Haikyuu là một trong những bộ manga thể thao đáng đọc nhất trong lòng tui. Nó khiến cho một đứa không biết gì, cũng chẳng quan tâm lắm đến “bóng chuyền” như tui cảm thấy thực sự yêu thích, và hơn cả là sự ngưỡng mộ dành cho những vận động viên chuyên nghiệp.
Những điều tui học được trong bộ manga này đa số đến từ góc nhìn liên quan đến “Leadership” và yếu tố về quản lý nhân sự (do đặc thù công việc).
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
1. Bài học số 1: Tầm nhìn của người dẫn dắt
Ukai Keishin là Huấn luyện viên CLB bóng chuyền nam trường Karasuno. Trong Tập 5, khi chuẩn bị cho Vòng loại Giải liên trường, trận đầu tiên gặp Tokonami, và nếu thắng, trận thứ hai họ sẽ phải đối mặt với Dateko (đối thủ đáng gờm, được mệnh danh là Bức tường thép Date), Ukai đã nói thế này:
“Tuyển thủ cần phải tập trung vào trận đấu trước mắt, nếu không sẽ gặp rắc rối. Nhưng, riêng chúng ta thì không chỉ nghĩ đến giải đấu sắp tới được”.
Ukai là người quan sát và hiểu rõ nhất ưu điểm, khuyết điểm của từng thành viên, từ đó lên kế hoạch tập luyện và “bày binh bố trận” cho mỗi trận đấu. Khi đọc đến câu nói này, nó làm tui nhớ tới vai trò và tầm nhìn của người dẫn dắt. Trong mỗi giai đoạn, thời điểm, họ sẽ giúp đội bóng đạt được các mục tiêu gần nhất (short-term goal). Nhưng ngoài điều đó, họ cũng luôn tính toán với một tầm nhìn xa hơn: có thể không phải chỉ là giải đấu tỉnh, mà là liên tỉnh và toàn quốc, hoặc xa hơn thế.
Trong Leadership có 3 khái niệm về “góc nhìn của một người quản lý”, gồm:
- Helicopter view (Góc nhìn từ trực thăng)           - Treetop view (Góc nhìn từ ngọn cây)           - Balcony view (Góc nhìn từ ban công)
Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu thử. Helicopter view là góc nhìn cao nhất, rộng nhất, bao quát nhất, ở đó, người quản lý nhìn thấy một bức tranh lớn hơn, về tầm nhìn của tổ chức, mục tiêu chiến lược, cơ hội, thách thức ở tầm vĩ mô hơn. Khi nhìn được bức tranh lớn, họ sẽ dễ dàng đặt ra mục tiêu và ưu tiên cho đội nhóm, hiểu được đóng góp và vai trò của đội nhóm vào mục tiêu chung của tổ chức.
2. Bài học số 2: Mỗi người nên tìm được ý nghĩa riêng cho công việc của mình
Dù làm công việc gì, vai trò ra sao, nếu bạn thực sự hiểu, yêu thích, và tìm được ý nghĩa của nó, bạn sẽ có thể duy trì sự nỗ lực và kiên tâm trên hành trình phát triển bản thân và đạt được những kết quả xứng đáng. Cái mà người ta hay gọi là đam mê, chẳng phải chính là ý nghĩa riêng bạn tìm thấy trong thứ bạn làm hay sao?
Đội hình ra quân của một đội bóng chuyền gồm 5 người, 5 vị trí. Hãy thử đọc lại những câu thoại nhiệt huyết dưới đây để xem cách mỗi thành viên của Karasuno nhìn nhận về vị trí của bản thân nhé:
Hinata Shoyo – Tuyển thủ chặn giữa, đập biên:   
“Em thích đập bóng lắm, cảm giác phê và ngầu hơn bất cứ vị trí nào”
Kageyama Tobio – Chuyền 2:   
“Chuyền 2 là người dẫn dắt  cả đội. Trong 1 trận đấu thì chuyền 2 chạm bóng nhiều nhất. Chi phối cục diện chẳng phải vị trí tuyệt nhất sao?!”      
"Người qua mắt đối thủ và mở đường cho bức tường chắn trước mặt tay đập, chính là chuyền 2. Vị trí khó chơi, thú vị, và tuyệt vời nhất!”
Nishinoya Yu – Libero
“Trong trận đấu, điều khiến cả hội trường phấn khích nhất không phải là một cú đập hoành tráng, mà chính là màn đỡ bóng tuyệt vời.”
   “Dù không thể đập hay chạm bóng, nhưng chỉ cần bóng chưa  chạm đất, thì vẫn chưa thua, và người có khả năng bảo chứng cho việc đó nhất. Chính là Libero”.
“Nhiệm vụ của tôi cơ bản là “kết nối” tất cả.”
“Nghe đây, mấy người không phải lo gì hết! chỉ việc nhìn phía trước thôi. Còn sau lưng, đã có tôi bảo vệ”.
Sự thật là, vị trí nào cũng quan trọng, nhưng cách mỗi người nhìn nhận vai trò của chính mình mới thực sự giúp họ tạo nên sự khác biệt.
P/S: Series này vẫn sẽ tiếp tục, để lưu giữ những dòng suy nghĩ riêng của chính tui, về những điều tui yêu thích dạo gần đây.