Một trong những rào cản lớn nhất của chúng ta tới mục tiêu là bắt tay vào làm. Có 3 lý do phổ biến khiến việc này trở nên khó khăn:
1. Chờ mọi thứ hoàn hảo rồi mới bắt đầu
2. Công việc quá nhàm chán để bắt đầu
3. Công việc quá khó để bắt đầu
-
Để giải quyết lý do 1 (chờ sự hoàn hảo), bạn có thể thử 2 cách sau:
Fast Bad Wrong - Càng nhanh càng tốt, kết quả tệ cũng được, sai cũng chả sao
Mình đã có 1 bài viết chi tiết về tư duy này rồi. Ở bất kỳ công việc gì nếu tiếp cận với tư duy này thì bạn giống như một đứa trẻ trải nghiệm những thứ xung quanh nó. Không đánh giá, không phán xét, chỉ đơn thuần là trải nghiệm và học hỏi.
Nhưng điều thú vị là dù bạn bắt đầu với tư duy này đi chăng nữa thì kết quả bạn làm còn tốt hơn những gì bạn nghĩ.
Hầu hết kết quả công việc sẽ phản ánh năng lực của chúng ta hiện tại. Cho nên bạn không cần lo rằng nếu không chuẩn bị kỹ thì kết quả có tốt hay không. Trừ những quyết định liên quan tới việc chốt lời lỗ hay đầu tư, còn đa số công việc mình nghĩ chưa liên quan tới tiền bạc ngay lập tức (tức nó còn ảnh hưởng tới nhiều yếu tố).
Vì thế chúng ta sẽ tránh được tâm lý chờ mọi thứ hoàn hảo, dù sao như mình nói sai cũng được, kết quả tệ cũng chả sao mà :)) Cứ lao đầu vào làm không cần tính toán gì cả rồi bạn sẽ bất ngờ. Nếu bạn đọc những bài viết đầu tiên của mình chắc không nghĩ là mình viết đâu :))
5 Minutes Rule - Bắt đầu vào làm 5 phút
Dù bạn đang trì hoãn công việc gì từ viết bài, quay video, nghiên cứu, đọc tài liệu, đọc sách, làm đồ án,... thì hãy thử nhảy vào làm trong 5 phút.
Có một nghịch lý khá hay như thế này. Đó là chúng ta sẽ có năng lượng để làm việc hơn khi chúng ta bắt đầu làm việc. Tức là càng làm việc chúng ta lại càng muốn làm.
Có khá nhiều lần mình áp dụng cách này rất hiệu quả (hay ngay cả chính bài mình đang viết này). Ngồi vào chỉ 5 phút thôi thì sau đó mình sẽ tự vào flow làm việc luôn. Và việc ngồi xuống làm 5 phút nó siêu dễ luôn ấy.
Có một câu hỏi là: Nếu 5 phút sau bạn vẫn không có cảm hứng làm việc và đứng dậy luôn thì sao?
Bạn có để ý rằng là bạn đã vượt qua được rào cản của sự trì hoãn và tiến tới mục tiêu nhanh hơn 5 phút mỗi lần hay không. Dù 5 phút sau bạn bỏ không làm nữa thì bạn đã tốt hơn lúc đầu rồi phải không. Và với hàng chục, hàng trăm cái 5 phút đó là bạn đã hoàn thành được công việc rồi đó hehe.
-
Để giải quyết lý do 2 (công việc quá chán), bạn có thể thử 3 cách sau:
Parkinson’s Law - Tự đặt deadline sát cho mỗi đầu việc
Thông thường những công việc nhàm chán thì điều phổ biến sẽ xảy ra là chúng ta sẽ đợi sát ngày mới làm. Kiểu như chuyện thi cử là một ví dụ. Cứ đợi còn vài ba ngày mới lao đầu vào học.
Vì thế cho nên nếu bạn đặt cho mình deadline gần hơn thì khả năng cao bạn sẽ hoàn thành công việc đó. Điều kiện để đặt deadline này đó là: Gắn với 1 thứ bạn không thể dời deadline.
Ví dụ như chuyện thi cử không thể dời, nhắn tin với bạn của bạn nói rằng nếu dời thì trả 100k, đăng lên mạng xã hội bảo là nếu không làm thì bạn sẽ không đăng bài trong bao nhiêu tháng đó,...
Đương nhiên không phải mình bảo bạn là quá bắt ép hay quá tiêu cực tới việc đặt deadline như vậy. Cách này có thể phù hợp với số ít người. Tuy nhiên ý mình ở đây là bạn có thể trải nghiệm, vì nếu bạn thấy mình chỉ có deadline mới hoàn thành được thì mình nghĩ rất đáng để thử nha.
2 Days Rule - Không bỏ thói quen quá 2 ngày liên tiếp
Bạn có bao giờ dậy sớm, chạy bộ hay tập thể dục không. Mình nghĩ bạn sẽ có những chuỗi ngày dài rất chăm chỉ thực hiện những thói quen đó. Tuy nhiên nếu bạn bỏ đi một thời gian thì lại rất khó để quay trở lại.
“Một thời gian” thì cụ thể đó là 2 ngày liên tiếp.
Nếu bạn muốn duy trì thói quen hay một công việc (mà bạn nghĩ là nhàm chán) thì mình nghĩ cách này khá hiệu quả. Không quan trọng là mỗi lần bạn duy trì thói quen đó trong 3 phút, 5 phút/ ngày (ví dụ như chuyện đọc sách 3 trang/ ngày hoàn toàn được). Miễn là bạn duy trì thói quen (không bỏ trong 2 ngày liên tiếp) thì nó sẽ dần dần vừa tăng thời gian, vừa tăng chất lượng.
Environmental Friction - Loại bỏ những cản trở từ môi trường
Khi chúng ta mệt hay suy nghĩ quá nhiều thì sẽ dẫn đến một trạng thái thả trôi theo dòng nước :)) Chúng ta sẽ chỉ đơn thuần lao vào những thứ trong tầm với. Điều này có nghĩa là nếu trước mắt chúng ta là điện thoại, TV, truyện tranh, đồ ăn,... thì khả năng cao chúng ta sẽ sử dụng những thứ đó.
Chúng ta bảo là sẽ thực hiện viết bài, tập thể dục hay quay video. Nhưng thực tế là folder bài viết để ở nơi siêu khó tìm, giày tập thể dục cất trong ngăn tủ khóa, máy quay video thì để đâu quên rồi,... Tức là môi trường đang được thiết kế tạo ra rất nhiều rào cản để chúng ta thực hiện điều chúng ta muốn.
Như mình nói ở trên là khi trôi theo dòng nước thì nước bị cản ở đâu nó sẽ rẽ qua đường khác :)) Vậy cho nên điều bạn có thể làm đó là đưa những thứ bạn muốn làm ra trước mặt và để những thứ bạn muốn tránh vào nơi khó để tìm nhất.
Mình ví dụ đưa giày tập thể dục ra trước cửa ra vào, để điện thoại vào tủ khóa và chìa khóa tủ lại cất trong cốp xe :)) Ví dụ thôi để bạn biết khi thay đổi môi trường bạn sẽ thấy mình sẽ làm điều trước mắt.
-
Để giải quyết lý do 3 (công việc quá khó), bạn có thể thử 2 cách sau:
Next Action Step - Chỉ 1 bước tiếp theo
Đây là một trong những cách mình áp dụng nhiều nhất đối với những công việc khó. Trước kia để bảo mình quay video thì kiểu như trì hoãn chắc vài tháng luôn ấy chứ.
Nhưng nếu mình thử chia nhỏ, thực ra là siêu siêu nhỏ các bước thì lại có thể hoàn thành được một cách dễ dàng. Mình ví dụ như bước lên kịch bản thì bạn nghĩ bước đầu tiên của nó là gì?
Có thể bạn đang nghĩ là tìm ý tưởng, lên khung kịch bản, ngồi viết theo đề mục đúng không? Thực ra nó vẫn chưa phải là việc nhỏ, bởi nếu bạn để ý thì vẫn thấy nó khó thôi.
Mà điều cần làm là xem đầu công việc lên ý tưởng nó có thể chia nhỏ được không. Thì việc của nó là xem video cùng ý tưởng, đọc sách cùng ý tưởng, tìm tài liệu,...
Chia nhỏ ra hơn nữa là tìm ở đâu, tìm video nào, bao nhiêu phút,...
Chia nhỏ ra hơn nữa là ngồi không gian nào để tìm kiếm, tìm vào lúc nào trong ngày,...
Chia nhỏ ra hơn nữa là lên lịch để thực hiện, ngồi vào bàn làm việc,...
Tức là bạn thấy điều thú vị là gì không, đó là việc đơn giản bây giờ mình cần làm là ngồi vào bàn thôi :)) Xong rồi. Nó không còn là việc khó nữa, chỉ cần làm từng việc nhỏ thì cuối cùng việc khó sẽ hoàn thành thôi.
Champion Proof - Động lực dành cho bản thân
Điều này mình đã đề cập phía trên rồi, đó là nói về việc khi chúng ta làm việc nó sẽ tạo nên động lực để làm việc tiếp.
Để có thể duy trì được động lực này lâu dài bạn có thể viết lên những mục tiêu nhỏ của 1 công việc (như mình có chia nhỏ phía trên ý) ra một cuốn số hoặc một nơi bạn có thể lưu trữ được.
Một dấu tick hoàn thành của một mục tiêu nhỏ mỗi ngày sẽ tiếp cho bạn năng lượng để tiếp tục trên chặng đường này. Chỉ cần nho nhỏ ví dụ như hoàn thành việc ngồi làm việc 5 phút cũng tốt lắm rồi. Không quan trọng là bạn làm bao nhiêu, miễn là bạn đã bắt tay vào hành động là được rồi đó.
-
Vẫn như trên quan điểm cũ ở các bài trước mình nhấn mạnh, tất cả những cách trên chỉ đơn thuần đưa ra cho bạn để lựa chọn, để trải nghiệm. Đó không phải là cách duy nhất để bạn có động lực, năng lượng hay duy trì công việc đường dài.
Nó giống như các cách làm mà mình (và nhiều người) đã thử nghiệm rồi chia sẻ lại. Nó không phải tuyệt đối, vì mình nghĩ rằng với một công việc thì đều có rất nhiều cách làm khác nhau miễn là bạn đạt được điều bạn mong muốn.
Ở #5 mình sẽ giới thiệu cho bạn cách để tránh burnout cũng như hồi phục năng lượng trên chặng đường này.
Hẹn gặp bạn ở bài tiếp theo. Mình hy vọng bạn đã có thể bắt đầu hành động dựa trên 4 bài mình hướng dẫn rồi hehe. Nếu được bạn có thể chia sẻ lại cho mình hành trình bạn bắt đầu nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/