1. Trong cuộc đời, vốn có hằng hà sa số thước đo hay đích đến. Tiền bạc, danh vọng, sức khỏe,… mọi thứ đều có vẻ thật hấp dẫn. Bên cạnh đó cũng có những thước đo thoạt nhìn có vẻ không mấy lợi ích, song cũng thật đáng tham khảo. 
Albert Einstein, một trong những nhà bác học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại từng nói: ‘’Đừng cố gắng trở thành người vĩ đại, hãy cố gắng trở thành một người có ích.’’ Một người có ích, hẳn sẽ là người chọn hệ quy chiếu cuộc đời mình là những việc có ích, dù là những điều có ích nhỏ bé nhất.
Ảnh minh họa (nguồn: ocuaso.com)
Đó cũng chính là thông điệp mà bài viết này muốn gửi tới các bạn: 
Hãy làm những điều có ích nhỏ bé.

2. Đã bao giờ bạn bước ra phố, nhìn thấy một vỏ lon trên vỉa hè và thản nhiên bước qua, dù cách đó vài bước chân là thùng rác?
Đã bao giờ khi đang rong ruổi đường trường trên chiếc xe máy thân yêu, trông thấy một thanh gỗ rơi giữa đường, bạn lách qua nhẹ nhàng và điệu nghệ - thay vì dừng lại và dọn nó vào lề?
Và đã bao giờ, trông thấy một cuộc cãi vã trên đường phố, bạn ngoái đầu, để lại một cái nhìn tò mò trìu mến, rồi lại nhấn ga đi thẳng?
Tôi dám cá, câu trả lời của tất cả chúng ta đều sẽ là “có’’. Chẳng ít thì nhiều, chúng ta đã từng một lần bỏ qua những điều nhỏ nhặt – mà thường thấy – như thế. Tuy nhiên, một đôi lần có thể là ngẫu nhiên vô ý, còn nếu bạn trả lời ''có'' với tất cả những trường hợp mình thấy thì sao? Đó chính là thứ mà chúng ta vẫn nói tràn lan, thứ chúng ta chỉ mặt đặt tên là ‘’bệnh vô cảm’’. Đáng tiếc thay, lối sống tốc độ tên lửa dường như đang cuốn con người đi quá nhanh, khiến chúng ta chẳng có chút thời gian mà đưa bàn tay ra với những điều nhỏ bé. 
Chẳng đáng buồn sao, khi mà ở thời đại của chúng ta, trong lúc điều kiện vật chất ngày càng đủ đầy, số lượng những hành động tốt đẹp nhỏ bé dường như lại có chiều đi xuống.

3. Đọc đến đây, hẳn bạn cũng sẽ có những suy nghĩ trái chiều: Nhặt một vỏ lon, trên đường phố vẫn còn cả trăm ngàn mẩu rác như thế, có ích chi? Chỉ là mảnh gỗ trên đường, cứ để nó đó cũng có người dọn, đâu vấn đề gì? Can thiệp đám cãi cọ, không chừng ăn đòn thì sao?
Vâng, bạn có lý chứ nếu đặt ra những câu hỏi như thế. Nhưng trước khi đưa ra lời giải thích của mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện:
Ở một vùng biển nọ, mỗi ngày sóng đánh trôi vào bờ hàng trăm con rùa. Những chú rùa tội nghiệp, khi bị đẩy lên bãi cát, trên mình chúng dính đầy rong biển, bít cả những lỗ trên mai - chết ngạt là kết cục chắc chắn.
Có một người phụ nữ, ngày nắng cũng như khi mưa, ra bờ biển nhặt lấy 1-2 chú rùa, cẩn thận dùng bàn chải đánh sạch mai cho chúng. Làm xong công việc ấy, cô thả những con rùa trở lại biển, nhìn theo chúng bơi đi trong sung sướng.
Một người đàn ông cũng ở gần đó, rất thắc mắc vì việc làm này. Một ngày, anh hỏi cô:
“Xin cô thứ lỗi, nhưng tôi thực lòng không hiểu. Nhìn xem, ngoài bãi cát đó có đến hàng trăm con rùa, cô chỉ cứu được 1-2 con thì có ý nghĩa chi? Thiết nghĩ cô nên mặc kệ chúng mà dành thời gian cho những việc hữu ích hơn thôi.”
Đáp lại, người phụ nữ từ tốn mỉm cười:
‘’Vâng, anh nói không sai, tôi chẳng thể nào cứu tất cả những con rùa kia, như là mỗi chúng ta chẳng thể thay đổi cả thế giới. Nhưng anh biết không, với một, dù chỉ một con rùa mà tôi đã cứu được thôi, tôi đã thay đổi cả thế giới của nó rồi.’’
Đến đây, hẳn bạn cũng đã hiểu điều mà tôi muốn nói. Mỗi việc nhỏ bé, song có ích mà ta làm, chẳng khiến toàn cục đổi thay, nhưng ở một phạm vi nhỏ bé hơn, nó có thể ý nghĩa hơn tất thảy.
Thử tưởng tượng, khi bạn cúi xuống nhặt chiếc vỏ lon trên vỉa hè, biết đâu chẳng có vị phụ huynh nào đang chỉ cho con họ thấy một việc làm gương mẫu? Dừng lại vài giây, dọn gọn vật cản trên đường, bạn có thể đã giúp những người đi sau tránh được tai nạn. Hay can thiệp vào cuộc cãi vã – cũng khó nói trước bạn có bị vạ lây hay không, tôi thừa nhận – nhưng tôi tin, chúng ta có thể làm dịu đi phần nào tình hình, cứu cả con đường khỏi viễn cảnh tắc nghẽn.
4. Có một câu nói như thế này: Lòng tốt trong cuộc đời giống như đại dương bao la, mỗi việc làm của bạn có thể chỉ là một giọt nước, nhưng đừng quên nếu mất đi chỉ một giọt nước ấy thôi, đại dương cũng đã khô cằn hơn rồi. Bạn biết không, những việc tốt đẹp, có ích nhỏ bé chẳng lấy đi của ta nhiều, nhưng lại mang đến những giá trị thật khó đong đếm hết.
Vậy, nên chăng giữa dòng đời vội vã, ta cũng nên chậm lại một chút, nhìn đời với lăng kính của một trái tim ấm áp hơn, của phần người cao thượng vượt trên phần con ích kỷ, để sẵn sàng cho đi, dù chỉ là một việc có ích nhỏ bé. Biết đâu, ta đã thay đổi cả thế giới của một ai đó rồi.