"Đừng biến cái đầu của mình thành tờ giấy nháp" đây là một câu nói của một anh đồng nghiệp cũ nói với một đứa học việc mới ra trường cách đây vài năm. Và rồi từ đó mình có thói quen mang theo cuốn sổ trong khi làm việc và khi họp hành.
Việc học hành thì mang theo giấy bút thì không nói làm gì, nhưng trong quá trình làm việc hay trong mỗi cuộc họp mang theo giấy bút thì ít ai để ý lắm.


Bài viết này mình xin chia sẻ thói quen tốn tài nguyên này giúp mình nhẹ bớt được bao nhiêu thứ trong đầu khi làm việc.
Bài viết trước mình có đề cập đến một phương pháp đó là mind map để tìm hiểu một công nghệ mới, bạn đọc có thể xem lại tại đây trước khi bắt đầu nhé
Ok, điều đầu tiên mình muốn đề cập tới là tại sao bạn nên chuyển qua ghi chú thay vì cố gắng nhớ nó trong đầu. Thực ra thì bạn đã quá tự tin vào trí nhớ của bạn rồi, trong một cuộc họp hay trong công việc bạn nghĩ rằng bạn có thể nhớ những gì diễn ra và sau đó bạn có thể thực hiện nó ngay sau đó cũng được. Nhưng bạn ơi, bạn chỉ nhớ nó tạm thời thôi, họp xong đi vệ sinh xong có lẽ nó trôi sạch bạn rồi đó bạn😄
Vấn đề ở đây là quá trình diễn ra cuộc họp có những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng bạn lại không để ý tới nó, bạn thường nhớ mang máng những vấn đề lớn mà thôi, thường thì sau mỗi cuộc họp bạn hay đề xuất ai đó có thể tóm tắt nội dung sau cuộc họp qua mail, từ đó bạn có thể đọc lại được.
Ở đây nảy sinh một vấn đề tiếp theo đó là những ghi chú qua mail kia là ý tóm tắt của người viết chứ không phải là ý hiểu của bạn, có thể bạn hiểu sai, có thể bạn có một ý kiến riêng, có thể đó là những vấn đề chung cho toàn nhóm, còn vấn đề riêng cho bản thân bạn thì chưa chắc đã đề cập trong mail, vì không ai có thể đọc được ý đồ của bạn để mà ghi lại cho bạn ngoại trừ chính bạn.
Các ngành khác thì mình không rõ lắm nhưng đối với ngành phát triển phần mềm, sẽ có một buổi họp là Transfer requirement. Buổi họp này nhằm vào việc đưa ra yêu cầu của khách hàng cho đội ngũ phát triển, tất nhiên những yêu cầu này đã được viết thành tài liệu văn bản trước đó rồi. Nhưng để mọi người có chung một cái nhìn về yêu cầu nào đó thì cần những buổi họp để nói chi tiết về những gì mình sẽ làm. Đôi khi lập trình viên cứ nghĩ rằng đọc tài liệu là đủ rồi, vào nghe chơi chơi, hay cũng chẳng cần đọc trước tài liệu khi vào họp đâu. Vậy là mang mỗi cái đầu tự tin mình có thể chứa cả Tera-byte bộ nhớ vào là đủ. Xin thưa rằng những buổi họp kiểu như thế bạn không ghi chép lại thì kiểu gì thì kiểu đến khi bạn làm thì bạn lại đi hỏi lại như thường, thật tốn thời gian.
Vậy nên hãy mang sổ ghi chép ghi chú lại những gì bạn ghi nhận được theo ý hiểu của bạn, nhớ chia trang giấy ra làm 2 nhé, một bên ghi chú lại những gì bạn tiếp thu, bên kia ghi lại những câu hỏi và quan điểm của bạn bên cạnh, vì đôi khi người truyền đạt sẽ nói nhanh, và bạn sẽ có thời gian để hỏi cuối buổi thay vì cắt ngang họ nhé.
Mình không biết cách ghi chép này có từ bao giờ nhưng hôm trước có xem một video cũng nói đến phương pháp ghi chép này, có lẽ là vô tình trùng thôi, bạn có thể xem tại đây
Trường hợp tiếp theo mà mình hay dùng sổ ghi chép đó là các task khi làm việc. Thông thường thì đầu ngày mình hay cuốn vào những thứ như email, team chat, skype, hay đồng nghiệp ngồi cạch vỗ vai chém gió và thế là gián đoạn công việc của mình. Vậy nên mình ghi lại những đầu việc mình làm, dành ít thời gian chia nhỏ công việc đó nhỏ nhất có thể, ví dụ như code xong hàm này, đoạn logic này, đọc xong mục tài liệu này, hỗ trợ công việc này. Để rồi khi làm xong mỗi đầu việc mình gạch nó đi thôi (cái cảm giác gạch đầu mục đó mới sướng làm sao) như vậy dù có bị gián đoạn công việc vì cái đi vệ sinh cả buổi đi chăng nữa thì khi quay lại mình vẫn biết mình nên tiếp tục như thế nào😄
Có thể đến đây bạn thấy có phần giống to-do list, nhưng mình vẫn kết hợp cách ghi chép bên trên là chia giấy làm 2, một bên mình luôn để trống để có thể viết suy nghĩ của mình với task đó, kiểu những câu hỏi tại sao, nên review lại không, cần hỏi ai, cần ai support đoạn đó, hay những típ trick thủ thuật nào giúp đẩy nhanh task đó. Cách ghi này chẳng cho ai cả, đôi khi chỉ là những ký hiệu chỉ mình mới có thể hiểu được. Nhưng sau một ngày hay hai ba ngày làm việc mình thường nhìn lại những thứ đó, và bạn có những bài viết trên blog đang đọc đó.  
Trường hợp tiếp nữa là mình ghi chép trong quá trình học cái gì mới hoặc đi học hỏi từ các anh chị khác. Điều này nhiều bạn nghĩ đó là chuyện đương nhiên vì nó là học tập mà. Tuy nhiên mình đề cập ở đây là học trong quá trình làm việc cơ. Khi học công nghệ mới khi làm việc thì bạn thường ghi chú nhanh những vấn đề mà mình gặp phải, bạn tìm kiếm giải pháp đó như thế nào, đôi khi là vài ba giải pháp bạn tìm được và thử, có những giải pháp đạt có giải pháp không, bạn nên ghi lại những thứ đó. Nhớ vẫn để dành một cột bên cạnh nhé, để trả lời cho những câu hỏi vì sao, tại sao, hoạt động như thế nào, tại sao là phương pháp này mà không phải là phương pháp kia. Vì đôi lúc bạn bị cuốn vào công việc bạn không hề có thời gian ngay tại thời điểm đó trả lời tại sao đâu. Trước mắt là hoàn thành chúng đã, và nhiệm vụ của bạn sau đó (tranh thủ về nhà đi cũng được) là tìm hiểu giải đáp những câu hỏi trên trong quá trình làm việc. Có thể tìm kiếm thông tin trên mạng, có thể hỏi các anh các chị khác (điều này nhớ để ý thời gian họ rảnh và không ức chế gì và hỏi có chọn lọc, tìm hiểu trước hãy hỏi nhé), khi họ trả lời bạn lại tiếp tục ghi chú lại tìm hiểu tiếp hoặc hoặc có thể hỏi tiếp nếu họ là người dễ tính :p Sau khi hỏi xong thì bạn vẫn phải tìm hiểu lại thông tin họ trả lời nhé, không phải là không tin mà là củng cố lại kiến thức và xác nhận thông tin trước khi cho nó là đúng để nạp vào đầu.

Trên đây là những cách ghi chép của bản thân mình, hi vọng có thể giúp được các bạn trong quá trình học tập phát triển bản thân hay làm việc hiệu quả nhé!
Chúc các bạn thành công.