Hành Trình 4 Tháng Gắn Bó Với Công Việc Freelancer Và Bài Học Cho Những Ai Muốn Bắt Đầu
4 tháng gắn bó với công việc freelancer đã đem lại cho tôi những gì? Liệu công việc này có phù hợp với chính bạn? Bạn cần làm gì để có thể bắt đầu một công việc tự do? Hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp ích cho bạn.
Vậy là những ngày cuối cùng của tháng 6 cũng sắp trôi qua. Nửa năm qua, bạn đã làm được những gì? Tôi đã hoàn thành được một vài mục tiêu của mình trong khi số khác vẫn còn dang dở. Dù vậy, tôi cũng nhận được rất nhiều điều có ý nghĩa chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi gắn bó với công việc freelancer.
Trong một bài viết trên Facebook cá nhân, khi chia sẻ quyết định theo đuổi công việc này, tôi nhận được tin nhắn từ một vài người bạn bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về công việc tự do. Gần đây, tôi nhận được thêm nhiều câu hỏi hơn về vấn đề này từ các bạn độc giả của The Introvert Writer. Tôi muốn dành bài viết này trả lời cho các bạn. Bài viết cũng dành cho tất cả những ai muốn bắt đầu một công việc tự do. Bây giờ, hãy cùng tôi nhìn lại hành trình này nhé!
Bài viết nằm trong series “Bài Viết Theo Yêu Cầu” được lên sóng mỗi thứ 3 hàng tuần. Gửi yêu cầu về chủ đề bạn muốn The Introvert Writer thực hiện thông qua Fanpage The Introvert Writer. Bạn cũng có thể để lại lời nhắn tại mục Liên hệ trên The Introvert Writer.
Lắng nghe toàn bộ bài viết trên The Introvert Writer Podcast hoặc trên Anchor tại đây.
Công việc Freelancers dưới góc nhìn của tôi
Freelancer là gì?
Mọi người đều đã biết freelancer là những người làm việc tự do. Họ cung cấp dịch vụ cho không chỉ một mà còn nhiều khách hàng khác nhau. Cùng một lúc họ có thể nhận vài dự án. Họ cũng tự làm chủ công việc của mình.
Hiện tại, tôi đang theo đuổi công việc viết lách tự do. Công việc này cũng có tính chất tương tự như các công việc freelance khác. Dựa vào những dịch vụ mà bạn cung cấp, sẽ có nhiều tên gọi khác nhau cho các cây viết tự do. Ví dụ: Content Writer là những người sản xuất nhiều loại nội dung khác nhau bao gồm bài viết trên blog/website, ebook, sách trắng,…Ghost Writer – hay còn gọi là “nhà văn ma”. Họ là những người được thuê viết mà không được ghi nhận tên tuổi trên tác phẩm. Copywriter chuyên viết những nội dung với mục đích quảng cáo, PR cho sản phẩm nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi cho doanh nghiệp.
Công việc Freelancer có ổn định?
Nhiều bạn hỏi tôi: “Từ bỏ công việc để viết tự do có mạo hiểm không?”. “Kinh tế có ổn định không?”. Tôi nghĩ có thể trong từ tự do đã bao gồm những hàm ý không ổn định. Bởi vậy nên các bạn băn khoăn về điều đó.
Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm về chữ ổn định. Công việc ổn định hay thu nhập ổn định là những cụm từ tôi được nghe thường xuyên. Đặc biệt, bố mẹ chúng ta (và cả chính chúng ta) luôn muốn định hướng con cái lựa chọn và theo đuổi những công việc ổn định. Có lẽ vì nếu có một công việc ổn định, bạn sẽ sống vô tư vô lo và hạnh phúc hơn.
Bây giờ, tôi muốn bạn nhìn theo một hướng khác. Liệu bạn có bao giờ nghĩ, kể cả khi bạn làm việc ở một công ty nào đó, thậm chí là ở những doanh nghiệp lớn, thì cuộc sống của bạn cũng không hẳn là ổn định? Lý do là vì bạn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp và không có quyền quyết định. Những sự kiện có tác động lớn đến nền kinh tế như các cuộc khủng hoảng kinh tế hay một đại dịch như Covid-19 có thể đốn ngã bất kỳ tập đoàn, doanh nghiệp lớn nào. Chỉ trong một thời gian ngắn, bạn thất nghiệp. Liệu rằng đó là sự ổn định?
Chưa nói đến những sự kiện như vậy, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra hàng ngày. Công nghệ khoa học phát triển với tốc độ chóng mặt. Robot rồi sẽ thay thế công việc của con người. Nhiều công việc trong hiện tại sẽ biến mất trong vòng 5-10 năm tới. Rất nhiều những lĩnh vực sẽ không cần đến sự hiện diện của bạn. Vậy lúc đó bạn sẽ làm gì?
Đọc thêm bài viết tôi thực hiện phỏng vấn blogger Hạnh Hoàng về vùng an toàn tại đây.
Tư duy làm chủ khi làm việc tự do
Tôi yêu chủ nghĩa tự do. Tự do được quyết định số phận của mình, đưa ra lựa chọn và theo đuổi những gì mình mong muốn. Công việc freelancer khác biệt với những công việc khác tôi từng làm. Khác biệt ở chỗ, tôi hình thành được tư duy làm chủ. Tôi tự nhận thức bản thân đang điều hành một doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, tôi luôn chủ động tìm kiếm giải pháp hiệu quả để mở rộng và phát triển doanh nghiệp của mình. Tôi làm việc say mê, bất kể thời gian, với tình yêu và sự nghiêm túc cho mỗi sản phẩm của mình. Điều này khiến tôi hạnh phúc.
Tôi đã trở thành Freelancer như thế nào?
Đưa ra lựa chọn
Trước khi quyết định trở thành cây viết tự do, tôi đã có khoảng thời gian đi làm full time trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vì hai vợ chồng tự lập nuôi hai con nhỏ gặp nhiều khó khăn, tôi quyết định nghỉ việc. Khi nghỉ việc, tôi cũng tìm kiếm những công việc part time. Tôi từng làm customer service cho một bên sản xuất mũ chống giọt bắn. Cùng với đó là tham gia viết bài SEO cho một bên chuyên review sản phẩm Amazon. Vì nhận thấy có những vấn đề không phù hợp, tôi đã kết thúc hai công việc này chỉ sau một tháng.
Lúc này, tôi bắt đầu khám phá bản thân, đi tìm những giá trị cốt lõi, brainstorm những phương án phù hợp. Sau những ngày tháng suy nghĩ kỹ càng, tôi đã quyết định trở thành một cây viết tự do.
Xây dựng blog
Ngay khi quyết định, tôi biết xây dựng blog là việc đầu tiên cần làm. Bới tôi cần một nơi để chia sẻ bài viết của mình đến mọi người và nhận phản hồi từ bạn đọc. Blog là nơi lý tưởng để thực hành viết và tạo ra portfolio cho bản thân. Tôi mày mò tự làm blog, thiết kế giao diện, chỉnh sửa mọi thứ. Hành trình này đã được đúc kết qua khóa học làm blog miễn phí của tôi.
Tìm kiếm mentor
Làm blog và đăng bài xong, tôi ngại không dám publish. Tôi sợ nhận về những nhận xét không tốt từ mọi người. Lúc này, tôi nghĩ đến việc nhờ người giúp mình cải thiện kỹ năng viết. Đúng lúc đó, tôi biết đến cuốn “Con đường trở thành Freelance Writer” của chị Linh Phan. Tôi đã tìm đến chị nhờ tư vấn. Khi quyết định học chị Linh, tôi chỉ nghĩ đến một người giúp tôi chỉ ra những vấn đề khi viết. Nhưng hiện tại, khi đã kết thúc khóa học hơn một tháng, tôi nhận về rất nhiều bài học quý giá. Những bài học này tôi đã chia sẻ trên Group “Để viết tốt hơn”, bạn cũng có thể đọc bài viết từ đây.
Tìm kiếm cơ hội
Cùng với việc học, tôi cũng tìm kiếm những cơ hội viết lách đầu tiên. Nhờ kết nối và chính blog của mình, tôi đã nhận được cơ hội viết cho Her.vn mà không cần làm bất kỳ bài test nào. Sau đó, tôi cũng được chị Linh trao cơ hội tham gia vào dự án Nghề Tay Trái. Ngoài ra, để thúc đẩy cho The Introvert Writer, tôi hoạt động trên các nền tảng khác như Spiderum, Noron,…Hiện tại, tôi tập trung chăm sóc hai con nhỏ phải nghỉ dịch ở nhà và phát triển The Introvert Writer. Bởi vậy, tôi đang tạm dừng tìm kiếm những cơ hội khác.
Thử nghiệm và học hỏi mọi thứ
Không những vậy, tôi còn tham gia nhiều khóa học để cải thiện tư duy, khả năng viết. Tôi cũng học hỏi thêm marketing, SEO cho blog của mình. Dự án cá nhân chính là nơi tuyệt vời để tôi thử nghiệm mọi ý tưởng, trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân. Từ đó, tôi cũng có thêm kinh nghiệm khi nhận những công việc hoặc dự án mới.
Thực hành tư duy tích cực mỗi ngày
Dù làm công việc yêu thích, nhiều lúc tôi cũng có những chán nản. Những lúc này, tôi hay viết về những điều mình nghĩ, mục tiêu và cam kết của mình. Thi thoảng, tôi cũng nhận được lời động viên từ chồng và dần cảm thấy khá hơn. Mỗi ngày, tôi duy trì viết một điều biết ơn trước khi đi ngủ. Điều này luôn khiến tôi cảm thấy tuyệt vời. Tôi cũng lưu giữ rất nhiều những lời khen ngợi và động viên từ độc giả. Những lúc khó khăn, tôi mở ra xem và có thêm động lực bước tiếp trên hành trình của mình.
Tôi có được những gì sau 4 tháng làm Freelance
Sau 4 tháng làm Freelance, thu nhập hiện tại của tôi vẫn chưa đạt được như thời điểm đi làm full time. Tuy nhiên, tôi nhận được nhiều điều có ý nghĩa mà không tiền bạc nào có thể so sánh được…
Có thời gian dành cho con cái
Động lực lớn nhất khiến tôi bắt đầu công việc freelancer là hai con nhỏ. Khi bắt đầu công việc tự do ở nhà, tôi có toàn quyền làm chủ thời gian của mình. Tôi được chơi với con, tắm rửa cho con hàng ngày. Với nhiều bà mẹ, đây là điều mà ai cũng muốn dành cho con nhưng không phải ai cũng làm được.
Trong thời buổi dịch bệnh, các trường học đóng cửa, không có sự trợ giúp từ người khác, rất khó để hai vợ chồng tôi có thể chăm lo cho con nhỏ. Làm việc ở nhà mang lại lợi thế lớn với tôi. Thay vì nhiều gia đình phải gửi con về quê hay chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người gửi trẻ, các con tôi được ở nhà và chơi đùa với mẹ mỗi ngày.
Được làm công việc yêu thích
Trước đây đi làm, tôi hoàn toàn không cảm nhận được ý nghĩa trong những việc mình làm. Thực tế tôi chỉ đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Dù cũng có nhiều người gắn bó và dần yêu việc họ đang làm, tôi chưa trải nghiệm được cảm giác này.
Làm nhiều việc khác nhau, tôi vẫn chưa thấy công việc nào phù hợp với mình. Trong công việc, tôi chỉ hoàn thành các nhiệm vụ ở mức vừa đủ. Vì vậy, tôi không có nhiều bứt phá trong sự nghiệp. Từ khi bắt đầu viết, trong vòng 4 tháng qua, mỗi ngày tôi đều hạnh phúc vì những gì mình đang làm. Tôi luôn tìm tòi, học hỏi để mang đến nhiều điều thú vị hơn nữa cho độc giả.
Có thêm những kết nối giá trị
Khoảng thời gian qua, tôi đã kết nối với rất nhiều người bạn yêu viết lách. Nhờ các bạn, tôi phát triển mỗi ngày. Trên con đường tôi đi, thi thoảng có những lúc tôi thấy đơn độc. Chia sẻ với bạn bè, họ giúp tôi khá hơn. Những cơ hội việc làm cũng đến từ những người tôi quen biết.
Ngoài ra, tôi còn có thêm nhiều độc giả dễ thương. Mọi người gửi cho tôi nhiều lời cảm ơn và động viên ý nghĩa. Tôi thực sự biết ơn và trân trọng tình cảm quý giá từ các bạn.
Có được những tài sản riêng của bản thân
Từ khi viết, tôi bắt đầu xây dựng những tài sản riêng của chính mình. Nếu bạn chỉ định nghĩa về tài sản như ngôi nhà, chiếc xe, thì tôi muốn đem đến cho bạn một cái nhìn khác. Với tôi, tài sản là “anything useful or valuable” – tất cả những gì có ích và có giá trị.
Tài sản của tôi là bài viết, khóa học, ebook, podcast. Chúng làm giàu thêm cho tôi về mặt này hay mặt khác. Ví dụ chúng tạo ra cho tôi cơ hội việc làm, cơ hội được biết đến và mở rộng mối quan hệ. Ngoài ra, là cả cơ hội mở ra những cơ hội khác có thể tôi chưa biết. Bạn cũng có thể xây dựng những tài sản này cho mình. Bởi đây là những thứ thuộc về bạn, còn lại mãi mãi với bạn. Đồng thời, chúng còn ý nghĩa vì tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Có một số thành tựu nho nhỏ
Khi bắt đầu viết được hơn hai tuần, tôi có được công việc viết đầu tiên cho Her.vn. (Xem thêm những bài viết của tôi được xuất bản ngoài The Introvert Writer tại đây). Khóa học làm blog miễn phí của tôi cũng đã có gần 150 học viên. Ngoài ra, ebook về viết cũng có hơn 100 lượt download. Một bài viết của tôi cũng đã đạt được vị trí đầu tiên trên trang đầu tiên của Google. Có bạn đã biết đến tôi và gửi bài của tôi lên những trang thông tin khác như Ybox và dẫn link về The Introvert Writer. Tôi thực sự thấy biết ơn.
Gần đây, tôi nhận được tin vui từ Spiderum. Nhà Nhện thông báo hai bài viết về trí tuệ cảm xúc và sự tự nhận thức của tôi sẽ được chuyển thành video trên Youtube. Điều này khiến tôi rất bất ngờ và hạnh phúc. Tôi cũng nhận được nhiều hơn tình cảm yêu mến của mọi người. Một số bạn đã ủng hộ cho tôi những số tiền rất ý nghĩa để tôi phát triển The Introvert Writer trong tương lai. Những gì có được sau 4 tháng có thể rất nhỏ nhoi nhưng lại là động lực lớn để tôi cố gắng hàng ngày.
Dành cho những ai muốn bắt đầu công việc Freelancer
Có thể với những gì vừa chia sẻ, các bạn sẽ nghĩ rằng công việc freelancer có chút màu hồng. Nhưng cũng giống tất cả những công việc khác, làm việc tự do luôn có những khó khăn.
Khi tôi mới bắt đầu bước vào công việc này, tôi nghĩ rằng mình sẽ chỉ làm 5 ngày trong tuần. Nhưng vì là người mới rẽ ngang, tôi làm việc bất kể cuối tuần. Điều tuyệt vời nhất là yêu công việc đang làm, tôi tự nguyện tăng ca, làm thêm giờ trong hạnh phúc. Do tính chất công việc tự do, tôi vẫn có thể sắp xếp thời gian vui chơi cùng cả nhà, mà vẫn làm việc.
Đây chỉ là một trong những ví dụ về lầm tưởng của tôi khi bắt đầu công việc freelance. Các bạn còn có thể đối mặt với những khó khăn khác trên con đường của mình.
Những khó khăn bạn có thể gặp phải
Mặt trái của sự tự do
Tự do sẽ đi kèm với trách nhiệm. Bạn làm chủ công việc của mình và chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Nếu như bạn vẫn giữ thói quen bị động trước công việc, bạn sẽ khó hoàn thành tốt công việc của mình.
Ngoài ra, làm việc tự do cũng dễ khiến bạn rơi vào trạng thái không có kỷ luật. Được quyền quyết định thời gian, bạn dễ dàng tặc lưỡi “để đấy tí nữa làm”. Bạn hay trì hoãn. Khi deadline đến, bạn có thể đối mặt với căng thẳng và làm việc kém hiệu quả. Bởi vậy, muốn làm việc tự do bạn nên có cho mình một tinh thần trách nhiệm cao và rèn luyện tính kỷ luật. Có như vậy, bạn mới trụ vững được với nghề.
Đọc thêm bài viết về quản lý thời gian của tôi tại đây.
Đối mặt với sự không chắc chắn
Nhiều bạn hỏi tôi có nên bỏ việc full-time để làm tự do hay không? Bạn cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Luôn tự hỏi liệu mình có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống của cả gia đình? Bạn cũng không chắc chắn về chính bản thân mình. Liệu mình có đủ dũng cảm để theo đuổi nghề đến cùng hay không?
Tôi luôn trả lời các bạn rằng khi không chắc chắn, chúng ta luôn có thể thử. Hãy nhìn cuộc đời dưới lăng kính thí nghiệm. Bạn vẫn có thể vừa đi làm, vừa bắt đầu viết lách. Khi bạn thực sự thử, bạn mới có câu trả lời cho chính mình. Không ai có thể quyết định thay bạn được. Chỉ có bạn mới là người chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.
Đối mặt với những nỗi sợ
Khi bắt đầu, sẽ luôn có nhiều nỗi sợ hiện hữu trong tâm trí bạn. Với tôi là nỗi sợ viết không hay. Sợ mọi người không đọc bài mình viết. Tôi còn sợ cả những sự không chắc chắn phía bên trên. Hơn hết, tôi sợ những gì mình đang làm không có ý nghĩa gì hết.
Nhưng tôi vẫn tiếp tục đối mặt với nỗi sợ và học cách vượt qua mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng chỉ có như vậy tôi mới có thể trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. “Do What Scares You” là khẩu hiệu của tôi. Mỗi một lần đi qua nỗi sợ, tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Đối mặt với sự cô đơn
Khi bước chân vào công việc tự do, tôi bắt đầu cảm nhận được sự cô đơn. Dù nhận được sự động viên và ủng hộ rất lớn từ chồng, nhưng những người khác như bố mẹ, họ hàng lại không hiểu được công việc tôi đang làm. Mọi người thấy tôi ở nhà chăm con và nghĩ rằng tôi “vô công rồi nghề”.
Là một người khá nhạy cảm, thi thoảng nghe loáng thoáng cái thở dài từ mẹ, vài câu nói mỉa mai từ họ hàng, những lời khuyên “nghĩ cho mày nên mới nói”, tôi thấy lạc lõng, thi thoảng hoài nghi về chính mình. Có lẽ, ai cũng có thể trải qua những khoảnh khắc này. Lúc này, chỉ có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mới giúp bạn có thể chống chọi và bước tiếp.
Cả một hành trình trước khi thấy bình minh
Tôi nghĩ rằng, khi bắt đầu làm việc tự do, bạn hãy chuẩn bị cho mình tâm thế “khởi nghiệp”. Quãng thời gian ban đầu sẽ là thời điểm khó khăn nhất và bạn dễ từ bỏ nhất. Hãy xác định sẽ là cả một hành trình dài trước khi có thể nhìn thấy bình minh. Bằng cách đặt ra những mục tiêu, không ngừng thử nghiệm và học hỏi, tôi nghĩ bạn sẽ được tận hưởng những ánh nắng đầu tiên khi mặt trời vừa ló rạng.
Cần chuẩn bị những gì khi trở thành Freelancer
Có một định hướng rõ ràng
Hãy chắc chắn rằng bạn đã có một định hướng rõ ràng. Giống như chiếc la bàn chỉ đường, mục tiêu hay định hướng sẽ giúp bạn đi đúng và nhanh hơn trên con đường đã chọn. Nếu không có mục tiêu, bạn dễ rơi vào bế tắc và hỗn loạn vì có quá nhiều lựa chọn, cám dỗ. Bạn sẽ không biết nên làm thế nào và có thể đi sai hướng.
Chuẩn bị một khoản tiền
Trước khi nghỉ việc, tôi đã chuẩn bị cho mình một khoản tiền đủ để gia đình sống trong vòng 6 tháng, kể cả khi không có thu nhập. Nhờ vậy, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi học hỏi và thử nghiệm mọi thứ. Nếu không có tài chính vững vàng, bạn khó có thể đi xa. Hoặc có thể bạn sẽ lún sâu vào những công việc với mức lương cực kỳ thấp so với thời gian bạn bỏ ra. Vì thế bạn không có đủ thời gian để nâng cao kỹ năng và giá trị của bản thân.
Khoản tiền dự phòng khẩn cấp cũng là một khoản tiền khác nên có. Khoản tiền này sẽ giúp bạn chủ động với những sự kiện bất ngờ xảy ra. Tôi thường giữ những khoản tiền này ở dạng tiết kiệm ngắn hạn, có thể dễ dàng rút ra bất kỳ lúc nào.
Chuẩn bị tư duy
Tư duy phát triển là điều đặc biệt quan trọng với freelancer. Nó giúp bạn biết mở cửa để tiếp nhận những điều mới mẻ. Dù điều đó có thể đi ngược với số đông, thậm chí đi ngược với những gì bạn tin tưởng.
Tư duy làm chủ cũng là một tư duy phải có mà tôi đã nhắc đến ở phần đầu bài viết này.
Chuẩn bị kiến thức
Khi tôi bắt đầu xây dựng The Introvert Writer, tôi học thêm về WordPress. Tôi cũng biết sử dụng mã CSS, HTML code để thay đổi giao diện website như ý muốn. Sau khi hoàn thành website, tôi còn học thêm về SEO, Content Marketing. Bạn có thể tham khảo những kiến thức về marketing từ các nguồn sau đây:
HubspotCopybloggerBlog Marketing AcademyNeil PatelGoogle CourseUdemyCourseraSkillshareLinkedin……
Tôi sẽ viết một bài viết khác về các nguồn tài nguyên tôi sử dụng để học tập và phát triển blog để nói kỹ hơn cho các bạn. Các bạn nhớ theo dõi The Introvert Writer để nhận những thông tin mới nhất nhé!
Ngoài ra, tôi đọc rất nhiều sách về các chủ đề phát triển bản thân. Tôi tham gia các khóa học để hiểu hơn về bản thân mình. Để cái thiện kỹ năng viết lách, tôi viết hàng ngày và tìm đọc các blog chuyên về viết.
Tôi nghĩ rằng, bạn nên trang bị cho mình khả năng tiếng Anh đủ để hiểu các tài liệu từ nước ngoài. Đây là những nguồn tài liệu quý giá mà bạn có thể học hỏi. Tất cả các nguồn tư liệu tôi tham khảo đều viết bằng tiếng Anh.
Tìm một người dẫn đường
Như đã chia sẻ phía trước, khi bước vào công việc tự do, tôi có nhờ chị Linh Phan hướng dẫn. Một người dẫn đường “mentor” sẽ giúp bạn định hướng, đi nhanh hơn và hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, mentor còn là người luôn bên bạn và truyền cảm hứng cho bạn mỗi khi bạn đối mặt với khó khăn.
Bạn hãy tìm cho mình một người mentor phù hợp với lĩnh vực bạn lựa chọn và đề nghị họ giúp đỡ nhé. Gần đây, tôi có tư vấn cho 4 bạn độc giả về con đường đến với công việc tự do và phát triển bản thân. Nếu như bạn tin tưởng tôi, bạn hoàn toàn có thể liên lạc với tôi để nhận tư vấn miễn phí cho các vấn đề của bạn. Hãy gửi cho tôi yêu cầu của bạn nhé!
Dấn thân và thử nghiệm
Tôi luôn nghĩ rằng để biết điều gì đó có phù hợp và hiệu quả với bản thân hay không, cách tốt nhất là thử nghiệm. Chỉ có thử, bạn mới biết được câu trả lời cho câu hỏi của chính mình. Những trải nghiệm của người khác chỉ là để tham khảo. Bới họ không phải là bạn. Họ có những giá trị, tính cách, sở trường, lối tư duy khác với bạn. Bởi vậy, đừng ngại dấn thân vào thử nghiệm sau khi đã chuẩn bị kỹ càng mọi thứ.
Kiên trì để thành công
Nếu như bạn đã thử và nhận ra được những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình, hãy đưa ra lựa chọn. Một khi đã chọn, hãy kiên trì để có thể hái trái ngọt. Nếu bạn mới bắt đầu một hai tháng mà bỏ cuộc, có lẽ vẫn còn quá sớm. Sao không cho mình hẳn một năm gắn bó với những gì mình yêu thích? Trong thời gian đó, hãy nỗ lực hết mình cho những gì mình theo đuổi!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi đến đây. Chúc các bạn sẵn sàng dấn thân trên “con đường vạn dặm” mình lựa chọn!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất