Đây là bài viết đầu tiên của mình về chủ đề Bullet Journal của mình trên Spiderum. Nên nếu mò đến đây mà các bạn chưa biết Bullet Journal là cái gì, thì ngó qua bài này  của Uyên để biết thêm về phương pháp ghi chép tuyệt vời này, rồi quay lại đọc chơi nha.
Tháng này các bạn đã kiểm tra chi tiêu chưa? Hết tết rồi và các bạn đã ngồi xuống tính toán xem tháng này mình ăn xài hết bao nhiêu tiền chưa? (Và có bị giật bắn mình hay không?)
Uyên thấy có rất nhiều bạn hí hoáy trang trí và ngấu nghiến viết vào trang Expense Tracker (trang quản lý chi tiêu trong Bujo), mà quên đi rằng mục đích cuối cùng của việc ghi chép chi tiêu lại là để tiết kiệm và điều chỉnh chi tiêu của mình tốt hơn.
Uyên cũng đã từng như thế, đơn thuần viết xuống những khoản đã tiêu trong ngày, cuối tháng tổng kết tổng số tiền đã tiêu, nhưng lại quên đi bước thực sự nhìn nhận cách chi tiêu của mình và rút kinh nghiệm từ đó.
Và một ngày tình cờ, Uyên biết đến phương pháp Kakeibo.

Vậy Kakeibo là cái qq gì và áp dụng nó cho Bullet Journal như thế nào?

Kakeibo là một phương pháp ghi chép chi tiêu hằng ngày, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1904 tại Nhật Bản, và được giới thiệu rộng rãi bởi một nữ nhà báo tên Hani Motoko.
Nhưng phương pháp Kakeibo thì có khác biệt gì so với phương pháp ghi chép chi tiêu thông thường?
Nếu bình thường, một trang Expense Tracker của bạn chắc hẳn sẽ có một layout tương tự như thế này:
phương pháp Kakeibo
Mẫu Expense Tracker truyền thống
Thường thường các bạn sẽ chỉ liệt kê ra các mục chính là: Ngày tháng, mô tả các khoản chi tiêu, số tiền, hạng mục, loại tiền chi tiêu và total.
Nhưng với phương pháp Kakeibo, bạn sẽ có hẳn một bản cẩm nang chi tiết đi sâu vào việc quản lý chi tiêu của mình.

Áp dụng phương pháp Kakeibo như thế nào?

Bước 1: Vạch ra số tiền (thu nhập) bạn có mỗi tháng. Tức tổng số tiền bạn kiếm được/tiền đi vào ví bạn mỗi tháng là bao nhiêu.
Bước 2: Xác định và viết xuống tất cả các chi phí cố định hằng tháng mà bạn sẽ phải tiêu tốn. VD như tiền nhà, tiền internet, tiền điện nước,...để biết trước số tiền cố định bạn chắc chắn tiêu trong tháng đó.
Bước 3: Xác định số tiền bạn muốn để dành hằng tháng, cất riêng vào một khoản và gắng đừng đụng vào số tiền này
Bước 4: Ghi xuống chi tiết những khoản tiêu hằng ngày theo 4 mục chính:
Thiết yếu: Ăn uống, tiền xăng xe,...Tiêu vặt: Thuốc thang, ăn nhà hàng, tiền điện thoại, tiền 4g,...Giải trí: xem phim, nghe nhạc, sách vở, báo chí,...Phát sinh: tiền phúng điếu, đám cưới, sửa chữa,...
Bước 5: Kẻ một cột chia thành 2 mục xác định nhu cầu của bạn giữa thực sự cần thiết và mong muốn.
Để làm chi? Để xác định xem khoản đó mình có thể tiết kiệm được cho lần sau hay phải bắt buộc tiêu ngay thời điểm đó, nhằm đưa ra quyết định chi tiêu sáng suốt hơn.
Bước 6: Tổng kết cuối tháng số tiền đã tiêu và so sánh với số tiền hạn mức ban đầu bạn có, trừ ra khoản bạn muốn tiết kiệm đã cất riêng (ở bước 3), và xem xem tháng đó bạn có tiết kiệm thêm được đồng nào không hay lại âm? Từ đó rút ra bài học chi tiêu cho tháng sau.
phương pháp Kakeibo
Mẫu phương pháp Kakeibo của Uyên
Nhớ rằng, phương pháp nào cũng sẽ chẳng có hiệu quả nếu bạn không thực sự mong muốn có được một kết quả CÓ HIỆU QUẢ.
Chúc các bạn tiết kiệm được nhiều tiền để đi tơi nha! xD

Bài viết được đăng trên blog cá nhân Don't Travel Like Me