Có lẽ nhiều bạn đọc sau khi thấy tiêu đề sẽ đặt ra câu hỏi: Làm thế nào một người khiếm thị, hay nói chính xác hơn là mù hoàn toàn, có thể sử dụng thiết bị công nghệ, chứ chưa nói đến việc chơi game và trở thành nghiện? Tất cả sẽ có câu trả lời ngay dưới đây.
Giới thiệu bản thân
Chào các bạn, mình là Trung. Sinh ra và lớn lên tại vùng núi Tây Bắc, từ khi sinh ra, mình đã không may mắn... À thôi, bỏ qua cái văn vẻ ấy đi. :)
Mình bị khiếm thị bẩm sinh, nên không thể nhìn thấy hoàn toàn. Nói cho nhanh là mình bị mù. Ngay từ nhỏ, việc không thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh khiến mình phát triển khả năng nhận biết âm thanh rất tốt. Chỉ cần nghe thấy giọng nói của ai đó là mình có thể nhận ra ngay từ lần gặp thứ hai. Nghe tiếng xe thôi là biết đó là xe của ai, trừ khi người đó đổi xe mới :)
Do lớn lên ở vùng xa thành thị và gia đình mình chỉ là dân lao động, nên bố mẹ cũng không biết phải cho con học hành thế nào. Các trường lớp ở xã thì không dám nhận vì không biết cách dạy cho người khiếm thị. Vậy là, mình thành ra không được học hành gì cả. Nói nhanh là vô học.
Trong tiềm thức, mình biết mình không giống người khác, không được như người khác và tự xa lánh mình với mọi người, kể cả người thân trong gia đình. Thật may, mình không gặp những tình huống drama như bị coi thường, khinh khi hay sỉ nhục gì cả. Mọi người đều dành sự yêu thương cho mình hết sức có thể, và nhờ đó, mình cũng có một tuổi thơ đẹp.
Tiếp xúc với game
Còn nhớ, vào năm mình 8 tuổi, khoảng năm 2012 (vâng, đúng rồi đấy, mình sinh năm 2004), các quán net bắt đầu xuất hiện ở làng và trẻ con đua nhau nghiện net như bao nơi khác.
Mình có một thằng em họ, nói là em thế thôi chứ lớn hơn mình tận 3 tuổi. Biết mình chơi một mình nên nó rất hay quan tâm và chú ý đến mình. Vậy là, nó kéo mình đi net với lý do là muốn đưa anh đi chơi. Thực ra, nó đi cùng mình để bố mẹ nó không hỏi han gì.
Lúc ấy, quán net làng mình chưa nổi lên với Liên Minh (LOL) hay các game MMORPG khác đâu, mà các ông ấy nghiện Counter Strike (Half Life) – con game huyền thoại và cũng là khởi đầu của mình.
Nghe các bạn chơi game, mình cũng rất vui. Lâu lâu mượn cái tai nghe của chúng nó, nghe tiếng súng nổ đùng đoàng – ôi thích ghê. Lúc ấy, mình ao ước, Mơ mộng và hi vọng rất nhiều rằng có một ngày mình cũng có thể chơi game và hòa nhập cùng chúng bạn, Dù nó như là điều không thể. Nghe rồi không chơi cũng buồn, chả thiết đi cùng thằng em lên net nữa. Nó biết nên mới hỏi mình tại sao, và nói “Thế thì em chỉ anh chơi.”
Lúc ấy, hai anh em cũng ngơ ngác. Một ông thì chẳng biết chỉ thế nào cho một đứa mù chơi game, còn ông kia thì không biết mình học thế nào. Cả hai đành đâm đầu vào nghiên cứu để tìm cách chơi được game.
Như các bạn cũng biết, Counter-Strike có âm thanh nổi. So với các game hiện đại, nó có vẻ mờ nhạt và không có gì đặc biệt, nhưng nhờ âm thanh nổi, bạn có thể phán đoán kẻ thù qua âm thanh nếu tập trung lắng nghe.
Vì mình rất nhạy cảm với âm thanh, sau gần một tháng mò mẫm, mình cũng nhận ra rằng: Ồ, nếu kẻ thù di chuyển ở bên trái mình thì âm thanh sẽ đến từ bên trái. Vậy là mình học cách sử dụng chuột để căn chỉnh sao cho âm thanh đó ở giữa là ổn.
Nhưng một cản trở tiếp theo bất ngờ “tát” mình cái bộp: Căn được âm thanh rồi thì sao? Nếu kẻ thù sử dụng súng ngắm để bắn hoặc không di chuyển nữa, thì mình nghe bằng hi vọng. Vụ súng ngắm thì mình chịu. Còn vụ không di chuyển nữa thì mình khắc phục bằng cách chờ kẻ thù bắn trước hoặc tiên hạ thủ vi cường – nghe âm thanh di chuyển của đối thủ rồi tấn công.
Một khó khăn khác khi chơi Counter-Strike là các bức tường. Mình nhận ra rằng khi đâm vào tường, âm thanh bước chân không phát ra nữa. Vậy là mình đành phải đếm và nhớ từng đường đi nước bước trong Counter-Strike, và map mình nhớ nhất đến giờ là Italy.
Vậy là mình bắn nhiều với thằng em, với mấy bé NPC, và cũng có được phản ứng cơ bản. Chỉ cần không gặp súng ngắm là mình đủ sức chơi một trận có thắng có thua. Vậy là mình được chơi cùng. Luật của tụi bạn là có thằng Trung không được dùng súng ngắm. Ai vi phạm luật sẽ bị gọi là “cờ hó” :)
Cản trở duy nhất lúc ấy là không có ai mở game, không ai kết nối vào mạng LAN hoặc vào game cho thì cũng tịt ngòi. Nhưng lúc đó làm gì có giải pháp nào đâu.
Chơi CS nhiều rồi cũng chán. Vậy là mình và thằng em bắt đầu tìm game mới mà mình có thể chơi. Cuối cùng, chúng mình tìm được một game mới khá hay – đó là game đối kháng.
Trong nhiều game đối kháng, các nhân vật có giọng nói khác nhau và thường có những câu hô lên như “hấy hấy” hay “ha ha”, nên mình có thể nghe và phân biệt được đâu là nhân vật của mình, lúc nào mình bị đấm hay đối thủ bị đấm thông qua âm thanh của các nhân vật :)
Lúc ấy, game đối kháng 2D là phổ biến. Đấm chưa trúng thì đỡ đòn, đợi kẻ thù đấm trước hoặc di chuyển trái phải gì rồi cũng thấy, vì lúc đó game đối kháng chưa có nhiều âm thanh nổi, hoặc có nhưng mình không biết.
Game đối kháng mình chơi nhiều nhất lúc ấy là Bleach Vs Naruto. Em mình đã tìm thấy game này trên mạng và rủ mình chơi. Ai ngờ lại hợp lý đến vậy. Sau đó, mình cũng thử chơi bản KOF (The King of Fighters) cũ, bản MOD lại cho PC.
Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh và Bước Ngoặt Cuộc Đời
Lúc ấy, mình thường ra ngoài chơi, nên bố đã đưa cho mình một chiếc điện thoại cũ để tiện gọi hỏi đang ở đâu và mình cũng dùng để hú đồng đản. À, mình chưa giải thích làm sao mà mình nhớ được bàn phím máy tính hoặc điện thoại nhỉ. Hồi đó, em mình đã chỉ cho mình biết đâu là phím A, đâu là phím B, nên mình nhớ được. Cả phím điện thoại cũng vậy.
Hai năm trôi qua với BVN và CS, đến năm 2014, vào khoảng 11 giờ đêm, không ngủ nổi, mình cầm điện thoại gọi lung tung, 1122, 1212, nhưng trùng hợp thế nào lại gọi vào số 1340 – mạng xã hội âm thanh qua tổng đài.
Cho những ai chưa biết, mạng xã hội dạng này hoạt động như thế này: Bấm 1 để nghe nhạc, bấm 2 để nghe truyện, và nhiều tùy chọn khác. Ôi, mình vui tột cùng!
Tại đây có tính năng kết bạn, hét hò và nhiều thứ khác nữa, nên mình bắt đầu thử đăng bài và tìm bạn. Đăng bài ở đó có âm thanh tút tút, rồi bạn nói, sau đó gửi đi dưới dạng file âm thanh có thể nghe được.
Mình lúc ấy hạnh phúc lắm, nhất là khi tìm được những người đồng cảnh, có thể nói là đồng loại vì họ cũng bị mù. Lúc ấy, mình đã khóc.
Sau khi kết bạn lung tung, mình vô tình làm quen với một người anh, cũng là một người bạn và người dẫn đường cho mình. Anh em vẫn chơi đến bây giờ là anh H.
Càng vui biết bao khi anh H cũng mù hoàn toàn như mình, cũng chơi CS và BVN. Nhưng anh khác mình ở chỗ, anh có thể sử dụng điện thoại và máy tính thông minh một cách tự chủ mà không cần nhờ ai giúp. Làm sao ư? Hãy cho mình xin vài đoạn để mô tả và trả lời cách người khiếm thị có thể sử dụng thiết bị công nghệ, cách chơi game và thế giới game cho người khiếm thị.
Cách Người Khiếm Thị Sử Dụng Thiết Bị Công Nghệ
Trình Đọc Màn Hình
Trên mọi hệ điều hành có giao diện như Windows, Android và iOS đều tồn tại phần mềm gọi là trình đọc màn hình. Phần mềm này sẽ đọc lại tất cả văn bản, hình ảnh và các phần tử có thể nhận biết được trên màn hình thông qua giọng nói TTS (Chuyển văn bản sang lời nói). Phần mềm cũng có cách điều hướng riêng để xóa bỏ mọi cản trở đối với người khiếm thị khi sử dụng thiết bị thông minh. Nhờ đó, người khiếm thị có thể sử dụng công nghệ giống như người bình thường thông qua các phần mềm trợ năng đặc biệt và chuyên dụng.
Game Tạo Dành Riêng Cho Người Khiếm Thị - Audio Games
Audio game, đúng như tên gọi của nó, là trò chơi âm thanh. Với thể loại trò chơi này, hình ảnh không phải là yếu tố cần ưu tiên mà là âm thanh. Âm thanh cần được trình bày sao cho phù hợp và thực tế nhất thông qua âm thanh nổi. Audio game không khác gì video game cả, chỉ khác ở chỗ có những cải tiến dành cho người khiếm thị mà thôi.
Video Game Có Thể Truy Cập Bởi Người Khiếm Thị
Nhân đây, mình giải thích luôn. Thời gian gần đây, từ khoảng năm 2018 đến nay, rất nhiều trò chơi AAA nổi tiếng đã thêm chế độ chơi dành cho người khiếm thị vào game. Có thể kể đến như Mortal Kombat 11 hay bản gần đây nhất của dòng game này là Mortal Kombat 1, The Last of Us cả bản 1 và 2, hay bản mới nhất của God of War đều đã có thể chơi hoàn toàn bởi người khiếm thị. Cách hoạt động là trò chơi sẽ có các âm thanh chuyên dụng. Ví dụ như kẻ thù đang di chuyển sẽ có âm thanh tít tít liên tục di chuyển cùng để người chơi nhận ra sự tồn tại, và các âm thanh điều hướng cùng trình đọc màn hình tích hợp.
Đã xong. Trở lại với nội dung chính của bài viết nhé.
Mua Máy Tính và Học Hành
Vừa nghe tin người khiếm thị có thể sử dụng máy tính, mình phát rồ lên và nói ngay cho bố mẹ. Dù khó tin, nhưng bố mẹ mình vì thương con nên chấp nhận thử. Họ mua cho mình một dàn máy tính cây nhỏ. Nói "dàn" cho oai thôi, chứ đó chỉ là máy chạy Windows 7 với RAM 2GB.
Mình có ông anh họ học công nghệ vừa về làng, và xin ngay tên phần mềm trình đọc màn hình từ anh H rồi nói cho anh họ biết. Vậy là ông anh họ giúp tìm, tải về và cài đặt phần mềm. Đối với những ai tò mò, phần mềm đó là NVDA (NonVisual Desktop Access).
Cài xong thì mình bắt đầu học cách dùng từ anh H. Cản trở đầu tiên là giao diện máy tính toàn tiếng Anh, chỉ có trình duyệt là tiếng Việt thôi. Nhưng anh H cũng mô tả cho mình biết các chức năng cơ bản. Vậy là mình đâm đầu vào học cách dùng máy tính. Đến khi thành thạo, mình bắt đầu bù lại kiến thức đã bỏ lỡ.
Thành Lập Nhóm Game Thủ Khiếm Thị và Bắt Đầu Gia Nhập Xã Hội
Cứ thế, mình sống với máy tính và mạng xã hội qua tổng đài trong 2 năm. Đến năm 2016, mình được mua điện thoại cảm ứng. Thế là mình bỏ hoàn toàn 1340 và bắt đầu học cách sử dụng điện thoại, tạo tài khoản Facebook và gia nhập các cộng đồng khiếm thị trên đó.
Trong 2 năm mò mẫm với máy tính, mình đã tự học cách gõ tiếng Việt, cách viết qua sự hướng dẫn của mẹ, bạn bè và anh H. Lúc đó, mình không còn quá nhiều trở ngại về việc gõ nữa, chỉ là hay bỏ qua dấu chấm hay phẩy trong đoạn viết mà thôi.
Gia nhập cộng đồng khiếm thị, mình bắt đầu kết bạn, tìm thêm bạn bè, những phần mềm cần thiết cho cuộc sống của người mù và đặc biệt là thêm những người bạn cùng đam mê chơi game. Nói gọn là ngiện.
Khái niệm trò chơi cho người mù lúc ấy còn rất mơ hồ với người mù tại Việt Nam. Nhờ biết đến diễn đàn game âm thanh lớn nhất cho người mù tại audiogames.net, mình và anh em trong nhóm nghiện game đã lấy thông tin từ đó và chia sẻ cho cộng đồng để lan rộng đam mê.
Vì rất khó để làm quen với game, mình và các anh em đã có kinh nghiệm chơi một trò chơi nào đó sẽ làm video về trò chơi và đăng lên YouTube hay Facebook. Tất nhiên, video đó chẳng có hình ảnh gì, cũng chẳng ai quan tâm nhiều. Chúng mình đặt tên cho nhóm là Game Thủ Khiếm Thị.
À. Và, Nhiều bạn sẽ có câu hỏi là RAM 2GB chơi game gì. Audio game nó không có đồ họa nên chiến tất ở mọi mặt chận nhé.
Đến Trường Học của Người Mù và Gặp Gỡ Bạn Bè Ngoài Đời
Đến năm 2019, mình biết nhiều bạn hơn và có một người bạn nói cho mình biết rằng ở Hà Nội có một trường dành cho người mù. Họ có các khóa học ngắn, từ vài tuần đến vài tháng, để dạy một kỹ năng nhất định cho người mù.
Vậy là chúng mình tụ họp và xem có khóa học nào phù hợp rồi đăng ký. Mình ngỏ lời xin bố mẹ. Ban đầu, bố mẹ mình lo sợ và không có nhiều khái niệm về người mù, thương con nên không dám cho đi. Nhưng sau khi nài nỉ mãi, họ cũng đồng ý và bố mình đưa mình đi.
Đến nơi, thấy trường học ổn nên bố yên tâm để mình ở lại. Khóa học kéo dài 2 tuần và mình gặp hầu hết anh em từ gần xa, cả anh H. cũng từ Đà Lạt ra học cùng cho vui. Nếu bạn hỏi chúng mình học gì, thì chúng mình đăng ký học máy tính cơ bản, dù đã biết :)
Nhóm Game Thủ Khiếm Thị Tan Rã và Tự Lập Trang Web Cá Nhân Chia Sẻ Game
Vào năm 2021, do mỗi người đều có cuộc sống riêng, nhóm Game Thủ Khiếm Thị ngày nào cũng tan rã. Anh em vẫn chơi với nhau nhưng nhóm không còn hoạt động nữa.
Cũng vào thời điểm này, bố mẹ và anh chị thương mình nên nâng cấp máy tính cho mình. Không mạnh nhưng nếu để ở đồ họa thấp nhất vẫn chơi được Mortal Kombat 11. Mình chơi được nhiều game hơn, tự học tiếng Anh cơ bản, và niềm khao khát để người mù có thể chơi game càng bùng cháy. Trẻ trâu mà :)
Vậy là mình bắt đầu học cách tạo trang web với WordPress trong hơn một năm. Tuy nhiên, vì WordPress không tiếp cận tốt với trình đọc màn hình, mình được khuyên chuyển sang tạo trang web với Drupal.
Mình sẽ không giải thích WordPress hay Drupal là gì ở đây để tránh dài dòng. Nếu bạn chưa biết về WordPress hay Drupal hoặc các nền tảng CMS, bạn có thể tìm kiếm trên Google.
Cứ thế, vào năm 2023, mình đã sẵn sàng để mua tên miền và tạo trang web. Thật xấu hổ khi tiền tạo trang web là tiền tiết kiệm từ việc lâu lâu bố mẹ cho tiền, tiền mừng tuổi mỗi năm vì đến giờ mình vẫn chưa có công việc nào để kiếm thu nhập.
Trang web khởi chạy. Mình đăng tải các trò chơi mà người mù có thể chơi được, bao gồm cả audio game và video game lên trang web. Dịch các trò chơi có thể sang tiếng Việt thông qua vốn ngôn ngữ ít ỏi, vì chơi game mà không hiểu ngôn ngữ thì đau lòng lắm. Không phải người khiếm thị nào cũng có thể chơi game mà không hiểu nội dung game nói gì, đúng không?
Cứ vậy, cho đến nay, mình vẫn duy trì và phát triển dự án trang web thông qua tiền tiết kiệm, lâu lâu tìm được dự án dịch nhỏ kiếm được vài đô qua PayPal, và nhận quyên góp từ cộng đồng người khiếm thị dù không nhiều.
Tổng Kết và Cảm Ơn vì Đã Đọc
Đây là lần đầu tiên mình viết bài và tự tin đăng tải một chủ đề mà mình vẫn chưa hoàn toàn tự tin lên một cộng đồng lớn như Spiderum. Nhưng mình muốn nhiều người biết đến hơn và muốn lan tỏa thông điệp rằng: Người khiếm thị, người mù cũng có thể chơi game.
Công nghiệp game ngày càng phát triển và nước nhà cũng bắt đầu phát triển nhiều game hay. Mình ước ao rằng một ngày nào đó, một nhà phát triển game Việt sẽ tích hợp trợ năng vào trò chơi để mình có thể cảm nhận được sự phát triển của game từ chính quê hương mình.
Thật sự rất biết ơn những bạn đã đọc đến đây. Cảm ơn sự quan tâm của bạn rất nhiều.
Nếu bạn quan tâm đến mình nói riêng, đến người khiếm thị nói chung, bạn có thể tìm hiểu tại trang web của mình tại ddt.one.
Một lần nữa, cảm ơn vì đã đọc.
P/S
Rất xin lỗi vì bài viết không có heading vì mình không biết cách tạo heading ở đây :) Và cũng xin lỗi vì bài viết của mình nghe hơi giống bài từ một đứa trẻ đang viết. Mình sử dụng cảm súc của mình qua từng thời kì để viết nên vậy. Mọi người thông cảm.