Mình tự nhận bản thân là người "tích cực". Mình luôn nhìn cuộc sống ở mặt tích cực, suy nghĩ tích cực, tích cực bla bla bla,... Nhưng mình có một yếu điểm: Là khó đối diện với những cảm xúc "tiêu cực", hay là những cảm xúc khó khăn bên trong mình, e ngại, thậm chí sợ hãi với những cảm xúc "tiêu cực" đó. 
Hôm nay, có một sự kiện diễn ra không đúng như những gì mình mong chờ. Kết quả của những gì mình bỏ công sức vào không được như những gì mình muốn. Và dù rằng mình đã cố gắng tách bản thân với kết quả, làm mà không mong cầu gì (detachment), nhưng sau cùng, vẫn thấy hụt hẫng, không tránh khỏi. Bình thường, nếu là ngày trước, mình sẽ cố gắng thoát khỏi những "cảm xúc tiêu cực" này bằng cách cố gắng vui vẻ, "suy nghĩ" tích cực, xua đi mọi nỗi buồn, thì lần này, mình lại ngồi xuống, cảm nhận cơ thể mình, cảm nhận nguồn năng lượng của nỗi buồn chuyển hoá bên trong. Cứ ngồi thế thôi, không nghĩ gì, cứ để cảm xúc được diễn ra như cách nó cần diễn ra, để cơ thể cảm nhận mọi thứ. Và khi mình cảm nhận được "hết sạch" năng lượng của nỗi buồn, sự thư thái quay trở lại. Kết quả "không như mong chờ" cũng chẳng ảnh hưởng nữa, bởi nguồn năng lượng của nỗi buồn đấy đã được mình "chuyển hoá" hết rồi. 
Đây là một dạng "alchemy" - thuật giả kim, mình từng bàn đến trong bài "Tha thứ và thuật giả kim tâm linh học" (Link dẫn cuối bài). Cảm xúc là một dạng năng lượng - và năng lượng thì không biến mất đi, mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác. Bởi vậy, nếu bên trong bạn có nỗi buồn, cảm xúc đau thương, sợ hãi,... tích tụ, thì để giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc nặng nề này, bạn cần đối diện với nó. Không có cảm xúc nào là sai cả - cảm xúc chỉ là một dạng phản ứng của cơ thể bạn đối với suy nghĩ của bạn, thế giới xung quanh bạn, và cơ thể bạn thì luôn luôn chân thực với bạn, chẳng lừa dối bạn bao giờ. Bởi vậy, nếu bạn bỗng dưng có những  cảm xúc "tiêu cực", thì đừng trốn tránh nó, hãy cứ đối diện với nó, để cơ thể bạn cảm nhận mọi cảm xúc, thay vì dùng đầu để phân tích quá nhiều. Hãy cứ cảm nhận, trong thinh lặng (bằng cách thiền, hoặc chỉ ngồi im, cảm nhận cơ thể thôi cũng được); hoặc viết những cảm xúc của mình ra giấy (journaling) - đây là 2 cách rất hữu hiệu để đối diện với những cảm xúc khó khăn, nặng nề.
Việc không dám đối mặt với những cảm xúc u tối chính là nguyên nhân khiến những người bề ngoài tưởng chừng là "tích cực" lại rơi vào trầm cảm sâu (Mình từng bàn đến vấn đề này trong bài viết "Sự nguy hiểm của chủ nghĩa tích cực"). Về bản thân mình, mình cũng gặp vấn đề với việc "sống tích cực", bởi lẽ, tuy "tích cực", vui vẻ, yêu đời là rất tốt, nhưng trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc thấy buồn, thất vọng, đau đớn,... - đấy là những cảm xúc rất "con người". Chính cảm xúc là một công cụ dạy học cho con người - bài học về việc làm người, về tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ, và cũng dạy cho con người cả về nỗi đau của sự chia cắt, của sự lạnh lẽo, căm hận,... Mình từng không hiểu được vai trò của cảm xúc trong cuộc sống, không hiểu được vai trò của trái tim, bởi mình được dạy từ bé là "không được khóc", vì khóc là yếu đuối, không nên buồn - cười nhiều lên đi, nên mình bị dính kiểu gắn bó "né tránh" (theo "thuyết gắn bó" - link dẫn cuối bài), bởi những nhu cầu về cảm xúc của mình khi nhỏ không được đáp ứng đầy đủ, thậm chí là bị bỏ qua, bị "cấm" cảm nhận, nên khi lớn lên, mình có thói quen dùng suy nghĩ quá nhiều, mà không để ý đến cảm xúc của bản thân, và luôn gắn việc "nhiều cảm xúc, nhạy cảm" với việc "yếu đuối". 
Nhưng dần dần, sau những trải nghiệm của bản thân, mình nhận ra một điều: Việc cảm nhận cảm xúc là cực kỳ quan trọng, và việc trốn tránh cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc được gán nhãn "tiêu cực" sẽ mang lại những hệ luỵ kéo dài mãi sau này. Bởi những cảm xúc không được "cảm nhận", không được chuyển hoá thì sẽ mãi mãi nằm sâu trong bạn, trong tiềm thức của bạn, trở thành một phần u tối mà bạn không nhận thức được, và chính chúng sẽ điều khiển cuộc đời bạn một cách vô thức. 
Học cách chấp nhận cảm xúc, để bản thân cảm nhận những cảm xúc đen tối nhất, đau khổ nhất, khó đối diện nhất - chính là chìa khoá để chữa lành những nỗi đau bên trong bạn. Còn một khi bạn vẫn luôn né tránh cảm xúc, trốn chạy khỏi những cảm xúc nặng nề, thì những nỗi đau đó sẽ còn bám theo bạn dài dài, như cái bóng đằng sau lưng mà bạn không hề hay biết. 
Một điều mình cần lưu ý với những bạn đang đối diện với những cảm xúc "nặng nề, tiêu cực" là: Hãy cảm nhận cảm xúc, nhưng đừng cung cấp thêm những năng lượng tiêu cực không cần thiết bằng suy nghĩ của bạn. Đây là một điều hết sức cần thiết, và là lý do mà mình rất tích cực khuyên mọi người thiền, bởi suy nghĩ khác với cảm xúc. Suy nghĩ là thứ tiếng nói trong đầu, chan chát không ngừng - nó không phải là bạn, nhưng nó đủ khả năng tạo ra cho bạn đủ thứ bi kịch không cần thiết (Ở đây mình bàn về dạng suy nghĩ một cách vô thức, chứ không phải dạng suy nghĩ một cách cố ý - như việc suy ngẫm giải quyết vấn đề). Còn cảm xúc là những phản ứng của cơ thể - đối với những suy nghĩ, với những sự kiện diễn ra xung quanh. Cảm xúc là phản ứng tự nhiên - bạn không thể làm gì được, cảm xúc cứ thế mà diễn ra như một dạng phản ứng của năng lượng, nhưng bạn có thể làm chủ suy nghĩ của bạn, bằng cách không "dính dáng" với những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, quan sát suy nghĩ, và để nó trôi đi. Để giải quyết những "suy nghĩ tiêu cực" - thì đừng tranh cãi với suy nghĩ trong đầu, đừng tìm lý do chứng tỏ "bạn đúng", suy nghĩ trong đầu là sai, vì cuối cùng, bạn chỉ bị trói buộc trong một vòng luẩn quẩn, và thất bại trước những thứ suy nghĩ tiêu cực đang diễn ra bên trong thôi. Cứ quan sát suy nghĩ của bạn - như đang quan sát một đứa bạn cùng phòng, một cái loa phát thanh không ngừng, và đừng dính dáng, liên hệ gì tới nó, cứ như đang nghe mấy thứ âm thanh qua lại ngoài đường vậy thôi. 
Chốt lại, bài viết này có mấy điều muốn nhắn gửi bạn: 
Không có cảm xúc nào sai, không có cảm xúc tích cực hay tiêu cực; nhưng vẫn có suy nghĩ tích cực và suy nghĩ tiêu cực. Suy nghĩ tích cực là giúp bạn giải quyết vấn đề, vướng bận, suy nghĩ có chủ đích tốt cho bạn; còn suy nghĩ tiêu cực là suy nghĩ không có chủ đích, cứ mông lung (như một trò đùa), và khiến bạn mất ăn, mất ngủ, tạo ra đau khổ một cách không cần thiết. Bạn không thể ép buộc cảm xúc, bắt bản thân phải thấy vui hay thấy buồn được (ví dụ, bạn đâu thể ép bản thân không đổ crush của mình được, đúng không?) Bởi vậy, để có được sự khoẻ mạnh về mặt cảm xúc, hãy để bản thân cảm nhận cảm xúc, mọi lên xuống của cuộc đời, đối diện với những cảm xúc đen tối nhất - mà không phán xét, không thêm dầu vào lửa, không thêm suy nghĩ dính dáng vào (bằng cách cảm nhận, chỉ cảm nhận cơ thể của bạn, năng lượng cảm xúc bên trong thôi).Bạn có thể làm chủ suy nghĩ, có thể tách rời khỏi suy nghĩ - không để suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng tới bạn (bằng cách quan sát suy nghĩ như một đứa bạn cùng phòng, một cái loa lúc nào cũng lên tiếng, và đừng coi suy nghĩ của bạn là chính bạn). 
Bài viết này đặc biệt dành cho những bạn hay nghĩ nhiều, mà ngại cảm nhận, e ngại cảm xúc (như mình :)) ). Bởi lẽ quá trình trưởng thành của mình, mình không được dạy rằng: Không có cảm xúc nào là sai cả, và việc khóc lóc không làm mình yếu đuối đi, nên mình rất ngại cảm nhận, luôn chèn ép xúc cảm của mình. Bởi vậy, có những nỗi đau của mình từ cả chục năm trước, nỗi đau của "đứa trẻ bên trong" mình vẫn mang theo đến tận sau này. Những cảm xúc đau đớn đó vẫn còn nguyên vẹn, và mình đã cần phải chuyển hoá những cảm xúc đó - bằng cách cho phép bản thân cảm nhận những đau đớn, tổn thương cảm xúc, mà không phán xét gì cả.
Bởi vậy, nếu hôm nay, bạn muốn khóc thì hãy khóc, muốn cười thì hãy cười. Hãy cứ vô tư, thả lỏng với cảm xúc của chính bạn, như đứa trẻ vậy nhé. Bởi muốn yêu thương bản thân, bạn cần yêu thương, tôn trọng cả những cảm xúc của chính bạn, thay vì phán xét, gán mác "tích cực" hay "tiêu cực" cho những cảm xúc. 
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!

Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady 
---
Link bài viết được nhắc đến trong bài: 
"Thuyết gắn bó (Attachment Theory): Bạn là kiểu người nào trong một mối quan hệ tình cảm?" - https://spiderum.com/bai-dang/Thuyet-gan-bo-Attachment-Theory-Ban-la-kieu-nguoi-nao-trong-mot-moi-quan-he-tinh-cam-382