Haider (2014) - Bollywood this, Bollywood that
[Spoiler Alert] Haider có thể nói là một trong số ít những bộ phim Ấn Độ mình từng xem. Để nói về các bộ phim từ Bollywood thì...
[Spoiler Alert]
Haider có thể nói là một trong số ít những bộ phim Ấn Độ mình từng xem. Để nói về các bộ phim từ Bollywood thì mình tin chắc ai trong đầu cũng có thể mường tượng ra, độ hư cấu cao của các cảnh hành động, màu sắc siêu phong phú và các phân cảnh ca hát tập thể.
Thực ra mà nói Haider có tất cả những điều trên. Nếu chỉ dùng những suy nghĩ rập khuôn mà chúng ta có được để đánh giá Haider thì thực sự, bộ phim chẳng qua cũng chỉ là một trong hằng hà sa số những phim Bollywood khác thôi.
Điểm mạnh nhất của bộ phim đối với mình là cốt truyện và cách lồng ghép của biên kịch/ đạo diễn. Vì đúng rồi đấy, để hiểu Haider, bạn cần phải biết vở kịch Hamlet của Shakespeare; và trong số chúng ta, có ai lại không quen thuộc với vở bi kịch này chứ?

Nếu chỉ dừng ở việc là một phiên bản nhạc kịch của Hamlet thì Haider đã không còn là một trong những bộ phim Ấn Độ hay nhất mình từng xem. Bhardwaj - đạo diễn, kiêm biên kịch, kiêm nhà sản xuất của bộ phim, đã khéo léo lọc cái khung sườn của Hamlet và đắp thêm vào đó những chi tiết mang đậm màu sắc lịch sử của xung đột vùng Jammu-Kashmir năm 1995. Nói một cách ngắn gọn, xung đột Jammu-Kashmir là một chấm nhỏ trong cuộc đối đầu kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa người Hindu và người Hồi giáo.
Và chính những chi tiết này đã khiến cho Haider là một tác phẩm hồn Shakespeare, da Bhardwaj. Thông qua nhân vật Haider, Bhardwaj khéo léo lồng ghép quan điểm về cuộc xung đột dai dẳng này, về đạo đức, về mối quan hệ trong gia đình.
Trở về quê hương với tư cách là một phần tử trí thức, khi được hỏi về điểm đến của anh, Haider không ngần ngại trả lời "Islamabad", đây là cái tên mà người Hồi giáo sử dụng để gọi thành phố Anantnag, thủ phủ của quận Anantnag vùng Jammu-Kashmir. Chỉ từ một câu hỏi đơn giản, Bhardwaj đã ngay lập tức khắc hoạ được bối cảnh áp bức, ngột ngạt của vùng đất kẹp giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như tính cách bộc trực và khuynh hướng đạo đức của Haider. Cuộc hành trình của Haider tìm lại người cha mất tích cũng đồng thời cho thấy mặt tối của cuộc xung đột lúc bấy giờ khi số người chung số phận với cha anh là vô số.
Bên cạnh nỗi đau mất cha, tâm lí Haider còn phải chịu thêm cú sốc khi phát hiện ra mối tình ngang trái giữ mẹ và người chú ruột. Mâu thuẫn được đẩy lên đến cao trào khi Haider phát hiện ra sự thật rằng chính chú mình là người đã đẩy cha anh vào chốn lao tù vì che dấu cho quân phản kháng, nhằm chiếm đoạt người mẹ xinh đẹp của anh. Haider kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân giữa mẹ và chú, và còn sẵn sàng giết ông ta để trả thù cho cha. Mỗi một giây phút tình tứ giữa hai người trong mắt Haider là cái gai nhọn hoắt đâm sâu và từng kí ức về gia đình hạnh phúc của anh khi xưa. Các cảnh xen kẽ nhau với tông màu đối lập như khắc hoạ nỗi chán ghét của anh với thực tại vô lí. Dường như những gì thuộc về quá khứ, cuộc sống gia đình 3 người hạnh phúc, người bạn gái thân thiết thuở nhỏ, hay vùng đất tươi đẹp nơi anh lớn lên đều bị đẩy xa vào bóng tối và sớm bị thế chỗ bởi hiện thực tàn khốc.

Vở kịch Haider dựng lên trong đám cưới của mẹ và chú mình là nơi anh bắt đầu chất vấn sự tồn tại của mình. Sự tươi vui của Bollywood vẫn còn đó, nhưng nó chỉ là cái vỏ mỏng manh cho sự tối tăm mà Haider muốn truyền tải. Anh dựng nên một vở kịch về những khám phá của mình, về tội lỗi của người chú và sự ngây thơ của người mẹ. Những lời bộc bạch của Haider đánh sâu vào mẹ anh và buộc bà phải suy ngẫm về những chuyện đã xảy ra với gia đình mình cũng như các quyết định của mình. Cái kết của bộ phim chính là câu trả lời của người mẹ với những trăn trở, băn khoăn và dằn vặt của Haider trong suốt thời gian qua. Người mẹ của Haider phần nào trở thành những con người đứng bên lề, nhắm mắt giả vờ sự đẫm máu của cuộc xung đột là không tồn tại để mỗi đêm bà có thể an tâm chìm vào giấc ngủ. Để rồi khi tiếng chuông cảnh tỉnh vang lên quá muộn, những gì mà bà có thể làm là hi sinh thân mình để xoá bỏ mặc cảm tội lỗi của chính bà và của Haider.

Bạo lực hay chiến tranh chỉ làm giàu cho những kẻ đứng trên; đó là người chú của Haider hay cha người bạn gái thuở xưa. Còn với những người như Haider, những gì nó đem lại chỉ là những nỗi đau không gì khoả lấp được. Vì vậy, sự thù ghét của Haider đối với người chú dường như đã vượt qua phạm trù của vở kịch Hamlet, mà còn là phản ánh chân thật của số phận con người nơi Kashmir.

Haider là phần cuối cùng trong triology về các tác phẩm phỏng theo Shakespeare của Bhardwaj. Xét về kịch bản, diễn xuất, trang phục, bối cảnh hay màu phim, Haider thực sự là một bộ phim rất đáng để xem. Vận dụng sáng tạo vở kịch Hamlet làm phông nền cho bi kịch của vùng đất nằm giữa xung đột, có thể nói Bhardwaj đã làm mới một chủ đề dường như đã rất quen thuộc. Diễn xuất của Shahid Kapoor (Haider) và Tabu (người mẹ) chính là chiếc nơ xinh đẹp đặt trên món quà được gói cẩn thận là Haider.
Quote of the film
Revenge only begets revenge

Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất