Những ngày thu Hà Nội, đem lại nhiều điều yên bình. Cuộc sống dường như chậm lại, ta mở những trang sách yêu thích ra, thả mình vào những dòng chữ tận hưởng cuộc sống như nó đang diễn ra. Ta mơ màng nghĩ về hạnh phúc là gì? Điều gì mang lại cho ta những cảm giác mãn nguyện đó? Ôi những câu hỏi thôi thúc ta làm sao!
Đâu đó hạnh phúc dược định nghĩa là “trạng thái khoẻ mạnh về thể chất/tinh thần một cách chủ quan.” Theo quan điểm này, hạnh phúc là điều tôi đang cảm thấy bên trong con người mình, một cảm giác xung sướng nhất thời hoặc mãn nguyện kéo dài với cuộc sống đang diễn ra của tôi. Vậy điều gì thực sự làm con người hạnh phúc? Có phải là tiền, gia đình, gen di truyền, hay đức hạnh?
Một phát hiện quan trọng là hạnh phúc thật sự không phụ thuộc vào các điều kiện khách quan của sự giàu có, sức khoẻ hoặc thậm chí là cộng đồng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tương quan giữa điều kiện khách quan và mong đợi chủ quan. Nếu bạn muốn một con bò đực để trở hàng và bạn có con bò được để trở hàng, bạn đã được thoả mãn. Nếu bạn muốn một chiếc Ferrari mới cứng và chỉ nhận được chiếc Fiat đã cũ, bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Đây cũng là lý do giải thích cho câu: sướng quen rồi khổ không chịu được, hoặc một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi mọi thứ được cải thiện, kỳ vọng tăng lên, và những cải thiện đáng kể từ khách quan không làm chúng ta hài lòng. Khi mọi chuyện xấu đi, kỳ vọng thu hẹp lại, kết quả chỉ cần một đáp ứng nhỏ nhoi bạn cũng cảm thấy hạnh phúc.
Có một điều thú vị là, bạn có thể nói rằng chúng ta không cần một nhà tâm lý học với các câu hỏi của họ để khám phá điều này. Nhà tiên tri, nhà thơ và triết học từ hàng ngàn năm nay, rằng hài lòng với những gì bạn đã có quan trọng hơn nhiều so với việc nhận được nhiều hơn những gì bạn muốn. Những nhiên cứu hiện đại- được hỗ trợ bởi con số, biểu đồ- cũng đi đến kết luận tương tự như người xưa từng nhìn nhận.
Nếu hạnh phúc được quyết định bởi sự kỳ vọng. Cuộc sống hiện đại- với phương tiện truyền thông, ngành công nghiệp quảng cáo- có lẽ đang vô tình làm suy kiệt sự mãn nguyện trong mỗi chúng ta. Nếu bạn là một thanh niên 18 tuổi sống trong một ngôi làng nhỏ 5000 nghìn năm về trước, bạn có lẽ sẽ nghĩ mình đẹp trai, bởi chỉ có 50 người đàn ông khác trong làng và hầu hết họ đều già yếu, đầy sẹo, nhăn nhó hoặc là trẻ con. Nhưng nếu bạn là thiếu niên hiện đại, khả năng cao bạn sẽ không thấy hài lòng. Ngay cả khi bạn học ở trường cùng những kẻ xấu xí, bạn cũng không so sánh mình với chúng mà là với các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, vận động viên xuất hiện trên truyền hình, Facebook và các biển quảng cáo.

Hạnh phúc hoá học

Các nhà khoa học xã hội đã đo lường hạnh phúc và so sánh kết quả với các yếu tố kinh tế-xã hội như sự giàu có và tự do chính trị. Các nhà sinh học cũng đo lường hạnh phúc nhưng họ so sánh với các yếu tố sinh hoá và di truyền. Những phát hiện gây sốc.
Các nhà sinh học cho rằng thế giới tinh thần và tình cảm của chúng ta được điều hành bởi hệ thống sinh hoá hình thành trong hàng triệu năm tiến hoá. Giống như tất cả trạng thái tinh thần khác, hạnh phúc của chúng ta được xác định bởi hệ thống phức tạp các dây thần kinh, các neuron, các synapse, và nhiều hợp chất sinh hoá khác như serotonin, dopamine, oxytocin.
Không ai có thể hạnh phúc bằng cách thắng xổ số, mua nhà, nhận được một chương trình khuyến mại, hoặc kể cả tìm thấy tình yêu đích thực. Một người vừa trúng số hoặc tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình anh ta nhảy lên vui sướng không thực sự phản ứng với số tiền hoặc với người họ yêu. Anh ta đang phản ứng với các hooc-mon trong máu, trong tế bào của mình, và với cơn bão tín hiệu điện đang nhấp nháy giữa những phần khác nhau của bộ não.
Một điều có vẻ như là không may mắn lắm, hệ thống sinh hoá trong cơ thể chúng ta dường như được lập trình để giữ cơ thể chúng ta hạnh phúc ở một mức độ tương đối ổn định, sao cho con người không quá đau khổ cũng không quá hạnh phúc. Điều này cho phép chúng ta thưởng thức sự bùng phát nhất thời của cảm giác dễ chịu, nhưng không bao giờ kéo dài mãi. Sớm hay muộn cũng sẽ giảm dần và nhường chỗ cho cảm giác khó chịu.
Ví dụ: sự tiến hoá cung cấp cảm giác dễ chịu như phần thưởng cho người đàn ông nào lan truyền gen của họ bằng cach quan hệ tình dục với những con cái hữu thụ. Nếu quan hệ tình dục không đi kèm với khoái cảm như vậy, rất ít con đực sẽ bận tâm. Đồng thời, quá trình tiến hoá cũng phải chắc chắn rằng cảm giác dễ chịu không kéo dài mãi, để con đực vô cùng hạnh phúc sẽ chết đói vì không quan tâm tới đồ ăn, và sẽ không mệt mỏi để tìm thêm con cái hữu thụ khác.
Một số học giả so sánh sinh hoá của con người với hệ thống điều hoà không khí luôn giữ cho nhiệt độ không đổi, các hiện tượng trong giây lát có thể thay đổi nhiệt độ, nhưng hệ thống điều hoà không khí trả nhiệt độ về điểm cố định ban đầu.
Một số hệ thống điều hoà không khí được đặt ở 25oC. Những hệ thống khác lại được đặt ở 20oC. Hệ thống điều hoà hạnh phúc cũng khác biệt giữa mỗi người. Trên thang 1 đến 10, một số người sinh ra với hệ thống lên xuống giữa 6 và 10, ổn định theo thời gian ở 8. Một người như thế khá hạnh phúc ngay cả trong một thành phố lớn xa lạ, mất sạch tiền trong một thương vụ kinh doanh, và được chuẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người bị "nguyền rủa" bởi một hệ thống hoá sinh ảm đạm, lên xuống từ 3 đến 7 và ổn định ở 5. Một người không hạnh phúc như vậy vẫn cảm thấy chán nản, dù anh ta có trúng giải đặc biệt xổ số, và có sức khoẻ của một vận động viên Olympic.
Hãy suy nghĩ về một khoảng khách của gia đình và bạn bè. Bạn biết một số người luôn tương đối vui vẻ, bất kể chuyện gì xảy ra. Và có những người luôn bất mãn, dù có bất kỳ loại quà tặng nào mà thế giới có thể đặt dưới chân họ. Chúng ta có xu hướng tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi nơi làm việc, kết hôn, viết xong một cuốn tiểu thuyết, mua chiếc xe mới hoặc trả hết tiền nhà, chúng ta sẽ ở trên đỉnh của thế giới. Tuy nhiền, dường như lại không như vậy, mua xe hơi, viết tiểu thuyết không thay đổi được nền tảng hoá sinh của chúng ta. Chúng có thể khiến cho mức độ hoá sinh thay đổi đột ngột trong một khoảng khắc thoáng qua, nhưng nó sớm trở lại điểm mốc của mình.

Ý nghĩa cuộc sống

Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, tác giả cuốn sách nổi tiếng Think fast and slow (mà mình khá thích) có làm một thí nghiệm. Ông yêu cầu mọi người liệt kê một ngày làm việc điển hình, xem xét từng sự việc một, và đánh giá xem họ thích hay không thích mỗi thời điểm như thế nào. Ông phát hiện ra một điều dường như là một nghịch lý trong quan điểm của hầu hết mọi người về cuộc sống của họ. Thử nói về việc nuôi con. Ông thấy rằng phần lớn các việc rửa chén, thay tã, đối phó với một cơn giận dữ của đứa trẻ, điều mà không ai thích làm. Tuy nhiên, hầu hết các cha mẹ tuyên bố rằng con cái là nguồn hạnh phúc lớn nhất của họ. Liệu điều đó có nghĩa là người ta không thực sự biết điều gì tốt cho mình?
Đó là một lựa chọn. Một lựa chọn khác là những phát hiện cho thấy hạnh phúc không phải là việc có nhiều thời điểm vui vẻ, dễ chịu. Thay vào đó, hạnh phúc bao gồm việc coi toàn bộ cuộc sống của mình là có ý nghĩa và đáng giá.

Hiểu chính mình




Nếu hạnh phúc dựa trên việc cảm thấy những cảm giác dễ chịu, vậy thì chúng ta phải tái cấu trúc hệ thống sinh hoá của mình. Nếu hạnh phúc dựa trên cảm giác rằng cuộc sống có ý nghĩa, vậy để hạnh phúc hơn chúng ta cần phải lừa dối mình hiệu quả hơn.
Những quan điểm trên đều cho rằng hạnh phúc là những cảm giác của quan. Nó xuất phát từ chủ nghĩa tự do của phương Tây, thành thánh hoá những cảm xúc cá nhân như là nguồn gốc tối thượng của quyền lực. Điều gì là đẹp đẽ, điều gì là xấu xa, điều gì nên làm, điều gì không nên làm đều được quyết định bởi những gì mà mỗi chúng ta cảm nhận. Những lời thúc giục len lỏi vào sâu trong tâm trí chúng ta: “Hãy thành thật với bản thân mình”, “Lắng nghe chính mình”, “Làm theo điều trái tim bạn mách bảo”. Những người được giáo dục như vậy họ tin rằng hạnh phúc làm một cảm giác chủ quan và mỗi cá nhân biết rõ khi nào mình hạnh phúc và đau khổ.
Nhưng trong Phật giáo có một quan điểm thú vị về hạnh phúc, cụ thể hạnh phúc bắt nguồn từ các quá trình xảy ra trong cơ thể mỗi người, không phải xảy ra từ những sự kiện ở thê giới bên ngoài. Tuy có cùng quan niệm, nhưng Phật giáo có những kết luận rất khác.
Theo Phật giáo, hầu hết mọi người xác định hạnh phúc với những cảm giác dễ chịu, trong khi xác định đau khổ với cảm giác khó chịu. Do đó, con người gán tầm quan trọng to lớn cho những gì người họ cảm thấy, thèm muốn được những cảm giác dễ chịu.
Vấn đề ở đây là cảm xúc của chúng ta không khác gì những rung động thoáng qua, thay đổi từng phút, từng giây, như những con sóng đại dương. Năm phút trước bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng năm phút sau bạn lại thấy chán nản. Để trải nghiệm cảm giác dễ chịu, tôi phải liên tục “chạy theo” cảm giác dễ chịu và đuổi đi những điều khó chịu. Ngay cả nếu tôi thành công, thì tôi ngay lập tức phải bắt đầu tất cả từ đầu.
Có gì quan trọng mà phải theo đuổi những phần thưởng phù du như vậy? Tại sao phải đấu tranh vất vả để đạt được điều gì đó biến đi mất ngay khi vừa xuất hiện? Theo Phật giáo, gốc rể của đau khổ không phải là đau đớn, không phải là nỗi buồn, cũng không phải là ý nghĩa. Thay vào đó, cái gốc thực sự của đau khổ là theo đuổi những cảm giác nhất thời không bao giờ kết thúc và vô nghĩa, làm cho chúng ta trong tình trạng liên tục căng thẳng, bồn chồn và bất mãn. Chính trong cuộc đuổi bắt này, tâm trí sẽ không bao giờ cảm thấy thoả mãn. Ngay cả khi trải qua niềm vui, nó cũng  không cảm thất mãn nguyện, vì nó sợ cảm giác này có thể sớm tan biến, và khao khát rằng cảm giác này mãi ở lại và được nhân lên.
Những người được giải thoát khỏi đau khổ không phải khi họ trải nghiệm niềm vui thoáng qua này hay kia, mà là khi họ hiểu được bản chất vô thường của mọi cảm xúc, và ngừng thèm khát chúng. Đây là mục tiêu của những bài thực hành thiền định trong Phật giáo. Khi bạn dừng theo đuổi, tâm trí trở nên thoải mái, rõ ràng và hài lòng. Mọi cảm giác sinh rồi diệt-niềm vui, giận giữ, buồn chán, ham muốn-nhưng một khi ngừng khao khát những cảm giác này, bạn có thể chấp nhận chúng như chúng vốn là. Nó giống như người dàn ông đứng bên bờ biển nhiều thập kỷ, ôm ấp những con sóng “tốt” và cố gắng giữ chúng không tan biến, đồng thời đẩy lùi con sóng “xấu”, ngăn cản chúng tới gần. Ngày này qua ngày khác, người đàn ông đứng trên bãi biển tự làm mình phát điên vì hành động vô nghĩa này. Cuối cùng, anh ta nằm yên trên bãi cát và cứ để cho những cơn sóng tự đến và đi như chúng thích. Thật bình yên biết bao!
Bài viết được tóm tắt lại những ý trong chương 19 của cuốn Sapiens: Lược sử loài người. Để có một góc nhìn rõ ràng hơn bạn nên tìm đọc cuốn sách.
Hà Nội, 20/10/2019