Là lần thứ 5 anh tôi đi làm về sặc mùi rượu, nôn thốc nôn tháo ở toilet. Cũng là lần thứ 5 mẹ tôi lại ầm ĩ lên chửi anh là đứa bê tha. Thương ông anh, tôi mới kéo mẹ vào và giải thích từ tốn:
- Mẹ ơi, có phải ông ấy muốn thế đâu. Mẹ biết ông ấy vốn chả bao giờ tự dưng lại lôi rượu ra uống cả mà. Do tính chất công việc cả thôi.
- Lý do lý trấu. Nó mà không muốn uống thì ai ép được nó uống? Tôi đi làm nhà nước gần 30 năm chả ai ép tôi uống được một giọt rượu nào
- Mẹ à, mẹ là phụ nữ, chưa nói tới là sếp, thì ai dám ép rượu mẹ? Văn hóa làm việc của đàn ông với đàn ông ở VN nó khác mẹ ơi. Sếp rủ đi nhậu mà mình bảo em không uống xin về thì không được, mà đi cùng vẫn không uống thì còn ngứa mắt hơn. Kiểu gì cũng vẫn phải uống thôi. Anh con còn là lính mới, có khi phải tiếp thay rượu hộ sếp ấy chứ. Mẹ nên thấy may vì anh con uống nhưng vẫn biết bắt taxi về tới nhà đấy. Khổ lắm chứ không sướng đâu mẹ ạ.
Image result for throw up toilet

Rồi nói ngon nói ngọt thêm vài câu, mẹ tôi mới xuôi. Kể từ đó thì bà cũng không ý kiến gì nữa.
Ngẫm thế mới thấy, đàn ông mình khổ. Mình có muốn sống lành mạnh nhiều khi khó. Đi làm gặp được ông sếp nào không ép uống rượu thì mừng như trúng xổ số, bởi sếp uống gì mình uống nấy. Sếp mà buông câu "Ô không rượu à? Thằng này kém nhỉ" thôi là dù có vượt chỉ tiêu thì cũng vẫn không được ưu ái bằng cái thằng hầu sếp từ đầu buổi tới cuối buổi. 
Image result for làm việc trên bàn nhậu

Đấy là nói sếp. Nhiều khi mấy anh em trong công ty muốn giao lưu sau buổi làm. Muốn mở rộng quan hệ thì phải theo. Mà theo thì không nhậu ngay thì cũng làm vài trận bóng rồi lại sà vào hàng bia giải khát. Giữa lúc ấy mà gọi nước ngọt hay nước suối giữa mấy vại bia tươi, kể cả anh em có không nói gì thì cũng tự cảm thấy độ 'vui' trùng xuống một nửa. 
Image result for bia vỉa hè

Ấy rồi chưa nói tới bố vợ hay anh em vợ mà thích rượu nữa thì đúng quả tam tai. Trong năm thì vài bữa tiệc, không tiệc thì thi thoảng cũng phải đến ăn bữa cơm. Mỗi lần như thế, mỗi bố vợ không thì chắc vẫn cân được, nhưng được đủ mặt họ hàng hang hốc nhà vợ, mỗi anh/chú/bác mời một chén, là chắc chắn vượt chỉ tiêu rượu nên uống trong 1 năm. Mà nào có bao giờ, những lần như vậy, lại chỉ mời được một chén. Ôi dời, cái lí do để nâng ly nhiều khi nó vô lý tới ngớ ngẩn, mà những người không thích rượu không thể biết hết, ấy cơ mà không thể không theo, nên lại nhắm mắt nhắm mũi uống. Cô vợ cứ nháy nháy, thậm chí xong buổi còn giận, bảo "Đã bảo uống ít thôi!", mà nào có biết cái khó của mình. Nói ra thì lại bảo "Lý do lý trấu".
Thế nên, mấy anh em đi làm có lẽ sợ nhất đợt cuối năm với đầu năm mới. Đủ các loại tiệc tùng ở đủ các thể loại đoàn hội nhóm. Ai ở vị thế "Thế *éo nào cũng được" thì may ra thích uống gì thì uống. Còn không thì gọi là tiệc vui mà đúng là những đợt hành xác. Thực sự, rượu uống với những người mình quý mến, thì dù có ít cũng vẫn cảm thấy sướng. Nhưng những kiểu uống vì-phải-uống thế này, ngon mấy nuốt cũng vẫn thấy gượng, nhiều khi chưa uống đã thấy mệt. 
Image result for say rượu

Mà thôi thì, nếu đằng nào cũng phải uống, thì cố mà uống một cách văn minh anh em ạ. Uống tới lúc nào bắt đầu thấy tê tê thì ngừng, không thì dùng mấy cái mẹo gì gì trên mạng để tỉnh lâu. Và đương nhiên, đã uống thì không lái xe, xe gì cũng thế. Với, cũng cố mà giải thích một cách văn minh với các mẹ, các chị, các vợ, vì họ vốn không hiểu phương cách làm việc của đàn ông. Hãy cố mà giải thích từ tốn với họ (lúc tỉnh táo) để họ thông cảm trước với mình. Chứ đừng để tới lúc đang say lại còn nghe họ càm ràm lải nhải bên tai thì thực sự khó giữ bình tĩnh lắm. Lúc đó vừa mệt người vừa tan cửa nát nhà.
*Phụ lục: hút thuốc thì dễ thoát hơn. Tuy nhiên thì tôi vẫn hay giữ trong người một bao thuốc với một cái bật lửa dù không hút. Có cái thứ này cũng dễ làm quen bắt chuyện lắm :)))