Haruki Murakami có lẽ không xa lạ với bạn đọc Việt Nam qua tác phẩm Rừng Nauy. Mình được biết tới rừng Nauy qua một dịp dì mình tặng mẹ mình tác phẩm này và mẹ đã "cấm" mình đọc khi mình 14 tuổi. Càng cấm thì càng kích thích nhưng lúc đó mình đã không lén đọc trộm. Tuy nhiên, thứ "trái cấm" ấy đã vang vẳng trong đầu mình suốt nhiều năm, để rồi đến năm 20 tuổi, mình đã quyết định mua sách về để đọc.
Murakami Haruki
Murakami Haruki
Rừng Nauy là tác phẩm đầu tiên mà mình tiếp cận với văn học của Murakami, đó cũng là tác phẩm mở đầu cho một vài năm mình nghiền ngẫm các tác phẩm của ông như một liều thuốc cho tinh thần. Nhiều bạn hỏi đọc Murakami có hay không? có hấp dẫn hay thú vị không? thì mình trả lời là "tùy vào khẩu vị của bạn". Murakami có một phong cách đặc trưng mà người nào đã trót mê những câu chuyện của ông sẽ khó mà dứt ra được, nhưng cũng thử thách những kẻ thiếu sự kiên nhẫn khi mà câu chuyện ông viết đôi khi dẫn dắt rất lâu mới đến được điểm đích. Hôm nay, mình sẽ review một số tác phẩm mình đã đọc của Murakami (bài viết có tiết lộ một phần hoặc toàn bộ nội dung truyện).
Mình đã đọc các tác phẩm của Murakami theo thứ tự là: Rừng Nauy, 1Q84, Phía Nam biên giới- Phía Tây mặt trời, Biên niên ký chim vặn giây cót và Ngầm. Hiện tại mình đang đọc lại cuốn Người tình Sputnik.
Rừng Nauy là tác phẩm thân thuộc với bạn đọc Việt Nam nhất do độ nổi tiếng của nó. Truyện là những hồi tưởng của chàng trai Watanabe Tōru đối với các cuộc tình của mình hồi còn là sinh viên. Các nhân vật trong truyện là những tâm hồn cô đơn đến với nhau. Truyện có hai yếu tố chính: tình yêu và sự trầm cảm đan xen với một số sự kiện chính trị xã hội. Trong truyện, nhiều nhân vật đã phải tìm đến cái chết để giải thoát tâm hồn mình. Nhiều người đọc truyện này chỉ quan tâm đến yếu tố sex, tuy nhiên đối với mình, sự trầm cảm và cô đơn lạc lõng mới là yếu tố mình cảm nhận được sâu sắc sau khi đọc truyện. Rừng Nauy là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Murakami và giúp phần đưa tên tuổi của ông ra thế giới. Nếu chưa đọc, hãy thử một lần và cảm nhận nó theo góc nhìn đa chiều nhất có thể.
Ảnh "Nhã Nam"
Ảnh "Nhã Nam"
1Q84 (3 tập): Truyện dài nhất của nhà văn Nhật Bản với 3 tập rất dài. Nội dung là hai tuyến truyên song song của hai nhân vật chính: Aomame và Tengo và một tuyến phụ của nhân vật Ushikawa. Từ năm 1984 lùi về 20 năm, Aomame và Tengo đã bí mật nắm tay nhau trong lớp học, cả hai không nói câu nào nhưng họ biết tình cảm của họ đã dành cho nhau. 20 năm sau, cả hai đã chia lìa trong quá khứ, Aomame Masami trở thành HLV cá nhân đồng thời làm việc cho "bà chủ" chuyên thủ tiêu những kẻ bạo hành phụ nữ. Kawana Tengo trở thành giáo viên toán tại một trường dự bị và sẽ trở thành tiểu thuyết gia trong tương lai. Cả hai nhân vật đều có một tuổi thơ bất hạnh khi mà gia đình Aomame là tín đồ của tôn giáo Nhân Chứng Giê-hô-va, cuối tuần cô phải cùng mẹ đi đến gõ cửa từng nhà để thuyết phục họ gia nhập tôn giáo. Mẹ Tengo bỏ đi từ lúc anh còn bé, người mà anh gọi là bố cũng không chắc là cha ruột của anh. Cuộc sống thuở nhỏ của Tengo cũng không bình yên khi anh phải thường xuyên theo cha (nhân viên thu phí đài NHK) đi đến từng nhà thu tiền khách hàng. Hai đứa trẻ đã gặp nhau khi mà mẹ và bố chúng với hai mục đích khác nhau đã vô tình lướt qua ngoài đường. Truyện đan xen rất nhiều yếu tố kỳ bí, fantasy như hình ảnh ẩn dụ Aomame chui vào đường ống cống và chui ra như việc vào ra một thế giới mới, hình ảnh hai mặt trăng mà chỉ hai nhân vật chính nhận ra, những người tí hon... Truyện cũng có đan xen yếu tố xã hội khi mà có nhắc đến giáo phái Sakigae- một giáo phái có thật ở Nhật Bản.
Tuyển tập 3 quyển 1Q84 của NXB Nhã Nam
Tuyển tập 3 quyển 1Q84 của NXB Nhã Nam
Kết truyện hai nhân vật chính đã vượt qua rất nhiều nghịch cảnh để đến được với nhau. Mình không thích bộ truyện này lắm do nội dung bị lan man và kể lể hơi nhiều, nó cũng phản ánh xã hội và cuộc sống con người nhưng mang hơi hướng kỳ ảo. Đây chưa phải gu của mình nhưng đáng đọc.
Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời: Câu chuyện khá ngắn kể về cuộc sống nhân vật chính Hajime và những người phụ nữ trong đời anh. Hajime và Shimamoto là những người bạn thuở nhỏ. Cả hai chơi thân với nhau vì họ đều là những đứa con một. Lên trung học, Shimamoto chuyển nhà, Hajime gặp và yêu Izumi nhưng vì khao khát tình dục mãnh liệt mà anh đã làm tình với chị họ của Izumi và làm tổn thương cô. Sau khi chia tay, gặp và kết hôn với Yukiko ở độ tuổi 30, anh cũng từ bỏ công việc tại nhà xuất bản nhàm chán để trở thành ông chủ một quán nhạc Jazz có tiếng tại Tokyo. Anh cũng có hai con và đang sống hạnh phúc bên vợ tuy nhiên anh vẫn nhớ đến Shimamoto-san và cái tật ở chân. Nhân vật chính bị ám ảnh với việc làm tình với Shimamoto do cái tật ở chân của cô ấy dù trong quá khứ hai người chưa từng (khá lạ đúng không?). Cuối cùng thì Hajime cũng được gặp lại Shimamoto và được thỏa ước nguyện suốt bao nhiêu năm nhưng việc này cũng khiến anh khó xử khi bị đặt lựa chọn giữa gia đình đang hạnh phúc và quá khứ. Kết truyện anh nhận ra dù cuộc đời có diễn ra như thế nào, cuối cùng cũng sẽ kết thúc như cát bụi.
Biên niên ký chim vặn giây cót: Tác phẩm đến thời điểm này là yêu thích nhất của mình trong kho tàng của Murakami (truyện này cũng khá dài, vì vậy nó mới có tên "Biên niên ký"). Truyện xoay quanh nhân vật chính Okada Toru - biệt danh Chim vặn dây cót. Anh là hình mẫu của những người thụ động trong xã hội: không đi làm, nghe lời người khác, nhờ nhà vợ,... Truyện mở đầu bằng một sự kiện "kỳ quặc" là con mèo nhà anh mất tích, và từ đó anh gặp Kasahara May - cô gái có vấn đề về tâm lý. Sau tai nạn với bạn trai cô đã nghỉ học để ở nhà bán tóc giả. Anh còn bị một người phụ nữ gọi điện thường xuyên để khiêu khích tình dục anh (đây là hình tượng ẩn dụ của nhân cách khác Kumiko, một là cô vợ ngoan ngoãn mẫu mực và bên kia là người phụ nữ hoang dại, khao khát tình dục..)
Thất bại trong việc tìm mèo, anh phải tìm đến sự giúp đỡ của anh trai vợ là Wataya Noboru (Noboru là một kẻ trịch thượng, xấu xa, nhưng lại có vẻ ngoài hoàn hảo và được xã hội trọng vọng), đúng hơn là nhờ vào bà đồng của gia đình nhà vợ, hai chị em Kano Malta và Kano Creta. Anh vẫn chưa tìm được mèo, chương đầu còn một số sự kiện khác là cái chết của cụ Honda (nhà chiêm tinh của nhà vợ Toru và gia đình vợ luôn bắt hai vợ chồng đến đó nói chuyện với ông). Đó là nội dung của chương đầu "Chim ác là ăn cắp".
Phần hai "Chim tiên tri" Kumiko (người vợ) bỏ đi. Toru được anh vợ thông báo rằng vợ anh đã bỏ đi với nhân tình và không cần anh nữa. Vì thất vọng, anh đã thử nhiều cách để trấn tĩnh lại như đi bán tóc giả cùng Kasahara May, chui xuống giếng ngồi (hình tượng cái giếng mình sẽ phân tích theo ý hiểu ở cuối bài). Sau khi ra khỏi giếng, anh phát hiện mình có một vết bầm trên mặt. Phần này còn xảy ra một số sự kiện khác, các bạn đọc truyện để hiểu thêm nhé.
"Kẻ bắt chim" là phần dài nhất trong tập truyện, phần này giới thiệu một số nhân vật. Toru đã tìm được mèo của mình và đặt tên là Cá thu. Vết bầm trên mặt anh ngày càng lớn và anh làm việc cho "Nhục đậu khấu" (một người phụ nữ giấu tên được sinh ra từ thế chiến hai), anh làm việc như một "ông đồng" hoặc "nhà tiên tri" cho bà một thời gian. Đây là một tình tiết rất hay vì trong phần đầu của chuyện, vợ chồng Toru gần như không tin vào những "cô đồng" và họ chỉ coi việc đi gặp ông Honda là nhiệm vụ phải làm theo yêu cầu của nhà Wataya. Kết chuyện, Toru có cuộc "đấu tranh tâm lý" hay có thể hiểu là "đấu tranh tiềm thức" đưa vợ anh trở về, anh vợ Toru (Wataya Noboru) bị đột quỵ và Kumiko đã rút ống thở của anh trai mình. Cô tự thú với cảnh sát. Cuối truyện Toru thổ lộ rằng anh sẽ chờ Kumiko trở về và cùng sinh con.
Câu chuyện là sự thay đổi của nhân vật chính Okada Toru, từ một chàng trai thụ động, nghe lời nhà vợ, thua kém anh vợ đến một người đàn ông biết làm chủ cuộc sống của mình. Toru ban đầu là một kẻ hèn nhát, thụ động khi mặc dù rất ghét anh vợ nhưng vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của anh ta khi bị vợ "sai" đi tìm mèo. Nhận thấy vợ có biểu hiện lạ, được tặng chai nước hoa lạ nhưng anh chỉ đặt câu hỏi trong đầu mà không thực sự tìm hiểu nó... Nhiều biến cố xảy ra, Toru đã trưởng thành hơn, anh đã thực sự "tìm vợ", chiến thắng "kẻ ác" và sự hèn nhát trong mình. Ngoài ra, truyện cũng diễn tả sự chuyển biến tâm lý và tính cách của tuyến nhân vật phụ, nổi bật là Kumiko (vợ Toru), từ một cô gái bị anh trai xâm hại tình dục (truyện không nói rõ nhưng chúng ta có thể ngầm hiểu) và chứng kiến chị gái tự sát vì bị anh trai xâm hại tình dục, dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng, phải tìm đến các cuộc hoan lạc tình dục với những người đàn ông lạ (nhiều không đếm xuể), luôn luôn nghe lời gia đình... đến một cô gái đã tự tay rút ống thở của anh trai để giải thoát cuộc đời mình. Dù là nhân vật phụ thì Kumiko cũng xứng đáng là một nhân vật đáng để suy ngẫm trong tác phẩm này.
Truyện còn có một tuyến phụ khi kể về chuyện thế chiến thứ hai của cụ Honda và Trung úy Mamiya, trong đó có cảnh lột da người mình đánh giá là đọc khá rợn người. Câu chuyện ngắn này cũng có nội dung tương tự như tuyến chuyện gốc khi kể về cuộc đấu tranh giữa cái "thiện" và "ác" vừa Trung úy Mamiya và tên lính người Xô Viết.
Chim vặn dây cót là hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt câu chuyện
Chim vặn dây cót là hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt câu chuyện
Hình ảnh ẩn dụ trong câu chuyện rất nhiều: cái giếng, chim vặn giây cót, vết bầm... trong đó hình ảnh chim vặn giây cót, cũng là biệt danh của nhân vật chính. Theo mình hiểu hình ảnh "vặn dây cót" chính là những con người bị xã hội điều khiển, chúng ta không thể sống "là chính mình". Hằng ngày, chúng ta được "lên dây cót" và hót theo ý người khác. Chúng ta sống thụ động, vật vờ không mục đích, liệu đấy có phải là mục đích sống của chúng ta? Cái giếng cũng là một hình ảnh hay, có nhiều cách hiểu nhưng theo ý của mình, cái giếng như tử cung của người mẹ, nhân vật chính chui vào đó để được sinh ra một lần nữa, được tái sinh. Trong tuyến truyện phụ của ông Honda và Trung úy Mamiya, Trung úy Mamiya đã bị ném xuống giếng nhưng ông vẫn sống sót sau cuộc chiến.
Ngầm: Là cuộc phỏng vấn của nạn nhân và thành viên của giáo phái Aum Shinrikyo sau cuộc tấn công bằng khí Sarin trên tàu điện ngầm Tokyo vào ngày 20 tháng 3 năm 1995. Khác với các thể loại fantasy, hư cấu..., đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Truyện tường thuật lại suy nghĩ, hành động và hậu quả lâu dài về thể chất và tinh thần của các nạn nhân với thể loại "documentary". Nếu các bạn có hơi hướng quan tâm đến các sự kiện chính trị xã hội, đây là một truyện đáng đọc. Tuy nhiên do thuật lại lời kể của nhân chứng và nạn nhân nên truyện gần như theo một tuyến, đọc nhiều có thể gây nhàm chán. Tác giả muốn chúng ta cảm nhận nỗi mất mát và tác hại lâu dài của vụ tấn công đã ảnh hướng tới tâm lý và cuộc sống sau này của nạn nhân ra sao, cũng như suy nghĩ của các thành viên giáo phái Aum đã gây ra cuộc tấn công này, vì sao họ lại làm vậy?
Còn tiếp...