Burnout là trạng thái kiệt sức, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là trạng thái này không chỉ việc chúng ta mất hết sức lực về mặt thể chất mà còn về cảm xúc và tinh thần. Điều quan trọng là nó ít liên quan tới số giờ làm việc mà liên quan tới cảm giác của bạn về công việc.
Có 3 trạng thái kiệt sức bạn sẽ thường gặp phải, tuy nhiên chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa các trạng thái dẫn đến việc khó tìm ra được các giải pháp triệt để cho vấn đề.
1. Kiệt sức do quá tải: Đây là trạng thái chúng ta sẽ mặc định về khái niệm burnout nhiều nhất. Đó là khi chúng ta làm quá nhiều công việc trong một ngày.
2. Kiệt sức do không nghỉ ngơi đúng: Thông thường chúng ta thường nghĩ chỉ cần nằm xuống một lúc là hồi sức rồi quay trở lại làm việc tiếp, tuy nhiên năng lượng của bạn cần hồi phục không chỉ ở thể chất mà còn về tâm trí, cảm xúc, tinh thần nữa. Tức là nếu theo cách thông thường chúng ta mới chỉ hồi phục 1/4 năng lượng thôi.
3. Kiệt sức do làm sai việc: Đây là trạng thái phổ biến chứ không phải là ở trạng thái 1. Bạn đang dồn công sức, tâm trí hàng tháng, hàng năm cho những việc không đem lại niềm vui hay ý nghĩa. Nó làm bào mòn sức lực của bạn dần dần mà không hề hay biết. Cho tới lúc bạn không còn sức lực nữa thì bạn sẽ vào chế độ tự động, để kệ cuộc sống này dẫn bạn đi đâu thì đi…
-
Để giải quyết trạng thái 1 (do quá tải), bạn có thể thử 4 cách sau:
*** Energy Investment Portfolio - Quản lý năng lượng
Thông thường chúng ta sẽ có xu hướng là quan tâm tới việc quản lý thời gian. Tuy nhiên đối với cá nhân mình khi áp dụng rất nhiều cách thức quản lý thời gian thì nó lại không duy trì được lâu.
Lý do là bởi mỗi thời điểm, mỗi ngày có rất nhiều yếu tố tác động khiến việc chúng ta dễ dàng bị mất kiểm soát những gì đã đặt ra cố định theo thời gian. Hoặc đến thời gian đã đặt ra chúng ta cũng không đủ năng lượng để làm theo kế hoạch nữa. Dẫn đến việc quản lý thời gian trở nên khó khăn.
Mỗi người đều có 24h tuy nhiên mình để ý thấy rằng những người giỏi mà mình gặp thì họ lại không hề quản lý thời gian, mà đơn thuần họ quản lý công việc. Tức là họ ưu tiên những công việc khó vào đầu ngày và giải quyết nó.
Và khi mình tìm hiểu sâu hơn nữa thì mới biết tới hình thức quản lý năng lượng. Về bản chất thì:
+ Càng về cuối ngày năng lượng chúng ta càng giảm
+ Năng lượng càng giảm thì khả năng chống lại cám dỗ càng giảm
Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta không biết quản lý năng lượng tốt thì rất khó để công việc nào đó hoàn thành. Chúng ta cần biết năng lượng của bản thân ở mỗi thời điểm trong ngày phù hợp với loại công việc nào để chúng ta giải quyết cho phù hợp.
Mình đã viết chi tiết cách thức để bạn có thể áp dụng tại bài này, bạn có thể tham khảo nhé: https://cuongdigital.substack.com/p/cach-toi-uu-nang-luong-lam-viec-hon
*** Don't Use Time Counting - Không tính thời gian
Đi kèm với việc quản lý thời gian mà chúng ta thường làm đó là đặt một mốc thời gian cố định cho những việc chúng ta làm. Ví dụ như đi tập gym 50 phút, đọc sách 30 phút, viết bài 20 phút,...
Trước kia mình có đặt như vậy. Tuy nhiên có 2 cảm giác mà mình thường gặp phải đó là:
+ Nếu không hoàn thành mốc thời gian đó thì mình chưa đủ tốt, chưa đủ kiên trì,...
+ Mình đang cố ép bản thân vào khuôn khổ với những việc mình thích
Nhưng tại sao lại phải làm như vậy? Mình làm điều này vì sức khỏe, kiến thức hay là vì con số? Tại sao có những lúc mình tập thể dục lâu hơn, đọc sách lâu hơn mà mình không để ý. Rõ ràng là việc dù mình có tập thể dục 5 phút đi chăng nữa còn tốt hơn là không tập rồi, không nhất thiết là phải 50 hay 100 phút.
Tức có nghĩa rằng việc mình làm nó đã đủ tốt rồi. Cuộc sống này đâu có vận hành 1+1=2 được. Nếu mình quá gò ép bản thân thì không khác gì mình đang trở thành 1 con rô bốt làm theo mệnh lệnh.
Không sử dụng đếm thời gian là cách mình làm hiện tại cho tất cả các công việc hay thói quen hàng ngày của mình. Nếu bạn để ý kỹ thì năng lực, khả năng, kinh nghiệm hiện tại của chúng ta sẽ phản ánh qua thời gian chúng ta làm một việc gì đó cụ thể rồi, đâu có thể ép nó nhanh hơn được. Mà càng ép nó thì kết quả càng không tốt.
*** Acceptance & Forgive - Chấp nhận & Tha thứ
Một trong những lý do khiến cho chúng ta có xu hướng ép bản thân làm việc nhiều hơn là bởi có cảm giác tội lỗi với những việc trước đó chúng ta chưa hoàn thành.
Hay nói cách khác là bù vào những thời gian lãng phí trước đây.
Nhưng để công bằng mà nói thì dù chúng ta cố ép bản thân bao nhiêu đi chăng nữa thì giữa kỳ vọng và năng lực thực tế nó luôn ở một khoảng cách rất xa. Như mình nói ở trên thì năng lực hiện tại như nào nó phản ánh đúng y như vậy.
Điều quan trọng là chúng ta cần biết mình sai ở đâu, mình học được gì vậy là được rồi.
Chấp nhận năng lực hiện tại và tha thứ cho chính những lỗi lầm của bản thân là một bước cần phải có để chúng ta phát triển. Hay có một câu nói mình khá thích đó là khi biết chấp nhận cái tôi rồi thì thời điểm đó mới chính là lúc chúng ta bước ra khỏi cái tôi.
Chúng ta biết cách chấp nhận và tha thứ cho bản thân cũng chính là lúc chúng ta biết cách làm điều đó với người khác. Đến lúc đó chúng ta mới biết để bao dung, rộng lượng, yêu thương người khác được. Và đây cũng chính là điểm cốt lõi để xây dựng được những mối quan hệ tốt - 1 trong 3 trụ cột của hạnh phúc.
*** Power of No - Nói KHÔNG
Mình nghĩ bạn cũng biết phương pháp này. Tuy nhiên một điều quan trọng hơn bạn sẽ không để ý đó là tính cộng dồn.
Việc nói không cũng quan trọng y như việc nói có.
Chúng ta thường xuyên gặp một vấn đề đó là cam kết quá mức.
Khi chúng ta nói có với nhiều công việc nhỏ thì hiệu ứng cộng dồn sẽ phát huy về sau này.
Nếu bạn để ý thì đôi khi mình chỉ giúp đỡ người này một chút, chạy qua làm dự án khác một chút, đi ăn nhậu chỉ một chút. Tức là tính tại thời điểm hiện tại thì nó không có tác động lớn. Tuy nhiên những cái một chút đấy khi được tích góp thì nó sẽ khiến chúng ta đi xa ra khỏi mục tiêu cũng như ôm đồm quá nhiều việc vào người lúc nào không biết.
Việc bạn đồng ý bất kỳ công việc gì rồi hy vọng kết quả về sau trừ khi nó đang đi đúng hướng với mục tiêu của bạn, còn không thì nó sẽ không bao giờ có giá trị với bản thân bạn. Thực sự điều này hơi một mất một còn tuy nhiên nếu bạn thỏa hiệp với bản thân những lựa chọn nhỏ thì về sau nó sẽ có tác động rất lớn tới cuộc sống của bạn đó ha.
-
Để giải quyết trạng thái 2 (do không nghỉ ngơi đúng), bạn có thể thử 4 cách sau:
*** Dopamine Detox
Về bản chất tinh thần, cảm xúc, năng lượng của chúng ta sẽ dựa trên 4 hormones: Endorphins, Serotonin, Dopamine, Oxytocin. Và cuộc sống thường ngày chúng ta tiếp xúc nhiều nhất là Dopamine.
Khi bạn trải nghiệm một thứ gì đó dẫn đến vui vẻ, vui sướng, thỏa mãn,... thì trong thời điểm này dopamine sẽ được giải phóng ra để bạn có những cảm xúc đó. Sau thời điểm đó thì mức dopamine sẽ giảm xuống thấp hơn mức cơ bản.
Những hình thức giải trí chúng ta tiếp xúc thường ngày có thể kể đến như: Đồ ăn không lành mạnh, chất kích thích, giải trí mạng xã hội, xem phim, đọc truyện, âm nhạc,...
Cái vấn đề ở đây không phải hình thức giải trí - hình thức đó không xấu. Tuy nhiên nó sẽ điều khiển ngược lại hành vi, khiến chúng ta cứ bị cuốn sâu vào các hình thức đó. Đồng thời cứ muốn nó được thỏa mãn nhiều hơn, tăng cấp độ cao hơn.
Dần dần khiến chúng ta không còn cảm hứng, năng lượng, hứng thú để làm những công việc thường ngày nữa.
Và điều bạn cần làm và nên làm bây giờ là thử nghiệm Dopamine Detox một khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể tìm hiểu cụm từ này trên Google và Youtube nha, có nhiều hướng dẫn lắm.
Để hiểu sâu hơn về phần này bạn đọc bài cũ của mình nha: https://cuongdigital.substack.com/p/khong-muon-lam-viec
*** CALM Activities
Đây là những hoạt động gì? Về bản chất đây là những hoạt động sáng tạo thỏa mãn các yếu tố sau:
Competence - Giúp bạn phát triển năng lực, kỹ năng nào đó
Autonomy - Bạn toàn quyền quyết định về kết quả và hành động
Liberty - Nó không phải là công việc mà bạn hoàn toàn tự do làm nó
Mellow - Giúp bạn thoải mái hơn và nó không có rủi ro
Những hoạt động CALM (nếu bạn muốn tìm hiểu sâu thêm thì có thể nhắn với mình nhé) đã được chứng minh sẽ mang lại cho bạn nhiều năng lượng, cảm hứng cũng như nâng cao tinh thần tích cực của bạn hơn.
Bài tập bạn có thể làm ở đây là liệt kê ra 10 hoạt động CALM của chính bạn, sau đó lựa chọn trong đó những hoạt động bạn có thể làm hàng tuần (thậm chí là hàng ngày). Không deadline, không mục tiêu, không con số cụ thể, chỉ đơn thuần bạn làm nó vậy là được rồi.
Nghe để thỏa mãn 4 gạch đầu dòng trên thì có thể hơi phức tạp, để giữ 1 keyword cho bạn dễ hiểu thì đó là một sở thích của bạn tạo ra một thứ gì đó. Mình ví dụ như đánh đàn, nấu ăn, vẽ tranh, từ thiện, làm nhạc, viết bài,...
*** Nature
Thiên nhiên giúp chúng ta chữa lành về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì khi chúng ta giảm được mức độ căng thẳng thì trao đổi chất cũng như hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể sẽ về trạng thái cân bằng.
Đây là lý do khi bạn đi bộ ở trong rừng, hay chăm sóc cây cối lại giúp bạn nhẹ nhõm nhiều đến như vậy.
Vì thế điều bạn có thể làm ngay bây giờ có thể là dành thời gian cuối tuần đi bộ công viên, mua cây về chăm ở bàn làm việc hay nghe âm thanh của thiên nhiên,... Bạn sẽ thấy bất ngờ khả năng hồi phục năng lượng của thiên nhiên tới bạn đấy :))
*** Do Nothing
Cho bạn nào không biết thì đây là cách mình thường làm nhất.
Đó là không làm gì cả :))
Chỉ là ngồi xuống và không làm bất kỳ điều gì hết.
Thông thường thì chúng ta rất dễ bị rối khi có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều việc cần phải làm xong. Và kết quả hầu hết là nó càng rối thêm khi không nhìn ra được gốc rễ của vấn đề.
Nếu để tính thời gian cho phép chúng ta dừng lại duy nhất đó là khi chúng ta đi ngủ, nhưng đó là lúc chúng ta không có ý thức được nữa rồi. Nếu chúng ta sống trong một ngày bình thường thì sẽ tiếp xúc rất nhiều nguồn thông tin từ báo chí, mạng xã hội, đồng nghiệp, bạn bè, người thân,... Rất khó để chúng ta có thời gian để xử lý thông tin chứ chưa nói đến việc phân định được đâu là thông tin đúng.
Dần dần chúng ta sẽ bị quá tải thông tin rồi dẫn đến cạn kiệt sức lực về cả cảm xúc, tinh thần lẫn tâm trí.
Nếu bạn dành cho bạn thân một thời gian không làm gì thì cũng chính là lúc bạn làm được nhiều nhất. Bởi chính lúc đó bạn mới biết đâu là con đường mình nên đi tiếp, đâu mới là cốt lõi của vấn đề.
-
Để giải quyết trạng thái 3 (do làm sai việc) thì mình hẹn bạn ở bài #6 - cũng như là bài cuối cùng trong chuỗi bài xây dựng Kế hoạch Hạnh phúc nha.
Mình hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn được phần nào trong việc tránh làm việc kiệt sức cũng như hồi phục được năng lượng trên chặng hành trình này.
Khi bạn thử nghiệm hãy ghi lại hành trình này vì biết đâu bạn sẽ tìm được cách hay ho hơn. Dù bạn làm bất kỳ cách nào thì hãy luôn để ý tới tâm - thân - trí của bản thân, vì mình nghĩ đây là điều cốt lõi khi bạn đưa ra quyết định.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/