Khi còn nhỏ, bất kỳ ai trong chúng mình cũng có riêng một giấc mơ. Giấc mơ trở thành một Cô giáo, giấc mơ trở thành một Giám đốc hay cũng có những giấc mơ "kỳ quặc" như trở thành Phi hành gia.
Trẻ em nuôi dưỡng tuổi thơ của mình bằng những giấc mộng, người lớn trưởng thành với sự vỡ mộng. Nghe có vẻ hài hước, nhưng sự thực luôn chua chát như vậy. Bạn cần học cách chấp nhận và bước về phía trước. 
Thú thật là tôi cũng như thế thôi, một cô bé ngô nghê với trái tim nhiều suy tưởng, một khối óc ngây thơ nghĩ về tôi của sau này. À, mình sẽ trở thành một Biên tập viên Truyền hình, hoặc một Phát thanh viên... Giấc mơ đó được nuôi dưỡng bằng những tháng ngày tuổi nhỏ thức dậy với tiếng Đài Phát thanh Hà Nội cùng giọng đọc của cô Kim Tuyến cách làng tôi cả 1500km và hình ảnh thượng cờ ở Lăng Chủ tịch vào lúc 5h kém 10 mỗi sáng trên vô tuyến ... 
Cũng như nhiều đứa trẻ, tôi đánh mất ước mơ ấy bằng hiện thực!
Tôi lên Đại học. Hà Nội đã lớn lên cùng tôi, nên dù Sài Gòn có gần nhà tới mấy tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến. Học viện Báo chí Tuyên truyền, cô sinh viên hơn 17 tuổi háo hức nhập học tại Thủ đô. Tôi tưởng tượng mọi thứ hệt như những thước phim xưa cũ mà mình từng xem như Phía trước là bầu trời chẳng hạn. Chắc thú vị và đáng nhớ lắm! 
Năm đó, tôi không đủ tiêu chuẩn vào khoa Phát thanh Truyền hình vì thiếu 2cm chiều cao, cũng không buồn như tôi tưởng tượng. Tôi chọn học khoa Quan hệ Quốc tế. Và tôi bắt đầu hành trình Sinh viên mà tôi hằng mơ ước.
Nhà tôi không quá giàu có, nên tôi tự bươn chải. Tôi đi làm thêm, đi làm gia sư... tôi tự mình chạy đua giữa Thủ đô nhiều thử thách mà cũng lắm điều thi vị. Tôi yêu Hà Nội chẳng cần lý do, nên cũng không biết cách để hết yêu nó. 7 năm tuổi trẻ của tôi gắn liền với Hà Nội. Hà Nội cho tôi nhiều, lấy đi của tôi cũng nhiều. Rồi tôi vào Sài Gòn, nửa năm. À chính xác thì chỉ tầm 4 tháng. Sài Gòn chộn rộn và màu sắc. Không phải lần đầu tiên ghé chân, nhưng là lần đầu tiên dừng chân lâu đến vậy. Nhưng rồi sự "cả thèm chóng chán" lại khiến tôi từ bỏ Sài Gòn. Giờ đây, khi viết những dòng này, tôi đang ngồi trong cửa hiệu nho nhỏ của mình ở phố Hoàng Diệu, thành phố Đà Nẵng. Thật buồn cười!
Cửa hiệu của tôi có cái tên rất "xanh" Green Fruit. Tôi bán trái cây nhập khẩu, bánh kẹo ngoại và những loại rượu đắt tiền. Tính đến nay, thương hiệu vừa ra mắt được 3 tháng. Tôi muốn ghi chép lại hành trình của mình trong 3 tháng vừa qua, để một ngày đẹp trời đọc lại, tôi không quên mình của hôm nay; cũng là một lời chia sẻ cho những ai sẽ giống như tôi lúc này. 
Tôi tự tay mình lên ý tưởng cho tên gọi, slogan và hình hài của Green Fruit. Mọi thứ sẽ thật tuyệt nếu chúng tôi không gặp vướng mắc về tiền đầu tư. Không có tiền mọi thứ sẽ chỉ là giấy tờ và ý tưởng, vậy đó! Tôi vay, vay để làm trước khi tiền đầu tư rót về. Ngay lúc tôi đang kể câu chuyện này, thì thú thực tiền đầu tư mới chỉ về được 1/3. Tôi còn đang lo ngày mai lấy gì trả tiền nhân viên, tiền vay mượn bạn. Hôm nay là 25 Tháng Chạp âm, 5 ngày nữa Tết về. 
Có những đêm tôi ngồi khóc, khi mọi sự chẳng như ý. Tôi khóc nấc lên như một đứa trẻ bị phản bội niềm tin, bị lừa và bị hứa lèo. Lúc 5h chiều, tôi cũng vừa ngồi trong nhà vệ sinh và gào khóc. Tôi mệt, tôi cãi nhau với người đầu tư của tôi, tôi không giận anh ấy, nhưng tôi giận sự bất lực của mình và ghét sự chờ đợi. 
Điều khiến tôi bận lòng là sự liên luỵ của mình tới người xung quanh. Những khoản vay bạn bè đến hạn trả, họ giúp tôi lúc tôi cần nhất nên tôi muốn trả lại họ với cả sự vui vẻ và biết ơn. Tôi không muốn người đi cùng tôi phải lo âu hay mệt mỏi, dù đó là sự san sẻ nhưng tôi có trách nhiệm với họ. Vì họ thương tôi, nên tôi trân quý họ. Điều đáng sợ nhất không phải là một mình gồng lên với thế giới mà là việc bạn làm khiến người bạn yêu quý bị tổn thương. Còn tiền, vốn dĩ không phải thứ quan trọng đến mức làm tôi thèm khát. Tôi cần tiền để những người xung quanh mình được sống thoải mái, bình an. 
Vì vốn về chậm, đâm ra tôi muốn làm gì cũng rất khó khăn. Làm gì cũng phải cân đo, cắt xén. Thực sự không thể bung xoã hết khả năng của mình, tôi cũng chẳng lấy làm vui vẻ. Nhưng thôi, tình thế đã vậy, phải kiên nhẫn và vươn lên. Bên cạnh những đỉnh núi luôn là thung lũng, tôi cần bước qua thung lũng ấy. 
Ngồi nhìn cửa hàng có phần hơi ế ẩm do không đủ tiền làm Marketing và nhập hàng, tôi cũng lo lắng vô cùng. Nhưng tôi tin rằng năm sau sẽ khác. Tự trấn an mình và không ngừng tin tưởng. Tính đến nay thì cũng lỗ vài chục, nhưng đổi lại nó cho tôi một năm 2019 nhiều trải nghiệm và sự can trường. 
Viết thế này có phải hơi tóm tắt không nhỉ? Hay cần chi tiết hoá lộ trình tôi mở cửa hàng như thế nào? Bản thân tôi thấy quan trọng nhất vẫn phải là ý chí, nên tôi gửi gắm sự tích cực và hy vọng trong câu từ, mong những ai đọc nó sẽ thấy phần hưng phấn. Khi chúng ta hiểu để thành công cần sự đánh đổi, hãy để đó là sự đánh đổi xứng đáng!
Còn bây giờ, tôi sẽ đọc sách. Khép lại một ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2019 Âm lịch, Tết đang cận kề ...
Mốc.