rõ ràng cần khả năng lãnh đạo, nhưng có thể bạn sẽ cần thể hiện khả năng lãnh đạo trong những tình huống nhất định.
Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn sẽ cần rất nhiều những kỹ năng nhỏ khác. Chẳng hạn, tạo động lực cho nhân viên, biết cách giao phó công việc, chịu trách nhiệm, quản lý hiệu quả để đạt được mục tiêu chung, sẵn sàng kêu gọi sự giúp đỡ, đưa ra phản hồi, có được sự tin tưởng…

Đọc thêm:

3. Động lực cá nhân, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian (Personal Motivation, Organisation và Time Management)
Hay nói cách khác: Quản lý và ưu tiên công việc, thời gian hiệu quả.
Không chỉ làm việc theo nhóm, bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập và chịu trách nhiệm với thời gian lẫn công việc của bạn.
Chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng kiểm soát thời gian và kỹ năng tổ chức. Nghĩ xem hàng ngày bạn sử dụng thời gian như thế nào? Bạn có hoàn thành những việc bạn muốn hay không? Bạn có dễ bị phân tán bởi những thứ khác? Bạn có chủ động hay bị động với hoàn cảnh và mỗi khi bị giao quá nhiều việc, bạn có kiểm soát căng thẳng tốt? Bạn có dễ nóng giận khi có áp lực?
4. Kỹ năng lắng nghe (Listening)
Hay nói cách khác: Lắng nghe người khác chủ động.
Tỷ phú Richard Branson đánh giá lắng nghe hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Rất nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn về việc nhân viên không lắng nghe chủ động, và cũng không ít những người làm việc ở vị trí cấp cao thiếu đi kỹ năng này.
Lắng nghe chủ động nghĩa là bạn toàn tâm toàn ý nghe người khác nói, không phân tán, không để tâm tới những vấn đề cá nhân, và đưa ra các phản hồi/ý kiến hợp lý. Thiếu lắng nghe chủ động có thể dẫn tới nhiều hiểu nhầm và đánh mất cơ hội.
5. Kỹ năng viết (Written Communication)
Hay nói cách khác: Viết chính xác, rõ ràng và súc tích theo nhiều phong cách.
Rất nhiều vị trí đòi hỏi một mức độ cơ bản về kỹ năng viết. Có thể bạn sẽ phải thích nghi với sự thay đổi của phong cách viết, viết báo cáo, viết thông cáo báo chí, viết nội dung quảng cáo, viết email, viết thư, viết nội dung web, trả lời thư khách hàng, viết đề xuất đến các cổ đông, viết luận văn tốt nghiệp, viết mô tả dự án, viết luận… Tất cả những tình huống này đều cần đến kỹ năng viết.
Bài cùng tác giả:
6. Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói (Verbal Communication)
Hay nói cách khác: Nói rõ ràng, mạch lạc và có năng lượng trong nhiều tình huống.
Giao tiếp bằng lời nói thể hiện ở việc bạn thể hiện ý kiến của mình như thế nào, giải quyết vấn đề trực tiếp ra sao và kiểm soát ngôn ngữ của mình trong nhiều tình huống đặc biệt. Bạn có lịch sự không? Có giận dữ, hung hăng không? Bạn có sử dụng ngôn ngữ cử chỉ? Bạn có tế nhị, khéo léo trong giao thiệp? Bạn có nói theo cách khiến người khác cảm thấy được truyền cảm hứng? Bạn có diễn đạt những ý kiến phức tạp một cách logic và chính xác? Bạn có thể đàm phán hiệu quả? Bạn có giữ được bình tĩnh?
7. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích (Research and Analytical)
Hay nói cách khác: Thu thập, giải thích và phân tích thông tin.
Có rất nhiều thông tin phức tạp đòi hỏi bạn phải xử lý, diễn giải, đưa ra ví dụ giải thích, thậm chí là tìm hiểu nhiều nguồn để làm rõ chúng. Các hoạt động này có thể liên quan đến dữ liệu bán hàng, sản phẩm mới, thông số kỹ thuật của nhà cung cấp, báo cáo kỹ thuật và thông tin tài chính.
Research and Analytical Skills có thể cần thiết ở một vài lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nhưng thực tế, đa phần các công việc ít nhiều đều cần đến kỹ năng nghiên cứu và phân tích.
8. Kỹ năng làm việc với các con số (Numeracy)
Hay nói cách khác: Tính toán nhanh, nhạy cảm với các con số.
Có thể bạn không ứng tuyển vị trí liên quan đến toán học hay thống kê, nhưng hiểu cơ bản về tính toán và tính toán nhanh nhạy rất hữu ích. Rất nhiều công việc cần đến kỹ năng tính toán, và cuộc sống của bạn cũng cần đến nó.
Đọc thêm:
9. Kỹ năng phát triển bản thân (Personal Development)
Hay nói cách khác: Hiểu chính bạn và biết phải làm gì để phát triển bản thân.
Phát triển bản thân là việc đánh giá năng suất cá nhân và nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Có thể phản tác dụng nếu đề cập điểm yếu khi phỏng vấn xin việc nhưng nói về những gì bạn đã làm để cải thiện nó và học được những kỹ năng mới là biểu hiện cho thấy nhận thức bản thân của bạn rất tốt.
Chứng minh rằng bạn rất hứng thú với việc học hỏi và phát triển, bạn có thể được xem như là người nhiệt huyết và sẵn sàng lao vào những thử thách mới.
10. Kỹ năng công nghệ thông tin (Information Technology)
Hay nói cách khác: Sử dụng máy tính hiệu quả và biết cách tối ưu hóa công nghệ trong công việc.
Rất nhiều công việc yêu cầu bạn biết cách soạn thảo văn bản, tạo Excel, sử dụng phần mềm web. Tuy nhiên, hãy nghĩ xa hơn các kỹ năng IT cơ bản này. Bạn có tự tin khi sử dụng máy tính không? Bạn có nhanh chóng làm quen với các công nghệ và phần mềm mới? Bạn có là người nhạy bén? Bạn có hiểu được tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu và riêng tư?
Note: Nếu bạn cần một danh sách cụ thể và chi tiết hơn về Transferable Skills thì xem checklist này nhé.
Tích lũy Transferable Skills thực sự vô cùng có lợi cho chúng ta trong mọi mặt của cuộc sống lẫn công việc. Nếu vừa thành thạo chuyên môn vừa làm chủ được những kỹ năng này thì chắc chắn, bạn sẽ tỏa sáng: Hãy vững tin là cứ đi rồi sẽ đến, mọi thứ đang chờ bạn.
 

Source: