Câu chuyện tôi sắp chia sẻ đây là tôi sẽ kể về một nạn nhân chất độc màu da cam mà tôi tình cờ quen biết và kết bạn. Nhờ có những chia sẻ chân thành của anh, tôi đã sống tốt lên, đã đổi thay suy nghĩ về những người bị khuyết tật nặng hiện nay trong xã hội. 

Câu chuyện diễn ra như thế nào? 

Anh Bình là một nạn nhân chất độc da cam, quê ở Bình Thuận. Tôi biết anh một cách tình cờ thú vị khi tôi là người thiết kế tờ rơi cho cơ sở An Phúc, nơi anh đang sống và làm việc https://sfccharity.com/thong-tin/co-so-an-phuc/
Khi thiết kế tờ rơi cho cơ sở này tôi đã nhớ rất rõ khuôn mặt anh nhìn có vẻ gì đó rất suy tư, anh là người luôn ngồi xe lăn phía trước mọi người trong mọi tấm hình chụp của cơ sở. 
Anh Bình cùng các bạn ở Trung Tâm
Anh Bình cùng các bạn ở Trung Tâm
Sau này tôi được gặp anh trực tiếp ngoài đời thì tôi nhận ra anh ngay khi đưa hai con nhỏ vào tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Anh làm việc cho cơ sở An Phúc, sản phẩm anh làm ra được bán cho khách tham quan Bảo tàng. Đó là những cái móc khóa hình con chuồn chuồn rất dễ thương, nhỏ xinh, giá cả phù hợp với mọi người.
Tôi cùng hai con nói chuyện với anh Bình trong Bảo tàng
Tôi cùng hai con nói chuyện với anh Bình trong Bảo tàng
Tôi còn vài lần vào lại Bảo tàng tham quan và nói chuyện với anh sau đó. Có vẻ như anh rất thích nói chuyện, tâm sự chuyện công việc rồi đủ thứ chuyện trên đời. Anh hỏi số điện thoại của tôi để chúng tôi trao đổi thêm vì anh biết tôi làm nghề thiết kế và anh thích chụp hình, thích có một cái máy ảnh để lưu lại hình ảnh anh nhìn thấy được. 
Sau một thời gian trò chuyện cùng nhau, tôi biết anh là người rất tự trọng không muốn ai thương hại mình, luôn muốn được làm việc, học hỏi phát triển bản thân. Mọi chia sẻ của anh, tôi đều lắng nghe và góp ý nếu anh muốn. Và thật bất ngờ khi ngoài việc làm chuồn chuồn để bán, anh còn biết vẽ. Tôi không hiểu với đôi tay co quắp như vậy anh cầm cọ bằng cách nào. Khi biết anh thích vẽ, muốn vẽ thì tôi đề nghị anh vẽ tặng hai bé nhà tôi một bức tranh và tôi sẽ trả một ít chi phí để mua tranh cho anh. Anh tỏ ra rất mừng nhưng lo sợ là không biết vẽ gì và sợ mình vẽ không đẹp. Tôi động viên anh là anh có thể vẽ đơn giản theo ý mình thích và chỉ cần anh đừng quá áp lực sẽ làm được.
Thật sự tôi chỉ gợi ý đề tài và anh là người vẽ toàn bộ bức tranh. Khi hoàn toàn bức tranh, tôi đề nghị anh ghi ngày tháng vẽ vào và ghi chú Bình tặng Xu Táo để hai con tôi khi nhận tranh biết ai đã vẽ.
Bạn nhìn thấy bức tranh rồi chứ, nó được vẽ từ một anh bạn của tôi, người bị nhiễm chất độc da cam, người bị khuyết tật vận động nặng. Khi nhận bức tranh từ bến xe (anh đã rời Sài Gòn về quê trị bệnh khi vẽ bức tranh này) tôi đã rất xúc động, nhìn nó đẹp đến mức ngỡ ngàng. Dĩ nhiên hiện giờ bức tranh vẫn được treo ở nhà tôi, để tôi được kể câu chuyện của anh Bình cho bất kì người nào muốn nghe, muốn tìm hiểu về bức tranh này. 

Hành trình chia sẻ để thay đổi của anh Bình đã diễn ra thế nào?

Trước khi quen biết anh Bình, tôi hầu như không biết nhiều về các nạn nhân chất độc da cam. Họ bị tổn thương về cơ thể như thế nào, tình cảm, tâm tư họ ra sao tôi chỉ được biết sơ sơ qua các bài báo, các phóng sự truyền hình. 
Nhưng khi trò chuyện, tiếp xúc với anh Bình tôi thấy rất lạ là một người bị khuyết tật vận động nặng, một nạn nhân chất độc da cam như anh luôn đặt câu hỏi, luôn muốn kết bạn với ai lắng nghe mình. Chính sự chủ động hỏi chuyện, chủ động chia sẻ của anh làm tôi cảm thấy mình thật sự có thể kết bạn cùng anh dù lúc gặp tôi thì sức khoẻ của anh cũng khá yếu rồi. Vì một thời gian sau anh phải về quê trị bệnh không còn làm việc trong cơ sở tại Sài Gòn nữa. Khi đề nghị anh vẽ một bức tranh tôi cũng lo lắng không biết mình có tạo áp lực cho anh trong những ngày anh nghỉ ngơi ở nhà không. Nhưng sau khi nghe anh nói anh được làm việc là anh vui rồi, ngồi không chán lắm, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Anh đã chia sẻ thông tin, cuộc sống, tâm tư tình cảm của mình với bạn bè xung quanh trong đó có tôi. Phải nói thêm là do làm việc tại Bảo tàng nên anh được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài và anh cũng tự học tiếng Anh để kết bạn với họ. Việc được làm bạn với anh đã giúp tôi rất nhiều vì tôi biết có những người khó khăn hơn tôi và họ vẫn đang sống, đang tồn tại và phát triển bản thân một cách thần kỳ. Vậy thì tôi, một người sinh ra thân thể khỏe mạnh, trí tuệ bình thường mà vẫn chưa làm được gì, có phải là tôi đang lãng phí cuộc đời tôi không?
Tôi không biết nên viết cái kết cho bài viết này thế nào vì tôi hiện giờ không liên lạc được với anh Bình nữa sau đợt dịch Covid 19 hai năm qua. Tôi sợ phải đối diện với một sự thật nào đó nên tôi chọn không đối diện với nó. Tôi hy vọng anh Bình, anh bạn của tôi vẫn sống tốt ở quê hay Sài Gòn, anh vẫn vẽ, vẫn làm việc anh thích, anh vẫn chia sẻ cuộc sống với mọi người xung quanh. Và hành trình chia sẻ để đổi thay của anh vẫn tiếp tục.