Viết cho bộ phim và môn phái tôi yêu thích.
Sau khi xem hết tập 12 của Tần thời minh nguyệt 6, lòng lại nhộn nhạo vài cảm ngộ. Đành gửi gắm lại vào trong những câu chữ để sau này có dịp ngẫm lại. Dẫu lòng biết rằng đạo khả đạo, phi thường đạo. Tri giả bất ngôn còn ngôn giả bất tri. Nhưng mà thiên hạ hữu duyên tình, biết đâu có người đồng đạo cảm ngộ được để đàm đạo hay có vị cao nhân nào cho vài lời giác tỉnh.
Trải qua 6 phần, không dài mà cũng không ngắn, vừa đủ để câu chuyện đi đến cao trào. Tập 11 và 12 của Tần thời minh nguyệt 6 là một dấu gạch ngang chững lại của mạch truyện. Từ trước tới giờ trong series, chưa từng có tiền lệ dùng hẳn vài tập của mạch chính series để kể lại chuyện xưa tích cũ của một nhân vật. Phải chăng đội ngũ làm phim đang cố gắng gửi gắm điều gì đấy?
Cả hai tập phim được dành để kể lại câu chuyện của Hiểu Mộng, chưởng môn của Thiên Tông Đạo Gia, một trong Bách Gia Chư Tử thời Tần, cùng vai vế với Tiêu Dao Tử của Nhân Tông. Hiểu Mộng lúc bái sư là 8 tuổi. Mặc dù có một tính cách hoạt bát, nhưng lại mang trong mình một quá khứ đầy bi thương nước mất nhà tan. Dẫu vậy cô đã một thân thể hiện thiên tư trác tuyệt. Cuối cùng cô cũng được Bắc Minh Tử, vốn đã 50 năm không thu nhận đệ tử nhận làm quan môn đệ tử. Hiểu Mộng chăm chỉ luyện tập đạo thuật, vô tình quen biết với một sư điệt là Thanh Huyền. Cuối cùng vì cái chết của Thanh Huyền mà ngộ đạo, nhận được trường kiếm Thu Ly và bế quan 10 năm. Mười năm sau, cô xuất quan, nhìn thấu sinh tử và không phân biệt ranh giới yêu ghét, bắt đầu cho một cuộc hành trình mới.
Một tâm hồn mạnh mẽ trong thân xác nhỏ bé

Nhân Tông và Thiên Tông

Nhân Tông và Thiên Tông đại diện cho hai trường phái đối lập của Đạo Gia. Theo Đạo Giáo của Trần Trọng Kim mô tả, Đạo gia từ một xuất phát điểm cực cao với nhiều tư tưởng giá trị của các bậc hiền sĩ như Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, ... dần phân hoá với nhiều chi nhánh phù thuỷ, tướng số, ... bộ phận chuyên khảo cứu lý lẽ ban đầu cũng không còn giữ được tư tưởng nguyên bản nữa mà đi sâu phát triển từng tư tưởng riêng biệt như đạo yếm thế, đạo đối nhân, ... Như tư tưởng của hai nhà của Đạo gia trong phim cũng thể hiện rõ hai mặt đối lập như vậy.
Thiên tông tiếp nối tư tưởng của Lão Trang. Thiên địa vô thường đạo đều thuận theo tự nhiên. Tất thảy chuyện nhân gian đều là một giọt nước trong biển đời to lớn. Nhân đạo thật bé nhỏ và chuyện mây mưa tranh đấu sẽ tan biến trong chớp mắt. Thế nên Thiên tông chủ trương đứng ngoài tranh đấu, vô dục vô cầu, sống đời xuất thế.
Nhân tông chủ trương khác với Thiên tông. Nhân tông đem chữ Nhân viết lớn lên, để cổ vũ cho tuỳ tâm sở dục, làm những gì ta mong cầu. Vậy nên Nhân tông chủ trương truy cầu nhân tính, sống tuỳ tâm sở dục, một đời nhập thế.
Cùng từ một ý niệm về tự nhiên và xiềng xích. Nhưng cách giải nghĩa của hai nhà khác nhau. Thiên tông xem tất cả đều là quy luật tự nhiên. Sở dĩ vạn pháp có xiềng xích là do tâm con người còn có chấp niệm. Vì vậy chấp niệm chính là xiềng xích lớn nhất của con người. Nhân đạo lại cho rằng Đạo pháp tự nhiên, vạn vật đều là đạo. Chỉ có tâm là không có chấp niệm, thì mới có thể tự nắm được hướng đi. Như vậy, tuỳ tâm sở dục, không cần nghĩ đến sự buông bỏ chấp niệm nữa, thì chẳng phải là đã gỡ bỏ chấp niệm rồi chăng. 
Vậy nên mới thấy đạo thật kỳ lạ, cùng thấy một đạo, nhưng con người lại có những niềm tin khác nhau. Cũng cùng gốc rễ là đạo, nhưng Âm Dương Gia vốn có nguồn gốc từ Đạo Gia lại rẽ nhánh theo con người tìm hiểu các pháp nhị nguyên, âm dương, ngũ hành để truy cầu sự diệu dụng của nó.
秦时明月,道家天宗人宗之争,逍遥子和晓梦谁更
Tuỳ tâm sở dục hay vô dục vô cầu

Chuyện hôm qua như nước chảy về đông

Ở năm phần trước, ta thấy Nhân tông của Tiêu Dao Tử đóng vai trò khá lớn trong mạch truyện. Ông là người khá thần bí, chưởng quản bảo kiếm Tuyết Tễ, luôn xuất hiện với vẻ đạo mạo và luôn tỏ ra quan tâm người khác. Trái ngược lại là thiên tông với vẻ cao ngạo trịch thượng. Ở phần 5, khi Hiểu Mộng so chiêu cùng "hậu bối" Phục Niệm, dù kết quả một chín một mười, nhưng luôn có cảm giác Hiểu Mộng chưa rõ tài cán như thế nào nhưng vẫn cố tỏ ra cao ngạo. Trong tập 11 và 12, chúng ta có dịp hiểu rõ vì sao Hiểu Mộng lại có tư tưởng như vậy, hay điều mà Thiên Tông truy cầu là gì.
Hiểu Mộng lúc nhập môn có quan hệ thân thiết với một "hậu bối" tên là Thanh Huyền. Sở hữu một thân võ thuật phi phàm, nhưng nước mất nhà tan, chỉ đành nương nhờ chốn thanh tu Đạo gia. Mặc dù thời gian trôi qua rất vui vẻ nhưng vết thương chiến tranh rất khó hàn gắn. Vì sợ liên luỵ đến chốn nương nhờ, Thanh Huyền đã cố tình trộm điển tịch của Đạo gia, để rồi cố tình bị trục xuất khỏi sư môn. Cuối cùng, vì ám sát một tướng quân nước Tần, mà thân tử đạo tiêu, phơi thây trên tường thành.
Hiểu Mộng trông thấy Thanh Huyền trên tường thành. Đó cũng như là cô trông thấy bản thân mình. Bản thân cũng mất người thân trong chiến tranh. Bản thân cũng truy cầu sức mạnh để báo thù cho người thân đó nhưng rồi thì sao. Quốc cừu gia hận, trong nghìn năm trăm tháng luân chuyển, rồi có còn lại gì, trong sự chuyển dịch của ba nghìn thế giới, liệu có tồn tại sao?. Thế là Hiểu Mộng đã ngộ đạo. Năm xưa, Trang Chu mộng thấy mình là bướm, nhưng có lẽ nào là bướm mộng mình thành Trang Chu. Là Hiểu Mộng đã thành toàn cho Thanh Huyền, bước đến trước cửa đạo hay Thanh Huyền đã thay Hiểu Mộng đi hết con đường của giấc mơ báo thù. Mọi thứ không còn quan trọng nữa. Vô hình, vô sắc, không còn xiềng xích gì có thể kiềm chế tâm con người.
- Con hãy nói xem. Đạo là gì?
- Đạo. Lão Tử cho rằng Đạo là căn bản của vạn vật. Mà Trang Tử lại nói Đạo vốn dĩ là hư vô. Hiện tại con người ta rất nhiều lưu phái Nho học, Mặc học. Thứ bọn họ nói phải kinh thế trị quốc, phi công kiêm ái cũng là đạo sao?
"Ngày tí: Quân tử sống ăn không cần no, sống không cần bình an, tỉ mỉ hành sự và cẩn trọng lời nói."  (Luận ngữ chương đầu tiên) .Chẳng đúng, Đại Tần tôn pháp thượng võ, bình định sáu nước. Con cho rằng, bọn họ nói đều không đúng. Đạo của Âm Dương Gia có giống với Đạo Gia không?
- Xem ra dù có tuỳ tâm sở dục, nhưng thân cũng chưa chắc tự do
MV nhà trồng
Nên đạo hiệu Hiểu Mộng mang ý nghĩa là một giác mộng rạng sáng, chóng tan mà để lại nhiều lưu luyến, như nhân sinh ngắn ngủi và chóng tàn. Xưa có chuyện tích cuộc đời như một giấc hoàn lương. Chẳng phải là vậy đó sao? Vậy nên Hiểu Mộng dễ dàng lĩnh ngộ "hòa kỳ quang, đồng kỳ trần", vượt qua một ải của Bắc Minh Tử. Nhưng chỉ khi dành 10 năm để bế quan, mới thật sự lĩnh ngộ Thiên Địa thất sắc, xem mọi vật như một. 
Lá thu lênh đênh cùng nỗi hận
Chuyện cũ một bầu rượu
Mộng cũ cố quốc vây chặt sự tự do, mãi mà không buông được
Tri âm một đi không ngoảnh lại
Cảnh xuân tươi đẹp cũng dần hao mòn
Vài chén trà nhạt càng thêm thấm, nồng đậm vị sầu thế gian
Ta từ chốn nào đến đây?
Tiên mệnh bị ai âm thầm nắm lấy
Ngắm xem hồng hoang chậm qua biển lớn, vinh nhục cũng đã tan biến
Chẳng vì màu máu mà tồn tại
Cứ xem lòng ta sáng tựa ánh trăng
Đừng hỏi hi vọng quãng đời còn lại ở nơi chốn nào, ngay ngoài vườn trúc ngay giữa núi
Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên
Pháp vô ngã nằm ngay tâm hướng thiện
Ngẩng đầu nhìn sao trời, bi thương rơi lệ
Chỉ là lạc mất đã quá lâu rồi
Thôi nhớ về quá khứ mới có thể hoá giải lời nguyền này
Đời này khó tìm lại được sự ngây ngô thuở bé
Chỉ có tĩnh tu, mới tẩy rửa được bụi trần trong lòng
Chớ hỏi ngày mai đôi chân dừng bước ở chốn nào
Thân vô ngã tứ hải đều có thể vân du
Trời đất thong dong
Những thước phim của hai tập gây ấn tượng rất nhiều cho mình. Nó hoàn toàn làm mình nhớ lại cảm giác đầu tiên khi mình đọc Đạo đức kinh và suy ngẫm về quy luật của tự nhiên. Nhịp phim thong thả và những câu nói cũng như khơi dậy sự thức tỉnh của con người (Thú thật là mình thấy nghe tiếng Trung trực tiếp thì cảm nhận rõ hơn lời dịch). Âm nhạc của phim phần này vẫn làm rất tốt. Lời bài hát Nhất Niệm Phất Hiểu của Lý Ngọc Cương - Ending thứ 2 của series phần 6 diễn tả nỗi niềm của con người muốn được tuỳ tâm sở dục, theo đuổi sự tiêu dao, nhưng bị thù nước hận nhà vây lấy. Cả đời chỉ mong một giấc mộng, được thanh thản yên vui như con trẻ, vân du tứ hải, thưởng ngoạn trời đất bao la.
Tham khảo: