Ở #1 mình nghĩ bạn đã phần nào hình dung ra được điều bản thân mong muốn là gì. Bước tiếp theo chúng ta cần làm là định hình rõ ràng được những mục tiêu hướng tới mong muốn đó.
Có 2 lỗi phổ biến khi đặt mục tiêu mà mình trước kia mắc phải đó là:
1. Tập trung quá nhiều mục tiêu tại cùng một thời điểm. Điều này khiến phân tán năng lượng và sự tập trung ở nhiều công việc.
2. Quên đi những mục tiêu mình đã đặt ra ngay từ ban đầu và theo đuổi một điều khác chỉ đơn giản vì những lợi ích trước mắt.
Hai lỗi trên khiến mình cứ đi vào vòng xoáy của việc burnout cũng như mất phương hướng cuộc sống.
Chúng ta mong muốn hướng tới một cuộc sống hạnh phúc thì cần tiền bạc, sức khỏe, các mối quan hệ lành mạnh.
Nhưng bây giờ nên lựa chọn mục tiêu nào hay ưu tiên cái gì trước cái gì sau? Hay nên làm cùng lúc cả 3 khía cạnh đó?
Bước đầu tiên là xác định vị trí hiện tại của bản thân ở các khía cạnh đó.
The Wheel Of Life.
Bạn hãy sử dụng bánh xe cuộc sống để xác định điều trên. Chúng ta sẽ chia cuộc sống thành 3 khía cạnh lớn và mỗi khía cạnh đấy lại chia nhỏ ra thêm 3 nhánh.
1. Sức khỏe:
+ Tâm trí
+ Tinh thần
+ Cơ thể
2. Mối quan hệ:
+ Tình cảm
+ Gia đình
+ Bạn bè
3. Sự nghiệp
+ Công việc
+ Tiền bạc
+ Sự phát triển
Bước tiếp theo bạn hãy đánh giá trên thang điểm 10 các khía cạnh trên ở năm trước đang ở mức nào.
Việc bạn cần làm tiếp đó là liệt kê ra 30 mục tiêu bạn mong muốn đạt được (không chỉ trong năm nay), rồi sắp xếp vào 9 mục trên. Lý do tại sao mình lại chọn con số 30 thì mình đã giải thích ở #1 rồi nha.
Mỗi mục tiêu chỉ cần 1 dòng bạn viết ra thôi nhé (chuyện chi tiết về cách thức lấy mục tiêu như thế nào thì mình sẽ có bài tập phía dưới)
Việc chọn 30 mục tiêu này bạn sẽ dựa vào thang điểm đánh giá năm trước phía trên, cùng những điều bạn mong muốn theo 4 phương pháp và những giá trị cốt lõi đã làm ở bài #1.
Sau đó bạn hãy chọn ra 10 mục tiêu, rồi tiếp tục chọn xuống 3-5 mục tiêu bạn muốn đạt được ở năm nay.
Để chọn được ra 3-5 mục tiêu này bạn hãy tự trả lời 1 câu là: Nếu đạt được những mục tiêu này vào năm nay thì liệu bản thân sẽ cảm thấy hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc hay trọn vẹn hay chưa? - Nếu câu trả lời là chưa thì bạn hãy chọn lại nha.
Nếu câu trả lời là có thì chúng ta qua bước tiếp theo.
-
2 List Goals Method.
Bạn hãy vẽ ra 2 cột.
1 cột là danh sách 3-5 mục tiêu mà bạn đã lựa chọn dồn phần lớn sự tập trung, thời gian, sức lực trong năm nay.
1 cột là danh sách những mục tiêu còn lại mà bạn nên TRÁNH bằng mọi giá :))
Nghe hơi tàn nhẫn nhưng sự thật là khi bạn cho phép bản thân rơi vào danh sách thứ 2 thì nó sẽ kéo bạn ra xa khỏi danh sách 1 - thứ mà bạn thật sự mong muốn trong năm nay. Bạn sẽ gặp 2 lỗi mà mình gặp phải đã đề cập ở đầu bài viết.
Đương nhiên danh sách 1 sẽ không phải cố định. Ở cuối chặng đường này (chắc sẽ là bài #5) mình sẽ cho bạn cách thức để điều chỉnh được danh sách 1 mà không bị mất phương hướng hay năng lượng nhé.
-
Bây giờ đến bước mình xem như là quan trọng nhất trong việc lên bản kế hoạch hạnh phúc này.
Đó là WHY - Lý do tại sao chúng ta lại làm những việc chúng ta đang làm.
Khi lên một mục tiêu về tài chính như việc “Tôi sẽ đạt được thu nhập 30 triệu/ tháng trong năm nay” thì khi được hỏi về lý do tại sao, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời phổ biến như: Vì mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, vì mong độc lập tài chính để tự do hơn,... Và thường thì kết quả chúng ta không có đủ động lực duy trì những việc cần làm, để đạt được mục tiêu đó.
Mục tiêu không sai, cái chưa đúng ở đây đó là nó chưa đủ để chạm tới cái WHY - Hay nói cách khác là chưa chạm tới nguồn năng lượng để giúp chúng ta duy trì được động lực.
Đấy chính là lý do tại sao bạn thấy có những người làm cha mẹ sẵn sàng hy sinh mồ hôi, nước mắt, công sức của mình cho con cái, những người làm thầy sẵn sàng hy sinh hàng trăm giờ để truyền đạt cho học sinh,... Đó là bởi họ có cái WHY đủ lớn, đủ chạm tới niềm tin hay giá trị cốt lõi sâu nhất ở trong họ.
Vậy làm thế nào để tìm ra cái WHY đấy?
The Five Whys.
Bí mật ở đây nằm ở việc trả lời câu hỏi Tại Sao (càng nhiều càng tốt) cho những mục tiêu ở danh sách cột 1 phía trên. Ở đây thì có một phương pháp là trả lời 5 lần (hoặc nhiều hơn) câu hỏi tại sao thì sẽ ra được cái WHY của chính bạn.
Ví dụ mục tiêu: Muốn đạt thu nhập 30 triệu/ tháng. Vì sao?
Vì muốn có nhiều tiền để mua sắm. Vì sao?
Vì muốn mua đồ đạc cho bố mẹ. Vì sao?
Vì thấy bố mẹ đang sống khổ cực quá nên thương. Vì sao?
Vì muốn thấy bố mẹ được sống vui, sống khỏe. Vì sao?
Vì muốn sống cùng bố mẹ càng lâu càng tốt, muốn báo đáp công ơn nuôi dưỡng.
Đương nhiên bạn cần phải thật lòng với bản thân những câu hỏi này. Liệu bố mẹ có cần mình mua hay không, mình đã hỏi bố mẹ cần gì chưa, liệu mình có phải cần những thứ đó để thực hiện cái WHY cuối cùng hay không,... Nếu không thì liệu mục tiêu đạt thu nhập có cần thiết hay không? Vậy sau đó bạn có thể chọn lại mục tiêu khác.
Đồng thời, bạn hãy sử dụng những cái WHY ở những câu hỏi cuối cùng mỗi mục tiêu, để đi so sánh với những giá trị cốt lõi mà bạn ưu tiên ở bài tập #1 nhé. Điều này sẽ giúp kiểm chứng lại với niềm tin của chính bạn.
Khi bạn tìm được cái WHY sâu nhất, đúng những thứ bạn mong muốn nhất thì mình nghĩ bạn sẽ thấy được mục tiêu nào là bản thân bạn thật sự muốn.
Vì thường những cái WHY sâu nhất đó nó không còn phù thuộc bởi truyền thông, mạng xã hội hay áp lực từ bạn bè nữa mà nó đi từ chính con người thật của bạn. Và khi bạn chọn những mục tiêu đó bạn sẽ hiểu tại sao nhiều người lại có nhiều năng lượng và động lực để làm việc tới như vậy.
-
Khi bạn đã trả lời rõ được những cái WHY của những mục tiêu phù hợp rồi, thì đã tới lúc chúng ta sẽ cần đưa ra danh sách những mục tiêu công việc nhỏ hơn cần đạt được.
Mình nghĩ chắc bạn đã nghe tới công thức SMART Goals (Specific, Measurable, Assignable, Relevant, Time-related).
Mình thường sử dụng công thức trên để đặt mục tiêu, nhưng một trong những điểm yếu của cách đặt mục tiêu này nó khiến mình quá ép mình trong khuôn khổ. Cũng như việc mình chỉ tập trung vào con số và bỏ quên đi cái WHY của mình. Rồi dần dần cứ trì hoãn rồi mất động lực, hứng thú hay niềm vui khi thực hiện.
Đương nhiên nó có thể phù hợp với người khác, nhưng với mình thì sau khi trải nghiệm nhiều lần mình đã thay đổi qua cách thức đặt mục tiêu khác đó là: NICE Goals
+ Near-term - Ngắn hạn: Bạn sẽ chia nhỏ theo tuần hoặc theo ngày - Điều này giúp bạn có động lực đạt được mục tiêu hơn thay vì nhìn một cái mục tiêu quá lớn theo năm hay theo quý.
+ Input-based - Dựa trên đầu vào: Tức là điều gì bạn cần làm mỗi ngày hoặc tuần để bạn đạt được mục tiêu bạn muốn. Ví dụ như mục tiêu là có thu nhập 15 triệu đầu tiên trên Tóp Tóp. Thì việc cần làm của bạn đó là sản xuất bao nhiêu nội dung và tự nhận đồ review của bao nhiêu shop trong 1 tuần.
+ Controllable - Kiểm soát được: Việc có thu nhập 15 triệu hay không điều đó phụ thuộc vào sản phẩm, thị trường, khách hàng. Việc bạn có thể kiểm soát được là chất lượng nội dung, số lượng nội dung cũng như khả năng thấu hiểu khách hàng, sản phẩm,... Vì thế nên tập trung vào những mục tiêu bạn toàn khả năng kiểm soát.
+ Energising - Tiếp thêm năng lượng: Một câu hỏi thôi đó là “Liệu những thứ bạn đã đặt ra sắp tới đây khi bạn làm nó bạn cảm thấy có thêm năng lượng hay chỉ thấy mệt mỏi và áp lực?” Vì hầu hết những việc mang lại cho bạn thêm năng lượng thì mới có thể duy trì lâu dài với nó được.
Sau đó bạn hãy đặt lịch những mục tiêu nhỏ này lên một nơi nào đó để bạn có thể vào xem hàng ngày được. Có thể là sổ tay, note trên máy điện thoại hay Google Sheets trên máy tính hen.
-
Tại sao lựa chọn lại quan trọng hơn nỗ lực? Mình nghĩ bạn đã phần nào trả lời được rồi.
Ở đây ý mình không nói nỗ lực không quan trọng, nó vẫn rất quan trọng tuy nhiên nếu bạn sử dụng sự nỗ lực đấy trên một con đường của sự áp lực, không hứng thú hay niềm vui thì liệu nó sẽ lấy năng lượng ở đâu để duy trì.
Có một câu mình thấy khá hay đó là: Sự khôn ngoan là việc chúng ta biết kết quả tương lai của những lựa chọn của chúng ta hiện tại.
Không phải câu hỏi là: “Liệu chúng ta có biết tương lai của những hành động hiện tại hay không”. Mà mình nghĩ câu hỏi đúng hơn đó là: “Liệu chúng ta có xem những kết quả của những hành động đó là điều quan trọng”
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một lựa chọn nhỏ thôi thì cũng không ảnh hưởng gì lắm đến tương lai, nhưng chỉ cần sự tác động nhỏ đấy cũng đủ để tạo con sóng lớn. Giống như hiệu ứng cánh bướm vậy.
Mỗi một lựa chọn chúng ta đưa ra trong quá khứ đều phù hợp ngay chính tại thời điểm đó. Nhưng phù hợp không đồng nghĩa với việc đó là lựa chọn duy nhất. Nếu chúng ta thời điểm hiện tại chủ động mở rộng góc nhìn, học hỏi thêm kiến thức, hết mình những trải nghiệm thì càng ngày càng có nhiều lựa chọn.
Ví dụ ngày xưa có thể bạn chỉ biết cách kiếm tiền duy nhất là đi làm, nhưng nếu chủ động học thêm về kinh tế thì bạn có thể biết đến nhiều cách khác như kinh doanh, đầu tư chủ động, đầu tư bị động, freelancer,...
Chỉ cần biết thêm 1 con đường thì cơ hội chúng ta đã được tăng thêm rồi ^^
Ở bài tiếp theo #3 chúng ta sẽ đi sâu hơn vào cái thứ gọi là động lực. Cái WHY ví như một đích đến tuy nhiên trên con đường đấy chúng ta gặp nhiều vật cản, vậy liệu có thể gọi tên chúng được không? Đồng thời những tư duy cần xây dựng để có thể vững bước hơn. Hẹn bạn ở bài kế tiếp nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/