Trang 61-62, cuốn Câu Chuyện Do Thái của cố tác giả Đặng Hoàng Xa có ghi:
“Moses – người ban hành luật lệ Do Thái và là vị tiên tri đầu tiên của Do Thái giáo cũng như Kitô giáo và Hồi giáo. Chuyện kể trong Kinh Thánh là nguồn thông tin duy nhất về cuộc đời của Moses.”
Có một số vấn đề có thể được mở rộng ra từ những nhận định này của bác Xa. Tất cả đều chỉ là ý kiến cá nhân của mình dựa trên những hiểu biết về 3 tôn giáo độc thần Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo, cũng như chỉ xét ở các dòng chính thống được phổ biến và thừa nhận rộng rãi.
sach-cau-chuyen-do-thai.gif

I. Vấn đề thứ nhất: Moses liệu có phải nhà tiên tri đầu tiên?
Trong cả 3 tôn giáo này hay nói riêng trong Do Thái giáo thì Moses cũng không phải là vị tiên tri đầu tiên. Theo nhận định của Rashi (Rabbi Shlomo Itzhaki), một nhà truyền đạo đồng thời là một học giả Do Thái giáo có những nhận được được xem là chính thống của các dòng Do Thái giáo đương đại, có tất cả 48 nam tiên tri và 7 nữ tiên tri được đề cập trong Kinh Do Thái (Tanakh). Trong đó, thứ nhất là Tổ phụ Abraham, sau đó là Issac và Jacob. Như vậy theo danh sách này Moses đứng thứ 4 theo thời gian, nếu chưa tính đến bà Sarah – vợ cả của Abraham và Miriam – chị gái của Moses cũng được Rashi thừa nhận là những vị nữ tiên tri xuất hiện trước Moses.
Đó là trong Do Thái giáo, có thể có khác biệt này kia nhưng cơ bản là như vậy. Còn trong Ki-tô giáo, do không có một định nghĩa rõ ràng về như thế nào là một nhà tiên tri, như thế nào là một ngôn sứ, nên có rất nhiều sự khác biệt trong việc xác định danh sách các nhà tiên tri. Tuy nhiên, nếu tính Moses là một nhà tiên tri trong Ki-tô giáo thì chắc chắn ông cũng vẫn không phải là người đầu tiên. Tuy rằng không có thống nhất ở rất nhiều nhân vật nhưng Abraham chắc chắn luôn được tính là một nhà tiên tri không thể bàn cãi. Ngoài ra, trước Moses còn có Jacob, Noah, Joseph, Aaron, Miriam cũng được công nhận rộng rãi là những nhà tiên tri.
Trong niềm tin Hồi giáo, dù có sự khác biệt giữa tiên tri và sứ giả của Thiên Chúa (sứ giả là tập hợp con nằm trong tiên tri sẽ được bàn ở một bài khác), cũng không thể xác định được có bao nhiêu nhà tiên tri trong lịch sử vì có hàng ngàn người. Trong mỗi một dân tộc, Thiên Chúa Allah lại chọn ra những người phù hợp để giao cho sứ mệnh truyền bá những lời dạy và luật lệ của Người. Và vì có hàng nghìn dân tộc khác nhau nên sẽ có hàng nghìn nhà tiên tri và không phải tất cả đều được nhắc tới trong Kinh Qur’an. Tuy nhiên, trong mọi nhánh phái Hồi giáo, dù có khác nhau như thế nào, Adam vẫn luôn được thừa nhận là nhà tiên tri đầu tiên. Sau đó có thể kể tới Enoch (Idris), Noah (Nuh), Eber (Hud),…, rất nhiều nhân vật nữa rồi mới tới Moses (Musa). Có một điểm cần lưu ý, Jesus cũng là một nhà tiên tri và chỉ là một nhà tiên tri trong Hồi giáo với cái tên Ả Rập Isa. Nói tóm lại, Moses (Musa) cũng không thể là nhà tiên tri đầu tiên trong Hồi giáo.
II. Vấn đề thứ hai: Kinh Thánh liệu có phải là nguôn thông tin duy nhất về cuộc đời Moses?
Nhận định cho rằng Kinh Thánh là nguồn thông tin duy nhất về cuộc đời của Moses cũng không hoàn toàn chính xác trên mọi phương diện và cũng có khả năng bị bắt bẻ. Để hiểu rõ được vấn đề này, chúng ta cần phải kiểm tra lại định nghĩa của “Kinh Thánh”.
Từ Kinh Thánh (Bible) trong tiếng Anh, theo nghĩa rộng, sẽ được hiểu là một thuật ngữ chung trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo chỉ những văn bản tôn giáo thiêng liêng nhất. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ thông thường, Kinh Thánh hay các từ tương đương cùng gốc Hy Lạp với Bible trong các ngôn ngữ khác, thường được sử dụng để nói về Kinh Thánh Cơ Đốc mà thôi. Khi muốn nhắc tới Kinh Thánh của Do Thái giáo, thuật ngữ Kinh Tanakh sẽ được sử dụng. Một thuật ngữ khác hay bị nhầm lẫn là Kinh Thánh Hebrew, chỉ phần chung giữa Kinh Thánh Cơ Đốc và Kinh Tanakh Do Thái, không phải là toàn bộ Tanakh, cũng không nhất thiết là toàn bộ phần Cựu Ước trong Kinh Thánh Cơ Đốc (trừ Cựu Ước trong Kinh Thánh của các nhánh Tin Lành). Lý do là vì thứ nhất, Cựu Ước trong Kinh Thánh Công giáo và Chính Thống giáo Phương Đông có sử dụng những văn bản dịch khác ngoài Kinh Tanakh; thứ hai, Kinh Tanakh và Cựu Ước nói chung cũng không đồng nhất về số lượng sách.
Mặc dù từ Kinh Thánh trong tiếng Việt có nghĩa gần như tương đương với Bible trong tiếng Anh, nhưng do lịch sử Việt Nam gần như cũng không tiếp xúc với Do Thái giáo, cho nên Kinh Thánh trong đại đa số các trường hợp chỉ đang nói đến Kinh Thánh Cơ Đốc mà thôi. Cũng giống với trường hợp thuật ngữ “Thiên Chúa giáo” ở Việt Nam. Xét về mặt từ vựng, Thiên Chúa giáo là tôn giáo thờ Thiên Chúa, ít nhất sẽ bao gồm Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu không tính đến trường hợp Hồi giáo đã được truyền bá và lan rộng trong cộng đồng người Chăm từ rất lâu trước đó, Công giáo La Mã là tôn giáo được truyền vào Việt Nam sớm nhất và được mặc định với cái tên này. Dù cho, sau này, khi các nhánh phái Tin Lành ngày càng gây được ảnh hưởng rộng, phần đông người Việt Nam không nhận thức được sự phân biệt rạch ròi giữa Công giáo và các nhánh Tin Lành, thuật ngữ Thiên Chúa giáo đang có xu hướng được đông đảo người ngoại đạo hiểu là Cơ Đốc giáo nói chung. Nhưng do tại Việt Nam chỉ có các tín đồ Công giáo mới hay tự gọi tôn giáo của mình là Thiên Chúa giáo với người ngoài, các tín đồ Tin Lành có xu hướng sử dụng từ Tinh Lành nhiều hơn (Chính Thống giáo Phương Đông ở Việt Nam chỉ tập trung trong các cộng đồng người nước ngoài, chủ yếu là người Nga). Vậy nên, ở Việt Nam, khi ai đó nói với bạn tôn giáo của họ là Thiên Chúa giáo, phần nhiều họ là tín đồ Công giáo. Điều này hoàn toàn trái ngược tại các quốc gia khác, trong các ngôn ngữ khác, tín đồ Công giáo có thói quen chỉ sử dụng từ Công giáo (Catholic), trong khi tín đồ Tin Lành hay Chính Thống giáo rất ít khi sử dụng những thuật ngữ chính xác đó như Protestant hay Orthodox, thường họ chỉ đơn thuần gọi bản thân là Christian.
Quay trở lại với từ Kinh Thánh, dù đây là thuật ngữ chỉ nói đến duy nhất quy điển Cơ Đốc hay bao gồm cả Tanakh của người Do Thái, thì tác giả vẫn quên mất một nguồn thông tin khác nói về Tiên tri Moses đó là Kinh Qur’an. Và quan trọng hơn, trong Kinh Qur’an, câu chuyện về Moses (Musa) có một vài điểm khác biệt so với câu chuyện trong Kinh Thánh, cho dù cơ bản là giống nhau.
Kết Luận
Mặc dù sa đà vào các thuật ngữ có thể không phải là chính pháp khi muốn tìm hiểu vào giáo lý – điều quan trọng nhất của một tôn giáo, vậy nhưng đôi khi chính điều này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn một cách rất sâu sắc về đối tượng mà chúng ta đang xem xét. Chốt hạ, Câu Chuyện Do Thái của bác Đặng Hoàng Xa vẫn là một cuốn sách nền tảng tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu về Do Thái giáo nói riêng, các tôn giáo độc thần Abraham nói chung, hay chính trị-lịch sử những xung đột từ quá khứ đến hiện tại của dân tộc này tại khu vực. Và cho dù, cuốn sách này theo mình đánh giá là có phần nghiêng nhiều về người Do Thái, ai muốn bắt đầu nghiên cứu chính trị Trung Đông vẫn không nên bỏ qua.