Là người tiêu dùng hiện đại, và đang ngày càng trở nên thông minh hơn trước các quyết định tiêu tiền, trước khi mua đồ mới, đặt phòng khách sạn hoặc đi ăn, chúng ta đều kiểm tra các đánh giá về sản phẩm/dịch vụ/doanh nghiệp. 
Tất cả chúng ta đều nợ những người không ngại gạch đá, dành (có lẽ phải đến) trung bình từ 30 phút đến 1 tuần để viết, đi kèm với trả lời từng bình luận, bài bốc phốt cũng như ca ngợi một điểm đến.
Và dĩ nhiên sớm muộn gì, chúng ta cũng không thể “ngồi mát ăn bát vàng” mà phải tự cho mình quyền cũng như nghĩa vụ tham gia vào hội nhóm các “chuyên gia” đó.
Đầu tiên, có thể khẳng định, việc review/reviewer để lại đánh giá cho một thứ gì đó không mang trọng lượng đạo đức như, ví dụ, cứu một đứa trẻ chết đuối, nhưng nó vẫn là một hành động phục vụ cộng đồng đáng được hoan nghênh.
Khi mà bạn đã đi đầu cho việc bắt đầu một hành động mà không phải ai cũng đủ động lực để thực hiện; một hành động “vì nghĩa quên thân” hết sức thuần khiết mà rõ ràng là ĐA PHẦN các reviewer đều không nhận được mấy lợi ích cá nhân, so với lợi ích cộng đồng - giúp rất nhiều người tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và cả những cảm xúc không đáng có.
Và, trong thời đại mà các doanh nghiệp có thể sống hoặc chết dựa trên các đánh giá của người dùng, một review/reviewer tử tế sẽ giúp những người khởi nghiệp nhận được sự chú ý và lợi nhuận mà họ xứng đáng.
Việc nhấn ENTER chia sẻ một bài đánh giá tưởng chừng nhỏ nhưng có thể là một cú hích kinh tế với cả xã hội. Nhưng như một con dao hai lưỡi, những đánh giá bạn để lại trên cõi mạng có thể khiến bạn bị “cắn ngược”. Nhiều người sẽ dùng nó để đánh giá thẩm mỹ, thậm chí nhân cách và cuộc sống riêng tư. Bạn tôi từng mất đi một mối tình tươi đẹp chớm nở chỉ vì mẹ của bạn trai tìm thấy bài review nhà hàng với giọng văn tương đối xéo sắc của cô nàng trên facebook…
Quay trở lại với chủ đề chính của bài viết này. Với triết lý sống “Không bao giờ phàn nàn; Không bao giờ giải thích”, xin phép chia sẻ quan điểm NÊN và KHÔNG NÊN khi bạn quyết định review/đánh giá các sản phẩm/dịch vụ/doanh nghiệp. Đây có thể là gợi ý cho những bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường trở thành KOL hoặc đơn giản là những người thích để mồm+tay đi chơi trên mạng nhưng không muốn gặp phải quá nhiều hệ lụy.
Đầu tiên là với những thứ như nhà hàng hay tiệm cắt tóc, làm đẹp… tôi nghĩ tất cả chúng ta phải hiểu rằng: Trải nghiệm tiêu cực mà bạn và tôi nhận được hôm nay, không nên và không thể là dấu hiệu cho chất lượng chung của nơi đó. 
Có thể sản phẩm/dịch vụ đó thường tốt hơn nhiều, nhưng ta tình cờ bước vào một ngày khi họ thiếu nhân viên và căng thẳng do quên thắp hương hay đốt vía buổi sáng chẳng hạn. Tất cả chúng ta đều có những ngày tồi tệ, và chẳng ai thích bị công kích cá nhân. Và sẽ thật không công bằng khi bất tử hóa một nhược điểm của doanh nghiệp dựa trên một ấn tượng đơn lẻ, mà trên thực tế có thể là một hiện tượng bất thường so với chuẩn mực thường có mà nơi đó đang hướng tới.
Thứ hai, quá dễ để đánh giá tiêu cực hơn là đánh giá tích cực. Và dĩ nhiên, chúng ta thừa hiểu, đánh giá tiêu cực sẽ tạo được hiệu ứng tốt hơn hẳn trên truyền thông. 
Chúng ta, những đứa trẻ trong hình hài người lớn, luôn cảm thấy có niềm sung sướng bản năng hơn khi phàn nàn về một điều gì đó hơn là khi khen ngợi nó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc để lại đánh giá tích cực khi có thể của chúng ta, sẽ là một cách tốt đẹp để cân bằng sự tiêu cực vốn có ở ngoài kia, giúp tạo ra một bức tranh chính xác hơn và do đó hữu ích hơn cho cộng đồng về thực tế cuộc sống - nơi mà tốt xấu giao thoa. Một hành động nhỏ của bạn đôi khi có thể cứu vãn một ngày, một đời của một hoặc rất nhiều người.
Cuối cùng, tôi tin rằng chúng ta không nên gộp chung sở thích chủ quan với sự thật khách quan. 
Có thể chiếc áo/bài hát/món ăn này không làm tôi thích thú; điều đó không có nghĩa là nó vô vị với người khác. Có những nhà hàng, sản phẩm và dịch vụ mà tôi thấy tệ nhưng những người khác lại thấy hoàn toàn ổn. Tôi sai hay họ sai? Có thể là chẳng ai đúng; chúng ta chỉ có sở thích khác nhau. Đừng phá hỏng công việc và sự nghiệp của người khác chỉ vì đó không phải là sở thích của bạn.
Nếu chúng ta sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách quan là tệ, có khuyết điểm rõ ràng hoặc hứa hẹn quá mức nhưng không thực hiện được, ảnh hưởng đến túi tiền của bạn, hãy liên hệ trực tiếp với người quản lý hoặc đại diện dịch vụ khách hàng để xem vấn đề có thể được giải quyết riêng tư hay không. 
Nếu vấn đề không được giải quyết theo cách này, bạn có thể cân nhắc để lại đánh giá tiêu cực công khai; xét cho cùng, việc cho những người tiêu dùng khác biết về một vấn đề tiềm ẩn hoặc lừa đảo, cũng là một hành động phục vụ cộng đồng. 
May mắn là tôi chưa gặp phải vấn đề này cho đến nay — phần lớn là vì tôi đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các đánh giá có lợi của những người tiêu dùng khác.
Cuối cùng, chân thành cảm ơn những ai đã đủ kiên nhẫn và dũng cảm để trở thành những reviewer chân thành và tử tế. Hãy cân nhắc tham gia cùng đội ngũ này và biến việc đánh giá mọi thứ xung quanh để trở thành việc tốt - chứ đừng là nghiệp chướng!