Lưu ý: tên đầy đủ của hệ điều hành được đề cập trong bài viết là "GNU/Linux" nhưng tôi viết tắt là Linux cho gọn.
Xuất thân từ miền đất Windows như bao người, trải qua bao nhiêu phiên bản từ XP, 7, 8, 8.1, tôi bắt đầu ngán ngẩm cái cửa sổ cục mịch của nhà Microsoft. Lý do tôi chia tay hệ điều hành Windows thì nhiều vô số, cơ mà đó là một câu chuyện khác. Bài viết này là về người đến sau.
Bước chân vào đại học, tôi chưa có laptop ngay mà phải tới năm hai, khi các bài tập lập trình chất đống thì máy tính tại thư viện trường không còn là giải pháp nữa. Thế là mẹ tôi mua cho tôi một chiếc laptop. Sau nửa năm lăn lộn với con laptop, tôi phát hiện ra Windows không phải là hệ điều hành duy nhất. Rằng thì mà là trong những bài đăng tuyển dụng tôi đọc được trên diễn đàn của trường có thấp thoáng cái tên ấy. Cái tên khiến tôi đêm quên ăn, ngày quên ngủ mà lao vào tìm kiếm. Cái tên khiến tôi chia tay Windows một lần và mãi mãi. Linux.
Nguồn https://unsplash.com/photos/xw0qdCSerPo
Nguồn https://unsplash.com/photos/xw0qdCSerPo
Càng tìm hiểu về Linux, tôi càng cảm thấy nó phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân và các cụ có câu "Trăm nghe không bằng một thấy" mà Trăm thấy không bằng một nhấy. Tôi vạch kế hoạch tường tận, tỉ mỉ, quyết đem Linux về đội của mình bằng cách cài vào con laptop mẹ mới mua.
Nhưng ai đời ngay khi chia tay cuộc tình 5 năm gắn bó mà sau đó lại có người yêu mới ngay được. Cái gì cũng phải từ từ. Việc chuyển đổi hệ điều hành nó cũng có phần giống như việc bạn bị bán ra nước ngoài vậy. Ngôn ngữ, văn hoá, ẩm thực, thời trang, thời tiết, địa danh, lối đi, tất tần tật bạn đều mù tịt thì sống làm sao cho cam? Để làm quen với cuộc sống lạ lẫm thì còn gì phù hợp hơn việc "sống thử". Tôi hì hục thiết lập một chiếc máy tính ảo bên trong chiếc laptop rồi cài vào đó Ubuntu (một bản phân phối của Linux) để được "sống thử" bên hệ điều hành mới này. Việc cài đặt cũng tương đối giống với cài win. Có giao diện để bạn tuỳ chỉnh ngôn ngữ, phân vùng ổ cứng, thiết lập múi giờ,... và chờ đợi. Cài đặt hoàn tất, đăng nhập vào hệ thống mới, điều đầu tiên tôi cảm thấy đó là phần giao diện. So với Windows thì giao diện Ubuntu lúc đó theo tôi là ưa nhìn hơn hẳn. Các ứng dụng phổ thông như trình duyệt, trình soạn thảo văn bản, phần mềm nghe nhạc, xem video đều hoạt động ổn định. Tôi dành nhiều thời gian trên máy ảo hơn, có nhiều thứ mới mẻ như việc phải làm quen với cửa sổ dòng lệnh làm tôi thấy hứng thú. Các hoạt động phục vụ học tập, giải trí đều có thể được thực hiện tương đối dễ dàng.
Sau khoảng tầm 1 tháng "sống thử", tôi đi tới bước kế tiếp. Cài lên máy thật. Nhưng thay vì có mới nới cũ, tôi chọn chung sống hoà bình bằng việc cài Ubuntu song hành với Windows. Tại sao ư? Vì tôi cẩn thận. Tôi dự liệu rằng khi lên máy thật, sẽ có một số vấn đề nhỏ xảy ra, những vấn đề mà máy ảo không gặp phải. Đồng thời, tôi có trong tay cùng lúc 2 hệ điều hành hoạt động trên cùng một cỗ máy, điều này một phần sẽ giúp tôi cảm nhận rõ ràng hơn sự khác biệt giữa chúng. Trải nghiệm một thời gian, tôi thấy được một điều đó là khi chạy Ubuntu, laptop của tôi nóng hơn. Cụ thể là hơn khoảng 20 độ so với khi tôi sử dụng Windows. Ngoài ra thì mọi thứ khác đều ổn.
Vào một ngày trời mưa bão. Tôi đã xoá Windows.
Nguồn https://twitter.com/nixcraft/status/1201345047850995713/photo/1
Nguồn https://twitter.com/nixcraft/status/1201345047850995713/photo/1
Hành trình vẫn tiếp tục, tôi nhận ra rằng Linux có rất nhiều bản phân phối và Ubuntu chỉ là một trong số đó. Tôi tìm đến
Và thử sức với các bản phân phối đứng đầu bảng xếp hạng lúc bấy giờ. Tại sao ư? Vì tôi là một người cầu toàn. Tôi muốn một hệ điều hành tinh gọn. Những thứ mà tôi không dùng tới đều trông có vẻ dư thừa một cách khó chịu. Nhưng không giống với người tình cũ, nơi mà tôi gần như không có sự lựa chọn thì người tình của hiện tại lại rất khác. Dễ thấy nhất đó là một rừng các bản phân phối được phát hành hoàn toàn miễn phí, đủ để bạn dành cả thanh xuân mà lựa chọn. Tôi cũng đã dành một phần thanh xuân để làm điều đó.
Nguồn https://unsplash.com/photos/g-tyziMh37o
Nguồn https://unsplash.com/photos/g-tyziMh37o
Vẫn chiến thuật "sống thử" trên máy ảo. Tôi dành ra một vài tháng với từng bản phân phối mà tôi cảm thấy ổn. Mỗi bản phân phối đem lại cho tôi những trải nghiệm rất mới, rất khác. Chúng có những đặc điểm riêng, những lợi thế riêng và cả những giới hạn riêng. Không thể phủ nhận việc này rất mất thời gian và công sức nhưng đổi lại là những trải nghiệm khó mà có được nếu không trực tiếp dấn thân vào.
Tôi của hiện tại đã tìm thấy cho mình một bản phân phối ưng ý. Từ khi chia tay Windows, tôi chưa một lần ngoảnh lại. Đồng nghiệp tôi cũng hay phàn nàn về Windows nhưng như những cặp đôi lâu năm luôn có những cuộc cãi vã rồi làm hoà, họ vẫn tiếp tục sống với Windows và họ vẫn tiếp tục phàn nàn. Những lúc ấy tôi hay đùa rằng "cài Linux đê...." thì họ chỉ cười rồi tiếp tục phàn nàn. Công ty nơi tôi đang làm có khoảng 500 nhân viên và theo tôi được biết thì tôi là người duy nhất sử dụng Linux. Ừ thì tôi khác biệt, nhưng sự khác biệt đó không hề ảnh hưởng tới năng xuất lao động của tôi. Đôi khi tôi còn ổn hơn mọi người khi mà không phải đối mặt với những vấn đề mà Windows mang đến trong quá trình làm việc.
Nguồn https://unsplash.com/photos/OJX7gIU3E6U
Nguồn https://unsplash.com/photos/OJX7gIU3E6U
Hành trình vẫn tiếp tục ...