Hai mươi năm sau – Thiết huyết đan tâm
Có lẽ cũng gần đúng 20 năm sau khi tôi đọc quyển đầu tiền trong bộ 3 tác phẩm về “Les Trois Mousquetaires – Ba chàng lính ngự lâm” của Alexander Dumas, tôi mới ép mình mở quyển thứ hai “Vingt ans après – Hai mươi năm sau”.
Có lẽ cũng gần đúng 20 năm sau khi tôi đọc quyển đầu tiên trong bộ 3 tác phẩm về “Les Trois Mousquetaires – Ba chàng lính ngự lâm” của Alexander Dumas, tôi mới ép mình mở quyển thứ hai “Vingt ans après – Hai mươi năm sau”. Cái sự chậm trễ mà rất hợp ý, hợp cảnh này cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Bạn biết đấy, khi mà người ta đã có một khởi đầu rất đẹp và đúng, đặc biệt là quyển sách đầu tiên trong 1 bộ tác phẩm thì người ta sẽ có một niềm ưu tư và e ngại khi dấn thân đi tiếp, ta sợ sẽ bị thất vọng ê chề, bị đập tan đi một cách phũ phàng những kỳ vọng và dư vị ngọt ngào đang được thưởng thức, vì cái khả năng nuôi dưỡng và phát triển hơn nữa một ý tưởng đã tuyệt hảo rồi, nó khó biết bao nhiêu! Cái cảm giác ấy nó ở lại với tôi suốt ngần đấy năm, vì A. Dumas đã nuôi dưỡng cho tôi một khẩu vị quá đỗi cao với quyển sách đầu tiên, và trong những ngày cuối năm 2022, đứng giữa cái thư viện ngồn ngộn những quyển sách chưa đụng đến, tôi nhìn thấy câu chuyện tiếp của chàng D’Artagnan, và tôi nắm lấy ngay cái khoảnh khắc này.
Câu chuyện mở ra khi thời đại của Hồng y Richelieu đã là dĩ vãng, một thời đại mới dưới tay Mazarin – người tình của nữ hoàng đang diễn ra, nước Pháp rối ren hơn và 4 chàng lãng tử của chúng ta đều thay đổi ít nhiều. D’Artagnan vẫn là anh trung úy ngự lâm như 20 năm trước, vẫn sống trong cảnh túng thiếu một cách phóng khoáng và vẫn tận tụy cống hiến với kỳ vọng đến cái chức đại úy ngự lâm quân. Athos êm ấm với tước vị cũ Bá tước De la Fère, thứ cứu rỗi anh suốt ngần đấy năm là một cậu con trai anh vô tình có sau 1 đêm đóng giả thầy tu. Porthos trở thành ngài Du Vallon De Bracieux De Pierrefonds, sống cô đơn trong cảnh sung túc và thèm khát thêm 1 điều nhỏ nhoi là cái danh Nam tước đề trước cái tên dài dằng dặc của mình. Aramis, tu viện trưởng d’Herblay ban ngày và hiệp sĩ d’Herblay ban đêm, chưa bao giờ buông bỏ cái đam mê với đàn bà và vì đàn bà mà phải nhúng tay vào không ít biến động chính trị của thời cuộc.
A.Dumas đã chỉ cho tôi thấy con người nào cũng có thể thay đổi, dù là 4 người bạn tuyệt vời chúng ta. Đứng trước quyền lực, danh lợi và cả đàn bà, đã có lúc 4 thanh gươm đã chĩa vào nhau, tôi thầm thấy may mắn vì nếu tôi đọc quyển sách này vào nhiều năm trước khi tôi mới đọc xong ba chàng lính ngự lâm thì tôi sẽ buồn, vì tôi không hiểu nổi và không muốn hiểu cái gì đã phá hỏng những nhân cách này. Còn bây giờ thì tôi chỉ có mong chờ, xem A.Dumas sẽ đưa tôi và các anh đi đến đâu. Hóa ra, 4 thanh kiếm với chất sắt tốt, chế tác kỳ công dù có vứt vào cảnh ô trọc thế nào, những vết bùn nhơ và rác rưởi có phủ lên chúng và làm chúng tầm thường như những thanh công cụ nhà nông, thì ngay khi thời cuộc cần đến chúng, khi chúng được va vào nhau, sự rung động cộng hưởng sẽ đánh bay tất cả và chúng sẽ lại sáng chói dưới ánh mặt trời. Đọc kiếm hiệp hay có câu này “Kiếm là quân tử trong binh khí”, thật cũng chẳng sai!
Con rắn độc Milady đã chết, mụ vẫn còn để lại một hạt giống tàn ác trên đời. Nó đã nảy mầm thành một cơn báo thù cuồng nộ, nhưng lại thiếu đi cái hiểm độc của bà mẹ, có lẽ nó là sự khác biệt bản chất của cái ác khi xuất hiện ở những giới tính khác nhau. Mordaunt đã có thiên thời – địa lợi – nhân hòa nhưng cũng không giết nổi 4 chàng lính ngự lâm của chúng ta, âu cũng là do tác giả vẫn còn yêu thích các chàng. Cá nhân tôi chưa thấy Mordaunt ấn tượng hơn mẹ của hắn, thề có quỷ thần 2 vai chứng giám, tôi chưa thấy nữ phản diện nào đặc sắc hơn Milady De Winter trong cuộc đời đọc sách của mình.
Hài lòng và hứng thú, tôi đã gom đủ cảm xúc để sớm bắt đầu đoạn kết của bộ 3 tác phẩm này trong thời gian tới! Cái gì đến thì nó phải đến thôi, và tôi tin là chuyện gì xảy ra ở phần cuối đã khá rõ ràng rồi, các anh hùng của chúng ta đã gom đủ các kỳ công như Hercules, đã đứng ở đỉnh cao đời người (theo góc nhìn của mỗi người) và đã có cả người kế tục: Tử tước De Bargelone, vậy còn thiếu gì để các anh sống mãi?
Chúng ta hãy cùng chờ xem…
Hiếu Nguyễn
03/01/2023.
Nguồn:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất