MOUSE là bộ phim truyền hình Hàn Quốc, lấy đề tài trinh thám-kinh dị-khoa học viễn tưởng, phát sóng từ ngày 03/3 đến ngày 20/5/2021. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày hai vấn đề luân lý mà tôi đã đọc được sau khi xem hết hai mươi tập phim MOUSE. Chính hai vấn đề này mới làm tôi thực sự thấy rợn người.

Vấn đề 1: Ác quỷ - bẩm sinh hay tự do lựa chọn?

Bộ phim lấy bối cảnh một Hàn Quốc đạt được sự tiến bộ vượt bậc trong ngành di truyền học. Tiến sĩ Daniel Lee đã nghiên cứu được, trong số những người mang gen di truyền rối loạn nhân cách, thì có 99% trường hợp sẽ trở thành kẻ rối loạn nhân cách, 1% còn lại là thiên tài. Hai mươi tập phim của MOUSE sẽ xoay quanh vấn đề này: Jung Ba Reum, con trai kẻ săn đầu người Han Seo Joon, cũng là một kẻ rối loạn nhân cách giết người hàng loạt, là do tất định từ gen di truyền, hay do anh đã tự do lựa chọn?
Tập 1 cho ta bằng chứng, Jung Ba Reum không phải là một kẻ sát nhân từ khi mới được sinh ra. Tuy có những biểu hiện khác thường: mổ xẻ sinh vật sống, có lần còn tính chôn sống em trai (chỉ để dọa em nó); nhưng anh không phải là kẻ mất hết tính người, và luôn đấu tranh để không trở thành một kẻ sát nhân. Lúc nhỏ, anh đã vào nhà thờ để cầu nguyện: “Ngài có thấy tôi khác biệt không? Tôi sinh ra đã là quái vật. Mong Chúa đừng để tôi trở thành quái vật”. Tuy anh tự nhận là quái vật, nhưng hành động ấy và lời cầu nguyện ấy lại cho thấy rất rõ, ý chí của anh lúc đó không muốn trở thành quái vật, nghĩa là ngay tại thời điểm ấy, anh không phải là quái vật. Anh thực sự là một con người. Sau khi gia đình bị sát hại, anh đã đến sống với dì của mình – được tái hiện lại, đó là khoảng thời gian tươi đẹp. Cho đến khi anh chọn giết Sung Su Ho, đó là người trước kia đã sát hại gia đình mình. Rõ ràng, tự bẩm sinh, anh thực là người, và việc giết người là do chính anh lựa chọn.
Poster phim MOUSE
Poster phim MOUSE
Vai trò chủ chốt của ý chí tự do được thể hiện cách trọn vẹn nhất nơi sự biến đổi của Jung Ba Reum trong tập cuối cùng: anh chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Anh tự cô lập mình, và bằng mọi cách phải minh oan cho Sung Yo Han, cũng là một người có gen rối loạn nhân cách, đã trở thành một thiên tài, một người tốt bụng, nhưng bị hiểu lầm là con trai của Han Seo Joon và là kẻ giết người. Cao trào của bộ phim này chính là lúc Jung Ba Reum vào tù và chính tay mình giết chết Han Seo Joon. Hành động giết cha này không phải là một hành động được vận hành do gen di truyền, nhưng là hành động phát sinh từ sự tự do lựa chọn và trách nhiệm của anh. Đó là một tình tiết biểu tượng: anh không giết một người, nhưng giết chết con quái vật trong anh. Giờ đây, từ một kẻ giết người, anh trở thành một kẻ hối hận, khổ sở vì chính tội ác mình đã gây ra; từ một kẻ đổ lỗi cho Chúa, anh thành kẻ nhìn nhận con người thật của mình. Toàn bộ hai mươi tập của bộ phim là lời khẳng định: ác quỷ không do bẩm sinh, nhưng do chính ta lựa chọn để trở thành, và ta phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó.
Nhưng tại sao Jung Ba Reum lại lựa chọn trở thành kẻ sát nhân? Theo Thomas d’Aquinas (1225-1274), giống như bản tính của lý trí luôn hướng về chân lý, bản tính của ý chí cũng luôn hướng về điều thiện, được hiểu là khả năng lựa chọn những phương tiện để đạt được điều thiện. Thực tế cho thấy, không ai lựa chọn điều xấu cả, chỉ là khả năng nhận biết điều tốt và điều xấu bị nhiễu loạn, do đó, ta chọn điều xấu là do ta nhầm tưởng đó là điều tốt. Như vậy, Thomas d’Aquinas nhìn nhận sự tác động của hai nhóm yếu tố: 1/ ngoại tại: giới hạn vật lý (vũ lực, bạo hành, cưỡng bách), hoặc tâm lý (áp lực xã hội, phong tục, tập quán, văn hóa); 2/ nội tại: nhận thức (thiếu hiểu biết, ngộ nhận), hoặc cảm xúc (đam mê, sợ hãi); nhưng không cho sự tác động đó là tất định. Rõ ràng, Jung Ba Reum cũng chịu tác động rất nhiều từ hai nhóm yếu tố kể trên.
Về ngoại tại. Từ trước khi được sinh ra, Jung Ba Reum đã bị dán mác là kẻ rối loạn nhân cách. Người chịu đả kích đầu tiên bởi cái mác ấy chính là người mẹ. Nếu đứa con đó được sinh ra, người mẹ luôn bị ám ảnh bởi việc đứa con của mình lúc nào đó sẽ thành kẻ giết người. Nỗi ám ảnh đó sẽ chi phối cách người mẹ đối xử với người con. Khi đổi con, Sung Ji Eun, mẹ ruột Jung Ba Reum, nói với cô y tá: “Nếu nó là một tên sát nhân, hãy thay tôi giết nó”; còn cô y tá, mẹ của Sung Yo Han, lại dặn: “Con của tôi quá yếu, xin hãy nuôi dạy nó thật tốt”. Chính ám ảnh nơi Sung Ji Eun đã tác động tiêu cực đến người con. Ngoài ra, Jung Ba Reum từ nhỏ đã đối mặt với tình trạng bị ghẻ lạnh, bị đối xử tệ bạc; và việc bố mẹ nuôi bị sát hại đã đả kích nghiêm trọng vào tâm lý chưa trưởng thành của đứa trẻ này.
Về nội tại. Nhiễu loại đầu tiên trong lý trí chính là từ nhỏ, anh bị ngộ nhận về chính mình. Đối với người khác, việc anh mổ xẻ động vật thật dã man; và với những ai biết chuyện, đó là dấu hiệu của kẻ rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, nếu đó là dấu hiệu của một thiên tài, một bác sĩ phẫu thuật tài giỏi thì sao? Vì anh đã mang cái mác là một con quái vật, nên ngay từ đầu, anh đã ngộ nhận về chính mình. Từ đó, anh đổ lỗi cho Chúa, vì Người đã để anh sinh ra là một quái vật. Từ ngộ nhận về chính mình, anh chuyển sang ngộ nhận về thần linh. Nhiễu loại thứ hai này thể hiện rất rõ trong mô thức lựa chọn đối tượng giết người của anh. Mô thức ấy chính là bảy mối tội đầu (venial sins). Và các nạn nhân, không phải là người phạm vào bảy tội đó, nhưng là những người thủ đắc được các nhân đức nghịch với bảy tội đó. Nếu Chúa thưởng công cho người tốt lành, thì anh sẽ đứng ra trừng phạt họ.
Tựu trung lại, ác quỷ không phải do bẩm sinh, bản tính của con người vốn thiện. Trở thành ác quỷ là do con người lựa chọn, dĩ nhiên phải kể đến các nhiễu loạn ngoại tại và nội tại tác động đến sự lựa chọn đó. Và khi con người đã lựa chọn, vì có tự do, nên con người phải chịu trách nhiệm cho chính chọn lựa ấy.
Hình ảnh cắt từ tập 5 - Go Moo Chi giải thích việc lựa chọn nạn nhân của hung thủ
Hình ảnh cắt từ tập 5 - Go Moo Chi giải thích việc lựa chọn nạn nhân của hung thủ

Vấn đề 2: Tính luân lý của việc xét nghiệm di truyền

Vấn đề tiếp theo mà MOUSE đặt ra chính là tính luân lý của việc xét nghiệm di truyền: liệu việc xét nghiệm di truyền có đúng và hợp với bản tính con người không?
Nhờ cuộc cách mạng công nghệ sinh học, di truyền học đã bước sang một giai đoạn mới, được gọi là tân di truyền học. Khoa tân di truyền học và công nghệ sinh học giúp con người hiện đại có thể kiểm soát được tính di truyền, bằng việc xét nghiệm di truyền, từ đó giúp chẩn bệnh di truyền, tăng chất lượng việc chăm sóc sức khỏe và đời sống xã hội. Hai lĩnh vực khoa học này còn có thể giúp kiểm soát quá trình lão hóa sinh học, tạo kì vọng về một loại thuốc không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, mà còn tăng tuổi thọ.
Hai lĩnh vực này còn đặt ra vấn đề ưu sinh học, tức là cải tạo loài người: giảm gen xấu và tăng gen tốt. Giảm xấu và tăng tốt là điều đáng mong đợi. Nhưng làm sao có thể xác định được cách chính xác gen nào là tốt, gen nào là xấu. Quay trở lại với MOUSE, trong số các gen được tiến sĩ Daniel Lee nghiên cứu, chỉ có 1% mang gen rối loạn nhân cách; trong đó có 1% là thiên tài. Nghĩa là, vẫn luôn có một xác suất đúng-sai nhất định trong tính chính xác của các xét nghiệm di truyền. Bộ phim đã cho thấy, xét nghiệm di truyền của Daniel Lee đã thất bại. Nếu như dự luật phá thai đối với các thai nhi mang gen rối loạn nhân cách được thông qua, thì không chỉ Sung Yo Han, mà còn nhiều thai thi khác, đã bị phá bỏ rồi. Đối với những người phản đối việc phá thai như tôi, đó là giết người. Nếu phá thai là giết người trực tiếp thì xét nghiệm di truyền, nếu bị khai thác theo hướng ưu sinh học, sẽ là giết người gián tiếp; và như vậy, nó xâm phạm bản tính con người. 
Như vậy, hai lĩnh vực nhắc trên có khả năng biến con người thành đối-tượng-có-thể-thao-túng, nghĩa là chúng có khả năng suy biến phẩm giá con người chỉ còn là vấn đề của di truyền, là vấn đề của một loại vật chất mà thôi; trong khi con người là sự tổng hòa nhiều yếu tố vật chất, tinh thần và tâm linh.
Hình cắt từ tập 1 - Giáo sư Daniel Lee trình bày kết quả nghiên cứu gen di truyền rối loạn nhân cách
Hình cắt từ tập 1 - Giáo sư Daniel Lee trình bày kết quả nghiên cứu gen di truyền rối loạn nhân cách
Aldous Huxley (1894-1963) trong tiểu thuyết Brave New World đã mô tả một thế giới trong tương lai được thiết kế dựa theo bộ gen. Vì xã hội ấy được thiết kế theo bộ gen nên từ nhỏ, trẻ em đã không còn xúc cảm và tính cá nhân (hai yếu tố không thể di truyền), được sinh ra mà không cần đến bào thai của người mẹ. Mỗi người là một phôi thai, sống trong các ống nghiệm và lò ấp, được nuôi dưỡng bằng hóa chất và hormone. Những phôi thai được tiền định gia nhập tầng lớp cao hơn sẽ nhận được các hóa chất giúp họ hoàn thiện thể lý và tinh thần. Thế giới ấy gồm 5 tầng lớp xã hội, lần lượt theo thứ tự là Alpha (giới lãnh đạo), Beta, Gamma, Delta, và Epsilon (nhóm lao động thấp kém). Những mô tả trong quyển tiểu thuyết này phần nào khá giống với cốt truyện của MOUSE.
Tôi nghĩ, nguyên nhân chính yếu, đã khiến, nói theo lời của phóng viên PD Choi là “sai khiến”, Jung Ba Reum giết người chính là âm mưu chính trị của thư ký tổng thống, bà Choi Yeong Shin, cùng tổ chức OZ. Để phục vụ cho mục đích chính trị của mình, bà đã nhận danh sách những thai nhi mang gen rối loạn nhân cách, bí mật cho người bảo vệ những đối tượng này, thậm chí còn tạo điều kiện để kẻ sát nhân giết người, gây thương vong cho biết bao người. Bà và tổ chức OZ đã biến các thai nhi ấy, cùng các nạn nhân thành chuột thí nghiệm, để phục vụ mục tiêu chính trị. Mục tiêu đó là gì? Ở tập cuối, bà nói với Jung Ba Reum: “Chốn tiên cảnh không có chiến tranh và tội phạm không phải tự nhiên mà có, mà do đôi tay ta xây dựng nên”. Điều bà nói là đúng. Chính con người phải xây dựng hòa bình. Nhưng cách thức tiến hành điều đó phải là sự liên đới và tôn trọng phẩm giá con người. Còn như Choi Yeong Shin, bà không chỉ xem thường phẩm giá của các thai nhi kia, mà còn xem rẻ phẩm giá các nạn nhân. Đó chính là thứ chủ nghĩa độc đoán mới, đội lốt dân chủ nhưng ngầm thao túng mọi thứ. Thứ chủ nghĩa này làm cho sự tự do của con người bị phân rã hoàn toàn. Và cách bà làm thí nghiệm chẳng khác gì với việc Han Seo Joon săn đầu người để làm thí nghiệm ghép não, và càng giống với cách “sứ giả thần chết” Josef Mengele (1911-1979) tiến hành các thí nghiệm y khoa trên các nạn nhân Holocaust vậy.
MOUSE đã mở ra một góc nhìn rất thực tế về khoa tân di truyền học, cụ thể hơn là về tính luân lý của việc xét nghiệm di truyền. Liệu con người ta có thể căn cứ vào các xét nghiệm di truyền để quyết định sự sống của một thai nhi không? Liệu con người có quyền dùng mọi cách để cải tạo con người không? Điểm mấu chốt là thế này: nếu ta không thực sự tôn trọng phẩm giá con người nơi từng cá nhân cụ thể, kể cả nơi thai nhi, thì chính ta sẽ lựa chọn trở thành ác quỷ. Thứ ác quỷ này còn ghê gớm hơn cả kẻ rối loạn nhân cách giết người hàng loạt.