Hải Thuỵ - Chống tham nhũng trên lý tưởng phong kiến
Trong sân khấu tuồng Trung Quốc, kẻ ác luôn đeo những chiếc mặt nạ trắng bệch. Tính chất thuần ác được bộc lộ rõ qua vẻ bề ngoài trong...
Trong sân khấu tuồng Trung Quốc, kẻ ác luôn đeo những chiếc mặt nạ trắng bệch. Tính chất thuần ác được bộc lộ rõ qua vẻ bề ngoài trong diễn biến câu chuyện. Loáng thoáng những hình ảnh "mặt nạ trắng" của Tào Tháo, Lưu Bang, Võ Tắc Thiên,..... Vậy thì ai đã đeo cho họ những chiếc mặt nạ này? Họ có đáng bị đeo vào nó vào danh tính, để rồi gán nhãn cho họ khi mà bản thân họ không thể làm khác trong "vai diễn" đó?
Trong lịch sử Trung Quốc, có thể chúng ta biết nhiều hơn tới sự liêm khiết của vị quan Lưu Dung khi đặt trên bàn cân đạo đức với Hoà Thân. Cuộc đấu trí giữa "thiện - ác", "người mặt trắng - kẻ mặt đen" này có phần được điện ảnh Trung Quốc thần thánh hoá để tô vẽ khí chất cho đạo lý tự nhiên mang tính đối nghịch cân đối. Trên thực tế, hình tượng Lưu Dung được xây dựng phần lớn trên nền móng nhân vật có thật là Hải Thuỵ (thời nhà Minh), phần nào để tránh "phạm huý" chính trị. Vì lẽ vào năm 1996, người dân Trung Quốc lấy việc phê phán vở kịch lịch sử về "Hải Thụy bãi quan" làm ngòi nổ cho cuộc cách mạng văn hóa tại Trung Quốc. Nhưng sau này, lịch sử không cho phép nhắc lại những sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi tại sao Hải Thụy, một quan lại sống trong kỳ triều đình hủ bại nhất nhưng vẫn giữ vững được sự liêm chính và tinh thần cống hiến vì dân, thậm chí dâng tấu sớ phê phán cả Vua? Với lý tưởng chống tham nhũng, ông không chỉ chống lại toàn bộ tập đoàn chuyên chế phong kiến mà còn làm rạn nứt nền văn hóa chính trị phong kiến nơi quyền lực tuyệt đối là nguyên nhân dẫn đến sự hủ bại.
Hải Thụy - mất 3 thứ cho 1 lý tưởng
Hải Thụy sinh năm 1514 mất năm 1587, ông thọ 73 tuổi. Sử sách ghi chép cha của ông tên là Hải Hãn có nguồn gốc từ gia đình Hồi giáo vì ông nội tên là Hải Đáp Nhi (đây là phiên âm Trung Quốc gọi tên Ả-rập "haidar"), có giả thuyết khác thì cho rằng gia đình ông là người Trung Quốc sống lưu tán. Nhưng khi ông làm quan, Hải Thụy không nhắc nhiều tới thân phận và nguồn gốc gia đình nhiều về giả thuyết gốc gác Hồi giáo đó mà ông khẳng định là một nhà Nho và các phe cánh không ủng hộ ông cũng không đề cập tới gốc gác này để chỉ trích ông sau này. Rõ ràng, nguồn gốc Hải Thụy không phải là người quý tộc mà xuất thân có phần hàn vi, không phải người Hồi giáo, có thể là dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Mặc dù ông có tên tự (người quý tộc đặt khi trưởng thành), có tên chữ (Hải Thụy tên chữ Nho là Nhữ Hiền), nhưng khi xét đến mẹ của ông tên Tạ thị (người đàn bà họ Tạ) thì càng chứng tỏ những tên tự, thụy hiệu đều là tên chữ mà sau này khi ông làm quan được Vua truy phong, chứ trước đó không hề có.
Từ nhỏ, cha ông qua đời khi Hải Thụy còn 3 tuổi. Do vậy, tuổi thơ của ông gắn liền với người mẹ Tạ thị tần tảo nuôi ông trưởng thành. Sống hết tuổi thơ vất vả cùng mẹ ở vùng đất Quỳnh Sơn, Hải Nam (nay là đảo Hải Nam, Trung Quốc). Vùng đất Hà Khẩu này hiện lên trong sử sách Trung Quốc là nơi được các triều đình phong kiến lưu đày tội phạm. Do đó, người dân sinh sống luôn bần hàn, nghèo khổ, sinh khí thì khắc nghiệt. Vào thời nhà Minh, nhờ mấy mẫu ruộng xấu, đánh cá thì rủi ro và nghề may vá thêu thùa của mẹ ông là nguồn sinh kế chủ yếu của gia đình. Tuy nhiên, Tạ thị nuôi dạy Hải Thuỵ rất chu đáo và nghiêm khắc, tự tay dạy học cho Hải Thuỵ. Có thể thấy, cuộc sống khó khăn và tính cách nghiêm khắc của người mẹ là giai đoạn quan trọng đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc đặt nền móng giá trị sống, đạo đức và bản tính cương trực, liêm chính, có phần "quái gở" của Hải Thuỵ sau này. Do đó, cuộc sống gia đình của Hải Thụy lúc về trung niên luôn gặp bất trắc, 2 người vợ lần lượt bỏ ông ra đi vì không chịu được sự nghiêm khắc của mẹ ông. Tuổi già của Hải Thụy thì mất đi con trai nối dõi. Ở Trung Quốc, người dân luôn tâm niệm 3 nỗi đau đớn nhất của đời người khiến cuộc đời họ không có ý nhất là: tuổi thơ mất cha, trung niên mất vợ, về già mất con. Chỉ với một lý tưởng cá nhân, Hải Thụy sống với những nỗi đau gia đình, tuổi thơ "mồ côi" cha, trung niên trở thành "quan phu", về già thì mất con nhưng không có danh từ nào để nói tránh vì nỗi đau đó không thể diễn tả.
Năm Gia Tĩnh thứ 28, Hải Thụy đỗ cử nhân kỳ thi Hương (lúc này ông 36 tuổi), nhưng do không đút lót nên mãi cho đến 4 năm sau thì mới được triều đình cử giữ chức Giáo dụ, một chức học quan cấp thấp ở huyện Nam Bình, tỉnh Phúc kiến. Năm Gia Tĩnh 37 (1558), nhờ đảm nhận chức vụ Giáo dụ tốt và có năng lực, ông được luân chuyển lên làm Tri phủ huyện Thuần An, phủ Nghiêm Châu (một vị trí quan có quyền lực nhưng hạn hẹn so với cấp quan tương ở huyện lỵ vì ở huyện này vốn là nơi nghèo khổ nhất phủ). Nhưng với tính tình cương trực, cách làm việc quyết liệt, Hải Thụy đã chỉnh đốn việc cai trị, giảm nhẹ những khoản đóng góp của dân chúng, vừa khuyến khích sản xuất canh tác nên Hải Thuỵ được người dân yêu mến, tiếng tăm của Hải Thụy cũng có "tiếng lành đồn xa" tận tới kinh thành.
Thường được biết Hải Thụy là kẻ "không sợ trời, không sợ đất", ông ngang nhiên chống lại uy quyền của tể tướng đương triều Nghiêm Tung, đại thần Hồ Tôn Hiến (dòng dõi thứ 34 của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào). Hơn nữa, Hải Thụy trực tiếp lên án lũ quan lại địa phương nịnh hót, xa hoa, và những luật bất thành văn nhằm cung kính vật phẩm, bệ đỡ quan trên khiến nhân dân trăm bề khổ cực. Trên hết, ông còn trực tiếp trình tấu sớ phê phán cách cai trị của hoàng đế Gia Tĩnh là nguyên nhân khiến triều đình nhà Minh sa sút và từ đó tạo cơ hội cho các quan thực hiện mưu đồ hối lộ, và nhận hối lộ khiến triều đình diễn ra nạn hủ bại. Ông phê phán toàn bộ tập đoàn quan lại mà không cần dựa vào phe cánh nào, chỉ dựa vào lý luận, quy chế đương thời. Ông làm việc và nói chuyện khô cứng, dựa vào quy định của triều đại và lý tưởng giáo lý cũ kỹ của lịch sử truyền thống để sống, do đó phần nào cũng là kẻ không thức thời.
Rõ ràng, con người Hải Thụy muốn trở thành anh hùng hào kiệt đương thời dựa trên một lý tưởng cao đẹp có trong sử sách. Nó được ghi chép trong lời thánh hiền, trong bút tích của Tứ Thư, Ngũ Kinh và đạo lý truyền thống của dân tộc Trung Quốc, một vài giá trị văn hóa chính trị của nền cai trị phong kiến, nét đặc sắc trong quy định của người sáng lập triều đại nhà Minh (vốn tư tưởng thuần túy thuộc về nông dân). Đó toàn là những thứ không có giá trị thực dụng. Từ tư tưởng lý luận cho đến thực hiện hành động thì hoàn toàn khác xa, nó khiến Hải Thụy thành kẻ khác người, người trong sách thì chỉ là để làm biểu tượng. Hải Thụy hoàn toàn bị cô lập trong giới chính trị, cuộc sống xã hội, gia đình thì bế tắc. Nhưng với lý tưởng của Hải Thụy vẫn là điểm tựa rất lớn cho một điểm sáng được coi như biểu tượng, vì vậy đến khi ông chết, người dân các huyện ông làn quan đều mặc tang phục trắng để tang ông 3 ngày, xe tang đi đến đâu thì người dân theo tới đó. đoàn người kéo dài tới hơn trăm dặm, họ gọi ông là bậc phụ mẫu trong lòng người dân, suy tôn là "Hải Thanh Thiên", được thần thánh hóa qua nhiều câu chuyện đối đấu với vua Gia Tĩnh, quỷ thần được nhân dân truyền tụng muôn đời.
Triều đại nhà Minh - sân khấu mới, nền chính trị cũ
Người sáng lập ra triều đại nhà Minh là vị thủ lĩnh phái Minh giáo, là người nông dân tên Chu Nguyên Chương. Khai quốc đế vương là một người áo vải, ông giống như Lưu Bang thời nhà Hán, bậc đế vương xuất thân thấp hèn. Chu Nguyên Chương từng xuất gia cửa Phật và tham gia các giáo phái khác nhau bề ngoài học đạo, bên trong thực chất mưu đồ chính trị nhằm chống lại nhà Nguyên. Sau khi chiến thắng quân Nguyên, ông xưng đế đổi niên hiệu quốc gia thành Đại Minh, Trung Quốc chính thức có triều đại kế tục trong sân khấu chính trị, đưa Trung Nguyên quay trở lại dưới sự cầm quyền của dân tộc Hán. Chu Nguyên Chương làm vua hơn 30 năm, thực hiện nhiều cải cách quốc gia đại sự trong nông nghiệp hướng đến người dân, "lấy dân làm gốc". Ông cải tổ bộ máy quan lại có phần hà khắc, xây dựng hệ thống chuẩn hạnh cho quan lại nghèo khổ và giàu lòng thương yêu nhân dân. Những cải cách này đều từ xuất thân là nông dân nghèo khổ bị hà hiếp bởi quan lại kể từ khi còn hàn vi của ông. Điều này đã sinh ra một hệ thống tiền lương bổng lộc cho quan lại với mức lương vô cùng thấp, nhưng quyền lực vẫn duy trì rất lớn. Đây là nguyên nhân chính gây ra nạn hủ bại, nhưng chưa phải nguyên nhân quan trọng nhất.
Vòng tuần hoàn chính trị phong kiến được Khổng Tử xây dựng trên thuyết "Thiên Mệnh". Ứng với đó, ban đầu triều đại Minh, Chu Nguyên Chương xây nền móng bằng quốc pháp, sau đó các vị vua kế nhiệm là Chu Doãn Văn; Chu Đệ - Minh Thành Tổ đưa nhà Minh tới đỉnh cao quyền lực; .... Khi thời kỳ đỉnh cao đi qua, cũng chính là lúc quyền lực dẫn đến sự hủ bại và đưa vị quân vương đời sau ngày càng thoái trào. Cho đến thời kỳ Hoàng đế thứ 12 nhà Minh, tức Minh Thế Tông - Gia Tĩnh thì ông làm vua hơn 45 năm, cố gắng cứu vớt bằng việc chỉnh đốn lại triều cương, đưa nhà Mình vào thời kỳ ổn định tạm thời, sử gọi là "Trung hưng cục diện", nhưng có điều càng về già vua Gia Tĩnh (tức 12 năm nắm quyền sau) càng say mê quyền lực, ham thú của lạ, bỏ bê chính trị dẫn đến tình trạng tham nhũng hoàng hành, hủ bại khắp nơi. Chính 12 năm này chính là giai đoạn bước vào "bức rèm tối tăm" của "sân khấu chính trị" triều đại nhà Minh, là "giấc chiêm bao" báo hiệu cho việc vua Sùng Trinh (vị vua cuối cùng nhà Minh sau này) treo cổ trên gốc cây tại ngọn đồi đằng sau Tử Cấm Thành.
Từ khi Gia Tĩnh Đế kế vị ngai vàng, quyền lực trong triều đình nhà Minh trên thực tế bị chia làm 3: Hoàng đế 1 phần, 2 phần còn lại do hoạn quan và văn quan thao túng. Sau khi làm Hoàng Đế, ông quyết liệt áp chế hoạn quan can chính, triệt tiêu nhiều quyền hành, cho lưu đày hoặc bắt phải về quê nghỉ hưu. Đối với văn quan, qua cuộc đại lễ nghị về việc ban danh vị cho cha mẹ, Gia Tĩnh Đế đả kích tập đoàn văn quan, từ đó nảy sinh sự mâu thuẫn vua tôi, ép các văn quan phải nhận đả kích về "tam cương, ngũ thường" buộc họ phải nép mình trong quyền lực. Do đó, Gia Tĩnh tạm thời chế áp được quyền lực đám quần thần nhưng sau này việc bỏ bê chính sự đã làm đám quan lại ngày càng có quyền lực hơn.
Hải Thụy làm quan dưới thời vua Gia Tĩnh, nhưng phần lớn thời gian là bắt đầu diễn ra hủ bại ngày một nhiều. Trong triều đình thời Gia Tĩnh có hai phe quan lại nắm quyền rất lớn, một bên là do cha con Nghiêm Tung thao túng, bên còn lại thì ngấm ngầm phản đối nhưng yếu ớt. Tiếng xấu của Nghiêm Tung và bè đảng là bọn Hồ Tôn Hiến lấn lướt quyền lực vua và quan lại trong triều. Điều này tạo ra nhiều sự nghi kỵ và ngấm ngầm tìm cách lật đổ bè đảng lớn này, thậm chí là cả phía vua Gia Tĩnh. Có thể thấy, sự đối đầu trong triều đình tại lịch sử phong kiến Trung Quốc có nhiều giả thuyết, nhưng phần đông học giả đều cho rằng đây là cách cai trị của bậc đế vương. Họ thường để triều đình chia làm 2 phe trong sự kiểm soát, đối trọng lẫn nhau để "ngư ông đắc lợi" nhằm phân hóa và giải giáp quyền lực phía quần thần.
Sau vụ án ở huyện Thuần An, nơi Hải Thụy làm quan xét xử con của Hồ Tôn Hiến làm loạn và vi phạm quốc pháp. Vị quan Từ Giai (phe chống lại Nghiêm Tung) biết việc, liền nói đỡ cho Hải Thụy trước mặt vua Gia Tĩnh, từ đó tình bạn của Từ Giai - Hải Thụy có phần tốt đẹp trong chốn quan trường. Điều này là dễ hiểu khi thời kỳ phong kiến luôn cho rằng, việc đấu đá nội bộ luôn có hai trạng thái đối nghịch rõ ràng là một là phe kia, hoặc là phe tôi. Mặc dù Hải Thụy chỉ làm đúng, nhưng việc chống lại Hồ Tôn Hiến khiến phe cánh Từ Giai có lợi thế, cũng tức là phe của bên còn lại.
Đáng chú ý, cơ cấu kiểm soát quyền lực của triều đại nhà Minh đối với các vị quân vương đó là bộ luật được "cũ kĩ" do Chu Nguyên Chương soạn ra. Đó là một trong nguyên nhân lớn dẫn tới hủ bại của triều đại, vì Minh Thái Tổ coi thường quan lại, xem họ có trách nhiệm phục vụ nhân dân nhiều hơn là cai trị theo lối quan phụ mẫu (cha mẹ của nhân dân). Tư duy cai trị nông dân của Chu Nguyên Chương kìm hãm rất lớn tới đời sống tập đoàn quan lại, vốn ăn sâu vào lối tư duy phong kiến. Hiện thực phong kiến đó là, làm quan để phát tài, làm quan để thay đổi số mệnh con cháu sau này, họ xem trở thành quan để làm giàu, tức là đổi đời, chứ không phải để nghèo hơn. Thực tế là triều đại nhà Minh thì làm quan dựa vào lương bổng rất nghèo, người làm quan nhị phẩm (Hữu đô ngự sử - công việc giám sát quan lại) trong triều không bằng những thương nhân buôn bán ngoài huyện lỵ. Trong khi đó quyền lực chính trị và quan hệ xã hội giữa giới quan chức địa phương - trung ương, cấp trên - cấp dưới, và một nền văn hóa chính trị cổ hủ "ăn sâu, bám rễ" không hề thay đổi, vậy thì tiền nào để họ duy trì sự thanh liêm. Điều này sản sinh ra một căn bệnh của cả một hệ thống, "đường dây" tham nhũng với nhiều cấp bậc.
Rõ ràng, căn bệnh hủ hóa trong triều đại nhà Minh đã bám rễ trong chế độ. Đây là căn bệnh của chế độ phong kiến, khi quyền lực tuyệt đối của nhà Vua là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến hủ hóa, mặt khác, đó là những chính sách bó hẹp đời sống quan lại trong khi mở rộng quyền lực của họ. Điều đó khiến giới quan lại thực hiện hành vi lộng quyền, sử dụng quyền lực chính trị thâu tóm kinh tế để sống xa hoa, làm rạn nứt nền tảng xã hội. Bối cảnh này đặt ra cho Hải Thụy phải có trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với đất nước nhằm giải quyết các nhu cầu của nền chính trị hủ hóa để góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình xã hội. Nhưng cách làm của ông đã khiến triều đình phong kiến "đau đầu".
Căn bệnh chế độ, nỗi đau Hải Thụy
Ban đầu, Hải Thụy được luân chuyển làm quan tại nhiều vị trí khác nhau, từ chức "hữu danh vô thực" đến quan bậc nhị phẩm, hầu triều với Vua, ... thậm chí là tới các địa phương khác nhau. Dù ở bất kỳ vị trí nào, ông luôn thể hiện sự kiên định trong việc tuân thủ nguyên tắc đạo đức và liêm chính. Đi đến đâu, các quan tham nhũng đều nghe danh Hải Thụy đều khiếp sợ, đó là điều mà sau này người dân truyền miệnh qua nhiều thế hệ mang theo những câu chuyện có sắc thái huyền thoại. Những hành động quyết liệt của ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, nhưng đồng thời cũng khiến ông gặp nhiều bất trắc trong con đường quan lộ, và cuộc đời.
Khi con trai của Hồ Tôn Hiến đến huyện Thuần An, ỷ thế gia đình đã gây chuyện thị phi, hành hung dịch thừa, Hải Thuỵ đã tống giam và lột sạch toàn bộ tiền bạc trên người, lại còn gửi thư cho Hồ Tôn Hiến ca ngợi công lao mệnh quan triều đình và đặt yêu sách không thể không xử lý đứa con ngỗ nghịch của vị quan họ Hồ. Nhận được thư, Hồ gia giận lắm nhưng không có đủ lý lẽ, và có phần đã nghe tiếng tăm Hải Thụy là "người cứng đầu", là kẻ "không sợ trời, không sợ đất", làm nghiêm phép nước, nên ông có phần kiêng dè và hết sức thận trọng. Vụ án này của vị quan nhỏ huyện Thuần An chống lại Hồ Tôn Hiến đến tai Từ Giai (có lợi cho phe đối trọng), và từ đây con đường quan lộ của ông có phần rộng mở. Có thể nói, đây là sự việc đầu tiên mà Hải Thụy đứng ra chống lại sự hủ bại một cách công khai, trực tiếp và không hề nể sợ, trong khi Hồ Tôn Hiến là bè đảng của tể tướng Nghiêm Tung - mệnh quan trụ cột trong triều đình.
Nhờ có sự "chống lưng" của Từ Giai đã giúp Hải Thuỵ mở rộng con đường quan lộ. Ông coi trọng Từ Giai vì tiếng tăm của Từ Giai trong triều nổi tiếng liêm khiết và coi thường tiểu nhân. Sau khi Từ Giai lật đổ bè đảng cha con Nghiêm Tung thì Hải Thụy cũng được Từ Giai nâng đỡ trở thành mệnh quan triều đình dưới "cái bóng" của Từ Giai. Cái lý của Hải Thụy có phần trẻ con, ông giữ nguyên quan niệm "thiện - ác", người tốt là bậc anh hùng, còn kẻ tiểu nhân thì mãi mãi là người xấu. Trên thực tế, trong chính trị thì không hề có ranh giới giữa tiểu nhân và bậc chính nhân quân tử. Mọi nhận thức và lòng người đều thay đổi, như Hán Cao Tổ - Lưu Bang từng nhận xét về các công thần của mình một cách đau lòng: "lòng người là thứ khó đoán nhất", Trương Lương nghe thấy vậy liền cáo lão về quê nhận ra Lưu Bang ở huyện Bái đã thay đổi khi trở thành bậc đế vương thiên hạ. Đó là điều cơ bản, vậy là Hải Thụy không nhận ra quy luật triều chính.
Hải Thụy luôn tâm niệm, Thái Tổ Hồng Vũ - Chu Nguyên Chương là vị vua lập nên triều đại, là vua nên "không nói chơi", vậy những pháp lệnh do Thái Tổ quy định, tất sẽ phù hợp với lý tưởng của thánh nhân, vậy phải kiên quyết chấp hành, giữ nguyên giá trị. Hải Thuỵ không hề nghĩ tới những thay đổi của thời đại, của vạn vật và của con người. Hơn hết thì Chu Nguyên Chương cũng chỉ là kẻ nông phu áo vải dấy binh khởi nghĩa đoạt thiên hạ, vì thế những lý luận có tính bao đồng cho số đông người dân nhằm mưu toan lấy lòng thiên hạ. Lý luận đó chỉ mang tính biểu tượng để khẳng định tính chính đáng của nền chế độ mới thay thế. Do đó, Chu Nguyên Chương đề cao "sức dân, lòng dân", "lấy dân làm gốc" nhưng thực tế cũng phải chiều chuộng quần thần để thực thi quyền lực chính trị một cách tuyệt đối. Có điều là chính Chu Nguyên Chương xuất thân bần hàn lại căm ghét bọn quan lại lộng quyền, do đó những chính sách cư xử, bổng lộc mang tính hà khắc. Nhìn chung là hầu hết lý luận của Chu Nguyên Chương chỉ cao đẹp về mặt lịch sử và chính trị, còn thực tế thì không ai áp dụng, nhưng vì là vua sáng lập triều đại nền hậu chủ sau này không dám xóa bỏ. Vậy mà có người như Hải Thụy vì lý tưởng đó mà lấy làm mục tiêu cho hành động.
Với lý tưởng của mình, Hải Thụy công khai chống hủ bại, không kiêng nể bất cứ ai, ngay cả đồng liêu giúp đỡ là Từ Giai. Sau khi đến nhận chức tuần phủ Ứng Thiên, Hải Thuỵ đã nhìn Từ Giai bằng con mắt khác. Vì lúc đến nhận chức, Hải Thuỵ đã phát hiện ra vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất ở địa phương này, như hương thân hào cường đã chiếm dụng phần lớn đất đai, người cày không có ruộng, thuế má nặng nề, đương nhiên nông dân muốn lấy lại số đất đai đó. Nghe nói có đại lão gia thanh liêm không sợ cả hoàng đế là Hải Thuỵ đến, những người nông dân khốn khổ không biết kêu ai, đã tấp nập kéo tới tố cáo với Hải Thuỵ, nghe nói chỉ riêng huyện Hoa Đình phủ Tùng Giang (Thượng Hải ngày nay) đã có hơn vạn nông dân đến tố cáo. Huyện Hoa Đình phủ Tùng Giang là quê hương của Từ Giai và Từ Giai cũng chính là tên đại địa chủ xâm chiếm đất đai của nông dân nhiều nhất, bị các hộ nông dân căm ghét nhất. Từ Giai sống trong một đại gia tộc, nhiều đời sống chung, nên bao gồm mấy ngàn thành viên. Số đất đai họ chiếm hữu vô số, nghe đã thấy kinh, có người nói là hai mươi tư vạn mẫu, có người khác nói là bốn mươi vạn mẫu. Đất đai nhiều như vậy, đương nhiên không phải là thành quả gia tộc họ lao động mà có, chỉ có thể là của cưỡng bức, cướp đoạt. Từ đó, Hải Thụy đã mâu thuẫn với Từ Giai bắt đầu nảy sinh. Vốn trong suy nghĩ, Hải Thụy coi Từ Giai là bậc anh hùng quân tử, tức là cũng là người liêm khiết như mình trong triều đình, vì có công dẹp bè đảng của Nghiêm Tung. Nhưng khi nghe tin gia tộc Từ Giai lộng quyền ở địa phương, thì như "sét đánh bên tai" khiến Hải Thụy đau khổ. Hải Thuỵ thấy khó chịu, như có gai trong mắt, hơn nữa việc đó còn va rất mạnh vào nguyên tác của Hải Thuỵ: Tức là không phù hợp với lí tưởng – mong có một xã hội giàu nghèo không chênh lệch là bao, không phù hợp với tiêu chuẩn chính trị – liêm khiết vì công, giữ gìn kỷ cương, tôn trọng pháp luật của Hải Thuỵ, đương nhiên Hải Thuỵ không thể nhẫn nhịn và tha thứ. Kết quả cuối cùng của sự việc là: Con cả, con thứ của Từ Giai và hơn chục hào nô bị xử xung quân, con thứ ba bị cách quan, có đến tám, chín phần trong số mấy ngàn gia nô cho đi chỗ khác, hơn một nửa sô ruộng đất của nông dân từng bị cướp đoạt được hoàn trả.
Thực tế thì ngay từ đầu Hải Thuỵ đã bị cuốn vào cuộc đấu tranh bè phái, có điều, Hải Thuỵ không hề biết. Hải Thuỵ vừa là người bị hại trong đấu tranh và cũng là người được lợi trong đấu tranh. Mấy lần thăng quan và bãi quan của Hải Thuỵ, trừ một lần vì đắc tội với hoàng đế, còn lại đều liên can đến cuộc đấu tranh bè phái này. Lần thăng quan đầu tiên, từ tri huyện Hưng Quốc điều lên là chủ sự bộ Hộ, vì Nghiêm Tung bị đổ và Hải Thuỵ từng phản đối bè đảng của Nghiêm Tung, lần thăng quan thứ hai, vì được Từ Giai tiến cử và Từ Giai phản Nghiêm, Hải Thuỵ lại bị bãi quan, vì Trương Cư Chính chủ chính, mà Hải Thuỵ lại không cùng phe với Trương; lần thứ ba được phục hồi, vì Trương Cư Chính đã mất và bị hỏi tội. Nhưng Hải Thuỵ không nghĩ tới sự liên quan giữa thời cục biến đổi và sự thăng nhiệm của mình. Hải Thuỵ luôn nghĩ, đó là kết quả đấu tranh giữa thiện và ác trong đạo đức: bản thân được trọng dụng vì chính khí vượt trội, bản thân bị phế truất là tà ác chiếm thượng phong. Vì vậy Hải Thuỵ dựa vào những suy nghĩ đơn giản của mình về Nhị nguyên luận thiện ác, để phán đoán đúng sai, quyết định làm tiếp hay dừng: Là thiện thì nên ủng hộ, là ác phải phản đối, bất kể đối phương thuộc phe phái nào, bất kể giữa mình và họ có ân hay oán.
Việc Hải Thụy ra tay với Từ Giai đó chỉ là dựa theo nguyên tắc của Hải Thụy. Vô hình trung, việc làm này đẩy triều đình nhà Minh rơi vào tay các đại thần khác mà chủ trì là phe cánh hoạn quan Phùng Bảo có cơ hội vươn lên bù đắp vào khoảng trống quyền lực sau đó. Vì khi vua Vạn lịch còn 9 tuổi đã giao cho Cao Củng nhiếp chính, nên ông ta ghét những bậc công thần như Từ Giai của tiền chủ trước, nên việc Hải Thụy ra tay trừng trị nạn tham nhũng của gia tộc Từ Giai được Cao Củng chủ trì. Nhưng sau đó không lâu, chính Hải Thụy tiếp tục chống tham nhũng ngay cả với Cao Củng khi dâng sớ trách cứ mạnh mẽ Tề Khang, nói mục đích Tề Khang hạch tội Từ Giai là để Cao Củng được nắm quyền, Tề Khang là loài “ưng khuyển”, tay sai của Cao Củng, là kẻ “chỉ biết đến tước lộc của mình, không lo cho sự an nguy của thiên hạ”, vì vậy Cao Củng phải bãi quan, Tề Khang phải cáo bệnh từ chức.
Nhìn chung, Hải Thụy đắc tội hết với toàn bộ tập đoàn quan lại. Với một chế độ quan lại phong kiến có đủ quyền lực và khả năng tham nhũng gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực lỏng lẻo như vậy, khó có thể có ai giữ vững tấm lòng liêm khiết. Hải Thụy tưởng rằng điều đó, nên lấy đạo lý ra làm nguyên tắc, soi xét những lỗi lầm của tập đoàn quan lại. Hải Thụy chỉ nhìn mặt xấu, dựa vào cái xấu để ra tay trừng trị theo pháp luật, không nể tình riêng. Từ đó, hàng loạt bậc quan lớn trong triều đình lần lượt bãi quan. Nhưng những nỗ lực này vốn không thể ngăn được căn bệnh quyền lực đã tuột khỏi lồng cơ chế kiểm soát trong chế độ phong kiến. Vì chính quyền lực được xây dựng mạnh mẽ cho tập đoàn quan lại để bảo vệ vị vua chuyên chế có quyền sinh, quyền sát, "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung". Hải Thụy được đà, với tích cách đó, ông tiếp tục dâng sớ tấu trình lên vua Gia Tĩnh. Lần đầu tiên có vị quan dám dâng sớ vạch tội Vua, không hẳn mang tính can gián. Hải Thuỵ chỉ rõ, về “thiên chất anh minh quả đoán” thánh thượng hơn hẳn Hán Văn đế Lưu Hoàn, nhưng về nhân đức chính tích, thánh thượng lại kém xa Hán Văn đế. Hán Văn đế sáng tạo nên “Văn Cảnh chi trị” nổi tiếng trong lịch sử, còn cục diện thánh thượng sáng tạo là “quan tham hoành hành, dân hết đường sống, thuỷ tai triền miên, giặc cướp khắp nơi”. Vì sao lại như vậy, vì hoàng đế hôn dung đa nghi, cứng rắn tàn nhẫn, ích kỷ hư vinh, tức là hôn quân, bạo quân. Hải Thuỵ còn chỉ rõ, nhìn từ góc độ chính trị, Gia Tĩnh không phải là một vị vua tốt, nhìn từ góc độ luân lý cũng không phải người đàn ông tốt. Nếu cân nhắc từ “tam cương” – quân thần, phụ tử, phu thê, thì hoàng đế phải là mẫu mực về đạo đức của toàn thể thần dân thiên hạ. Đằng này, bệ hạ lại chưa đủ “nhất cương”: Hoài nghi, mắng chửi, giết hại thần liêu bừa bãi, không đáng là vua; đối với con đẻ không hề giáo dưỡng, không thèm nhìn mặt, không đáng là cha; không ở cùng hoàng hậu, trốn ở Tây uyển luyện đan, không đáng là chồng. Chẳng trách khắp trăm họ thần dân trong thiên hạ từ lâu đã cho rằng bệ hạ không đúng! Chẳng trách, trăm họ đã lấy niên hiệu của bệ hạ để biểu hiện lòng bất mãn với bệ hạ, họ nói, Gia Tĩnh, Gia Tĩnh” cái gì, tức là “nhà nhà đều tịnh” (chẳng có một thứ gì)! Tấu sớ thế này quả khó giữ mạng sống cho nên Hải Thụy đã dặn người nhà lo liệu hậu táng. Quả thực, vua Gia Tĩnh chửi ngay sau khi đọc tấu trình "bắt thằng cha đó lại". May thay được Từ Giai nói giúp nên chỉ bị tống vào ngục. Một thời gian sau vua Gia Tĩnh băng hà thì hoàng đế Long Khánh lên ngôi, Hải Thuỵ được ra ngục. Rất mau chóng, Hải Thuỵ được phục chức, thăng quan liên tiếp, lên các chức hàm. Đây có thể là cách làm lấy lòng dân của vua Long Khánh khi mới lên ngai vị. Do đó, Hải Thụy được sắp xếp chức quan "hữu danh vô thực". Theo suy nghĩ của nội các và bộ Lại, cách sắp xếp tốt nhất với Hải Thuỵ là để Hải Thuỵ đảm nhiệm chức vụ chức hàm cao nhất, quyền lực ít nhất, Hải Thuỵ còn sống mà như khối đá trong miếu đường. Như vậy là hợp với mọi người cũng như với bản thân Hải Thuỵ. Vì tinh thần của Hải Thuỵ rất đáng hoan nghênh nhưng cách làm của Hải Thuỵ không mang lại hiệu quả. Nếu mọi người đều giống như Hải Thuỵ, bỗng dưng nói thẳng phạm thượng, có những lời phê bình gay gắt, không thể tiếp thu, thì thể thống triều đình sẽ ra sao, thể diện quan phủ sẽ như thế nào? Một vị quân chủ và thời đại sáng suốt nên cho mọi người có quyền được nói, nhưng sự sáng suốt này cũng chỉ là thứ trang sức, thứ điểm xuyết, không thể là đúng cách và việc dâng thư như kiểu Hải Thuỵ cũng chỉ lần một, lần hai, không thể có lần thứ ba. Hơn nữa, một người như Hải Thuỵ dám mắng chửi cả hoàng đế thì dù bố trí ở đâu cũng chỉ có hại, thêm phiền hà.
Có thể nói, trong triều đình phong kiến tập đoàn quan lại "toan tính sâu xa, âm mưu nham hiểu" thì Hải Thụy với tính cách "ngây thơ" là cơ hội cho chúng lợi dụng. Họ phơi bày cho Hải Thụy những bằng chứng mà đôi khi là chỉ cần đưa Hải Thụy vào vị trí cần thiết để tạo cho Hải Thuy "cơ hội" tìm cách xét xử tội lỗi của các bậc nguyên huân công thần nhằm lật đổ họ. Thực tế sau này, sau hàng loạt vị quan nhiếp chính cho vua như Cao Củng, Trương Cư Chính đều bị Hải Thụy vạch tội, người bị bãi quan, xét xử thì khoảng trống quyền lực được tạo ra cần bù đắp cho một vị hoạn quan tham nhũng khét tiếng lũng đoạn triều chính là Phùng Bảo sau này.
Kết luận
Con người Hải Thụy sinh ra không đúng với thời đại và đi ngược lại với văn hóa. Với một văn hóa quan lại đã hình thành "thâm căn cố đế", Hải Thụy đột nhiên xông tới và thẳng tay trừng trị, trở thành người cố chấp và khô cứng. Bình phong bảo vệ cho Hải Thụy chỉ là những giáo lý của thời sơ nguyên, của đạo của bậc quân tử trong sử sách, hầu hết đó là lý tưởng. Vậy mà, Hải Thụy sống chết cũng phải bảo vệ lý tưởng đó. Nhưng Hải Thụy không hiểu rằng, chính lý tưởng đó xuất phát từ bản thân của chế độ phong kiến, khi mà quyền lực tối cao do vị quân chủ chuyên chế độc tài, độc quyền nắm quyền sinh, quyền sát. Chính thứ quyền lực không được kiểm soát và tuyệt đối là nguyên nhân dẫn đết sự hủ bại tuyệt đối. Những lý tưởng mà Hải Thụy theo cũng chỉ để bảo toàn quyền lực cho vị quân chủ. Vì thế, khi quân chủ sa đọa thì cả nền chính trị đất nước đều thoái hóa. Thậm chí, bản thân chế độ chuyên chế là sự hủ bại lớn nhất, tội ác lớn nhất. Những việc như, tư nhân xâm phạm lợi ích công chúng, chiếm đoạt sức lao động của người khác, cưỡng gian dân ý, chà đạp nhân quyền, tuỳ ý chém giết… luôn được chế độ chuyên chế coi là hợp pháp. Một khi không vui hay bực tức, quân vương có thể lấy mạng hay tịch thu gia sản người khác, không có mặt nào là không bằng lũ cướp biển, đoạt tài hại mệnh. So ra, việc làm lớn bé của bọn tham quan ô lại có thấm vào đâu! Cách làm của Hải Thụy không hiệu quả, chỉ là "con cừu" trong "các con sói", nhưng chỉ vì là "con cừu" duy nhất nên không "con sói" đói bụng nào dám ăn, nên chỉ để dành làm mồi nhử. Dựa vào lý lẽ của đạo lý bảo vệ cho vị quân chủ, tập đoàn quan lại thì có nghĩa lý gì để phá bỏ nó. Cuối cùng, di sản mà Hải Thuỵ để lại chỉ là "vật trang trí", may mắn thay chỉ còn lại một lý tưởng chính trực thuần tuý là cao đẹp cho một con người chính nhân quân tử chính trực, không màng vật chất. Những điều mà cổ vũ cho tinh thần sống vì lý tưởng được Đảng Cộng sản Trung Quốc châm ngòi cho "cách mạng văn hóa", nhưng lại không coi trọng tính cách cá nhân quá mãnh liệt của Hải Thụy. Hình tượng Hải Thụy nên được xem là truyền thuyết, câu chuyên dân gian có yếu tố lịch sử.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất