Hãy trở thành một nhà khoa học. Các nhà khoa học đều phải thử nghiệm rất nhiều mới đưa ra kết luận chính xác (hoặc không :)) vì nó chỉ đúng tại thời điểm đưa ra kết luận).
Một bản kế hoạch hạnh phúc không phải chúng ta làm 1 lần là xong. Điều quan trọng là tất cả những gì sắp tới đây đều là bước thử nghiệm. Không có đúng hay sai khi chúng ta viết ra mục tiêu hay vẽ nên con đường.
Tất cả những mục tiêu chúng ta đang có trong suy nghĩ hiện tại đều được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố như: Thế giới quan, hoàn cảnh, tư duy, kinh nghiệm, quan điểm,... Chỉ cần thay đổi 1 yếu tố thôi thì các yếu tố còn lại đều bị tác động rất lớn. Ví như chuyện chúng ta chia tay một mối tình thì mục tiêu chúng ta đã có thể thay đổi 180 độ rồi.
Mình sẽ giúp bạn có được những phương pháp để dù bạn đang ở đâu trên chặng hành trình này hay bạn là ai đều có thể tự lên được kế hoạch hạnh phúc riêng mình. Chúng ta có thể làm lại bản kế hoạch hàng năm hoặc hàng quý vì cuộc đời này nhiều màu sắc lắm.
Ok. Chúng ta bắt đầu hành trình này ha.
-
Bạn muốn điều gì? Các câu trả lời hầu hết sẽ có ý về mức thu nhập, độc lập tài chính, vị trí công việc. Tạm thời chưa bàn đến chuyện đúng sai về câu trả lời này, nhưng có một câu hỏi khá thú vị là bạn sẽ mong muốn mọi người nhắc tới bạn điều gì sau khi bạn đã đi tới điểm kết cuộc đời?
Nếu đối chiếu câu trả lời phía trên thì chúng ta có thể nhận được một số lời bày tỏ của mọi người như:
+ Bạn là một người kiếm được nhiều tiền và đã có khả năng độc lập tài chính
+ Bạn là một người có chức vụ cao trong một công ty nọ
Mình thấy bạn nhìn được chỗ sai sai nào ở đây rồi. Mình nghĩ chỉ cần tưởng tượng thôi thì chúng ta sẽ thấy hầu hết mọi người sẽ nói những câu như:
+ Bạn là một người có trách nhiệm, luôn hết mình trong công việc
+ Bạn là một người bạn biết lắng nghe, ở bên cạnh mọi người khi họ cần
+ Bạn là một người cha quan tâm, thấu hiểu và biết cách để đồng hành cùng gia đình
Có một nơi đã xảy ra một trận động đất khiến nhiều người thiệt mạng. Có những người còn sống sót thì một thời gian sau đó họ đã được một đội nghiên cứu phỏng vấn về việc đặt mục tiêu. Thì tất cả những người trải qua lằn ranh của sự sống và cái chết họ đã chuyển mục tiêu của họ khác hẳn so với ban đầu. Họ tập trung vào trải nghiệm, niềm vui, mối quan hệ, kỹ năng hơn là vật chất.
Chúng ta không cần trải qua lằn ranh đó để biết điều gì là quan trọng. Phương pháp đầu tiên mình muốn đưa tới bạn là The Obituary Method - Nói cách khác là: “Bản cáo phó của chính bạn”. Bạn mong muốn mọi người sẽ nhớ tới bạn điều gì?
Ở đây có một quan điểm tương tự đó là Legacy - Tức là những di sản mà bạn sẽ để lại sau này. Như các trường hợp như Steve Jobs hay Albert Einstein. Trừ những người họ muốn thay đổi thế giới, còn mình thấy bản thân là một người bình thường, mình không nhất thiết phải để lại di sản hay hướng tới một mục tiêu lớn gì cả. Thường thì mục tiêu lớn quá mình dễ nản mà bỏ, hoặc là mình bị quá áp lực mà bỏ.
Tại sao lại cần nghĩ tới điểm cuối cùng?
Vì khi nghĩ tới điểm đó chúng ta sẽ tập trung làm những điều mà chúng ta thật sự mong muốn, để đến cuối cùng hài lòng vì đã sống trọn vẹn.
Một đời người là bao lâu? Có ngắn, có dài mình không biết, vậy thì tại sao chúng ta lại đợi chờ một thời điểm nào đấy để làm được điều mình muốn.
Muốn dẫn ba mẹ đi du lịch thì chúng ta nghĩ bản thân phải lao đầu vào kiếm tiền, nhưng bao giờ đủ, bao giờ mới dẫn ba mẹ đi. Chúng ta muốn dẫn ba mẹ đi du lịch chẳng phải đơn giản chỉ là gần gũi hơn, trò chuyện hơn với ba mẹ thôi thì đâu nhất thiết phải đi xa. Chỉ cần nghỉ 1-2 ngày đi ba mẹ ra công viên gần nhà đi dạo, cắm trại vậy là đạt được rồi đúng không.
Khi bạn thực hiện The Obituary Method bạn sẽ biết về cuối cùng điều gì là quan trọng đối với chính bạn.
-
Phương pháp tiếp theo bạn có thể sử dụng là Fast Forward Test.
Cuộc đời như một dòng quảng cáo vậy liệu bạn có ấn nút skip :))
Cái này hay nè. Chúng ta lúc xem youtube thì khi quảng cáo hiện lên là chờ để ấn nút skip cho lẹ để xem tiếp.
Đối chiếu với những gì bạn đang làm hiện tại thì liệu bạn có muốn ấn nút skip tới phần kết quả hay không?
+ Nếu có tức có nghĩa bạn chỉ đang quan tâm tới kết quả cuối cùng mà không hề muốn làm những công việc hiện tại.
+ Nếu không tức có nghĩa là bạn vẫn quan tâm tới kết quả nhưng bạn không hề muốn bỏ qua quá trình làm những công việc đó vì bạn cảm thấy vui vẻ, nhiều năng lượng và đủ đầy.
Tức là nếu bạn không hề muốn làm thì khả năng bạn đạt được kết quả cuối là cực kỳ thấp vì sự tập trung, năng lượng, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề đều không được sử dụng. Bạn chỉ đơn thuần muốn làm xong cho nhanh để đạt được cái bạn muốn thì cái thứ đấy lại càng xa tầm với …
Phương pháp này sẽ giúp bạn đánh giá lại những thứ bạn đang làm có thật sự là thứ bạn muốn hay không.
-
Tiếp đến chúng ta sẽ đến một phương pháp có tên là The Odyssey Plan. Về cơ bản bạn cần trả lời 3 câu hỏi chính.
1. Viết ra chi tiết cuộc sống của bạn sẽ như thế nào sau 5 năm nữa nếu bạn tiếp tục đi theo con đường hiện tại.
2. Viết ra chi tiết cuộc sống của bạn sẽ như thế nào sau 5 năm nữa nếu bạn đi theo một con đường hoàn toàn khác.
3. Viết ra chi tiết cuộc sống của bạn sẽ như thế nào sau 5 năm nữa nếu tiền bạc, trách nhiệm và những gì mọi người nghĩ về bạn không quan trọng nữa.
Đây là bài tập giúp bạn có được góc nhìn khác so với cuộc sống hiện tại. Hay nói vui nếu là bạn ở vũ trụ khác thì bạn là ai, đang làm gì. Điều này giúp bạn mở rộng cơ hội ở các con đường khác hơn thay vì chỉ chăm chăm đi trên con đường hiện tại.
Chúng ta dễ bị cuốn vào vòng xoáy xã hội này để rồi mất đi con người thật của mình.
Một con đường khác, một cơ hội khác đôi khi sẽ giúp mỗi người tìm về chữ thật nhanh hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn.
Giống như việc nếu mình không dừng lại hỏi (sau 2 năm) thì chắc bây giờ mình vẫn đang làm nghề kiểm toán. Và bây giờ mình tự tin nói rằng con đường đó không phải dành cho mình.
-
Và một trong những phương pháp mình thích nhất và làm thường xuyên nhất là: A Happy Day
Nếu được chọn 1 ngày lặp đi lặp lại cho đến cuối đời thì bạn sẽ hình dung ngày đấy như thế nào? Bạn làm gì, chơi gì, với ai, vào thời gian nào, ở đâu,...
Nên viết càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Từng mốc thời gian cụ thể trong ngày. Sáng dậy mấy giờ, làm gì, sau đó làm gì cho tới lúc đi ngủ.
Tại sao mình lại thích phương pháp này.
Bởi vì nó vừa là cái ngắn hạn, vừa là cái dài hạn.
Ngắn hạn ở đây là chúng ta đều đang sống ở thời điểm hiện tại và mỗi ngày. Việc chúng ta làm mỗi ngày có phải điều chúng ta muốn làm hay không.
Dài hạn ở đây có nghĩa là dù chúng ta đạt được bất kỳ mục tiêu nào chúng ta đang nghĩ trong cuộc sống thì 10 hay 20 năm nữa chúng ta đều sống trong 1 ngày.
Những thứ chúng ta đạt được thì nó có thể khiến chúng ta vui tại thời điểm đó nhưng rồi vẫn quay lại cuộc sống mỗi ngày. Liệu nó có đủ đầy và hạnh phúc hay không. Nếu không, thì việc chúng ta đạt được gì đó đâu có quan trọng. Và nếu có, việc chúng ta đạt được gì đó cũng đâu có quan trọng.
Khi lên chức từ quản lý lên giám đốc nhưng nếu A Happy Day trở thành A Stressful Day liệu chúng ta có muốn?
-
1. The Obituary Method
2. Fast Forward Test
3. The Odyssey Plan
4. A Happy Day
Bạn có thể làm 1 trong 4 phương pháp trên, nhưng theo mình thì nên làm cả 4 phương pháp vì lúc đó bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn rất nhiều về cái bạn thật sự muốn.
Ở #1 này nhiệm vụ của mình là giúp bạn đứng ra xa và nhìn toàn diện về cuộc sống của bạn hiện tại nó đang như thế nào.
Nó không phải chuyện là: “Ơ, sau khi làm xong mình thấy con đường này không đúng rồi ngày mai chuyển đường luôn.”
Hiện tại việc của bạn làm là quan sát. Việc bạn nhìn rõ được con đường hiện tại cũng như tiềm năng của các con đường khác là bước đầu tiên. Bạn cứ làm từng bước một, để nhìn ra được thì bạn cần chấp nhận những gì hiện tại cũng như lắng nghe suy nghĩ, cảm xúc, trái tim của chính mình.
Bộ phim với bạn là nhân vật chính. Hiện tại bạn đang lên kịch bản thôi cho nên cứ từ từ nhé.
Sau khi làm xong 1 hoặc cả 4 phương pháp trên bạn hãy liệt kê ra danh sách 30 giá trị cốt lõi. Sau đó bạn sắp xếp 30 giá trị này theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Ưu tiên cao nhất là điều bạn không thỏa hiệp với bản thân.
Tại sao điều này lại cần thiết?
Có phải có nhiều lúc bạn không biết rõ tại sao mình lại làm điều này. Tại sao mình lại đưa ra lựa chọn đó. Tại sao mình lại cam chịu như vậy. Tại sao mình lại cảm thấy không ổn.
Có một thứ mà chúng ta xem nhẹ đó là trực giác.
Trực giác chính là chuyện chúng ta chạm vào những giá trị cốt lõi của mình. Bởi những giá trị cốt lõi này được hình thành bởi tư duy, góc nhìn, quan điểm, trải nghiệm quá khứ,... hay nói cách khác là bản thể riêng của mỗi người.
Khi chúng ta đưa ra quyết định mà bỏ qua trực giác thì sau đây bạn sẽ cảm thấy không đúng. Lý do bởi chúng vi phạm vào giá trị bạn tin tưởng, chúng ta sẽ không làm những chuyện chúng ta không có niềm tin.
Vậy nên điều cần làm bây giờ là gọi tên những giá trị cốt lõi đấy ra để khi ra quyết định bạn đều đi theo trực giác của bản thân.
Tại sao lại là con số 30? (Con số này sẽ lặp lại vài lần trong các bài tập của mình nha)
Nếu điền 10 thì có thể dễ dàng làm được, điền tới 20 là đã có sự cố gắng rồi nhưng tới số 30 là nó đòi hỏi sự phá giới hạn.
Với một số người thì con số 30 không phải là chuyện khó. Nhưng với đa số khi tiếp xúc với những công nghệ hay dịch vụ nhanh chóng như hiện nay thì con số này không phải chuyện dễ.
Cái chính là mình muốn bạn nghiêm túc để đào sâu hiểu bản thân hơn, đặt chân đến những vùng tối của bản thân hơn. Khi chúng ta đi ra khỏi giới hạn thì mình tin chắc rằng con số 30 là nhỏ.
Còn cụ thể với giá trị cốt lõi nếu bạn chưa hình dung được thì để có list gợi ý bạn có thể lên Google gõ từ khóa nha (ví dụ như core values list)
Danh sách 30 giá trị cốt lõi này là tiền đề để lựa chọn mục tiêu ở Happy Plans #2.
Hẹn gặp lại bạn ở bài sau nhé. Hy vọng bạn sẽ trở thành nhà khoa học cùng với mình để thiết kế lên kế hoạch hạnh phúc.
Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/