Tôi cũng đã bắt đầu bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời, tôi bắt đầu nghiên cứu và thực hành, rồi nghiên cứu rồi thực hành. Tôi nghĩ đến sinh mạng của những sinh vật trên thế gian này, chúng thật là buồn bã và ảm đạm. Ai rồi cũng sẽ phải ra đi, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Những người thiện lành và đầy đủ sẽ rời khỏi nơi đây và để lại những căn nhà đẹp đẽ cho thế hệ mai sau chia chác. Đáng tiếc cho những người đầy đủ và không đầy đủ. Tất cả chúng ta đều đang đi trên cùng một con thuyền, điều này đã đi sâu vào tim tôi. Tôi tự hỏi sự tu tập này sẽ đi đến đâu ? Tôi liên tục quán chiếu đến điều này. Từ đó, mà tôi thấy trân trọng những Nghiệp thiện lành mà tôi đang có và thực sự không dễ gì để có thể hiểu được cặn kẽ mọi ngóc ngách của đời sống dù bạn có sống thêm 100 năm nữa. Một thiền sinh là người có nhiều trải nghiệm rất sâu sắc, chúng ta thường sẽ thờ ơ trước những sinh vật có tri giác nếu như ta không thể hiểu được sự Khổ đang đè nặng lên thân phận. Dharma dường như đã thúc đẩy tôi không ngừng trau dồi và nỗ lực trong sự tỉnh giác. Tôi thấy mình đã đỡ căng thẳng hơn và tập trung hơn. Khi tôi nhìn vào những người luôn lo lắng và sợ hãi trước những gì sắp xảy tới, tôi chỉ biết ngậm ngùi và thương tiếc. Đối với tôi, giáo pháp thật sự chính là sự yêu thương và hiểu biết ngay trong giây phút hiện tại này nhưng không may rằng điều đó đã bị hao mòn như thế giới ngày hôm nay. Chỉ còn lại sự dằn vặt và đau khổ vì những gì đã xảy ra. Con người chúng ta ai ai cũng chiến đấu cho một mục đích mà ngày bé đã vạch ra, thật vậy chẳng có một ai vượt qua được quy luật của cuộc đời - vô thường. Nhiều khi tôi đã nghĩ chính mình thật phức tạp, thường đem đến những khó khăn và đau khổ. Trong cuộc đời này, ta có thể tạo lợi ích tới người khác trong hiện tại, chúng ta đã chọn cho mình một cuộc sống đạo hạnh, đi tìm những kiến thức có thể giúp đỡ chính mình. Chúng ta sẽ sống với hành động đúng đắn, bình tĩnh trước cái dở của thế giới thì sự tu tập của chúng ta sẽ có những tiến triển tốt đẹp. Một điều rất thú vị đó là sự suy tư về những nhân tố khi tu tập, cảm thấy hân hoan với cuộc sống bây giờ so với trước đây. Đó là niềm cổ vũ giúp tôi hướng thẳng tới hiện tại. Có một câu chuyện về một con cá mà tôi tìm được.

Ảnh bởi
Mael BALLAND
trên
Unsplash
Khi còn là một nhà sư trẻ, Ngài Ajahn Chah từng giảng kinh cho một nhà hiền triết nghe. Ông (nhà hiền triết) là người tục gia hay đến đây để thiền và tuân theo tám giới luật vào những ngày tăng sự âm lịch trong những năm đầu của chùa Wat Pah Pong, nhưng ông vẫn đi câu cá. Ajahn Chah cố gắng giảng cho ông ta hiểu sâu hơn nhưng không thế giải quyết vấn đề này. Ông nói mình không giết cá; chúng chỉ đơn thuần đến nuốt lưỡi câu của ông thôi.
Ajahn Chah tiếp tục giảng giải cho đến khi ông thấy hơi ngượng ngùng. Ông xấu hổ về việc đi câu cá, nhưng vẫn tiếp tục làm như vậy. Rồi nhận thức sự thay đổi của ông. Ông bỏ lưỡi câu xuống nước và tuyên bố: “Bất cứ con cá nào đã đến số chết, hãy đến cắn lưỡi câu của ta. Nếu vẫn chưa đến số chết, thì đừng lại gần lưỡi câu”, Ông đã thay đổi lời bào chữa của mình nhưng những con cá vẫn đến cắn câu. Cuối cùng, ông bắt đầu quan sát chúng, miệng cá bị mắc vào lưỡi câu, và ông cảm thấy có chút tội nghiệp. Nhưng ông vẫn chưa thể hạ quyết tâm: “À, mình đã bảo chúng đừng cắn câu nếu chưa đến số chết mà; mình có thể làm được gì nếu chúng vẫn đến ăn mồi?”, và rồi ông nghĩ: “Nhưng chúng vì mình mà chết!”. Ông quay về và từ đó cuối cùng ông không còn đi câu cá nữa.
Rồi đến những con ếch. Ông không thể chấm dứt chuyện bắt ếch để giết thịt. Ajahn Chah nói với ông: “Đừng làm vậy! Hãy quan sát thật kỹ chúng. Nếu ông không thể không giết chúng, thì đầu tiên hãy nhìn chúng trước đã”. Rồi ông bắt một con ếch và bắt đầu quan sát nó. Ông nhìn vào mắt, mắt, chân nó. “Ôi trời ơi, nhìn nó giống con tôi quá! Nó có tay và chân. Nó đang mở mắt. Nó đang nhìn tôi”. Và ông thấy đau lòng. Nhưng ông vẫn giết chúng. Ông chăm chú nhìn từng con ếch như vậy, rồi làm thịt chúng, cảm thấy mình đang làm chuyện ác. Vợ ông hối thúc ông, bà nói cả nhà sẽ không có gì ăn nếu ông không chịu giết chúng.
Cuối cùng ông không thể chịu đựng được nữa. Ông vẫn bắt nhưng không còn bẻ chân những con ếch như trước đây nữa. Nhưng ông vẫn không thể thả chúng đi. “Mình chỉ chăm sóc chúng, cho chúng ăn. Mình chỉ nuôi chúng thôi. Nếu có người nào khác bắt được chúng, thì mình không biết gì hết”. Nhưng dĩ nhiên là ông biết. Những người khác sẽ giết ếch để làm thịt. Sau một thời gian, ông đã có thể thừa nhận điều này. “Dù gì thì mình cũng đã bớt được 50% sát nghiệp rồi. Những người khác giết chúng, còn mình thì không”.
Điều này bắt đầu làm ông phát điên lên, nhưng ông vẫn không thể thả chúng đi. Ông để những con ếch trong nhà. Ông không còn bẻ chân ếch nữa, nhưng người vợ lại làm chuyện này. “Đó là lỗi của mình. Dù mình không làm, thì vì mình mà bà ấy phải làm như vậy”. Cuối cùng ông thả chúng đi hết. Nhưng vợ ông phàn nàn: “Chúng ta sẽ sống ra sao đây. Lấy gì mà ăn hả?”.
Ông thực sự bị kẹt cứng. Khi ông đến chùa, tôi giảng cho ông nghe nên làm những gì. Khi ông trở về nhà, vợ ông lên lớp ông phải làm như thế nào. Tôi nói ông đừng làm như vậy nữa, nhưng vợ ông hối thúc ông phải tiếp tục. Phải làm gì? Ông nghĩ thật là quá khổ sở. Sinh ra trong thế giới này, chúng ta phải chịu khổ như vậy.
Ảnh bởi
Suâm
trên
Unsplash
Cuối cùng, vợ ông cũng phải từ bỏ việc này. Nên họ không còn làm thịt ếch nữa. Ông ra đồng làm việc, chăn trâu. Rồi ông có thói quen phóng sinh cá và ếch. Khi thấy cá bị mắc vào lưới, ông sẽ thả chúng đi. Một ngày nọ, sau khi làm đồng, ông đến nhà ông bạn hàng xóm để uống nước. Không có ai ở nhà nhưng ông nghe thấy âm thanh cái gì đó đang cục cựa. Ông rất lúng túng, nhưng cuối cùng ông biết đó là gì: có mấy con ếch đang bị nhốt trong chậu và chúng muốn thoát ra. Ông nhìn xung quanh để đảm bảo không có ai quanh nhà hết, và rồi ông thả chúng ra.
Một lúc sau, vợ của bạn ông về nhà để chuẩn bị bữa tối. Cô mở nắp chậu ra và thấy những con ếch đã biến mất. Cô suy nghĩ xem đã có chuyện gì xảy ra. “Chính là cái ông nhân hậu đó”.
Vợ người hàng xóm cố bắt cho được một con ếch về làm món ếch xào sả ớt và bảo chồng mời ông ở lại ăn cơm. Khi ông đưa tay ra chan nước xốt vào chén cơm, cô giữ tay ông lại và nói: “Này! Người nhân hậu! Ông không nên ăn thứ này! Ếch xào sả ớt đó!”.
Thật là quá đáng! Đời có quá nhiều khổ đau, ta chỉ sống để cố gắng nuôi bản thân mình thôi. Nghĩ về điều này, ông không thấy được con đường nào để thoát ra. Ông đã già rồi, nên ông quyết định xuất gia.
Ông xuất gia tại ngôi chùa địa phương, và sau nghi lễ, ông hỏi sư phụ ông nên làm gì. Sư phụ nói với ông: “Nếu thực sự muốn đi tu, con phải tập thiền. Đi tìm một sư phụ dạy thiền đi; đừng đến gần những ngôi nhà”. Ông đã hiểu và quyết định làm theo như vậy. Ông ngủ một đêm trong chùa và sáng hôm sau ông xắn tay lên hỏi mọi người có thể đi đâu để tìm được Ajahn Tongrat, một trong những người thầy nổi tiếng lúc bấy giờ.
Ông mang theo bát đựng đồ bố thí và đi lang thang, một nhà sư mới vẫn chưa biết cách mặc áo cà sa sao cho chỉnh tề. Nhưng ông đã tìm gặp được Ajahn Tongrat.
“Hỡi thầy đáng kính, con không còn mục đích gì trong cuộc đời này nữa. Con muốn dâng thể xác và cuộc đời con cho thầy”.
Ajahn Tongrat trả lời: “Rất tốt! Con rất nhân hậu! Chút nữa là con không gặp được ta rồi! Ta đang định lên đường. Nên con hãy hành lễ và ngồi xuống đây”.
Nhà sự mới hỏi “Giờ con đã xuất gia, con nên làm gì?”.
Lúc đó họ đang ngôi dưới một gốc cây cổ thụ. Ajahn Tongrat chỉ vào gốc cây và nói: “Hãy làm cho bản thân con giống như gốc cây này. Đừng làm gì hết, chỉ cần làm cho mình giống như một gốc cây”. Đó là cách thầy dạy ông thiền.
Rồi Ajahn Tongrat tiếp tục lên đường, và nhà sự ở lại đó để suy ngẫm những lời nói của ông, “Ajahn dạy là mình phải làm cho bản thân giống như một gốc cây. Mình phải làm gì?”. Ông liên tục suy tư về điều này, dù là khi đi, ngồi hay nằm xuống ngủ. Ông suy nghĩ làm sao để đầu tiên phải có một hạt giống, làm sao nó lớn thành một cái cây, cây to dần và già cỗi đi, rồi cuối cùng bị đốn xuống, để lại một gốc cây. Bây giờ nó là một gốc cây, nó không thể lớn lên được nữa, và không thể mọc ra thứ gì hết. Ông cứ thảo luận vấn đề này trong tâm trí, xem đi xét lại, cho đến khi nó trở thành đề tài để thiền của ông. Ông mở rộng nó ra để áp dụng cho mọi thứ trong thế giới và rồi ông có thể đưa nó vào trong nội tâm và áp dụng cho bản thân ông. “Sau một thời gian, tôi đã có thể giống như một gốc cây, một thứ vô dụng”. Nhận ra điều này đã mang đến cho ông quyết tâm không hoàn tục. Khi ông đã quyết định như vậy, thì sẽ không có cái gì có thể ngăn cản ông. -----------------------
Tất cả chúng ta đều chia sẻ điều kiện này. Xin hãy suy nghĩ về nó và thử áp dụng vào trong việc tu hành của bạn. Được sinh ra là con người, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ là khó khăn cho đến lúc này, mà trong vị lai vẫn là khó khăn. Người trẻ trưởng thành và người trưởng thành sẽ già đi, người già sẽ bị bệnh và người bị bệnh sẽ chết. Cứ tiếp tục như vậy, vòng luân hồi của chuyển hoá không ngừng nghỉ sẽ không bao giờ kết thúc. Nên Phật dạy chúng ta thiền.
Trong khi thiền, chúng ta phải tu samadhi, có nghĩa là làm cho tâm trở nên tĩnh lặng và yên bình. Giống như nước trong bồn; nếu chúng ta cứ bỏ hết thứ này đến thứ khác vào trong nước và khuấy động nó lên, thì nước sẽ luôn vẩn đục. Nếu tâm luôn cho phép chúng ta suy nghĩ và lo lắng về mọi thứ, thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy được điều gì rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta để nước tĩnh lặng thì chúng ta có thể thấy được mọi thứ phản ánh trong nó. Khi tâm yên và tĩnh, sự thông tuệ có thể nhìn thấy được nhiều thứ. Ánh sáng giác ngộ của thông tuệ sẽ vượt qua mọi loại ánh sáng khác. Trong tứ diệu đế, Đức Phật đã đưa ra chân lý về Khổ, một sự khẳng định chắc chắn mà không một quan điểm hay tư tưởng triết học gì lay chuyển nổi nhưng cũng nhờ Khổ mà ta biết con đường chấm dứt Khổ.
Mục đích của chúng ta là hiện tại, hiện tại của Samadhi, hiện tại của tỉnh thức.