Sau khi có mục tiêu chi tiết dựa trên WHY và công thức NICE ở #2 thì bước tiếp theo là chúng ta cần xác định được những rào cản thường gặp trên chặng đường này.
2 List Quests Method.
Đây là phương pháp khá thú vị khi chia những công việc chúng ta đang và sẽ làm ra thành 2 danh sách.
Intrinsic Motivation: Những công việc mà động lực đến từ bên trong, được thúc đẩy bởi mong muốn hoàn thiện bản thân, sự tò mò và học hỏi về thế giới này.
External Motivation: Những công việc mà động lực đến từ bên ngoài, được thúc đẩy bởi phần thưởng, vật chất và sự chấp nhận của xã hội, của những người xung quanh.
Động lực đến từ bên trong luôn mạnh hơn và duy trì lâu dài hơn động lực từ bên ngoài.
Lý do là bởi động lực bên trong có thể được nuôi dưỡng bởi cảm giác độc lập/ tự chủ (ownership). Nói cách khác chúng ta sẽ có khả năng có nhiều năng lượng, sự hứng thú làm việc hơn khi nắm toàn quyền quyết định tới mục tiêu, cách thức, hành động, nguồn lực,...
Tuy nhiên vấn đề là chúng ta dễ dàng gộp chung tất cả những gì chúng ta đang làm. Điều này khiến cho đôi khi chúng ta cảm giác rất có cảm hứng, có lúc thì không muốn làm.
Khi chia rõ được các công việc hiện tại thành 2 danh sách chúng ta sẽ có cách quản lý năng lượng hay động lực một cách phù hợp.
Ví dụ chuyện đi làm khi mới ra trường, đa số trường hợp là External Motivation. Có thể đó là vì tiền lương, vì bằng bạn bằng bè, vì muốn có một công việc,... Tuy nhiên khi có được tiền vừa đủ, bạn bè cũng ko so sánh nữa thì chúng ta không có năng lượng hay động lực để đi làm nữa (tức là nó ko duy trì lâu dài).
Điểm đặc biệt ở đây khi chúng ta nhận biết được chuyện đi làm là động lực từ bên ngoài thì có thể phần nào điều hướng chúng qua Intrinsic Motivation. Ví dụ chúng ta sẽ khó có quyền thay đổi mục tiêu của cấp trên tuy nhiên chúng ta có quyền quyết định các chúng ta tiếp cận, học hỏi, cũng như thực thi mục tiêu đó. Hay nói cách khác là chúng ta có quyền sở hữu quá trình (ở tất cả các công việc).
Đôi khi bạn có thể nói là cấp trên sẽ bắt bạn đi theo 1 cách nào đó, tuy nhiên với kinh nghiệm bôn ba nhiều công ty của mình thì mình thấy rằng chỉ cần mục tiêu đạt được thì cấp trên không quan trọng việc bạn sẽ làm gì để đạt được (ý mình là theo hướng pháp luật cho phép nhé).
Hoặc một ví dụ khác như chuyện cưới xin, việc lấy chồng (vợ) là lấy cả gia đình nhà chồng (vợ). Chúng ta chọn được người chúng ta cưới nhưng không phải lúc nào cũng có được trọn vẹn cả gia đình nhà chồng (vợ) hiểu mình. Tuy nhiên chúng ta có thể quyết định được cách đối nhân xử thế với gia đình nhà chồng (vợ), có quyền quyết định ra ở riêng (nếu đủ kinh tế) hay sinh con lúc nào (rõ ràng),... Tức là chúng ta vẫn có nhiều quyền quyết định chứ không thể bảo cứ cưới rồi gia đình nhà chồng (vợ) toàn quyền được.
-
Một cách thức khác bạn có thể sử dụng (mình đã viết ở 1 bài cũ, bạn có thể đọc lại nếu muốn biết chi tiết nha) đó là chia danh sách các công việc hiện tại thành 3 mục (cái này là mình học từ chủ nghĩa khắc kỷ):
+ Công việc chúng ta kiểm soát được toàn phần => Tập trung toàn bộ sức lực
+ Công việc chúng ta kiểm soát được một phần => Tập trung những gì có thể làm
+ Công việc chúng ta không có quyền kiểm soát => Không cần quan tâm
-
Và tiếp theo đây là một số tư duy bạn có thể sử dụng để nhìn thế giới này bằng một góc nhìn khác. Một góc nhìn tươi vui hơn, nhẹ nhàng hơn, bình an hơn góp phần cho bản kế hoạch hạnh phúc này.
Embrace Your Curiosity.
Mình nghĩ bạn đã biết tới trạng thái Flow: Hoàn toàn tập trung, chìm đắm vào công việc mà bạn đang làm.
Mình thấy rằng tò mò là một trong những chìa khóa để mở được trạng thái này nhanh nhất.
Nếu bạn để ý thì lần gần nhất bạn thực sự tập trung vào một điều gì đó - chắc chắn là một điều bạn yêu thích. Và sự yêu thích này đến từ việc bạn đang tò mò điều đó có gì hay không, nếu tiếp tục làm thêm nó sẽ ra cái gì, nếu bạn hoàn thành chắc sẽ giúp bản thân phát triển nhiều lắm,...
Trẻ con là một trường hợp vào flow bất kỳ lúc nào - Bởi chúng có sự tò mò bất kỳ những thứ gì xung quanh. Lúc nó chơi hay làm điều gì đó thì chúng nó quên hết thời gian, quên hết sự khó khăn, quên hết mệt mỏi.
Và đây chính là tư duy mình luôn cố gắng nhắc nhở bản thân rằng hãy để sự tò mò dẫn lối bất kỳ những gì mình làm.
-
Beginner Mind.
Đi kèm với tính tò mò đó là sự đón nhận thế giới như một đứa trẻ. Lại là trẻ con :))
Một trong những rào cản lớn nhất khiến chúng ta bắt đầu 1 điều gì mới đó là sự thất bại. Và rào cản này càng ngày càng lớn khi chúng ta càng lớn tuổi.
Có một trạng thái mình đã đề cập đó là đồng hóa cảm xúc. Có nghĩa là cảm giác thất bại ở mỗi điều chúng ta làm là như nhau nếu không gọi tên được cái sự thất bại đó ra. Việc chúng ta sợ thất bại khi bắt đầu kinh doanh cũng giống như chúng ta sợ khi cầm mic nói trước nhiều người. Nhưng nếu chúng ta thật sự ngồi lại và gọi tên được những sự thất bại đó ra thì bạn sẽ thấy được điều bất ngờ.
1. Chúng ta liệu sẽ mất gì khi thất bại?
2. Đối với một đứa trẻ thì nó sẽ tiếp cận chuyện này như thế nào?
Câu hỏi đầu tiên giúp chúng ta nhìn thấy rõ được tác động thực sự của thất bại tới cuộc sống hiện tại, và câu trả lời của đa số trường hợp là chúng ta cũng không mất nhiều lắm :))
Câu hỏi thứ hai sẽ giúp chúng ta thấy được rằng về bản chất thì trẻ con không ngại bất kỳ điều gì bởi chúng không có nghĩ tới sự đánh giá của người xung quanh. Và sự thật là kể cả người lớn cũng không đánh giá bạn nhiều như bạn nghĩ, họ cũng chỉ đang quan tâm tới chính bản thân họ và họ cũng đang quan tâm tới người khác nghĩ gì về họ thôi :))
Ngoài ra một đứa trẻ sẽ tiếp cận trên tâm thế là trải nghiệm, sai sửa, đúng chơi tiếp, cứ vậy ngày này qua tháng nó mà không có quan tâm rằng chúng đã sai bao nhiêu lần.
Liệu chúng ta có mất thời gian khi cứ trải nghiệm và thử sai như vậy? Còn mình thì thấy câu hỏi đúng hơi là: Liệu chúng ta mất gì khi không dám thử điều mà chúng ta muốn?
Thời gian chúng ta cân nhắc là chọn con đường nào đúng thì chúng ta đã mất đi cơ hội biết con đường nào sai rồi :)) Cái này hay à nha. Thực ra đúng hay không đúng thì phải thật sự chúng ta lội chân xuống nước mới biết được. Và có một khoảng cách rất xa giữa những gì chúng ta đang nghĩ và năng lực thực tế của bản thân.
Một đứa trẻ nào cũng cần học theo thứ tự lăn, bò, đi, chạy cả. Cho nên tất cả những gì chúng ta đang làm, đang trải nghiệm (dù có sai) đều là một bước cần phải có để chúng ta tiến tới bước tiếp theo.
-
Enjoy the Process. Not the Outcome.
Tư duy phía trên sẽ khớp với 2 phần mà mình đã đề cập ở #1 (A Happy Day) và #2 (NICE Goals). Nhưng mình vẫn muốn nhấn mạnh lại vì nó quan trọng.
Tận hưởng quá trình chứ không phải đích đến.
Tận hưởng ở đây tức có nghĩa là việc chúng ta thật sự sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Thực sự là chúng ta đang sống trong từng khoảnh khắc của hiện tại chứ không phải quá khứ hay tương lai.
Nếu chúng ta thật sự không hài lòng, vui vẻ với những điều chúng ta đang làm thì liệu chúng ta có thật sự cảm thấy vui khi đạt được điều gì sau đó? Nếu vui khi đạt kết quả thì được bao lâu?
Và nếu không vui trong quá trình thì liệu có đủ năng lượng để đạt được điều chúng ta muốn?
Vui hay không vui ở đây ý mình không đồng nghĩa với công việc thích hay không thích. Chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui và năng lượng trong những việc chúng ta không thích. Bởi vì mình thấy rằng chúng ta sẽ không thích việc chúng ta không giỏi và ngược lại. Tức là thích hay không thích ở đây đa số trường hợp là nó sẽ so sánh tương quan với năng lực, kỹ năng chúng ta hiện tại.
Còn vui với không vui ở đây nó là cách chúng ta nhìn nhận (hay nói cách khác là tư duy) về công việc hay sự vật, hiện tượng.
Nhưng mình tin một điều rằng nếu bạn bắt đầu từ bài #1 thì việc thiết kế lên một bản kế hoạch hạnh phúc mà bạn tận hưởng quá trình không phải là việc khó.
-
Don’t Be Serious. Be Sincere.
Ê. Sao nhiều thế :)) Đúng đó. Như mình nói là hạnh phúc nó sẽ có thước đo và công thức tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với chuyện nó chỉ là những thứ đơn giản.
Có một tư duy mình thấy rất thích khi mình tìm hiểu được đó là đừng có nghiêm túc quá mà hãy để cái tâm chân thành tới với cuộc sống này.
Nếu câu này đứng riêng ra ngoài thì nó khá mâu thuẫn với việc mình bảo bạn đặt mục tiêu hay lên kế hoạch. Tuy nhiên nó khi nó đứng chung lại đồng nhất với quan điểm của mình. Tại vì sao lại như vậy?
Như ngay từ ban đầu mình nói đó là tất cả những gì mình đang cố gắng truyền tải trong những bài viết này đó là tư duy nền tảng, lý do tại sao chúng ta cảm thấy sai sai nhưng không biết nằm ở đâu. Nhiệm vụ của mình là gọi tên những thứ đó ra để bạn có thể định hình và học cách để sắp xếp những thứ đó theo cách bạn muốn.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn hiểu điều cốt lõi mà mình muốn truyền tải thì bạn đi theo cách nào hay thử nghiệm hình thức nào cũng được. Điều đó không quan trọng bằng việc là bạn tạo ra con đường chính bản thân bạn muốn.
Cuộc sống này với mình nhiều màu sắc lắm.
Mình cũng chỉ là một màu trong hàng tỷ màu sắc ngoài kia. Chúng ta giống nhau và chúng ta cũng không giống nhau.
Hẹn gặp bạn ở bài tiếp theo, chúng ta bắt đầu xắn tay áo lên và vào việc :)) Mình nghĩ bạn đã sẵn sàng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/