Khi bạn yêu chính chiếc máy tính của mình!


Theodore là một người viết thư tay thuê, và, ừm, thư tay của các cặp đôi nhưng được viết hộ bởi người khác và anh ấy đọc, máy tính tự nhận lệnh rồi viết ra, không cần động đến cả một cái khớp tay.
Anh ấy ly thân, đang mắc kẹt và trì hoãn việc ly hôn, rồi anh ấy làm quen với Samantha - một hệ điều hành, rồi họ yêu nhau, rồi cãi nhau, lại yêu nhau, cuối cùng là chia tay. Nhưng điều đó không kì lạ, ở thế giới của anh í, mọi người yêu và kết thân với rất nhiều hệ điều hành. Và họ thưởng thức, tận hưởng mối quan hệ đó.

Vậy yêu một hệ điều hành thì như thế nào?


Có giống hai con người yêu nhau không? Chắc chắn là có! Họ thu hút nhau, bởi chàng là một người tinh tế, giàu cảm xúc - còn nàng được lập trình và hơn thế nữa, thông minh, chia sẻ và không đòi hỏi. Thật sự, nếu là mình, mình cũng yêu Samantha mất thôi, và cái giọng nói của Scarlet thật sự, cực kì, cực kì quyến rũ, sinh động hơn bất kì một cô gái nào mà bạn có thể tưởng tượng được. Cái cảm giác ở bên một người và thấy cuộc sống thật tuyệt vời. Mối quan hệ phát triển, và tất nhiên, họ có những vấn đề tỉ như nó không còn nồng nhiệt như lúc đầu, những mối quan tâm riêng hay sự trưởng thành khác nhau, và rồi đổ vỡ. Như trăm ngàn cuộc tình khác, "Anh sẽ không yêu ai như anh yêu em", tất nhiên, và ta sẽ lại yêu.

Vậy thì khác biệt không? Có, nhiều lắm chứ. Họ ở hai thế giới khác nhau, dù cho cô ấy nói rằng sự thật là họ đều được tạo ra từ vật chất, và cùng 13 tỉ năm tuổi, thì việc Samantha không thể biểu hiện gì ngoài giọng nói, hay việc cô học mọi thứ rất nhanh, có thể yêu một lúc hơn 600 người trong khi Theodore đang phát điên về chuyện cam kết trong một mối quan hệ. "Nó giống như em đọc một cuốn sách. Một cuốn sách mà em rất thích. Nhưng em lại đọc nó quá chậm." Đó cũng là lí do Theodore trở nên mất tập trung sau khi gặp lại vợ cũ để li hôn, và nghe những lời " Anh muốn một người vợ mà không phải đương đầu với những vấn đề thật" , cô ấy lo lắng về mình không có một cơ thể thật sự và muốn tìm một người thứ ba...Và góc nhìn của hai người về người thứ ba ấy, với Samantha, đó chỉ như một cách để hai người gần nhau hơn còn Theodore là không thể. Cộng với những trải nghiệm khác nhau, sự khác biệt của họ được đẩy đi càng ngày càng xa, rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến.

Sự giới hạn của thân xác.


Những khác biệt giữa hai người, rõ rang nhất có thể nhìn thấy là sự giới hạn về thân xác.
Trong một lần chuyện trò, bạn tớ và tớ cũng có nói về chuyện những cái khung, lề giấy, hay sự giới hạn. Cũng là lí do, mình thường thích đọc sách hơn so với film chuyển thể, vì mình có thể thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo, thỏa sức nhào nặn nó thành bất cứ thứ gì mình muốn, mà không có một quy định, khuôn khổ hay điểm dừng nào cả. Đó cũng chính là điều Samantha miêu tả về cô ấy trong chuyến đi với cặp đôi bạn của Theodore. "Nếu có một cơ thể thì tôi sẽ không phát triển như lúc này." Tớ cũng đã đọc về triết lý của đạo Phật, về việc xác thân này không phải thực sự là "của ta", nó rồi cũng mục ruỗng, cái cốt lõi là cái phần "ý thức", mặc dù nó không cầm nắm được. Đó là những điều hướng chúng ta đến việc không cố sở hữu bất kì một thứ gì, không bị đau khổ khi bị mất đi. Để đạt đến cảnh giới đắc đạo.
Nhưng, ở một khía cạnh khác, điều khiến con người trở nên con người hơn, chính là thân xác này. Khi ta cảm thấy đói, rét, đau đớn... tất cả những điều như vậy. Hay cảm giác được ôm một ai đó, không phải là người yêu, một chiếc ôm đơn thuần, nó thật sự rất kì diệu. Nhất là những giây phút đó cảm xúc hạnh phúc nó kêu gào khắp mọi tế bào của cơ thể. Nhất là những người yêu nhau, họ cực kì khao khát được chạm vào nhau, cực kì khao khát sự hiện diện của đối phương (cái này chắc ai yêu xa sẽ hiểu). Chắc hẳn nó cũng là lí do khiến Samantha muốn nhờ một người khác cho cô ấy "mượn xác". Tình yêu, rốt cuộc, là cần cả sự đồng điệu về tâm hồn và thể xác. Con người vẫn cần sự hoạt động của những hormone khi được ở cạnh nhau.

Cảm xúc nó hấp dẫn nhưng đầy rủi ro


Và nhìn sâu hơn lí do khập khiễng của mối quan hệ cũng có sự chi phối của cảm xúc. 
Ranh giới thật giả trong "Her" rất mong manh. Khi vợ cũ bảo với Theodore rằng " Em rất buồn khi anh không kiểm soát được cảm xúc thật của mình", anh đã thốt lên :"Cảm xúc của anh là thật." Nhưng rồi anh lại hỏi "Có phải anh không đủ mạnh mẽ cho một mối quan hệ thật?" khi nói chuyện với Amy và cô ấy hỏi ngược lạ " Đây không phải là một mối quan hệ thật hay sao?" , Theo bảo "Anh không biết."
Hay khi Amy nói với Theo "Em nghĩ ai yêu cũng đều quái dị. Yêu đương là một chuyện điên rồ. Nó như một bệnh tâm thần được cả xã hội chấp nhận" "Đời chúng ta ngắn ngủi lắm. Cho nên khi nào còn sống thì em muốn mình hãy cứ tận hưởng."
Phải, hầu hết chúng ta luôn tiếm kiếm cảm xúc, những mối quan hệ để gắn kết mình với ai đó. Chúng ta không cưỡng nổi việc mình yêu thương một người. Theo và Sam yêu nhau là thật.
Nhưng khi bắt đầu ích kỉ và đòi hỏi nhiều hơn, khi mưu cầu sự ràng buộc, thì cảm xúc biến thành rủi ro. Nhiều người bảo tình yêu là ích kỉ, nhưng tớ nghĩ, tình cảm nó không nên có sự chiếm hữu, nó đơn giản hãy là cảm xúc thôi, còn nếu có một mong mỏi người đó thuộc về mình, đó là tình yêu, nhưng chỉ với bản thân mình thôi, chứ không phải là giữa hai con người với nhau. Theodore biết mình không phải người duy nhất, còn Sam bảo điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu của cô, lúc đó chúng ta đã thấy rõ ràng sự chênh lệch tần số cảm xúc giữa hai người rồi. Phải chăng vì anh ấy rất cô đơn, vì cô ấy giống như một nguồn sống kéo anh ra khỏi tình trạng này? Và ta có nên yêu một người để hết cô đơn không?
Còn những thước phim với vợ cũ của Theo, tưởng như lớn lên, gắn bó, làm mọi điều trải qua với nhau, cuối cùng, khi không còn thấu hiểu, và tình cảm không được nuôi dưỡng một cách chủ động, hôn nhân cuối cùng cũng sẽ kết thúc. Amy thì có một người chồng thích kiểm soát, và đến một ngày cô ấy chỉ muốn để giày của mình ở đâu mình thích, họ chia tay.
Tất cả mọi điều, thật sự luôn cần sự cân bằng, thấu hiểu, và đầu tư tương ứng.
Chúng ta luôn có một câu hỏi về việc mình là ai, và luôn khao khát tìm được nơi chốn ta thuộc về. Vậy nên, khi sự cân bằng mất đi, rồi một ngày, chúng ta sẽ lựa chọn ra đi.

Màu phim


Có một điệu tớ rất thích là màu phim rất ấm, một phong cách của tương lai nhưng lại hơi hướng retro, từ màu quần áo, không gian, những khung hình ngập tràn ánh nắng tất cả mọi thứ đều rất dễ chịu. Không biết tác giả có dụng ý gì không, vì trong không gian đó, hay dù cố tình ăn mặc, sơn tường, decor bằng những thứ đó, con người hầu hết rất cô đơn. Và sự cô đơn như được tô màu, rõ bần bật lên, đến mức không thể nào mà lảng tránh được. Sống một mình, đi một mình, nói chuyện một mình, rất ít bạn, rất cô đơn. Và hình ảnh thường xuyên bắt gặp là những tòa nhà cao chọc trời, những hình khối, cây cối rất ít (chỉ ở buổi hẹn và chuyến đi thôi), điều đó khiến cho mọi thứ trở nên thật sự là rất thiếu sức sống.( Xem đến đoạn này là chỉ muốn bay ra đường chơi với mấy cái cây thôi ^^). Và họ tìm mình trong những mối quan hệ ảo, game, những cuộc tình chóng vánh mà cô gái hẹn hò như chớp với Theo lo sợ...Càng ở đó, càng vào đó, họ cho mình những thỏa mãn nhất thời, một chút ve vuốt, nhưng trong lòng, toang hoác cứ trải rộng không kiểm soát được như một vực sâu tối tăm.
Nếu chúng ta cứ sống như vậy, thì chẳng cần virus nào hết, tự chúng ta sẽ giết chết chính mình, bằng những khoảng trống.
Muốn mượn hình ảnh cuối phim để kết thúc bài viết, như việc Amy và Theo ngồi tựa vào nhau trên một tòa nhà lúc rạng đông. Sau tất cả những tiện nghi, xa hoa, phù phiếm, những cuộc phiêu lưu ái tình,... tất cả đôi khi chỉ để đổi lấy vai kề vai và một cái năm tay thật khẽ! Rốt cuộc thế nào mới là thật?

P/s: Joachim Phoenix quá đỉnh ! Kịch bản quá đỉnh ! Lời thoại cũng đỉnh!

Đọc thêm: