Năm 2007, lớp 10, tôi có một ý tưởng kinh doanh. 
Đấy là ý tưởng về việc tập hợp một đội ngũ game thủ có kỹ năng, trình độ cao để sau đó họ cho các game thủ khác - những người không có thời gian chơi game nhưng vẫn muốn nhân vật của mình đứng top và có vai vế trong game - "thuê" lại năng lực của mình.
Nguồn doanh thu của tôi sẽ đến từ: phí "cày thuê" và các items mà các game thủ này sản xuất được trong quá trình cày thuê. 
Tôi lên bản nháp về ý tưởng kinh doanh này với: 1) Hồ sơ của các game thủ có năng lực và 2) Kế hoạch bán hàng với khách hàng mục tiêu nằm trong khu vực của mình. Sau đó tôi đến một vài tiệm net để kêu gọi sự hợp tác của các chủ tiệm.
Một lẽ dĩ nhiên, họ cười vào mặt tôi và nói "Trẻ con thời nay cũng hay ho quá. Ý tưởng kinh doanh tốt đấy, nhưng thôi học đi. Bây giờ cháu có cái gì đâu mà làm, nhìn xem cháu:
- Không có kỹ năng sales. Đã bao giờ cháu đi bán hàng chưa?
- Chơi game thì cũng bình thường, cháu còn không giỏi chính thứ cháu đang bán kìa.
- Không có tiền. Cháu có biết làm thế nào để kiếm khách hàng và sau đó trả cho mấy thằng game thủ kia không?
- Không có kiến thức, toàn ảo tưởng. Mấy thằng gamers liệu có cần cái sản phẩm của cháu không?
Thế nhé! Thôi học đi. Ý tưởng hay đó nhưng không phải lúc này.
Dấu chấm hết cho ý tưởng kinh doanh lớn nhất đầu đời. (Gọi là lớn nhất vì trước đó mình đã từng chơi game và bán đồ trong game, cũng kiếm đc gần chục triệu vào năm 2007)
6 năm sau, các dịch vụ streaming trực tuyết như Twitch, CCTalk, Talktv trở nên phổ biến với điểm nhất là các game thủ livestream, thể hiện kỹ năng của họ ở các game online nổi tiếng và sau đó họ kêu gọi sự đầu tư của các game thủ khác, từ việc thuê họ để họ cày hộ tài khoản cho tới donate tiền cho họ để họ tiếp tục biểu diễn các màn game đỉnh cao cho các game thủ khác xem. Thậm chí còn có các công ty môi giới được thành lập để quản lý các game thủ này, và sản phẩm được bán ở đây chính là các game thủ và năng lực chơi game của họ. 
Ờ ha! Tôi đã nghĩ ra ý tưởng này từ 6 năm trước!
Điều đó có nghĩa là tôi nên kiên định với ý tưởng của mình ngay từ đầu?
KHÔNG!
Năm 2014, tôi có 1 ý tưởng kính doanh khác về việc ứng dụng thực tế ảo (Virtual Reality) để giúp khách du lịch khám phá các địa điểm du lịch từ xa - từ đó đưa ra quyết định có nên đi đến nơi đấy hay không. 
Đây là ý tưởng kinh doanh mà tôi quay video và gửi tới chương trình ý tưởng kinh doanh Mckinsey Business Competition Program:
Tôi thực sự bị hấp dẫn bởi ý tưởng này, tới mức tôi làm hẳn 1 kế hoạch tổng chi tiết để đưa nó ra thị trường cho dù lúc đó ý tưởng này của tôi còn chưa được duyệt vào vòng tiếp theo.
Và nó bị từ chối bởi McKinsey. Vài năm sau, ý tưởng này được ứng dụng rộng rãi trong ngành du lịch
Điều đó có nghĩa là tôi nên kiên định với ý tưởng của mình ngay từ đầu?
KHÔNG!
--
Tôi đã từng là một thực tập sinh trong các tổ chức phi chính phủ, mơ về một sự nghiệp tại các tổ chức phi chính phủ; từng là một nhà đầu tư tay mơ trên thị trường chứng khoán và ngoại hối, mơ về việc trở thành một nhà phân tích tài chính trong tương lai,... Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận ra mình đã thử rất nhiều thứ mà tôi cho là đó-sẽ-là-sự-nghiệp-của-mình thời sinh viên.
Nhưng cuối cùng, tôi không theo đuổi thứ nào trong những thứ tôi kể trên cả.
Tôi đã gặp rất nhiều rào cản, dấu hiệu để sau đó "say NO" với những thứ mà ban đầu tôi cho rằng đó sẽ là sự nghiệp của mình. Tôi có thể đã cố gắng hơn, vượt qua mọi rào cản để theo đuổi các sự nghiệp đó. Nhưng tôi lựa chọn từ bỏ chúng.
LÝ DO?
Vì tôi nhận ra rằng, cách học tốt nhất là để bản thân tiếp xúc với n thứ mà mình đam mê, có động lực làm nó. Bạn sẵn sàng đắm chìm và bị cuốn đi bởi nó và nỗ lực hết mình vì nó. Sau đó bạn sẽ nhận ra rằng bạn sẽ học được nhiều thứ từ kinh nghiệm đó, chứ không hề tốn thời gian. Và đến cuối cùng bạn sẽ thấy toàn bộ các kinh nghiệm đó, bằng một cách nào đó, kết nối với nhau trong tương lai.
Đấy chính là câu chuyện mà Steve Jobs đã kể trong bài phát biểu của mình tại trường ĐH Stanford. 
Xem thêm tại:
Trong bài phát biểu trên, Steve Jobs có nói "Kết nối các dấu chấm, bạn không thể kết nối các dấu chấm nếu nhìn phía trước, bạn chỉ có thể kết nối các dấu chấm khi nhìn lại những gì mình đã trải qua. Vì vậy bạn phải tin tưởng các trải nghiệm - các dấu chấm - của mình, bằng cách nào đó, sẽ kết nối lại trong tương lai."
Để mô tả dễ dàng thì con người gọi đây là "Sự ngu ngốc - sự dại khờ hay mù quáng" - Đấy là khi bạn theo đuổi một thứ mà bạn nghĩ nó là giấc mơ, định mệnh của mình cho tới một thời điểm bạn nhận ra nó chỉ là một đam mê nhất thời.
Tuy nhiên, sự dại khờ lại là điều cần thiết để bạn có được những trải nghiệm tốt và từ đó xây dựng lên những giá trị cốt lõi của mình và lựa chọn một con đường phù hợp với mình nhất trong tương lai.
--
Nếu ông chủ quán net nói "Ok, cùng nhau làm giàu với ý tưởng của cháu nào" với tôi, có lẽ tôi sẽ trải qua quãng thời gian khó khăn với việc phải quản lý một đống game thủ trẻ trâu, trong khi không có tí kinh nghiệm quản lý nào. Nhưng tôi có tiếc khi đã phát triển và sau đó thử đi bán ý tưởng này không? Không hề! 
Nhờ có trải nghiệm này, tôi học được cách phát triển các kiến thức kinh doanh thô, chú ý tới nguồn lực và tính khả thi của dự án.
Nếu McKinsey nói "Ok, em thắng cuộc thi và đây là $3000 cho em triển khai ý tưởng kinh doanh". Tôi có lẽ sẽ gặp vất vả trong việc cạnh tranh với các công ty du lịch triệu đô vì họ cũng nhìn ra ý tưởng trong việc đưa thực tế ảo vào phục vụ khách hàng. Nhưng tôi có tiếc khi đã phát triển và sau đó thử đi bán ý tưởng này không? Không hề! 
Nhờ có trải nghiệm này, tôi học được cách làm nghiên cứu thị trường, đưa ra các phân tích SWOT, mô hình giải quyết vấn đề MECE, triển khai dự án Waterfall, cách phân tích và nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để thuyết phục nhà đầu tư là tôi sẽ có chỗ đứng trong cái thị trường đông đúc này.
Và rồi, khi tôi cần các kỹ năng đó để ra lập một start-up của riêng mình, tôi nhận ra rằng MỌI THỨ ĐÃ Ở ĐÓ!! 
Tôi đã biết về các khái niệm, tôi thậm chí còn từng ứng dụng và triển khai nó trong quá khứ. Tôi có kiến thức trong NGO, tài chính, ngân hàng. Tôi thậm chí, một lần nữa, còn từng làm nó rồi!!
Trong quá khứ, tôi đã kiên nhẫn với các cơ hội nghề nghiệp đó tới một giới hạn nào đó nhưng tôi không cứng đầu, theo đuổi nó mù quáng.
Sự cứng đầu đưa cho bạn một suy nghĩ: "đấy là cái duy nhất mà bạn thấy mình được là chính mình - nó là cái phù hợp và mình đam mê nhất!"
Rất nhiều học sinh của tôi nói với tôi rằng họ không hạnh phúc với sự nghiệp của mình - dù đó là thứ mà các bạn ý muốn. Vì các bạn ý gặp khó khăn trong việc làm nó, triển khai nó, gia đình, bạn bè tạo áp lực lên các bạn. Và các bạn bắt đầu nghi ngờ đây có phải con đường đúng? Nhưng sau đó các bạn lại trấn tĩnh và tự nhủ "Nó là con đường đúng vì đây là thứ tôi yêu thích và đam mê". Keep going with it!
Họ bị ám ảnh bởi các ý tưởng và theo đuổi các đam mê đó. Họ không thể thoát khỏi nó và họ nghĩ rằng đấy là con đường duy nhất để họ được là chính mình. 
Thay vì lựa chọn trải nghiệm nhiều thứ khác nhau, họ lựa chọn trải nghiệm chỉ một thứ mà họ cho là đấy-là-đam-mê-và-tôi-sẽ-theo-đuổi-nó-đến-cùng.
Tuần trước, tôi ngồi cafe với một người bạn đại học cũ, cậu ý đã theo đuổi sự nghiệp trở thành một ca sĩ được 5 năm, đã từng thi X-Factor, Got Talents nhưng chưa bao giờ vào sâu được. Bây giờ cậu ý cũng có chút tiếng tăm trong việc đi hát phòng trà ở một số bar, pub nhỏ ở Hà Nội. Tôi hỏi cậu ý tình hình dạo này sao và sắp tới thế nào?
"Tớ vẫn tốt, vẫn theo đuổi giấc mơ. Chưa có kế hoạch nào kế tiếp, vẫn là theo đuổi sự nghiệp ca sĩ thôi. Tớ cần phải chứng minh cho người khác thấy là họ đã sai khi nói tớ không phù hợp với con đường ca sĩ. Tớ cần phải được công nhận!"
--
Ban đầu mình viết bài này bằng tiếng Anh, không hiểu sao mình vẫn thấy phiên bản tiếng Anh đọc thoát ý hơn :) https://spiderum.com/bai-dang/STUPIDITY-MAKES-YOU-YOU-d4w
Lưu Đình Hưng
Kết nối với mình tại: https://www.facebook.com/hungluuvn