Môn sử là môn thú vị ở Việt Nam: vừa là môn học được nhắc đến nhiều như môn chính và được coi là nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, vừa lại là một môn học bị bỏ mặc. Mọi người nói nhiều đến môn sử, về cách phải thay đổi việc dạy, nhưng lời nói thì rẻ như bèo và môn này tiếp tục là kẻ bào mòn tư duy của con người thay vì giúp mở mang khai trí.
Mình quyết định viết bài này vì mình đã nhìn thấy hậu quả của việc dạy sử sai cách triền miên suốt nhiều năm trời qua những bài viết sau đăng trên Facebook:





Đây chỉ là một trong rất ít các bài viết chỉ trích các nhà sử học Việt Nam sau khi báo VNExpress đăng bài viết sau:
Bài viết của báo VNExpress tóm tắt ngắn gọn là để đưa ra những góc nhìn mới hơn về cuộc chiến giữa Pháp và Đại Nam xảy ra tròn 160 năm trước. Theo đó thì:
-Mục đích ban đầu của Pháp không phải là xâm chiếm nước Đại Nam.
-Triều đình nhà Nguyễn đã hết lòng chiến đấu vì non sông chứ không phải là bạc nhược như những quan điểm cũ.
Tất nhiên là còn các vấn đề khác nhưng đấy là hai nội dung gây ra tranh cãi dữ dội nhất, khiến các "nhà sử học mạng" lên tiếng. Đây là những người ngạo mạn, coi rằng những kiến thức lặt nhặt họ lượm được trên Internet là đủ để họ thông thạo đất trời, rằng những công trình nghiên cứu đàng hoàng chỉ là vứt đi nếu không hợp với suy nghĩ của họ. Đây là hậu quả tiêu biểu của lối dạy sử đọc chép nhưng không dạy tư duy.
Vậy cần phải hiểu vấn đề như thế nào và tại sao mình lại coi những người này là nghèo kiến thức, kém tư duy nhưng ngạo mạn? 
Lý do là vì những nhóm người này nhìn vấn đề như sau:
  • Họ không nhìn vấn đề dưới góc nhìn của người đương thời.
  • Họ nhìn gom các nhóm người, các sự kiện trong xã hội thành một thể thống nhất, bất biến không thay đổi.
Bài viết này mình sẽ làm rõ từng ý trên. 

Xem thêm

Họ không nhìn dưới góc nhìn của người đương thời

Những người phản đối quan điểm của các giáo sư sử học rằng người Pháp thực sự đến An Nam (hay vương quốc Đại Nam) là để bảo vệ các nhà truyền giáo đồng thời làm bàn đạp tấn công vương quốc Trung Hoa. Họ lập luận đây chỉ là một vỏ bọc bề ngoài, tức giống như mấy phim sặc mùi thuyết âm mưu của Hollywood, luôn có một âm ưu ẩn sâu cái danh nghĩa tôn giáo đấy, và âm mưu đó là thôn tính nước Đại Nam, biến nó thành một thuộc địa của Đế quốc Pháp. 
Tuy nhiên có bao nhiêu phần trăm trong lập luận này là dựa vào thực tế lịch sử? Những người này họ chỉ đọc những mẩu tin rời rạc, rồi lấp vào các khoảng trống kiến thức bằng trí tưởng tượng không có giới hạn. Vậy thực tế nước Pháp đã tính toán gì khi ban đầu định đến Việt Nam? Nhà sử học Philippe Devilles của Pháp ghi chép về các kết luận của Ủy ban Cochichine (Cochichine là tên của người Pháp đặt cho vùng Nam Kỳ):
"Đô đốc Fourichon tuyên bố, đối với ông, sự chiếm đóng là một nghĩa vụ quốc gia, vì xứ Cochichine như vậy là đã đứng ra ngoài các luật tự nhiên, bởi sự luôn luôn phản đối của các quan, không chịu tiếp tế cho những tàu bè ghé vào những bờ biển của họ, bở sự gạt bỏ mọi liên hệ thương mại, và bởi họ đã đem tra tấn rất tàn nhẫn những nhà truyền giáo dũng cảm, mà chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ, dù rằng họ chỉ là những công dân thường của Pháp".
Sau nhiều tháng họp, Ủy ban đã trình một bản báo cáo cổ súy cho việc xâm lược nước Đại Nam lên Hoàng Đế Napoleon Đệ Tam. Nội các của Hoàng đã đã xem xét các vấn đề tại Hội đồng Bộ Trưởng trong những ngày 14, 15 và 16 tháng Bảy năm 1857. Đa số trong Hội đồng có ác cảm với cuộc viễn chinh này, cho đó là nguồn gốc của những chi phí mới và những nguy hiểm không lường trước được. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Fould còn tuyên bố là không biết xứ Cochichine ở đâu nữa. Tuy vậy kế hoạch này được Hoàng đế ủng hộ và dù không biết tại sao, các Bộ trưởng đều cúi đầu thực hiện.
Vậy rồi người Pháp đến Đà Nẵng vào ngày 31 tháng Tám năm 1858 với mục đích gì?
Chỉ huy quân Pháp đánh Đà Nẵng là Đô đốc Rigault de Genouilly, ông được điều đến sau khi tham gia vài chiến dịch ngắn ở Trung Quốc. Bấy giờ chiến tranh Nha Phiến đã xảy ra với Trung Hoa và các ưu tiên quân sự đều là ở đấy, An Nam chỉ là mặt trận thứ yếu. Đô đốc được lệnh phải chấm dứt sự truy bức những người Thiên chúa giáo ở An Nam bằng một cuộc "biểu dương lực lượng" phải thực hiện ngay không chậm trễ. Đô đốc sẽ phải đích thân chỉ huy cuộc biểu dương này nếu như sự có mặt của ông không cần thiết ở Trung Quốc. Phải chiếm lấy Tourane (Đà Nẵng), đóng vững chắc ở đó, có được những đảm bảo an toàn cho đội quân này, rồi sau đó phải trở lại Trung Quốc.
Nhưng tất nhiên Đô đốc cũng được giao những mệnh lệnh khác từ cận thần của Hoàng đế là Bác tước Walewski. Ông ta có thể, sau khi đã đạt được các chiến thắng, ký kết hiệp ước hữu nghị thương mại và hàng hải kèm theo những bảo đảm về sự an toàn cho các nhà truyền giáo. Tuy vậy ông phải đảm bảo rằng Trung Quốc là mối ưu tiên hàng đầu của ông.
Và đó là tóm tắt tất cả những ý định ban đầu của đội quân viễn chinh của Pháp đến Đà Nẵng. Tôn giáo và thương mại là mục đích chính của đoàn quân xâm lược, nhưng nếu cần người Pháp sẽ thiết lập chế độ bảo hộ. Chế độ này khác với chế độ thực dân vì người Pháp sẽ không cai trị trực tiếp mà sẽ có một viên cố vấn đặt cạnh 6 bộ trưởng của nhà vua, và quyền giao thương cũng như ngoại giao sẽ do người Pháp định đoạt.
Còn về nước An Nam, nhà vua và triều đình đã suy nghĩ gì về cuộc chiến sắp tới?
Vua Tự Đức cùng các quan
Theo ghi chép của nhà sử học Philippe Devilles thì vua Tự Đức muốn làm chủ trong vượng quốc của ông, không cho phép những "quân man rợ" đến động chạm vào "bản sắc Việt Nam" (identité vietnamienne). Ông bác bỏ cái "quyền xen vào" ("droit d'ingérence") mà nước Pháp Thiên chúa giáo yêu sách, và ông, cương quyết bảo vệ "quyền tự quyết của nước Đại Nam" ("Le droit du Đại Nam d'être lui - même"). Ông không lựa chọn sự phiêu lưu mà lựa chọn sự "chống lại".
Những cố vấn của ông củng cố thêm hy vọng sẽ thắng lại. Triều đình, các vị quan, các nhà nho suy nghĩ và xét đoán rằng muốn xâm chiếm được một đất nước mà họ đang kiểm soát, một đất nước rộng lớn, khó khăn, có nhiều núi non, khí hậu độc địa, thì những người Âu châu phải có một đội quân, chẳng những có đổ bộ lên, mà còn phải đóng quân trên đất liền, trong một khí hậu chết người. 
Liệu các toan tính đó có chính xác? Hãy đọc lá thư của Đô đốc Rigault de Genouilly gửi cho Bộ trưởng Hải Quân ngày 29 tháng Một năm 1859:
"Bệnh kiết lỵ lan rộng làm suy yếu tất cả những người mà nó chưa giết chết. Chính phủ đã bị lừa dối về tính chất của 'Công cuộc xâm chiếm Cochichine' này. Lúc đầu người ta đã trình bày nó như rất khiếm tốn, bây giờ thực tế cho thấy nó không hề như vậy. Người ta đã báo cáo về những tài nguyên không có thật, về những thái độ của nhân dân bây giờ thấy trái ngược với những gì đã đoán trước. Người ta nói đến quyền lực bị kéo căng và sự yếu kém của quan lại, quyền lực này thực ra rất mạnh mẽ. Người ta nói đến sự thiếu vắng một đội quân vũ trang. Thực ra đạo quân chính quy rất đông đảo, và đội quân dân là gồm tất cả những người tráng kiện trong nhân dân. Người ta đã ca ngợi sự tốt lành của khí hậu... Chỉ cần nhìn những bộ mặt hốc hác xanh xao của các nhà truyền giáo ở các nơi trong xứ đổ về, cũng có thể chắc chắn rằng Tourane không hơn gì Hồng Kông mà Hồng Kông nổi tiếng là một nơi nước độc. Đọc lại bản báo cáo của Ủy ban hỗn hợp họp tại Bộ Ngoại Giao, phải khẳng định là người ta đã nhận định mọi vấn đề một cách sai lầm, và người ta đã che giấu trong bóng tối những khó khăn thực sự. Đối với tôi, rõ ràng là có những kẻ có lợi ích trong việc này đã cố ý kéo chính phủ dân sâu vào sự việc và cố gắng che giấu điều đó, vì họ biết rằng một khi đã dấn sâu vào đó, sẽ rất khó, nếu không nói là không thể lùi được nữa."
"Không có một cuộc hành quân hoàn chỉnh nào có thể thực hiện được. Dù đi bộ ngắn đến đâu, những người khỏe nhất cũng không chịu nổi. Để đảm bảo cho một cuộc hành quân đến Huế chắc chắn có thắng lợi, chúng ta cần phải có những pháo thuyền có độ mớn nước thấp, giống như những chiếc thuyền được phái đến vùng Baltique. Huế mới chính là cái nút của vấn đề. Tôi không thể chấp nhận trách nhiệm của công cuộc này, nếu không có những lực lượng mà tôi nêu ra..."
Rõ ràng đọc đến đây chúng ta thấy được góc nhìn của người đương thời rất khác với góc nhìn của giới "sử học mạng" (mình không chắc những người đó có góc nhìn không nữa):
-Thứ nhất, khi nước Pháp đến Đại Nam, họ có một mục đích rất nhỏ và hạn hẹp. Rõ ràng những đoàn quân viễn chinh đầu tiên không đến để biến nước An Nam thành một thuộc địa. 
-Thứ hai, triều đình nhà Nguyễn đã có quyết tâm chống Pháp và quân đội triều đình cùng dân quân đã chiến đấu rất dũng cảm để chặn quân Pháp.
Và cả hai kết luận này đều khớp với các kết luận của các nhà sử học Việt Nam đăng trong bài viết của VNExpress.

Các sự kiện, các nhóm người không phải là một thứ thống nhất, bất biến

Điều khiến mà các nhà sử học mạng không hiểu đó là mọi thứ đều thay đổi. Họ phản đối các góc nhìn trên là vì họ suy nghĩ đơn giản: quân Pháp đến với mục tiêu khai thác biến nước Đại Nam thành một thuộc địa, và họ cứ đeo đuổi mục tiêu đó suốt 25 năm. Nên nhớ cuộc chiến Pháp - Đại Nam kéo dài 25 năm, từ năm 1858 đến năm 1884. Người Pháp, chính phủ Pháp không phải là một khối keo thống nhất, đặt ra mục tiêu biến Đại Nam thành thuộc địa và theo đuổi mục tiêu đó suốt 25 năm trời. 
Họ cũng không thấy rằng là người Pháp là một tập thể gồm hàng triệu con người với các mục tiêu khác nhau, chính phủ Pháp là một nhóm những chính trị gia luôn tranh cãi nhau. 
Đối với họ triều đình từ trên xuống dưới mấy trăm vua quan là một tập thể yếu kém đồng nhất.
Đối với họ nhân dân là một khối tập thể chung một ý chí, chung một mong muốn, một khát khao.
Đối với họ có cái tốt và có cái xấu. Đánh nhau là tốt, càng đánh mạnh càng tốt, còn xin hòa là phản bội, yếu kém.
Đó là những lỗi tư duy nghiêm trọng.
Vì vậy mình muốn nói đến một kỹ năng quan trọng khi đọc sử: người đọc sử cần biết rằng các sự kiện lịch sử được tạo ra bởi những sự kiện không lường trước được do các nhóm khác nhau tranh giành quyền lực tạo ra, và không phải lúc nào nhóm đó cũng thống nhất và có một mục tiêu thống nhất. Bản thân mình đã nghe một người Mỹ nói đùa khi có người bảo họ rằng họ đang giật giây tung tiền cho Nhà nước Hồi Giáo Khủng Bố ISIS đi gây chiến để bán vũ khí: "Ông đến Mỹ ông sẽ thấy, chúng tôi còn không thể thuyết phục được 50 bang ở Mỹ đồng ý về một đạo luật, chứ đừng mơ rằng chúng tôi có thể rải triệu đô cho một nhóm người lạ mặt cách chúng tôi nửa vòng trái đất, không nói tiếng Anh, ghét phương Tây và có thể khiến lũ đó nghe lệnh chúng tôi suốt mấy năm trời."
Hãy xét về phía Pháp trước. 
Quân Pháp đến Đà Nẵng với những mục tiêu hạn hẹp nhưng khi họ bắt đầu phiêu lưu sâu vào lãnh thổ Đại Nam, ý định của họ bắt đầu thay đổi. 
Nhằm tìm hướng đi mới cho cuộc chiến, Rigault kéo quân vào Sài Gòn và chỉ để lại một nhóm nhỏ ở ven biển Đà Nẵng. Ông viết thư cho Bộ trưởng Hải Quân:
"... Vì tôi tin chắc vào thắng lợi của cuộc hành quân vào Sài Gòn, nên tôi sắp vào thành phố này. Sài Gòn nằm trên một con sông mà những tàu chuyên chở và những tàu hộ tống của ta có thể vào được. Quân đội đổ bộ lên là có thể tấn công được ngay, như vậy không bắt buộc phải đi bộ, mang vác lượng thực, chiến dịch này hoàn toàn nằm trong khả năng sức lực của họ. Tôi không biết Sài Gòn được phòng thủ tốt hay kém, vì những báo cáo của các nhà truyền giáo về địa điểm này rất lộn xộn và mâu thuẫn với nhau. Và lại bây giờ tôi có đầy đủ lý do để không tin vào những lời nói của họ nữa. Nhưng dù sao đi nữa thì Sài Gòn là cái kho gạo nuôi sống một phần kinh thành Huế cùng quân đội An Nam, và gạo cũng được chuyển lên phía Bắc nữa. Đến tháng Ba, chúng tôi sẽ cho chặn số gạo này lại."
Tháng Hai năm 1859, quân Pháp bắn phá pháo đài Phước Hải ở Vũng Tàu rồi men theo sông Lòng Tàu đánh vào Sài Gòn. Quân xâm lược đổ bộ đánh thành Sài Gòn vào ngày 18 tháng Hai năm 1859 theo con đường mà bây giờ là đường Tôn Đức Thắng. Sau khi chiếm được thành, họ chỉ đóng ở trong một khu vực hẹp bị bao vây và phá rối liên tục bởi quân triều đình. Mọi chuyện chẳng khá gì hơn là ở Đà Nẵng cho đến khi nhờ vào viện binh mà người Pháp chiếm được khu Chợ Lớn của người Hoa vào năm 1860. Đó là một khu dân cư đông đúc so với khu đồng không mông quạnh ở tòa thành cũ và điều đó giúp lính Pháp dễ thở hơn.
Quân Pháp đánh thành Gia Định năm 1859
Bản chất cuộc chiến thay đổi vào ngày 22 tháng Hai năm 1860, Đô đốc Page (người thay thế Rigault đã về Pháp chữa bệnh và cũng có những góc nhìn khác Rigault) tuyên bố cảng Sài Gòn được mở cửa cho thương mại quốc tế. Ngay tức khắc, cảng này như được hồi sinh trở lại. Theo các ghi chép, những dân buôn Hoa kiều không e sợ quân triều đình của ông Hiệp cũng như các quan khác, đã về các tỉnh, vơ vét trong các chợ ở nội địa tất cả những sản phẩm đã chất chứa trong đó. Những thuyền buồm của họ trong bốn tháng đã chở về Chợ Lớn gần 100.000 thùng thóc. Khắp nơi trong xứ Gia Định, giá gạo tăng lên, dân làng chưa bao giờ bán được những nông sản của họ với giá cao như thế. Trên con kênh Tàu Hủ, những tàu bè nước ngoài và thuyền buồm đi biển đậu san sát. Sự xuất khẩu phát triển nhanh. Nhờ buôn bán với Hồng Kông và Singapore các thương lái Hoa kiều của Chợ Lớn thu được những món lãi kếch xù. Sự quan trọng của Sài Gòn đối với nền thương mại Pháp ở Viễn Đông bỗng nhiên hiện ra rõ nét và người Pháp bỗng nhìn vấn đề ở xứ này một cách khác hẳn. 
Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi của những nhà sử học nửa mùa: nếu quân Pháp không đến để biến Việt Nam thành thuộc địa để cai trị thì tại sao sau này Việt Nam lại thành thuộc địa? 
Trong khi đó chuyện gì xảy ra cho quân đội nhà Nguyễn. Nếu họ đã chiến đấu chống Pháp ngoan cường thì tại sao họ lại trở nên "nhu nhược", chỉ muốn cầu hòa với Pháp sau này?
Trước hết hãy coi tình hình chiến sự ở Nam Bộ. Có một điều cần phải làm rõ, đó là sự sụp đổ ý chí ban đầu đến từ địa phương. Trái với quan điểm thông thường rằng triều đình thì chỉ muốn cầu hòa, còn dân địa phương thì vẫn kiên cường kháng Pháp, mọi thứ diễn ra theo chiều ngược lại. 
Đầu tiên hãy nói đến tuyến phòng thủ Kỳ Hòa. Từ tuyến phòng thủ này quân triều đình liên tục kiên cường đánh Pháp:
"Sau khi bao vây được quân Pháp, Nguyễn Tri Phương cho quân liều chết dưới mưa đạn để hãm đồn Cây Mai. Trong đêm 3 và 4 tháng 7 năm 1860, 3.000 quân của ông đã anh dũng chiếm được một đồn lũy do Đại úy người Tây Ban Nha Fernandez chỉ huy với 100 lính Tây Ban Nha và 60 lính Pháp. Trong tháng 11 cùng năm, quân Pháp lại tấn công dữ dội các pháo đài ở Gia Định nhưng quân nhà Nguyễn đã đánh lui được đối phương khiến quân Pháp bị thiệt hại... Được tin thắng trận, vua Tự Đức tiếp tục ban thưởng cho các tướng sĩ ngoài mặt trận..."
Kỳ Hòa là hệ thống thành lũy kiên cố bậc nhất mà quân đội nhà Nguyễn do Tổng đốc Nguyễn Tri Phương gây dựng nên để bao vây quân Pháp ở Sài Gòn. Tuyến phòng thủ này có gần 20 nghìn quân triều đình được xây dựng bởi 30 nghìn lính và phu. Đại úy Pháp Philippe Aude, người từng tham gia trận đánh, đã nhận xét:
"Những chiến lũy mà người Việt Nam dựng lên rất kiên cố đều bằng đất sét cốt tre...Quân Việt Nam rất can đảm…cũng như lòng khinh thường trước cái chết… Trong khi giao chiến họ dùng giáo, thứ khí giới này chỉ đâm được quân địch cách 4 thước, đó là 1 lối tự vệ rất can đảm, đến quân Tàu cũng chưa bao giờ nghĩ đến."
Ngày 24 tháng Hai năm 1861, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đô đốc Charner tấn công và phải mất hai ngày thì quân viễn chinh mới chiếm được chiến tuyến kiên cố này. Chiều ngày 25, ông Phương bị thương, phải cùng quân đội rút về Hóc Môn, rồi về Biên Hòa. 
Sự chinh phục được chiến tuyến Kỳ Hòa tưởng như bất khả xâm phạm đã gây được ấn tượng mạnh và tin tức lan truyền nhanh chóng trong vùng nông thôn về sự ưu việt của người da trắng, sự hơn hẳn về thể lực cũng như vũ khí của họ. Chỉ ba ngày sau khi chiến tuyến thất thủ, sự sụp đổ tinh thần là thấy rõ rệt. Các làng mạc ở giữa hữu ngạn sông Đồng Nai và hai sông Vàm Cỏ xin quy hàng và mong được quân Pháp "bảo vệ". Rồi sau đó là Tây Ninh cũng xin quy thuận khi một chiếc tàu hộ tống của người Pháp tiến tới, còn người Cao Miên trong tỉnh nổi dậy chống người An Nam. Toàn tỉnh Gia Định sụp đổ.
Trong khi người dân phần thì khiếp sợ, phần thì chống trả yếu ớt, thì chỉ có quân triều đình dưới sự chỉ huy của Tổng đống Phương là tiếp tục kháng chiến một cách kiên cường. Các làng mạc bây giờ đang hoang mang lo lắng vì các quan trung thành với vua Tự Đức đã bỏ chạy theo quân triều đình, mang theo sổ sách về thuế cũng như dân số, binh lính vỡ trận đang tỏa ra thành những toán cướp để kiếm sống qua ngày, trong bối cảnh đó chỉ có quân Pháp mới có thể đảm bảo sự trị an và được dân làng chấp thuận một cách e dè, sợ sệt nhưng họ không còn lựa chọn. 
Để làm sụp đổ tinh thần của triều đình, đô đốc Charner ra lệnh cấm xuất khẩu gạo từ vùng chiếm đóng ra vương quốc An Nam vào ngày 23 tháng Tư năm 1861. Cả triều đình sững sờ, ông Kinh lược Nguyễn Bá Nghi viết thư cho Charner vào tháng Năm:
"Từ ba năm nay các ông gây chiến với chúng tôi, không có gì trong vương quốc thảm thương này tránh được những đòn đánh của các ông giáng vào. Những kho tàng của chúng tôi bị đốt chay, thành lũy của chúng tôi bị chiếm đóng và phá đổ, chiến hạm của chúng tôi bị đốt, nền thương mại của chúng tôi bị phá sản, những thuyền buồm chất đầy vải vóc quý của chúng tôi bị đánh chìm, quân lính của chúng tôi bị giết hại, nhà cửa của chúng tôi bị tàn phá. Các ông đòi hỏi chúng tôi tiền bạc, nhưng các ông khiến chúng tôi trở nên nghèo khổ. Tất cả những tai họa đó do các ông gây ra có phải là một quang cảnh làm vui lòng Thượng đế không. Bây giờ các ông lại ngăn trở cả gạo. Dân chúng của chúng tôi sẽ chết đói hay sao? Bởi vì đây là biện pháp cuối cùng mà Ngài còn để lại cho chúng tôi, thế thì chúng tôi sẽ lại tìm được vụ khí, và chúng tôi sẽ đánh bại các ông."
Charner đáp lời rằng "tôi sẽ cố gắng đẩy lùi vũ khí bằng vũ khí".
Và sau đó Charner gửi cho triều đình các điều khoản để đạt đến hòa bình trong đó đòi hỏi triều đình phải nhượng cho Pháp Sài Gòn và tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một ở Biên Hòa cùng các yêu sách khác đảm bảo quyền tự do đi lại, buôn bán của người châu Âu cũng như sự truyền giáo ở khắp vương quốc.
Triều đình đã hết sức bất ngờ trước các yêu sách vì trước đây họ nghĩ người Pháp đến là vì thương mại cũng như vấn đề truyền giáo, và việc dùng vũ lực là để đạt được điều đó. Nhưng các yêu sách của người Pháp cho thấy họ quyết tâm lấy đi đất đai của vương quốc Đại Nam và như thế phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc này.  Triều đình Huế sau đó bị chia làm hai phe chủ hòa và chủ chiến. Phe chủ hòa được dẫn đầu bởi Phó quan ngự sử Phan Thanh Giản và một nha nho Thiên chúa giáo có uy thế là Nguyễn Trường Tộ. Cả hai cho rằng cần thương lượng với người Pháp để có thể có thời gian tập trung cải cách đất nước như người Xiêm và người Nhật đã làm. Còn phe chủ chiến thì được dẫn đầu bởi Trương Đăng Quế và Nguyễn Tri Phương, cả hai vốn đã chống lại mạnh mẽ các ảnh hưởng của phương Tây từ 20 năm nay. Đối với hai ông, cuộc chiến này phải là trường kỳ kháng chiến và quân đội không thể đối đầu trực tiếp với người Pháp, mà phải tiến hành chiến tranh du kích. 
Vua Tự Đức tham gia hết mình vào phái chủ chiến. Trong một bố cáo mật tung ra ngày 1 tháng Ba, một ngày sau khi thất trận Kỳ Hòa, nhà vua kêu gọi dân chúng Nam Kỳ vùng lên đông đảo chống lại kẻ xâm lăng. Ông tăng cường thêm sự truy bức những người Thiên chúa giáo và đặt giá cho những cái đầu của quân Pháp và bọn phản quốc. Tháng Bảy năm 1861, một đoàn bốn mươi nhân vật cao cấp đến trình bày với nhà vua về thảm họa mà dân chúng phải chịu đựng vì bị phong tỏa gạo nếu không thương lượng với người Pháp. Tự Đức chê trách sự yếu đuối của họ và nói rằng "họ phải chuẩn bị, trông chờ chiến đấu chứ không thương lượng, và chính bản thân ông, thay vì nhượng bộ, sẽ rút vào núi, ở với người Mọi và người Chàm". 
Chính sự ủng hộ và khuấy đảo này của triều đình mà người dân từ trạng thái sốc, bàng hoàng, đã vùng dậy khởi nghĩa. Vào tháng Sáu năm 1861, Trương Công Định, một vị chỉ huy trẻ tuổi của Đồn Điền, đã ra mắt vị Kinh lược sứ ở Biên Hòa. Ông thuộc một gia đình giàu có ở Gò Công, ít nhiều có họ hàng với gia đình của mẹ vua Tự Đức bà Từ Dũ, và còn là con nuôi một vị võ quan cao cấp ở triều đình là Thiệu Văn Sâm. Ông xin được phục vụ và nói rằng sẽ làm cả xứ nổi dậy. Ông được tin tưởng giao ấn tín của vua để có thể phong chức cho các chỉ huy quân dân và huy động dân làng đứng lên. Nhờ tài tổ chức, ông đã tập hợp được hơn 600 người đều là binh lính và vệ binh cũ và ngay lập tức ông tổ chức đánh lớn vào Gò Công, là một trong năm đồn thường trực của quân Pháp. 
Cuộc tập kích tuy thất bại nhưng đã khơi dậy lòng yêu nước của dân chúng và thu hút thêm sự ủng hộ của triều đình. Từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nghĩa quân của Trương Định và các nhóm khác được tiếp tế súng ống đạn dược, đại bác và cả gạo. Từ Biên Họ, họ nhận được các bằng cấp, ấn tín và những lời động viên khuyến khích từ nhà vua. Thậm chí từ cả Sài Gòn, là nơi mà Hoa kiều và những kẻ phiêu lưu thuộc đủ loại quốc tịch đã đến lưu trú, họ còn nhận được tiền và đạn dược đưa lậu vào.

Mối nguy từ phía Bắc

Nếu cả triều đình lẫn dân chúng điều kiên cường như vậy thì tại sao bất ngờ vào năm 1862 và 1863, triều đình lại có xu hướng cầu hòa? Câu trả lời là vì sự cạn kiệt tài nguyên kinh tế và những tình thế gian nan do cuộc chiến với Pháp cũng như các cuộc nổi dậy trong nước gây ra. 
Về phía triều đình, yếu tố dẫn đến sự quy hàng lại không đến từ người Pháp. Một người Thiên chúa giáo là Lê Phụng vào năm 1858 đã chạy thoát khỏi sự truy bức của triều đình ra ngoài Bắc, tự nhận là con cháu của nhà Lê và nổi dậy. Sau đó nghe tin Rigault đánh vào Đà Nẵng, Phụng đã đề nghị giúp đỡ nhưng vì Rigault lúc này đã tính vào Sài Gòn nên lời đề nghị bị khước từ. Sau đó Phụng bị triều đình truy nã nhưng trốn được. Năm 1861, Phụng nổi dậy lần nữa và lần này y đã thành công trong việc lợi dụng sự tưởng nhớ của vua Lê để kéo người dân không chỉ ở Bắc Hà mà còn ở các tỉnh miền Trung nổi dậy. Hắn đã đánh bại những lực lượng do vua Tự Đức phái đến chống lại và nhờ sự tiếp tế đạn dược từ bọn cướp biển người Hoa, hắn đã đánh tan tác một số tàu biển của hoàng gia được điều đến. Đầu năm 1862, theo sự xúi giục của các nhà truyền giáo, Phụng gửi thư vào Sài Gòn nhờ quân Pháp giúp đỡ nhưng người Pháp từ chối. Do đó Phụng phải tiếp tục chiến đấu một mình. Đến tháng Năm năm 1862, Phụng lúc này đã tập trung được đến 20,000 quân để đánh vào Hà Nội. Bắt buộc phải chọn giữa hai kẻ thù không thể cùng đánh được và vì người Pháp còn có cửa ngỏ thương lượng, nên vua Tự Đức đã chọn thương lượng với kẻ thù đáng sợ nhất. Đó là lý do mà nhà vua đã chấp nhận ký Hiệp Ước Sài Gòn vào năm 1862 dù điều đó có nghĩa là mất luôn kho gạo cũng như quê ngoại ở Gò Công. Ngay sau khi hiệp ước được ký kết, Nguyễn Tri Phương đã lập tức được cử ra Hà Nội chống lại quân nổi dậy. Phải đến năm 1865, quân nổi dậy mới bị tiêu diệt hoàn toàn, Lê Phụng bị bắt và bị đem vào Huế xử tử. 

Về phía người dân, họ không thể chiến đấu mãi được và sự tự do buôn bán được đảm bảo bởi người Pháp đang dần thu hút họ hơn. Ngoài ra họ cũng dần ngả về người Pháp vì quân đội và lực lượng cảnh sát địa phương có đủ khả năng dẹp loạn thổ phỉ và đảm bảo an ninh cá nhân. Theo ghi chép thì sự cấp phát tiền bạc cho các làng mạc bị tàn phá, việc trả lương đều đặn cho dân quân, sự tăng cường kỷ luật trong quân đội Pháp và việc xóa bỏ dần những hành động tàn bạo điển hình trong những năm đầu chiến tranh đã dần làm nhụt chí người dân và thậm chí còn gây được cảm tình trong dân chúng, những người bị nghĩa quân và các nhà nho yêu nước gọi là "phản quốc". 
Nếu như Trương Định còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhân dân và triều đình để tổ chức các cuộc nổi dậy quy mô khắp ba tỉnh miền đông vào năm 1862 và 1863 thì đến năm 1864, ông cảm thấy cô độc. Trong bản bố cáo ban cho công chúng, ông cho thấy sự tức giận vì "thiện cảm của dân chúng đã đổi chiều" và người ta ngày càng ít giúp đỡ ông, lý do là vì ông đòi hỏi dân chúng cống nạp quá nhiều trong khi quân đội của ông không tham gia sản xuất. Một trong những người lĩnh của ông tên là Tấn, đã từng dũng cảm chiến đấu ở Kỳ Hòa, đã bị ông lăng mạ. Tủi nhục và xấu hổ, Tấn chạy ngay sang làm việc cho Pháp. Từ thông tin của Tấn cũng như tin tố giác của các dân làng đã mệt mỏi vì chiến tranh, quân Pháp khép chặt vòng vây với quân của Định. Vào ngày 20 tháng Tám năm 1864, Trương Định bị giết chết và đến cuối năm đó, sự nổi dậy chấm dứt ở ba tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tất cả những gì nêu trên là xảy ra ở Nam Bộ trong 5 năm đầu của cuộc chiến. Năm năm là một quãng thời gian rất dài cho một cuộc chiến giằng co liên tục, nên nhớ rằng Đệ nhất Thế Chiến chỉ kéo dài 4 năm, Đệ Nhị Thế Chiến là 6 năm. Quân đội Việt Nam sau này đánh Pháp và Mỹ mỗi lần 10 năm (đánh Pháp từ 1946 đến 1954, đánh Mỹ từ 1965 đến 1975) nhưng đó là còn có sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Liên Xô. Trong khi triều đình nhà Nguyễn là đơn thân độc mã và với một quốc gia nghèo như Đại Nam bấy giờ, cuộc chiến này nhanh chóng dẫn đến sự khánh kiệt của quốc gia. 
Chúng ta cũng đã thấy ý định của người Pháp thay đổi như thế nào từ lúc họ vào Đà Nẵng đến lúc chiếm đóng Nam Bộ.
Chúng ta đã thấy sự thay đổi của triều đình nhà Nguyễn, từ việc đánh đến cùng đến việc phải thương lượng. Rõ ràng phải tìm hiểu các chuỗi sự kiện đã xảy ra mới hiểu được tại sao triều đình Huế ký hiệp ước Sài Gòn năm 1863 cắt đất cho Pháp. Nếu không tìm hiểu mà vội đánh giá qua các hoạt động bề ngoài, chúng ta nhanh chóng trở thành những gã sử học mạng nửa mùa.
Còn người dân, họ đã đi từ sự ủng hộ quân kháng chiến lúc Pháp mới vào Sài Gòn năm 1859, đến sự bàng hoàng sợ sệt trong năm 1861, rồi sau đó lại nổi dậy chống Pháp năm 1862 - 1863, rồi sau đó lại là sự đầu hàng vì kiệt sức trong năm 1864. Và cũng trong nhân dân có các thành phần khác nhau, có nhóm người Thiên chúa giáo ủng hộ quân Pháp, có các Hoa kiều chỉ tập trung vào buôn bán, có những người Việt chỉ mong sống trong yên lành, và có những nhóm dân yêu nước chống quân xâm lược. 
Do đó những người đánh đồng tất cả các nhóm người trong xã hội vào một khối gọi là "nhân dân" rồi nói tất cả họ là yêu nước thực sự là những người sống trong trí tưởng tượng của riêng họ. 
Những người ủng hộ cuộc chiến đến mức điên cuồng bất chấp tất cả không biết được thảm họa của nó khủng khiếp đến mức nào và nỗi khổ cực mà chiến tranh gây ra. Số liệu của người Pháp và triều Nguyễn ghi nhận về dân số hai vùng Nam Kỳ và Bắc Kỳ cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Ở Đông Nam Bộ sau khi đã được bình định, từ năm 1867 đến năm 1900, dân số tăng lên 50% từ khoảng 1.200.000 người lên 1.800.000 người. Còn ở Bắc Kỳ với các cuộc chiến tranh liên miên, dân số năm 1875 ghi nhận là 10.200.5000 người, 20 năm sau con số này vẫn là như thế mặc dù tỷ lệ đẻ nhanh như ngựa phi. Lý do chính là vì tỷ lệ tử vong vì chiến trận lúc bấy giờ là quá khủng khiếp. Cả quốc gia hoàn toàn sụp đổ sau hơn 20 năm chiến tranh địch trong giặc ngoài và người dân đã lả đi và đó là lý do phong trào Cần Vương dù được các nhà nho ủng hộ hết lòng, không thể duy trì mãi được. 

Kết Luận

Nói ngắn gọn, việc dạy sử theo kiểu đọc chép, học vẹt và nhồi các định kiến vào đầu học sinh theo kiểu ai tốt ai xấu đã khiến học sinh sau này có một góc nhìn hoặc là rất cực đoan về lịch sử dân tộc, hoặc là rất mơ hồ chung chung. Điều tệ hơn là qua mạng Internet những người này lại dễ lan truyền các quan điểm đó đi. Và vì họ quá bảo thủ cũng như đầu óc bị xơ cứng, họ luôn tin rằng họ là đúng, là nhất và các giáo sư sử học mà đưa ra ý kiến trái với góc nhìn của họ họ cũng không ngại ngần chỉ trích, nhạo báng bằng các từ ngữ thô tục. 
Để học sử, một người cần:
  • Nhìn được các góc nhìn của người đương thời thông qua các dữ liệu lịch sử. Hoặc thông qua các tác phẩm phân tích lịch sử có giá trị học thuật cao. Tránh nghe những câu chuyện kể, những chi tiết nhỏ nhặt rồi đưa ra các kết luận ẩu.
  • Cần phải hiểu rằng các nhóm người được tạo nên bởi các cá nhân khác nhau. Những nhóm người đó không phải lúc nào cũng chung một ý định, một kế hoạch mà những ý định và kế hoạch đó sẽ luôn thay đổi theo thời gian. Các sự kiện xảy ra không phải lúc nào cũng là do tính trước được mà là kết quả của một chuỗi sự kiện trước đó. Nếu tìm hiểu cần phải tìm hiểu cả chuỗi sự kiện.
Nguồn bài viết

Ủng hộ tác giả
Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh

Các bài viết cùng chủ đề