Việc lên án Hiền Hồ là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình, cũng giống như nói rằng game là nguyên nhân làm cho những đứa trẻ bỏ bê học hành. Khi cuộc sống của một cặp đôi không hạnh phúc, một trong hai hoặc cả hai người lừa dối nhau thì đó là chuyện riêng của cặp đôi. Nếu như không có sự rạn nứt từ bên trong, các thành viên trong gia đình đó đã không phải tìm đến những thú vui khác bên ngoài. Khao khát được sống, được thoả mãn nhu cầu của bản ngã là chuyện hết sức bình thường của mỗi cá nhân. 
Những gia đình khô hạn cảm xúc, họ cố gắng níu kéo mái-đã-hết-ấm vì trách nhiệm với con cái, vì sĩ diện của bản thân hay vì sự ràng buộc của các giá trị đạo đức ? Tôi đã chứng kiến một cặp đôi chỉ hạnh phúc trong mắt của những người xung quanh. Thật vậy, họ có thể cười giỡn với nhau hàng ngày trong mỗi bữa ăn, có thể kể cho nhau nghe về những câu chuyện phiếm rồi cùng nhau cười phá lên như những đứa trẻ, có thể dành thời gian đưa rước nhau, thậm chí có thể chăm sóc cho nhau lúc ốm đau bệnh tật; nhưng tuyệt nhiên, họ chưa bao giờ trao đổi thẳng thắn với nhau về suy nghĩ, về cảm xúc, về công việc hay chỉ đơn giản là về giấc ngủ đêm qua. Dường như họ thiếu một sự kết nối nào đó từ bên trong.
Không biết từ khi nào, họ không còn nói với nhau những lời tình cảm; những cử chỉ âu yếm là một thứ gì đó xa xỉ; ngay cả khi nàng, chàng và hai đứa nhỏ cùng nhau đi sắm đồ tết; một cái chạm tay họ cũng không thể làm chứ đừng nói đến việc ái ân. Đã nhiều lần nàng muốn dừng lại, nước mắt nàng cũng đã nhiều lần rơi trước mắt chàng, thậm chí một kế hoạch bỏ nhà thử cũng đã được nàng thực hiện. 
Hơn một tháng xa nhau, nàng và chàng vẫn thi thoảng liên lạc bằng tin nhắn và gọi điện, thường thì nàng là người chủ động. Những cuộc hội thoại chỉ xoay quanh chuyện ăn học của hai đứa nhỏ; chuyện tầm phào của những người xung quanh; và vẫn y như lúc hai người bên nhau, câu "hôm nay em/anh thế nào ?" vẫn không thể thoát ra khỏi cổ họng của cả hai, không biết do vô tình hay cố ý. Có lẽ cả hai đều nhận thức rõ những ràng buộc vô hình nào đang khiến sự hiện diện của cả hai trở nên nặng nề. 
Tuy nhiên, ở lại trong đời nhau vẫn luôn là "lựa chọn bắt buộc" thay vì cho nhau một lối đi riêng. Có thể họ sợ rằng chia tay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái; hay cái chức danh giám đốc và cháu đích tôn của chàng, v.v. Họ luôn phải diễn vai vợ chồng hạnh phúc trước mắt tất cả mọi người, đặc biệt là trước mặt hai bé. Nhưng trớ trêu thay, những kẻ lừa dối chính bản thân mình lại phải dạy cho con mình sống thật thà, thẳng thắn. 
Hạnh phúc bên trong không thành, hạnh phúc mới cũng không thể đến. Men say giúp chàng tạm quên đi thực tại cay đắng. Kiều nữ cũng là một thú tiêu khiển, không chỉ xoa dịu cái bìu nặng trĩu, mà còn ve vuốt cho cái tôi to bự nhưng mong manh của chàng. Còn về phần nàng, hơi ấm của đàn ông tưởng như rất gần mà nào đâu xa rất xa. Trong một xã hội, sự lén lút ái ân của đàn ông được cho là bình thường, còn một lần trót dại của phụ nữ là trọng tội. Nàng đành phải giải toả bằng cách mua sắm, vùi đầu vào công việc và chuyển hết tình yêu và hi vọng sang hai đứa nhỏ.
Hiền Hồ hay những người bị gọi là tiểu tam, đơn giản chỉ là những người cung cấp dịch vụ sung sướng tạm thời cho những người đang không cảm thấy hạnh phúc. Nếu không có Hiền Hồ thì đại gia kia cũng sẽ tìm tới Dữ Hồ, Giang Hồ, Việt Á Hồ, v.v. Tôi cũng không lấy làm lạ khi những cặp đôi sugar daddy-baby có thể nảy sinh tình cảm thật sự. 
Về mặt luật pháp, chỉ nghiêm cấm các trường hợp người đã có vợ, có chồng sống chung như vợ chồng với người khác. Một cặp đôi có quan hệ bất chính nhưng không sống chung như vợ chồng (được hiểu theo nghĩa ăn chung, ở chung, có con chung, có tài sản chung) thì cả hai người mới chỉ là vi phạm đạo đức. Nếu tìm ra bằng chứng cả 2 đã có hành vi quan hệ tình dục, thì cùng lắm chỉ là tội mua/bán dâm. Nhưng khả năng để bắt được tội mua/bán dâm là rất thấp ngay cả khi tìm được clip. 
Tôi cũng có thể thông cảm cho những người phụ nữ đi đánh ghen. Họ có thể là nạn nhân của những màn bạo hành thể xác; bị khủng bố tinh thần bằng những lời lẽ cay độc; hoặc cũng có thể do họ không thể tự chủ tài chính để lo cho bản thân và con cái. Và trên hết, họ là nạn nhân của tư tưởng danh tính cực đoan tồn tại từ xã hội phong kiến. Những cá thể bị gặm nhấm bởi sự cô đơn; hi sinh cái tôi vì một gia đình "hạnh phúc" và buộc phải hoàn thành xuất sắc vai diễn "vợ chồng mẫu mực". Mỗi ngày, họ cố gắng nhìn vào mặt nhau, tập nở một nụ cười thật nhất có thể, dù cơm không lành canh không ngọt nhưng cả 2 vẫn cố gắng phải nuốt vì con cái, và hơn hết là vì hai chữ sĩ diện. 
Mãi mãi một tình yêu, trọn đời bên em, em mãi là vợ anh, suốt kiếp yêu người, v.v. đã và đang là kim chỉ nam trong rất nhiều sản phẩm đến từ các loại hình nghệ thuật khác nhau (kịch nói, tuồng, chèo, cổ nhạc, tân nhạc, phim, v.v.). Trải qua một thời gian dài, lí tưởng tình yêu vĩnh cửu đã dần trở thành ý thức hệ. Những con người lớn lên cùng với ý thức hệ đó cũng khó có thể chấp nhận sự thật là một cuộc tình có thể bị tan vỡ từ bên trong. Đổ lỗi cho người thứ ba sẽ luôn là cách họ thực hiện để bảo vệ niềm tin về tình yêu răng long đầu bạc.
Với tôi, tình yêu thuần khiết chỉ tồn tại ở thuở ban đầu. Về chung một nhà chỉ là khởi đầu cho quá trình rèn luyện và phát triển tình cảm của cả hai. Tình dục, niềm tin và sự tôn trọng luôn là những yếu tố cốt lõi. Bản thân mỗi người luôn tự thay đổi, chỉ là chúng ta không nhận ra sự thay đổi đó như thế nào. Vì vậy, trao đổi và chia sẻ với nhau tất cả từ công việc, cảm xúc, suy nghĩ, nuôi dạy con, v.v. đến các vấn đề nhạy cảm như tình dục trên tinh thần tôn trọng nhau để củng cố niềm tin của cả hai là một điều cực kì quan trọng. 
Trong một mối quan hệ lành mạnh, nếu một người thứ ba muốn chen chân vào cuộc sống của một cặp đôi. Thậm chí, khi người thứ ba đó đủ dũng khí để bày tỏ tình cảm với một trong hai người, thì tình cảm của cặp đôi đó vẫn không thể lung lay. Do cả hai đều tin tưởng vào tình cảm và sự gắn bó mà họ đã cùng nhau xây dựng nên. Trong trường hợp một trong hai người đem lòng yêu người thứ ba, thì mọi sự níu kéo đều trở nên vô nghĩa. 
Trương Hoàng Sơn - 01/04/2022