Nhiều lần rưng rưng xúc cảm ước một vé quay lại tuổi thơ, đến khi nhìn ảnh cũ hồi nhỏ rồi sợ quá không dám ước nữa. Lớn lên nhờ sống ảo tưởng sức mạnh, nên tâm sinh tướng hay sao mà tự thấy xinh hơn thật. Hồi nhỏ, đến ông nội cũng chẳng khen xinh bao giờ dù ông thương ngút ngàn trời đất. Thế mà lúc Cún nhỏ xíu xấu hoắc ông cứ đi khắp nơi kêu "Cún nhà tui đẹp trai nhất". Ông còn đi kêu khắp xóm là Cún nhà tui học giỏi nhất lớp. Nên mới có chuyện cô giáo mời ông ra dự cuộc họp phụ huynh huyền thoại, chỉ để nói duy nhất một câu là: Cún nhà ông chưa phải giỏi nhất lớp đâu ông nha.
Không khen thì chớ, ai cũng chê chậm và tồ. Hồi đó nhiều người kêu Hạnh tồ mà bây giờ ít đi. Hoặc là thời nay giao tiếp tinh tế hơn, hoặc chữ "tồ" không còn là một tính từ phổ biến. 
Nhớ hồi mẫu giáo, một lần múa văn nghệ trong xóm, hai bàn tay đeo nơ hoa. Cái bông hoa được các cô cắt bằng giấy màu rồi đính thêm sợi chỉ để cột vào tay các cháu làm phụ kiện. Đang múa thì chỉ bị đứt, bông hoa bên tay trái rơi xuống, thế là đứng lại, cầm cái bông hoa cột cột. Khổ nỗi, vụng đã chớ, dùng một tay cột thì mãi không được, cứ đứng loay hoay hoài. Các bạn thì vẫn múa, các cô nhắc nhỏ "Hạnh kệ đó múa tiếp đi", Hạnh tồ vẫn miệt mài chăm chú tập trung cột chỉ. Mọi người cười. Hạnh tồ vẫn miệt mài chăm chú cột chỉ. Xong xuôi xuống sân khấu, mọi người vừa cười vừa trách: Hạnh tồ thật. Nhớ như in mãi trong đầu, cùng sự tự ti tồ và chậm.
Một tết nào đó học cấp 1 rồi, đám trẻ con đi chợ Tết. Tự hào vì được cho nhiều tiền đi chợ, nhưng xuống thì ăn cái bánh mua gói bim bim rồi về chứ cũng không biết mua gì hơn. Lần đó Trang nhà bác Thắng mua cành đào nhỏ nhỏ về, vì rẻ hay sao đó. Điên thật. Mới tí tuổi đã biết thấy đào rẻ mà mua về cho nhà. Ai cũng khen đào đẹp. Chưa hết. Mọi người khen Trang khôn. Cũng chưa hết. Mọi người nói cũng chừng đó tuổi mà Hạnh nhà mình tồ ghê, chẳng biết tí gì. Từ đó đến giờ câu nói cùng hình ảnh cây đào in hằn. Nhớ như in mãi trong đầu, cùng sự tự ti tồ và chậm.
Cuối năm cấp 2 xóm có món diễu hành ngày lễ quốc khánh. Đợt đó Hạnh được gọi làm chỉ huy. Tức là Hạnh có một cái còi, cùng diễu hành nhưng phải thực hiện các hiệu lệnh cho đoàn làm theo cho đúng kịch bản. Tức là Hạnh phải chạy. Chạy nhanh mà phải đẹp chút, các động tác phải dẻo chút, quan trọng là đầu óc nhanh nhanh linh hoạt chút. Thật chẳng đáp ứng được yêu cầu gì. Hơi buồn vì mình làm không tốt, nên xin nghỉ để bạn khác làm. Buồn hơn là nghe người ta nói văng vẳng: "Cháu ông Thuật được bỏ trong tủ kính xưa giờ mà, làm sao được". Nhớ như in mãi trong đầu, cùng sự tự ti tồ và chậm.
Còn vô vàn chuyện, để cho cái sự tự ti đó chạy cả vào trong giấc mơ. Nhiều khi ngủ mơ thấy phải chạy là cuống, mơ học thể dục vì có môn chạy bền chạy nhanh không nói, nhảy xa nhảy cao gì cũng phải chạy, mơ chạy ra ga tàu mà chậm quá tàu chạy mất tiêu... Lớn rồi xem phim thấy mấy cảnh chạy khi bị rượt đuổi là tim đập loạn, sợ hơn cả cảnh chém giết. Hồi hộp ná thở khi xem mấy cảnh diễn viên được thoát, được thúc giục: Chạy đi!
Trẻ em nhớ, nghĩ và lưu lại lâu những điều dù người lớn không hề để ý mà cho là quan trọng. Vậy nên người lớn cần có cư xử "đúng mực". Đừng chủ quan và vô ý. Cái này khoa học tâm lý giáo dục các thứ nói nhiều rồi, họ cũng  khuyên các vị nên có ý thức với những gì mình nói, mình làm, mình thể hiện. 
Nhưng mà Hạnh không phải là parenting coach, Hạnh không kể lể để nói về việc đó. Cũng không phải để kêu con người nên giao tiếp tinh tế, nói lời hay buông lời ái ngữ, không để chỉ ai rằng "không nói được tử tế thì đừng nói"... Hạnh chỉ muốn nhắc nhở bản thân ở hiện tại là, người nghe nghe gì và hiểu ra thông tin gì mới quan trọng. Hồi nhỏ khác, lớn lên khác. 
Hồi nhỏ nghe rồi sợ sệt. Lớn rồi nghe để tiến bộ. Người ta nói, dưới hình thức hay thái độ nào, Hạnh sẽ gắng quan tâm thông tin họ nói là trước nhất, bớt quan tâm thái độ hay cảm xúc của họ. Hạnh sẽ nhủ mình nghe xem họ nói có đúng không? Nếu đúng thì mình nên sửa như thế nào? Sống bao nhiêu năm, tiếp xúc với bao nhiêu người, thứ suy nhất mình "biết" được chỉ là chính mình thôi. Làm sao mà đi kiểm soát hay lường trước được hành động của bao người bao sự ngoài kia. Có trời mới hiểu được tâm ý của họ. Vậy nên họ nói là việc của họ. Mình đi lo việc của mình. Việc của Hạnh là muốn mình tốt lên. Thành ra là, ai đó ngoài kia có góp ý nhẹ nhàng hay chửi bới cáu gắt, thì cũng giúp mình tốt lên mà nhỉ? Hạnh sống vị kỷ vậy thôi đó. Niệm câu thần chú Vững vàng lên mà cố gắng vậy.
Mà, để sống vị kỷ vậy cũng khó nhằn. Bởi con người Hạnh này là ví dụ tiêu biểu cho giống loài cảm xúc, lại có quá nhiều nỗi sợ và tự ti. Cái tự ti chậm và tồ đó của hồi nhỏ đến giờ còn lưu giữ trong đầu cơ đấy, may thay là nó bớt làm Hạnh khổ tâm hơn. Bởi Hạnh bắt đầu đã biết chấp nhận mình hơn rồi. Từ đó cũng bớt phần sợ người khác phán xét chê bai. Hồi nhỏ cứ muốn mình được khen nhanh và thông mình, nên lúc bị chê thì buồn. Nay chấp nhận mình kém cỏi chậm chạp mà cố gắng từng chút, mọi thứ cũng từng chút theo đó mà dễ thở hơn. May mà chậm quá, người ta đi nhanh vút hết rồi, cũng chẳng có ai để ngước nhìn mà so sánh. So phải so người same same cùng tầm chứ :))

Trong phim The Croods, Hạnh nhớ có một người bố to như con gấu, vững như tảng đá. Người bố sợ nguy hiểm nên hạn chế cho người con gái tự do hay tò mò của mình ra ngoài, cứ bắt ở trong hang. Tâm niệm và nguyên tắc khắc nghiệt của ổng là: Mới lạ luôn luôn xấu. Con phải cảnh giác. Ổng tin nguyên tắc này đã giúp cả nhà sống sót. Nhưng điều khiến bộ phim dài một tiếng rưỡi, đó là thế giới luôn thay đổi. Và họ phải ra ngoài và đối mặt với sự thay đổi đó.
Không hiểu sao, Hạnh cứ nhớ một chi tiết, cái hình ảnh cùng câu nói mà ông bố hét lên: Hãy thả đứa bé ra!
Chắc là, Hạnh cũng phải thả đứa bé trong mình ra rồi. Giải phóng luôn nỗi sợ của nó. 
27 năm một ngày tuổi, vẫn tồ và chậm như đứa bé mẫu giáo đứng miệt mài cột hoa vào tay trong khi các bạn múa dẻo ngày nào, nhưng Hạnh bước ra khỏi hang đây. Bộ phim cuộc đời Hạnh sẽ còn dài, không chỉ một tiếng rưỡi. Không biết có happy ending như phim không. Nhưng cũng như phim, thế giới ngoài kia luôn thay đổi. Thứ duy nhất mình biết và rèn luyện được là sự vững vàng của bản thân. Đoạn sắp bị ném đi, cô con gái nói Bố, con sợ. Ông bố Grug nói với cái giọng trầm trầm mà quả quyết: Con gái, đừng bao giờ sợ. Nhạc nổi lên, nghe cũng xúc động phết đấy, nhưng Hạnh thì vẫn sợ vãi ra. Mong rằng những nỗi sợ sẽ theo từng bước chân mà vơi đi.
Nào Hạnh, Hãy thả đứa bé trong mình ra!
À. Tay vẫn luôn đeo nơ hoa nhé!