Một ngày mùa hè hai năm trước, căn chung cư của em mình bốc cháy. Khi cậu đang chạy xe ngoài đường, quản lý chung cư gọi điện thông báo vội vã. Đám cháy không lan sang nhà bên cạnh, như thể nó được giao việc ở một căn phòng duy nhất và cố gắng hết sức hoàn thành thật gọn ghẽ. Tất cả đồ đạc bị cháy rụi. Em mình trở về, đứng giữa căn phòng như vừa bước vào một bức vẽ than chì, cảm giác từa tựa như cậu vừa mất đi tất cả, dù tất nhiên không phải thế. Nhưng khi những thiết bị lưu trữ thông tin, chứa toàn bộ hình chụp gia đình, bạn bè và chính mình bị xóa sạch, trong thời đại kí ức được số hóa này, thì cảm giác cũng tương đương như chẳng còn lại gì. Chẳng biết cậu đã lưu lại trong đầu hình ảnh cuối cùng của căn phòng trước khi bước ra khỏi cửa, khoảnh khắc mà sự hiện hữu của một đời sống bày ra trong từng đồ vật được đặt để vô tư hoặc có chủ ý.
Còn Jane, nữ chính của Happy Old Year, bộ phim của đạo diễn trẻ người Thái  Nawapol Thamrongrattanarit, thì không trải qua đám cháy nào như vậy, mặc dù cô muốn thật nhanh chóng và dứt khoát vứt bỏ hết đồ đạc trong nhà, để biến ngôi nhà thành một văn phòng kiến trúc theo phong cách tối giản cô ưa thích. Tất cả những gì cô có để làm được điều đó là một núi túi đựng rác mua về từ siêu thị, và một quy trình dọn nhà hiệu quả với từng bước cụ thể.

“Túi đựng rác là để làm vậy mà. Nghĩ mà xem, em có nhớ mình đã vứt những gì vào túi không. Túi đựng rác giống như các lỗ đen vậy, khi vứt đồ vào, chúng sẽ biến mất. Xa mặt cách lòng, dễ như ăn kẹo, thế là xong!” 
Còn các bước dọn nhà được trình bày ở đầu mỗi đoạn phim thì ngắn gọn thế này:
Bước 1:     Đặt mục tiêu         và        tìm         cảm      hứng
Bước 2: Đừng               hồi tưởng quá khứ
Bước 3:     Đừng nhạy cảm         quá
Bước 4:                   Đừng nao núng,         hãy nhẫn tâm
       Bước5:Đừnglấythêmđồ
Bước 6: Đừng nhìn lại!
Nhưng mà nói thì dễ hơn làm. Ý định tống khứ tất cả đồ đạc ra đi không một lần chớp mắt, nhận 200 bạt từ người đàn ông thu mua đồng nát, tưởng dễ mà lại bất thành, khó như là, “Làm sao cho vừa chiếc piano vào túi được?” 
Nó cũng chẳng hề thuận lợi như những gì diễn ra trong đoạn video đính kèm cuốn sách về lối sống tối giản mà Jay, em trai Jean đã mua về từ siêu thị: “Nguyên tắc rất dễ. Nếu bạn cầm thứ gì đó và nó không ánh lên niềm vui, hãy nói cảm ơn và ném vào thùng rác”. Còn Jay thì bảo:
    - Em cũng không biết nữa, mọi thứ em chạm vào đều ánh lên niềm vui. Em đã cố.
    - Cứ vứt hết đi. Đa cảm chỉ đem lại rắc rối.

Lối sống tối giản liệu có nhất thiết phải là căn nhà ít đồ đạc với tủ quần áo chỉ hai màu đen trắng như những bộ quần áo Jean hay mặc, hay đó thực ra là những cân nhắc cẩn thận dẫn đến lựa chọn chỉ giữ lại những điều quan trọng nhất. Mà những điều quan trọng rõ ràng là khác nhau với mỗi người, hẳn sẽ dẫn đến những căn nhà và kiểu quần áo khác nhau mà ta mang, điều sẽ ánh lên niềm vui rất riêng cho ta. 
Rốt cuộc, thật lòng với chính mình, Jane cũng như em trai cô, nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ mọi đồ vật. Cô bắt đầu dọn dẹp như cách mà chúng ta vẫn làm: đặt mục tiêu và tìm cảm hứng, từ từ hồi tưởng quá khứ, đa cảm, bắt đầu nao núng,.. 
“Phong cách tối giản giống như một triết lý phật giáo, đó là về sự buông bỏ.” Nhưng buông bỏ không có nghĩa là chạy trốn. Mỗi đồ vật trong căn nhà đều gợi nhắc Jean những câu chuyện quá khứ còn dang dở, thúc giục cô hồi đáp. Có một câu trong phim của đạo diễn Jean-Luc Godard mà mình nhớ thế này, “Mọi người luôn phải hoàn thành điều họ đã bắt đầu.” Để bước tiếp, Jean phải đối diện với người bạn trai cũ, với người bố đã bỏ đi, và với chính sự ích kỉ của bản thân mà cô luôn né tránh.

Còn với mẹ của Jean, chủ sở hữu của ngôi nhà cô đang cố dọn dẹp, thì việc vứt bỏ đồ đạc thậm chí khó khăn hơn nhiều: “Tối giản là cái gì, đây là nhà của mẹ.” Bà nhất quyết không để Jean bán đi cây dương cầm hiệu Robinson mà người chồng cũ để lại đang choán hết phòng khách chật chội cũng như tâm trí bà. “Tại sao người lớn lại khó thay đổi như vậy.”
Có lẽ bởi sự tồn tại của những đồ vật trong một căn phòng đến theo nhiều cách: lựa chọn chủ động, thói quen, sự lười biếng, nỗi bất an nhìn lại quá khứ, nỗi lo sợ kí ức biến mất hoàn toàn khi đồ vật bị vứt đi. Sự tồn tại đó trong Happy Old Year chính là hiện thân của cách mỗi người hồi đáp câu chuyện cuộc đời mình, như cách mà các nhân vật trong phim lần lượt nói ra: 
“Có những điều sẽ không biến mất chỉ vì cậu giả vờ quên đi.”
“Ta đã quen với nó đến nỗi chẳng bao giờ nghĩ về nó.”
“Chúng ta thấy điều mình muốn thấy, nhớ điều chúng ta chọn.”
 “Nếu ta không muốn quên, thì chẳng bao giờ quên được.”

Một căn nhà mộc mạc luôn tràn ngập ánh sáng bởi vậy giống như một tâm trí biết buông bỏ để đạt được sự tự do và thoáng đãng.

Happy Old Year ra mắt năm 2019, được đạo diễn và biên kịch bởi đạo diễn trẻ người Thái Nawapol Thamrongrattanarit sinh năm 1984. Nawapol sử dụng chuyển động máy tối giản với những bước dolly chậm rãi cùng những khung hình tĩnh đặc trưng trong phong cách của anh, tạo ra một lối kể chuyện điềm tĩnh để người xem chầm chậm bước vào thế giới phim.
 Đối với mình, Happy Old Year gần gũi và mang hơi thở đương đại. Bộ phim kể về cách chúng ta đối xử với những câu chuyện của cuộc đời mình thông qua liên hệ với lối sống tối giản đang “thịnh hành” những năm gần đây. Nhân vật trong phim là những người trẻ thành thị có phong cách ăn mặc, suy nghĩ, quan niệm sống cùng nỗi buồn mà hẳn thế hệ trẻ ngày nay, nhất là người trẻ châu Á, sẽ thấy quen thuộc. Cũng chính điều này, làm lý do khiến mình gặp gỡ bộ phim và nghĩ về nó.
Nawapol Thamrongrattanarit trên trường quay Happy Old Year
Cảm thức cuối cùng, ấy là, lối sống tối giản nên là một thực hành có ý thức và liên tục, giữ cho căn phòng và tâm trí khỏi lần nữa rơi vào bề bộn, để nếu chẳng may ta có gặp một đám cháy, thì biết rõ mình đang mất đi điều gì hẳn vẫn tốt hơn là không biết điều gì đang mất đi để mà động lòng tiếc nuối.
 * ảnh phim lưu từ internet