Trong những buổi học từ khi còn ngồi ghế nhà trường, bên cạnh các bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, sinh viên, sẽ luôn có các diễn đàn để các cá nhân được thể hiện khả năng giải quyết vượt trội hơn những cá nhân khác. Và không dứt những cuộc trao đổi nhỏ với nhau rằng: "Thằng A này nó giỏi thật, còn thằng B kia nó chỉ có cái tiếng thôi". Vậy thì, dù là A hay B giỏi hơn, người ta vẫn trong đợi vào những người giỏi thay vì những người không giỏi mà họ đâu hiểu được rằng, cuộc sống này nhiều hơn chỉ là giải quyết vấn đề.
Nguyễn Hà Đông là một trong những nạn nhân đời đầu của xã hội trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT). Ngày Flappy Bird trở nên viral, báo đài liên tục phân tích cái ống cống xanh của Mario được anh Đông vô tình sử dụng trong game. Cho đến lúc anh phải tự gỡ tựa game xuống khỏi kho ứng dụng thì họ chuyển sang phân tích về những mặt trái của áp lực truyền thông. Cho đến giờ, tôi vẫn không chắc là nhân viên Nintendo có thực sự quan tâm đến cái ống cống đó hơn bữa trưa của họ không.
Ở quê tôi, từng có cái chương trình "Nông dân giỏi" mà người ta thường nói với nhau rằng, cái chương trình đó đi đến đâu là nông dân phá sản đến đó. Ngoài ra, theo tôi được biết, nền nông nghiệp phát triển được quyết định bởi các kết quả nghiên cứu khoa học về nông nghiệp. Mà các ví dụ bằng người tôi thấy trong chương trình không mấy đề cập đến nguyên nhân thành công của họ.
Ngay trong từ talent của tiếng Anh, được dùng để ám chỉ một cá nhân giỏi ở một lĩnh vực nào đó, có thể là ngành nghề, chức vụ, hoặc chỉ đơn giản bổ dừa mà điêu luyện cũng có thể là talent. Trong khi "nhân tài" ở Việt Nam được gắn liền với cả nguyên khí quốc gia. Điều này dẫn đến hệ quả trong tư duy, bổ dừa thì không thể nào là nguyên khí quốc gia được.