Hành trình về phương Đông: Sự huyền bí của tâm linh và hành trình tìm về bản ngã
Giới thiệu ...
Giới thiệu
Hành trình về Phương Đông - Journey to the East không phải là cuốn sách dễ đọc trong một sớm một chiều. Nếu bạn là một người không có đức tin, có lẽ sẽ hơi khó để bắt đầu đọc cuốn sách này, những chiêm nghiệm về thế giới huyền học trong cuốn sách có thể sẽ đi ngược với thế giới quan của bạn, hoặc là, sẽ trở thành lý do để bạn tìm thấy một bản ngã khác của chính mình. Nếu bạn là một người đã có đức tin thì xin chúc mừng, đây là cuốn sách mà tôi tin rằng, bạn sẽ không thể buông tay và ngừng nghĩ suy về nó.
“ Hành trình về phương Đông kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chứng kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo...của nhiều pháp sư, đạo sĩ...họ được tiếp xúc với những vị chân tu thông thái sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn. Nhờ thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của Ấn Độ như yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh, những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết....”
Một người Ấn lạ kỳ
Ấn Độ, cũng như toàn bộ phương Đông, trong mắt người Tây phương thế kỷ trước là nơi dành cho kẻ man di lạc hậu với kim loại vàng, các loại gia vị và vu thuật huyền bí. Tôn giáo ở đây khác với Tây u, nơi tôn giáo độc thần đã bước chân lên đến đỉnh cao và trở thành một phần quyền lực không thể chối bỏ, những gì Hội Khoa học Hoàng Gia Anh nhìn thầy suốt hai năm lang thang khắp đền chùa miếu mạo chỉ là những vị tu sĩ khoác tăng y, biểu diễn những trò mê tín như “thổi kèn gọi rắn”, tranh chấp các tông phái và lôi kéo các tín đồ. Và họ đã thất vọng, đã gần như khẳng định sự “vớ vẩn” của thứ huyền học phương Đông.
Rồi phái đoàn gặp gỡ một người Ấn lạ kỳ, chuyển giao cho họ một thông điệp từ chính tôn giáo họ thờ phụng “Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy tìm, rồi sẽ gặp”. Hãy đi tìm những vị Chân tu sống ẩn dật bên rặng Tuyết Sơn, những vị tu sĩ khổ hạnh nhưng đã đi rất ra trên con đường cầu Đạo, và họ sẽ thấy những điều huyền bí thực sự.
Chương mở đầu này, phái đoàn của Baird T.Spalding cũng như chính bản thân chúng ta, trong hành trình vội vã của cuộc sống, chúng ta dần đánh mất những đức tin vào thế giới duy tâm, chúng ta tin vào những thứ vật chất yêu nhanh sống vội mà bỏ qua những niềm tin vào sự sống và thiên nhiên. Và Một người Ấn kỳ lạ giữa ngôi chợ đông đúc ở Benares đã đánh thức sự ngờ vực ấy. Bạn có sẵn sàng bước vào cuộc thám hiểm huyền bí này không?
Người đạo sĩ thành Benares
Yoga là gì? Liệu có phải chỉ là một trò xiếc với những tư thế kỳ lạ, hay là một pháp môn tu hành mà nếu luyện tập đến mức cao siêu, ta có thể thắng đoạt cả tử thần? Bạn sẽ gặp Yoga, một bộ môn thể dục tâm linh rất thịnh hành trong cuộc sống, nhưng người đạo sĩ của thành Benares sẽ không chỉ dạy bạn nhưng thế Yoga như chổng ngược đầu, như vắt chân lên cổ hay những thử thách khổ hạnh phơi nắng dầm sương đầy tính biểu diễn; vị tu sĩ ấy đưa bạn đến khởi nguồn của Yoga: Hơi thở và triết lý quan trọng nhất: Nghỉ ngơi. Đừng lầm tưởng những hoạt động sinh lý cơ bản ấy là tầm thường, bạn đang chạm đến thứ nguyên sơ và cơ bản nhưng bao hàm cả nguyên lý của vũ trụ đấy.
Hành trình tìm hiểu về yoga, cũng là lúc họ lắng nghe một pháp môn tu hành phía Đông được lý giải bằng những kiến thức khoa học, sinh học và tiến hóa. Phái đoàn không thể phủ nhận được những lý niệm vị đạo sĩ đưa ra khi chúng hoàn toàn khớp với cấu tạo sinh học của con người và thuận theo thuyết tiến hóa của Darwin
“Bạn nên hiểu luật vũ trụ định rằng khoa học thực nghiệm phải luôn luôn đi song song với sự tiến hóa của nhân loại. Vài trăm năm trước có phải khoa học của lúc đó rất ấu trĩ so với bây giờ không? Nếu đi ngược dòng lịch sử, bạn có thấy mức tiến hóa của khoa học và nhân loại luôn luôn ảnh hưởng và bổ sung cho nhau không? Thời tiền sử, nói về thuyết nguyên tử là điều vô lý và có nói cũng chẳng ai hiểu. Thời Trung cổ, nếu giảng giải về khoa học vũ trụ sẽ bị kết án là phù thủy. Lịch sử Châu u đã chứng minh rằng những con người thông minh quá đều bị chế nhạo là điên khùng rồi bị thiêu sống”
Những lời của bậc thầy Yoga đã đánh thẳng vào niềm tự hào của một xã hội Tây u văn minh của phái đoàn. Những triết lý cơ bản của Yoga bắt nguồn từ sự hòa hợp của con người và thiên nhiên, đã tuân theo những quy tắc cơ bản nhất của khoa học và vũ trụ có từ ngàn năm như một sự đả kích nặng nề vào một xã hội Trung cổ mông muội mà chỉ vài trăm năm sau, sau cuộc cách mạng công nghiệp, họ giương lá cờ Văn minh đi đến vùng đất phương Đông thẫm đẫm triết học mà họ cho rằng cần được khai hóa.
Khoa học thực nghiệm và Khoa học Chiêm tinh huyền bí
Thiên thứ ba của cuốn sách, bạn sẽ tiếp tục gặp gỡ một điều tưởng chừng rất quen thuộc trong văn hóa phương Đông: Thuật chiêm tinh, bói toán và những lá số tử vi. Văn hóa gốc rễ của phương Đông chúng ta, thứ chảy trong tiềm thức của tôi và bạn, lưu truyền qua nhiều thế hệ, đều dạy rằng chúng ta được sinh ra dưới ảnh hưởng của các vì sao, vận mệnh cuộc đời gói gọn trong sinh thần bát tự và những lá số tử vi. Chúng ta đều đã lớn lên với những quan niệm như thế, nhưng một phái đoàn đến từ Tây Âu đâu hiểu được điều đó, và liệu khoa học Chiêm tinh có thực sự là những điều bói toán “ăn ốc nói mò” hay là một phạm trù sâu xa hơn liên quan đến những tia vũ trụ và nghiệp quả trong Phật giáo?
“Các bạn hãy nhìn ly nước đầy trên tay tôi đây, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi đổ bớt nước trong ly thì tôi mới rót thêm nước vào được”
Hành trình sở hữu kiến thức cũng như triết lý ly nước đầy này vậy, “chỉ khi ta khiêm tốn gặp bỏ những thành kiến sẵn có, ta mới tiếp nhận thêm những điều mới lạ. Các bạn muốn học hỏi những minh triết của xứ Ấn, nhưng vẫn giữ những thành kiến của người Âu, khinh bỉ mọi sự thì có khác chi ly nước đầy, làm sao rót thêm nước vào được nữa?”
Vậy còn bạn, bạn có sẵn sàng buông bỏ những định kiến cố hữu, tìm về những triết lý nguyên thủy của vạn vật, tìm về tiền căn hậu quả. Mở lòng mình ra và quan sát chính mình, liệu chúng ta đã sẵn sàng buông bỏ phiền não và thị phi của chính mình cùng người khác, sau những củi gạo dầu muối xô bồ quanh ta? Ta đã sẵn sàng chưa, tìm cho mình một giấc ngủ bình yên và sự an tĩnh tâm hồn?
Trên đường Thiên lý
Khi bạn bắt đầu cởi bỏ những thành kiến của chính mình, mang lên tay nải và bước trên con đường đi tìm đến nơi ở của các vị Chân tu thực sự - Rishikesh - thị trấn nằm bên trong dãy Himalayas, cũng là lúc bạn sẽ dùng trái tim mở toang không định kiến và bắt đầu tiếp nhận những minh triết huyền bí của phương Đông.
Cuốn sách tiếp tục với cuộc gặp gỡ vị đạo sĩ tại ngôi đền yên lặng, tìm hiểu về sự “tĩnh” thực sự, một sự minh triết không cần những ngôn từ ồn ào hay những lời cầu nguyện. Có lẽ đây là bước soi lại bản thân chính mình, trước khi bạn đến được với thành phố thiêng, hãy trau dồi phẩm hạnh và đón nhận những mặc khải của Thượng đế.
Thành phố thiêng liêng
Sau những mệt nhọc và những cung đường hiểm nguy, phái đoàn hay chính bạn sẽ đặt chân đến Rishikesh, thành phố của các vị Thánh, thị trấn nằm ở lối vào Tuyết Sơn, kệ cạnh bên đầu nguồn của dòng sông Hằng thiêng liêng nhất của Ấn giáo.
Bỏ qua những vị tu sĩ khắp thị trấn , những đạo sĩ Yogi, những vị thiền định khổ hạnh bên hang đá, hay thậm chí là những kẻ tự xưng tiền kiếp từng là Phật Thích Ca, thành phố này là một nơi kỳ lạ, nơi tràn ngập hơi thở huyền học, dù là của những vị Chân tu đích thực hay những tu sĩ giả mạo, thì đều mang một không khí Ấn giáo nồng đậm và huyền bí.
Người châu Âu quả quyết rằng sự tìm kiếm chân lý của các bậc Chân tu là vô ích, hạnh phúc là hưởng thụ tất cả những gì cuộc đời có thể mang lại vì chết là hết! Vậy nếu như thế, mục đích của cuộc đời là gì, tại sao chúng ta sinh ra chỉ để chết?
Tôi từng nghe một câu nói thế này, chúng ta cất tiếng khóc khi chào đời bởi vì ta biết mình gần với cái chết không thể tránh khỏi kia gần thêm một bước. Đã có bao nhiêu vị triết gia Đông Tây chưa lý giải được điều này. Liệu chết là kết thúc tất cả mọi thứ? Hay là một sự đi xa lâu ngày gặp lại. Mục đích của cuộc đời bạn là gì? Thế nào là hạnh phúc? Hạnh phúc là những vật chất bên ngoài, hay là thứ vượt lên những sợ hãi và ham muốn trần tục? Đào Uyên Minh trong “Quy khứ lai hề từ” từng nói ”Ký tự dĩ tâm vi hình dịch“ con người bị trói buộc bởi ham muốn và vật chất, linh hồn bị trói buộc bởi thể xác, phải buông bỏ hết thảy những tục vật , mới tìm về được chốn thế ngoại Đào nguyên, về được cái gốc nguyên vẹn ban đầu.
Những sự kiện huyền bí
Từ thời điểm này, chúng ta sẽ vượt ra những minh triết được truyền thụ lại qua các thế hệ Chân sĩ, thực sự bước vào cuộc phiêu lưu huyền bí của huyền học phương Đông với những phép thuật lạ lùng vượt qua sự hiểu biết của loài người.
Một vị pháp sư biến ra bánh mì từ thinh không, tái hiện lại một câu chuyện trong Kinh thánh trước chính những người con của Chúa; Một bậc thầy Yoga có thể sử dụng tất cả các loại nhạc khí cổ điển và tân điển, nắm trong tay tất cả những tri thức nghệ thuật của con người? m nhạc có hay không sở hữu những quyền năng Vô Ngã và truyền tải những thông điệp vũ trụ chứ không đơn giản là sản phẩm giải trí phù phiếm?
Hành trình nửa sau của cuốn sách này, là một hành trình mà mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng, giống như con đường tu đạo không ai giống ai, nửa sau cuốn sách có lẽ là tập hợp những điều rất khó tin với một kẻ vô thần. Đi sâu vào những cõi siêu hình, khai mở kỳ kinh bát mạch và các quyền năng tâm thức, nhưng bản chất của Đời sống siêu nhân loại ấy là một quá trình của Luân hồi, Tiến hóa, Nghiệp báo và Nhân quả. Về một mặt nào đó, phần này của cuốn sách được gắn cho quá nhiều những bóng dáng của huyền bí học, những sự kiện huyền ảo mà chúng ta nghĩ rằng đó không khác hơn là mê tín dị đoan.
Tôi không bàn về đức tin, tôi được dạy rằng Tâm linh thì chữ tâm đứng trước chữ linh, tôi được học về sự kính sợ, nhưng không hẳn trước là trước những cõi siêu hình. Bản thân hai chữ tu hành chỉ là hành trình sửa chữa, cũng giống như chữ đạo vậy, bản chất của đạo chỉ là đường, mà thế gian vốn dĩ làm gì có đường, người ta cứ đi mãi thì thành đường thôi.
Đời sống siêu nhân loại
1,8 triệu năm trước, Homo Sapiens tách ra từ Homo erectus, trở thành những người hiện đại đầu tiên, 60000 năm trước, những con người đầu tiên rời khỏi những hang đá Đông Phi, bắt đầu chinh phục thế giới rộng lớn này. Đây chính là hành trình tiến hóa của loài người, nhưng có hay không sự tiến hóa, không đến từ thế xác phàm thai, mà là từ tâm thức và linh hồn?
“Tất cả kinh điển mọi tôn giáo đều chứng minh sự hiện diện của các bậc siêu nhân. Mọi tôn giáo khi thành lập đều có các bậc thánh nhân xuất hiện. Người Ấn có các thần linh như Brahman, Vishnu, Shiva hoặc các đấng cao cả như Krishna, Sancharacharya. Tín đồ Phật Giáo thì có Đức Thích Ca, Đức Quan Thế m. Tín đồ Thiên Chúa Giáo thì có Đấng Jesus, các nhà tiên tri, các bậc thánh; các bộ lạc man dã cũng có các thần linh riêng của họ”
Người trói buộc bởi vạn vật, tâm lụy vì xác thân, đoạn gần kết của hành trình, cuốn sách đưa ta đến với Cõi Vô hình, nơi những vật chất phàm tục không còn ảnh hưởng. Qua những Cõi giới siêu hình như cõi âm, cõi thiên đàng hay cõi địa ngục, chúng ta băn khoăn về tính đúng sai của lịch sử. Khi những chân lý vĩnh hằng bị bóp méo theo những ham muốn của loài người, gây ra những cuộc “Thánh chiến” vĩ đại của lịch sử và một giai cấp mới - giai cấp nô lệ.
Kết: Hành trình về phương Đông
Đoạn kết của câu chuyện này chính là tên cuốn sách: Hành trình về phương Đông. Qua những minh triết và những câu chữ huyền bí này, cả tôi và bạn đều đã học được rằng, đa số mọi người đều từng tin rằng các vị thần linh sẽ hiện lên trong hào quang rực rỡ, với những phép thần thông để biến cõi đau khổ thành cõi thiên đàng...Chúng ta chỉ quen tìm kiếm Thượng đế bên ngoài như một đấng toàn năng có thể giúp ta thỏa mãn những điều mong ước, chứ không chịu tìm kiếm ở nội tâm, nơi ngài luôn ngự trị. Tôi không bắt bạn tin rằng mọi thứ xảy ra trong cuốn sách đều là có thật, Baird T. Spalding không, Gs. Nguyên Phong không, bản thân tôi cũng vậy. Đây cũng không phải là chuyến đi tìm kiếm, đi tới phương Đông, mà là “Hành trình trở về”, trở về với bản ngã của chính mình và tìm kiếm những chân lý ban sơ nhất.
“Hành trình về phương Đông mở ra một chân trời mới để Đông Tây gặp nhau, để Khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, rộng mở, diệu kỳ hơn và do đó, nhân văn hơn”
Vậy, “Hành trình về phương Đông” của bạn đã bắt đầu hay chưa?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất