Không biết từ bao giờ câu chuyện trường chuyên lớp chọn đã trở thành mây mù giăng mắc trong tâm tưởng các bậc phụ huynh có con em đang tuổi cắp sách đến trường. Giấc mộng mị của người lớn lại được chuyển hoá thành sách vở trĩu nặng trên vai con trẻ. Áp lực thi cử để được ngồi gọn ghẽ trên một chiếc ghế chẳng có gì là êm ái hơn trong một căn phòng trắng chỉ khác biệt ở tấm biển lớp dần trở nên phổ biến. Kể từ sau thời kỳ bao cấp gây đóng băng và đình trệ hoạt động giao thương, kinh tế thị trường trong nước đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Khi không còn phải lo về cái đói cái nghèo, người ta bắt đầu có thời gian ngẫm ngợi về con chữ. Ước vọng tú tài của nhiều bậc cha mẹ cuối cùng lại được kế thừa bởi con cái. Từ thế hệ Millennials đến Gen Z, câu chuyện hoàn thiện giấc mộng của mẹ cha vẫn đang được viết tiếp. Một đứa trẻ có thể trở thành học sinh trường chuyên lớp chọn ngay từ ngày chập chững bước chân vào cấp học thấp nhất - Tiểu học. Ở cái tầm 6,7 tuổi, chúng ta vẫn còn đang mải khóc lóc trước tiếng trống trường mỗi sáng, chứ sao đã có đủ nhận thức về khả năng và đam mê của bản thân để “chọn”, để “chuyên”.
Ngay cả khi bước vào cấp ba - cấp học được chính thức phân loại trường năng khiếu, bắt đầu phần nào định hình được thế mạnh của bản thân trong công cuộc vác bút đi cày, chúng ta cũng khó có thể nào phác hoạ được một biểu đồ SWOT về những năm tháng là “học sinh trường chuyên”. Thật khó có thể ngờ rằng cái mác trường chuyên lại kéo theo nhiều hệ luỵ dài lâu đến thế. Là một “con gà công nghiệp" chính hiệu, tôi bắt đầu sự nghiệp Chuyên Văn từ sớm. Vừa tròn 10 tuổi, tôi đã được tuyển chọn vào đội tuyển Ngữ Văn tham gia các cuộc thi Học sinh giỏi đủ các cấp. Ở cái tuổi cập kê với một trái tim tràn nhựa nhiệt huyết, tôi thầm tin vào sứ mệnh chiến binh mà những người lớn xung quanh tích cực tuyên truyền. Trước mỗi trận chiến, bất cứ chiến binh nào cũng phải trải qua thời gian đào luyện khốc liệt. Được coi là hạt giống đỏ, tôi ngày đêm mài bút viết chữ, lật giở rách cả những trang sách cũ mốc chỉ để lôi ra vài ba khái niệm khuôn sáo.
Những tháng ngày cháy lửa ấy, bằng một cách tự nhiên, khiến con người ta thấy bản thân đặc biệt. Đây về bản chất vẫn là câu chuyện muôn thuở. Thời kỳ phong kiến, các sĩ tử theo đuổi sự nghiệp khoa cử vẫn thường nhận được sự trọng thị và ái mộ nhất định. Đến tận bây giờ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn bảo tồn 82 bia tiến sĩ để vinh danh những học giả xuất chúng, ghi tên vào bảng vàng trong các kỳ thi cam go. Bởi thế mới có câu: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng". Chúng tôi - những thanh thiếu niên đang tuổi làm trái ý cha mẹ thầy cô lại được coi là “hạt giống đỏ" với nghĩa vụ chiến đấu và chiến thắng vì màu cờ sắc áo. Bước chân lên võ đài tìm kiếm tinh anh, chúng tôi từ sớm đã hiểu thế nào là áp lực, thế nào là cạnh tranh khốc liệt. Sự run rẩy trước mỗi cuộc đấu ngày càng vơi dần. Hàng loạt cúp vô địch lớn bé xếp gọn ghẽ trong phòng khách gia đình như một cách trưng trổ về những vì tinh tú sớm tỏa sáng giữa thiên hà tri thức bao la.
Nếu có một câu nói dùng để tóm tắt cuộc đời của các sao nhí Hollywood, thì đó chính là “Sớm nở chóng tàn". Macaulay Culkin, Miley Cyrus hay Justin Bieber đều phải học cách trưởng thành khó khăn và khắc nghiệt hơn bạn bè cùng trang lứa. Cái giá cho việc nổi tiếng sớm chính là thời kỳ nổi loạn kéo dài sau này. Đã từng là một nghệ sĩ có những phút giây ngắn ngủi tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, họ phải chấp nhận thực cảnh bị đeo đuổi bởi “bóng ma trong nhà hát" suốt cuộc đời. Đó cũng chính là câu chuyện xảy ra với những kẻ được coi là tú tài như chúng tôi. Mọi bước đi, mọi quyết định, mọi ngã rẽ trong cuộc đời chúng tôi đều được phản chiếu qua tấm gương quá khứ long lanh hư ảo. Việc phải làm gì, phải trở thành ai để xứng đáng với danh xưng đã từng được gắn mác chẳng khác gì ôm khư khư một tảng đá đè nặng trong trái tim và tâm hồn những sĩ tử hết thời. Giống như nàng Kiều năm ấy khóc thương trước mộ Đạm Thanh, chúng tôi cũng phần nào thấu cảm được nỗi niềm của ông đồ già dăm hôm Tết:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
(“Ông đồ" - Vũ Đình Liên)
Rời khỏi môi trường học vấn, nhiều cựu học sinh lớp chọn trường chuyên chứng kiến một chu trình chuyển hoá từ “hạt giống đỏ" thành “hạt bụi đen". Cuộc sống rộng lớn và mênh mông hơn nhiều cuộc thi. Công thức để thành công không chỉ bao gồm những cuốn sách bong gáy. Khi loay hoay trong vũng lầy của quá khứ, chúng tôi liên tục đặt những phép so sánh bản thân với thế giới xung quanh. Cô bạn ngày trước luôn miệng mượn vở chép bài nay lại liên tục khoe tài khoản 8 số 0 nhờ công việc kinh doanh online. Anh chàng cùng lớp hồi xưa không năm nào từ chối vị trí đội sổ giờ lại trở thành ngôi sao mạng xã hội, thu về bộn tiền từ các hợp đồng quảng cáo.
Chiêm ngưỡng tòa tháp sự nghiệp của bạn bè đồng trang lứa, sự hoang mang, hoài nghi và chán chường cứ thế lớn dần. Một bông hoa từng rực rỡ hé nở, nay lại trở nên lu mờ giữa một vườn hoa thơm trái ngọt muôn sắc vạn vẻ. Ánh hào quang soi rọi từ lúc hừng đông vô tình khiến ngày mới chẳng còn những tia nắng tinh khôi. Cả ngày dài cứ thế bị bao trùm bởi bóng mây ảm đạm của sự bất mãn và bất lực. Bất mãn vì cái thực tế mà người trong cuộc tự cho là “nghịch lý", “nghịch cảnh" và bất lực vì mọi sự thay đổi đều bị kiêng dè. Chúng ta có thể viết vời những dòng vô nghĩa lên một tờ giấy trắng mà không hề lo sợ sai phạm, nhưng hiếm ai có thể tự tin nguệch ngoạc vài đường lên một trang giấy đã đầy những nét bút đậm nhạt được sắp đặt hoàn hảo.
Lớp chọn trường chuyên năm ấy giờ ra sao?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất